Học thiết kế đồ họa để làm gì? Nếu bạn đang muốn theo đuổi ngành thiết kế đồ hoạ và cần tìm các thông tin review ngành học này để đưa ra quyết định cuối cùng thì bài viết này là dành cho bạn. Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu tổng quan ngành thiết kế đồ hoạ cũng như học thiết kế đồ hoạ để làm gì qua bài viết dưới đây.
Thiết kế đồ họa đang là một trong những ngành học nhận được sự quan tâm của nhiều bạn trẻ. Ngành thiết kế đồ hoạ yêu cầu khả năng thẩm mỹ cao và ý tưởng sáng tạo độc đáo, môi trường thoải mái năng động và không quá nặng lý thuyết như những ngành học khác. Đồng thời đây còn là ngành học mang đến cơ hội công việc rộng mở với mức thu nhập hấp dẫn.
Ngành thiết kế đồ họa là gì?
Ngành thiết kế đồ hoạ là ngành nghệ thuật ứng dụng công nghệ kỹ thuật, đồng thời kết hợp ý tưởng và khả năng thẩm mỹ để tạo ra những sản phẩm phục vụ cho mục đích kinh doanh hoặc các hoạt động xã hội.
Ngành thiết kế đồ hoạ là ngành học có tính ứng dụng công nghệ cao, hầu hết đều thực hiện công việc trên phần mềm hỗ trợ. Bên cạnh đó, đây là ngành học đòi hỏi tính sáng tạo và khả năng thẩm mỹ cao để tạo ra các sản phẩm dựa trên xu hướng thiết kế hiện đại. Các ấn phẩm này được sử dụng nhằm mục đích truyền thông cũng như truyền tải các thông điệp truyền thông phù hợp đến công chúng.
Ngành thiết kế đồ họa cần học những gì?
Ngành thiết kế đồ hoạ là ngành yêu cầu kết hợp giữa ý tưởng sáng tạo và phần mềm hỗ trợ thiết kế thông minh. Ngoài các kiến thức nền tảng như kiến thức về nghệ thuật; phương pháp thiết kế đồ họa, mỹ thuật; nguyên tắc thị giác; nguyên tắc xây dựng bố cục để lên ý tưởng, thiết kế, sử dụng và phối màu,… từ cơ bản đến nâng cao.
Bên cạnh đó, bạn còn phải học và sử dụng thành thạo các phần mềm thiết kế phổ biến hiện nay như Adobe Photoshop, Adobe Illustrator, Adobe Premiere, Adobe Indesign, CorelDraw, After Effect, 3D Max,… Đồng thời, sinh viên theo học ngành này còn được trang bị kiến thức về xu hướng phát triển đồ họa của thế giới để nắm bắt và cập nhật liên tục.
Sau khi tốt nghiệp ngành thiết kế đồ hoạ, sinh viên có thể vận dụng tốt giữa mỹ thuật truyền thống và thiết kế thương mại để ứng dụng hiệu quả trong công việc.
Review ngành thiết kế đồ họa
Ưu điểm của ngành thiết kế đồ hoạ
- Trí tuệ và tư duy sáng tạo.
- Phù hợp với mọi giới tính, độ tuổi.
- Cơ hội việc làm rộng mở và luôn được săn đón ở các vị trí khác nhau với mức thu nhập hấp dẫn.
- Thời gian làm việc hiện đại, linh động và thoải mái, không bị gò bó.
- Địa điểm làm việc không giới hạn khi chỉ cần trang bị máy tính cấu hình cao, phần mềm phù hợp và những thiết bị hỗ trợ,… người làm trong ngành thiết kế đồ hoạ có thể bắt tay vào làm việc dù ở bất kỳ đâu.
- Công việc sáng tạo, không bao giờ nhám nhàn.
- Môi trường làm việc trẻ trung và năng động, luôn cập nhật những xu hướng mới mỗi ngày.
Nhược của ngành thiết kế đồ họa
Khi theo đuổi ngành thiết kế đồ hoạ, các bạn trẻ nên chuẩn bị trước tâm lý và tìm hiểu những nhược điểm của ngành này như:
- Luôn phải cân nhắc đến thị hiếu người dùng và tiêu chuẩn khắt khe của xã hội nên người làm ngành thiết kế đồ hoạ phải sáng tạo trong khuôn khổ.
- Luôn phải có ý tưởng mới, gu thẩm mỹ tốt và cập nhật xu hướng liên tục.
- Không tránh khỏi việc thường xuyên làm việc ngoài giờ để mang đến sản phẩm hoàn thiện nhất đến tay người dùng.
- Yêu cầu phải có khả năng giao tiếp tốt để trao đổi với khách hàng thường xuyên, cũng như thấu hiểu khách hàng và truyền tải những nhu cầu đó thành tác phẩm.
- Thường xuyên bị hối thúc và áp lực đến từ việc phối hợp làm việc với nhiều bộ phận khác nhau trong công ty.
- Áp lực công việc cao.
Ngành thiết kế đồ họa thi khối nào?
Dưới đây là những tổ hợp môn xét tuyển ngành thiết kế đồ họa mà các bạn cần lưu ý:
H00: Ngữ văn – Bố cục màu – Hình họa mỹ thuật
H01: Ngữ văn – Toán – Vẽ mỹ thuật
H03: Toán – Khoa học tự nhiên – Vẽ năng khiếu
H04: Toán – Tiếng Anh – Vẽ năng khiếu
H05: Ngữ văn – Khoa học xã hội – Vẽ năng khiếu
A00: Toán – Hóa – Lý
A01: Toán – Tiếng Anh – Lý
A16: Toán – Ngữ văn – Khoa học tự nhiên
C01: Toán – Lý – Ngữ văn
C02: Toán – Ngữ văn – Hóa
C14: Toán – Ngữ văn – Giáo dục công dân
D01: Toán – Ngữ văn – Tiếng Anh
D96: Toán – Tiếng Anh – Khoa học xã hội
Top trường Đại học thiết kế đồ họa hàng đầu hiện nay
Là một ngành học HOT nên Thiết kế đồ họa đã được nhiều trường đại học đưa vào giảng dạy. Tùy vào vị trí, tài chính và năng lực mà các bạn có thể chọn học ngành thiết kế đồ họa dựa theo chương trình đào tạo chính quy dài hạn hoặc các khóa học ngắn hạn tại các trung tâm đào tạo.
Dưới đây là danh sách top trường đại học thiết kế đồ hoạ:
Khu vực phía Bắc
- Đại Học Kiến Trúc Hà Nội
- Đại học Mỹ thuật Công nghiệp Hà Nội
- Đại Học Kinh Doanh và Công Nghệ Hà Nội
- Đại học Mỹ thuật Việt Nam
- Đại học Sư phạm Nghệ thuật Trung ương
- Học viện Công nghệ Bưu chính Viễn thông
- Đại học FPT – chi nhánh Hà Nội
- Đại học Công Nghệ Thông Tin và Truyền Thông – Đại Học Thái Nguyên
Khu vực TP HCM
- Đại Học Kiến Trúc TP HCM
- Đại học Mỹ thuật TP HCM
- Đại Học Sư Phạm Kỹ Thuật TP HCM
- Đại học Công Nghệ TP HCM
- Đại học Công nghệ Sài Gòn
- Đại học FPT – chi nhánh HCM
- Đại học Tôn Đức Thắng
- Đại học Hoa Sen
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại Học Dân Lập Văn Lang
Một số tỉnh, thành khác
- Đại Học Nghệ Thuật – Đại Học Huế
- Đại Học Kiến Trúc Đà Nẵng
- Đại học FPT – chi nhánh Đà Nẵng
- Đại học Duy Tân Đà Nẵng
Học thiết kế đồ họa bao nhiêu tiền?
Mức học phí ngành thiết kế đồ họa tại các trường dao động từ 15 – 25 triệu đồng/học kỳ, tương đương cả năm là 30 – 50 triệu đồng. Các trường đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ đều chú trọng trang thiết bị, mở thêm các khóa dạy kỹ năng, bổ sung các dịch vụ tiện ích,… để đảm bảo sinh viên nhận được nhiều giá trị tương ứng với học phí trong suốt quá trình học tập . Mức học phí các trường có thể thay đổi qua từng năm, nhưng không tăng quá 8% so với học phí chuẩn.
Học thiết kế đồ hoạ để làm gì?
Hiện nay, ngành thiết kế đồ họa ngày càng trở nên quan trọng và mở ra nhiều cơ hội việc làm cho sinh viên theo học ngành này. Sau khi ra trường, sinh viên sẽ làm các công việc liên quan đến thiết kế các sản phẩm ứng dụng trong đời sống. Đó có thể là poster, tờ rơi, pano, màn hình tiếp thị – quảng cáo tại các trung tâm thương mại; logo, bao bì của các sản phẩm chúng ta dùng hằng ngày; bìa sách,… hoặc TVC quảng cáo, video, giao diện website.
Cơ hội việc làm rộng mở của sinh viên ngành thiết kế đồ họa, khi có thể làm việc ở nhiều vị trí công việc khác nhau như:
- Chuyên viên thiết kế ấn phẩm truyền thông như bộ nhận diện thương hiệu, logo, website,…
- Nhân viên thiết kế hình ảnh.
- Nhân viên tư vấn thiết kế.
- Giảng viên thiết kế đồ họa.
- Họa sĩ vẽ truyện tranh.
- Giáo viên dạy sử dụng các phần mềm design hay thiết kế mô phỏng 3D.
- Tự thành lập công ty về các lĩnh vực trên hoặc tư vấn thiết kế đồ hoạ – web.
Ngoài ra, sau khi tốt nghiệp, sinh viên có thể làm việc tại:
- Công ty quảng cáo, công ty thiết kế, công ty kinh doanh, công ty truyền thông và tổ chức sự kiện hay bộ phận truyền thông của công ty doanh nghiệp.
- Công ty thuộc lĩnh vực in ấn
- Xưởng phim
- Các studio nghệ thuật hoặc tự mở studio
- Tòa soạn báo hay các nhà xuất bản
- Đài truyền hình, cơ quan báo chí
- Các trường đại học đào tạo ngành thiết kế đồ hoạ hay trung tâm kỹ năng đồ họa.
Lương thiết kế đồ họa có cao không?
Cùng với mức lương hấp dẫn, ngành thiết kế đồ hoạ mang đến môi trường làm việc thoải mái, năng động, không gò bó. Do đó, đây là ngành học thu hút được sự chú ý của rất nhiều bạn trẻ. Mức thu nhập của ngành thiết kế đồ họa khá cao so với mặt bằng lương hiện nay, dao động từ 8 triệu – 25 triệu tùy vào năng lực.
Xem thêm: Lương cạnh tranh là gì? Cách deal lương hiệu quả khi JD ghi lương cạnh tranh
Tố chất để học thiết kế đồ họa
Khi đã quyết định theo đuổi ngành thiết kế đồ họa, sinh viên ngành này phải có những tố chất cần thiết:
- Có đầu óc sáng tạo, có nhiều ý tưởng và cảm xúc.
- Thích cuộc sống thoải mái không gò bó.
- Có khiếu thẩm mỹ và sự nhạy cảm với những sắc màu, hình ảnh, bố cục,…
- Có năng khiếu vẽ đẹp.
- Sử dụng linh hoạt các phần mềm đồ họa, phần mềm thiết kế.
- Có gu thẩm mỹ cao, có khả năng kết hợp hài hòa màu sắc.
- Có tư duy logic, sâu sắc.
- Luôn yêu cầu sự hoàn hảo và là một người yêu cái đẹp.
- Cần liên tục cập nhật công nghệ mới.
- Ham học hỏi, tìm tòi và giỏi quan sát
Ngoài những tố chất trên, sinh viên theo học ngành thiết kế đồ hoạ luôn phải rèn luyện những kỹ năng mềm quan trọng như sau:
- Đam mê mãnh liệt với các yếu tố thẩm mỹ như màu sắc, hình ảnh, thông điệp thiết kế,… Đây là yếu tố cơ bản của ngành thiết kế đồ hoạ.
- Kỹ năng giao tiếp để nắm bắt được tâm lý và nhận biết nhu cầu của khách hàng, nhờ đó thiết kế những sản phẩm phù hợp yêu cầu và mong muốn của họ.
- Khả năng chịu đựng áp lực: Môi trường làm việc của ngành này khá thoải mái năng động và không phải chịu nhiều quy định về giờ làm như nhân viên văn phòng. Tuy nhiên, sinh viên học ngành này không thể tránh khỏi việc cạn ý tưởng nhưng vẫn phải tiếp tục hoàn thành công việc trước deadline, do đó, nhiều khi bạn còn phải làm việc nhiều hơn 8 tiếng/ ngày, nhất là dịp cao điểm như các dịp lễ, Tết.
- Kỹ năng tự học: Do đây là ngành học luôn phải linh động và nhạy cảm trước xu hướng thiết kế, yếu tố thẩm mỹ và các thông điệp truyền thông,… Đồng thời, đây còn là ngành đòi hỏi cách thức thể hiện mới mẻ, sáng tạo. Do đó, sinh viên theo học ngành này phải có kỹ năng tự học để chủ động cập nhật kiến thức mới.
Một số câu hỏi về ngành thiết kế đồ họa
1. Thiết kế đồ họa không cần học đại học?
Nhiều người chọn học ngành thiết kế đồ hoạ tại các trung tâm đào tạo ngắn hạn từ 6 tháng – 1 năm thay vì hệ Cử nhân trong 4 năm. Như đã chia sẻ ở trên, tuỳ vào khả năng tài chính, vị trí địa lý và nhu cầu của bản thân mà bạn có thể chọn trường học ngành thiết kế đồ hoạ phù hợp.
Các trung tâm đào tạo ngắn hạn thường chỉ tập trung đào tạo giúp học viên sẽ làm được việc ngay sau khi tốt nghiệp. Tính chất ngành thiết kế đồ hoạ luôn không ngừng đổi mới, do đó, sau khi hoàn thành khóa học tại các trung tâm đào tạo, các bạn vẫn phải chủ động tự trau dồi kiến thức để không bị tụt hậu với nghề. Các trường đại học sẽ trang bị nền tảng kiến thức vững chắc và giúp bạn nâng cao kinh nghiệm chuyên ngành và tư duy thẩm mỹ qua nhiều năm học tập.
2. Theo học thiết kế đồ hoạ thì phải biết vẽ đẹp?
Mọi người thường hiểu nhầm rằng ngành thiết kế đồ họa thì phải vẽ đẹp do thường xuyên làm việc với hình ảnh. Kỹ năng vẽ tay sẽ là một lợi thế cho công việc thiết kế đồ họa, tuy nhiên đây không phải là yếu tố bắt buộc. Kỹ năng vẽ tay là yếu tố then chốt khi bạn là họa sĩ, yêu cầu phải biết cách dùng cọ điêu luyện, sở hữu nét vẽ riêng biệt và làm chủ các kỹ thuật tô màu. Việc bạn biết cách lựa chọn, sắp xếp và trình bày các yếu tố thị giác như chữ, màu sắc, hình ảnh và sử dụng phần mềm hỗ trợ thiết kế để truyền tải đúng thông điệp cốt lõi mới là yếu tố quan trọng trong ngành thiết kế đồ họa.
3. Thu nhập ngành thiết kế đồ họa luôn “khủng”?
Để có được mức thu nhập hấp dẫn từ công việc thiết kế đồ hoạ, đòi hỏi bạn phải có năng lực được đánh giá dựa trên các sản phẩm của mình. Đồng thời, bạn phải thành thạo kỹ năng thương thảo để khéo léo đưa ra báo giá phù hợp. Ngược lại, dù sản phẩm của bạn tốt thế nào nhưng nếu thiếu kinh nghiệm thì không tránh khỏi trường hợp chỉ nhận được khoản thù lao chưa xứng tầm.
Xem thêm: Top 10 những công việc lương cao và hot nhất Việt Nam năm 2022
4. Công việc thiết kế đồ họa luôn nhàn hạ?
Ngành thiết kế đồ họa dù chưa bao giờ là công việc nhàn hạ. Ngoài áp lực đến từ nộp sản phẩm đúng thời hạn, để mang đến những sản phẩm hoàn thiện nhất, họ phải sáng tạo nhiều phương án để khách hàng cân nhắc và quyết định. Nếu khách hàng không đồng ý, họ phải sửa đi sửa lại mẫu thiết kế cho đến khi được phê duyệt thì thôi.
Kết luận
Học thiết kế đồ họa để làm gì không còn là nỗi băn khoăn của nhiều bạn trẻ khi đây ngành “hái ra tiền”. Điều quan trọng nhất là các bạn trẻ phải tìm thấy và duy trì được ngọn lửa đam mê để biến khó khăn thử thách trở thành sức mạnh trên con đường sự nghiệp. Trên đây là kiến thức tổng quan về ngành thiết kế đồ họa mà các bạn trẻ nên tìm hiểu kỹ lưỡng trước khi ra quyết định theo học ngành này. Hy vọng qua bài viết của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hình dung cụ thể hơn về ngành học. Chúc các bạn thành công!
Xem thêm: Biên tập viên là gì? Bật mí những kỹ năng cần thiết và cơ hội của nghề này