Tháng 3/2022, lần đầu có suy nghĩ “phải nghỉ việc thôi”, trong Hoài có 2 luồng ý kiến. Một là, công việc tốt và có lương mỗi tháng thế mà lại nghỉ, vậy là không biết ơn thứ mình đang có. Hai là, thực sự mình đang làm gì với đời mình thế này.
5 tháng sau đó, tháng 8/2022, sau rất nhiều băn khoăn, trăn trở và đau khổ, cuối cùng, Hoài chính thức bước ra khỏi công ty. Và đã có một cuộc đời rất khác.
Nghỉ việc chỉ là một bước ngoặt trong hành trình dài đằng đẵng mang tên cuộc đời. Nhưng nó cho bạn cơ hội biết rõ mình là ai, và con đường mình đang đi là gì. Mình viết bài viết này cho những người bạn đang băn khoăn trong suy nghĩ nên nghỉ việc hay không.
Nhãn dán của bạn là gì?
Senior Editor, lương tháng (mấy) chục triệu, làm ở công ty mà ai cũng biết… đó đều là những nhãn dán của mình trong công việc cũ. Khi nghĩ đến chuyện sẽ nghỉ việc, thứ mình sợ nhất, là sẽ đánh mất đi những thứ này. Rằng mình sẽ đói vì không có tiền lương. Rằng mình sẽ không sống nổi vì không có công ty khác thu nhận mình. Rằng, nhìn ngoài kia ai cũng có công việc ổn định, mình mà không có, thì thật là xấu hổ.
Hóa ra, dù là một Gen Z, dù trong đầu luôn có sẵn luận điểm để tranh luận khi có ai đó khuyên “phải ổn định”, nhưng trong tiềm thức, mình cũng níu kéo sự ổn định. Trong tiềm thức, mình vẫn quá sợ hãi những thay đổi, những lần không có bất kỳ nhãn dán nào nữa. Nghỉ việc, mình sẽ là ai? Không là senior editor của một công ty truyền thông, mình sẽ là ai?
Đáp án là, mình có thể là bất cứ ai, chỉ cần biết cách đặt câu hỏi, và trả lời nó cặn kẽ.
Xem thêm: Thất nghiệp không đáng sợ nữa, chỉ cần bạn nhớ 4 điều này
Design Thinking trong sự nghiệp – Mọi thứ đều vô thường, không có một con đường nào là duy nhất
Steve Jobs nói: “Bạn không thể kết nối các dấu chấm bằng cách dự đoán tương lai. Bạn chỉ có thể kết nối các dấu chấm bằng cách nhìn lại quá khứ.” Việc nghĩ về cuộc đời mình như một đường thẳng, tức là bạn đang dự đoán tương lai. Và chúng ta đều không biết rõ ngày mai sẽ có gì.
Trong tư duy thiết kế (design thinking), có 5 bước để bạn giải quyết vấn đề. Đừng nghĩ tư duy này chỉ nên áp dụng cho doanh nghiệp, vì thật ra bạn chính là “doanh nghiệp” cần liên tục làm việc và đưa ra giải pháp cho mình nhất.
Bước 1: Thấu hiểu nhu cầu
Mình nhận ra rất nhiều những trăn trở trong nghề của mình đến từ việc mình không đủ hiểu bản thân. Không phải là tôi sẽ thành bác sĩ hay kỹ sư – một vị trí có tên tuổi rõ ràng, mà giá trị tôi muốn mang lại trong cuộc đời này là gì.
Giá trị có thể là sự tự do, sự khám phá, việc được trò chuyện và kể chuyện – ví dụ từ 3 giá trị của mình. Khi hiểu rõ các giá trị này, bạn sẽ hiểu mình đang ở lại công ty vì mục đích gì. Công ty đang thỏa mãn các giá trị nào và không thỏa mãn giá trị nào của bạn.
Xem thêm: Hãy theo đuổi đam mê có phải là lời khuyên thiếu thực tế?
Bước 2: Xác định vấn đề
Biết được giá trị mình muốn theo đuổi, các vấn đề cốt lõi sẽ thể hiện rõ hơn:
- Bạn muốn tự do, nhưng công việc bắt bạn làm từ 9 giờ sáng đến 9 giờ tối, OT thêm cuối tuần.
- Bạn muốn học hỏi, nhưng công ty không hề nghĩ đến nguồn lực hỗ trợ việc phát triển cá nhân của nhân viên. Bạn cũng không còn học được điều gì (hợp với định hướng của mình) từ các sếp nữa. Bạn đã đạt được tất cả mục tiêu mình đề ra từ đầu và bắt đầu phát triển theo đường ngang chẳng hạn.
- Bạn muốn có nhiều tiền để đi vòng quanh thế giới (thực hiện giá trị khám phá), nhưng công ty trả lương thấp so với thị trường.
Và biết được vấn đề cốt lõi, những thứ “ít là vấn đề” cũng hiện lên. Chẳng hạn, công ty vẫn cho bạn sự tự do, thoải mái học hỏi, nhưng bạn không quá hợp với một đồng nghiệp nào đó, thì đó vẫn chưa là vấn đề lớn (dù bạn vẫn có thể liệt kê và tìm cách sửa nó trong các bước tiếp theo).
Bước 3: Nghĩ ý tưởng
Nghỉ việc là con đường cuối cùng, và đừng nghỉ việc như một cách chạy trốn khỏi các vấn đề. Bởi vì nhiều điều có thể sửa chữa khi bạn ở trong công ty.
Nếu bạn thích tự do, nhưng có một người sếp vẫn thấu hiểu và duyệt phép cho bạn nghỉ để đi du lịch, thì không có lý do gì chỉ vì một lần bị đồng nghiệp trách là “Sao lại đi chơi nhiều vậy” mà bạn phải nghỉ việc.
Còn nếu bạn thích tự do, nhưng công ty vẫn khá gắt gao chuyện nghỉ phép, liệu bạn có cách nào để xử lý việc này? Dùng hết 13 – 14 ngày phép cố định, sẵn sàng nghỉ và không được tính lương ngày ấy, hoặc nói chuyện lại với sếp để họ hiểu cho vấn đề của bạn.
Bạn muốn học hỏi nhưng công ty không có tài nguyên, liệu bạn có thể học thêm điều gì ở đồng nghiệp, đi học khóa học ngoài rồi áp dụng ngược lại trong công việc, hay tự đề xuất việc công ty mời người khác về làm workshop.
Bước 4: Hữu hình hóa ý tưởng
Thử hết tất cả những ý tưởng bạn có.
Bước 5: Thử nghiệm nhiều
Và, nếu nó thực sự không hiệu nghiệm. Thực sự bạn vẫn không thấy các giá trị mình được thỏa mãn, mỗi ngày đi làm là một niềm đau, thì có lẽ đã đến lúc nói lời chia tay.
Ai sẽ đỡ khi bạn ngã?
Nhưng có một điều mình nghĩ nhiều người quên mất khi họ đang băn khoăn về chuyện khi nào nên nghỉ việc. Đó là hệ thống giúp đỡ (supporting network). Khi nghĩ đến việc nghỉ việc, mình sợ nhất là mấy tháng tới sẽ đói. Nhưng lợi thế của mình, lúc đó, là đang sống với gia đình. Và gia đình tạo khá nhiều điều kiện về mặt tinh thần để mình vẫn tiếp tục ở chung. Vậy nên, nỗi “sợ đói” này chỉ là cơ chế sinh tồn, nó không có thật.
Thêm vào đó, vì mỗi tháng mình đều để dành 50 – 60% tiền lương, nên trước khi bước ra khỏi công việc full-time, mình nắm chắc ít nhất trong 1 -1,5 năm tới, mình vẫn không sợ đói.
Công thức có thể là thế này: số tiền tối thiểu bạn cần để sống x số tháng tối thiểu bạn sẽ thất nghiệp. Theo quan sát của mình, trung bình mọi người sẽ mất 1-2 tháng để “chữa lành và hồi sinh” từ công việc cũ, 1 – 2 tháng tiếp theo để đi tìm việc mới. Ví dụ, bạn cần 8 triệu mỗi tháng để trả tiền nhà, tiền ăn, tiền xăng xe, thì có thể trong túi bạn khi nghỉ việc, ít nhất cũng cần có 8×4 = 32 triệu. Đó là chưa kể số tiền bạn đi du lịch, đi spa, thậm chí, đi bệnh viện để chăm sóc sức khỏe hậu nghỉ việc.
Bạn có ai giúp khi bạn ngã, hoặc bạn có thể tự là người giúp mình không?
Xem thêm: Nâng cấp hầu bao với TOP 7 app quản lý chi tiêu phổ biến nhất định phải biết
Cuối cùng, vậy khi nào nên nghỉ việc?
Không bao giờ có công việc hoàn hảo. Nơi tiền lương cao, công việc nhàn hạ, đồng nghiệp hay bạn với sếp chẳng cãi nhau bao giờ. Quan trọng là xác định được giá trị bạn theo đuổi trong, nếu không phải 1 năm, thì là 6 tháng tới. Nếu bạn có 3 giá trị, thì công ty thỏa mãn được 2 trên 3, theo mình, đã là con số ổn. Khoảng 1 năm đầu đi làm, mình cũng OT tới 11 giờ đêm mới về, nhiều hôm cuối tuần vẫn phải sửa bài. Mình chấp nhận, vì đó là cơ hội tốt để mình thỏa mãn được 2 giá trị: khám phá và trò chuyện – kể chuyện.
Khủng hoảng trong giai đoạn muốn nghỉ việc dạy mình rằng, không có đúng sai. Đừng nghĩ công ty là kẻ phản diện, cũng đừng nghĩ bạn là kẻ phản diện. Nếu xem công ty như người yêu, thì cũng sẽ có lúc mối quan hệ này mệt mỏi, và dù cố giải quyết cách mấy, nó cũng đi đến điểm kết thúc.
Thế thì, cứ cảm ơn nhau vì chặng đường vừa qua, và bước đến một cánh cửa mới thôi.
—
Nếu đang trong hành trình tìm kiếm công việc mới, mở ra chặng đường mới trên nấc thang sự nghiệp, đừng quên truy cập Việc Làm 24h ngay hôm nay.