Ai tham gia bảo hiểm xã hội cũng sẽ được cấp sổ để theo dõi quá trình đóng và hưởng các chế độ. Tuy nhiên có rất nhiều trường hợp sơ suất dẫn đến việc mất sổ bảo hiểm xã hội. Lúc này người lao động phải làm sao, liệu có xin cấp lại sổ được không? Nếu có thì thủ tục như thế nào? Hãy để Nghề Nghiệp Việc Làm 24h giải đáp cho bạn.
Rủi ro khi người lao động bị mất sổ bảo hiểm xã hội
Theo điều 96 Luật BHXH năm 2014: Sổ bảo hiểm xã hội là giấy tờ được cấp cho người lao động để theo dõi việc đóng cũng như hưởng các chế độ bảo hiểm xã hội. Đó cũng là cơ sở để cơ quan có thẩm quyền giải quyết các chế độ của bảo hiểm xã hội theo quy định của Luật này.
- Người lao động có thể bị từ chối giải quyết hưởng chế độ thai sản
Khoản 3 điều 4 quyết định 166/QĐ-BHXH năm 2019 đã ghi rõ: Người lao động nghỉ việc trước khi sinh con hoặc nhận con nuôi, muốn làm thủ tục hưởng chế độ thai sản bắt buộc phải xuất trình sổ bảo hiểm xã hội. Cán bộ tiếp nhận hồ sơ sẽ kiểm tra và đối chiếu quá trình đóng đã ghi trên sổ, sau đó trả lại cho người nộp.
Xem thêm: Chế độ nghỉ thai sản 2022: Người lao động cần biết nếu có dự định sinh con
- Không có đủ giấy tờ để hưởng chế độ tai nạn lao động và bệnh nghề nghiệp
Theo quy định, người lao động khi bị tai nạn lao động theo Điều 42 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, đáp ứng đủ điều kiện được ban hành trong điều 43, 44 sẽ được hưởng trợ cấp một lần hay trợ cấp hàng tháng tùy vào mức độ suy giảm cũng như thời gian tham gia bảo hiểm xã hội.
- Không đủ hồ sơ để được xét duyệt và hưởng trợ cấp thất nghiệp cũng như trợ cấp học nghề
Sau khi nghỉ việc, ngoài trợ cấp bảo hiểm thất nghiệp hàng tháng, người lao động còn được hỗ trợ học nghề. Chính sách này giúp người lao động có thể chuẩn bị tốt hơn trước khi kiếm tìm cơ hội mới.
- Không thể rút và hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần
Người lao động tham gia bảo hiểm xã hội bắt buộc sau 1 năm nghỉ việc hoặc không tiếp tục tham gia đóng bảo hiểm xã hội (tự nguyện) và một số trường hợp khác (chưa đủ điều kiện hưởng lương hưu) nếu có yêu cầu sẽ được nhận BHXH một lần.
- Không được giải quyết để hưởng lương hưu
Điều kiện hưởng hưu trí của người lao động đã được quy định rõ tại Khoản 2, Điều 169 của Bộ luật Lao động 2019, với thời gian đóng tối thiểu là 20 năm. Mức lương hưu hằng tháng tính bằng 45% bình quân mức tiền lương tháng đóng bảo hiểm xã hội.
- Khi người lao động mất thân nhân sẽ không được giải quyết chế độ tử tuất
Chế độ tử tuất bao gồm có trợ cấp mai táng và trợ cấp tuất hàng tháng, trợ cấp tuất một lần cho thân nhân người lao động.
Xem thêm: Chế độ tử tuất là gì? Người lao động cần biết gì về chế độ tử tuất?
Bị mất sổ bảo hiểm xã hội có xin cấp lại được không?
Mất sổ bảo hiểm xã hội làm lại được không? Khi bị mất sổ bảo hiểm xã hội nói chung, mất sổ bảo hiểm xã hội chưa chốt nói riêng, người lao động có thể đề nghị cơ quan bảo hiểm xã hội cấp lại sổ khác.
Theo hướng dẫn trong Quyết định 222/QĐ-BHXH năm 2021, để được cấp lại sổ người lao động có thể đến các cơ quan/ đơn vị dưới đây:
- Nếu người lao động vẫn đang đi làm, đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội nơi doanh nghiệp tham gia BHXH.
- Nếu người lao động đã nghỉ việc, có thể đến bất kì cơ quan bảo hiểm xã hội nào trên toàn quốc.
- Nếu là người tham gia bảo hiểm xã hội tự nguyện, đến đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội trực tiếp thu.
Cụ thể các trường hợp được cấp lại sổ bảo hiểm
Có 3 trường hợp sẽ được cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, bao gồm:
- Trường hợp cấp lại sổ bảo hiểm xã hội (cả bìa và tờ rời) khi bị mất, hỏng hay gộp sổ, thay đổi số sổ hoặc các thông tin như họ tên, chữ đệm, ngày tháng năm sinh, người đã hưởng bảo hiểm xã hội 1 lần nhưng vẫn còn thời gian đóng bảo hiểm tự nguyện chưa hưởng;
- Cấp lại bìa sổ trong trường hợp sai giới tính hay quốc tịch;
- Cấp lại tờ rời trong các trường hợp: mất sổ hoặc hỏng sổ.
Hướng dẫn thủ tục xin cấp lại sổ bị mất, hỏng
Để xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội đã bị mất/hỏng, người lao động có thể đến trực tiếp cơ quan bảo hiểm xã hội hoặc gửi hồ sơ online qua ứng dụng VssID hay Cổng Dịch vụ công của bảo hiểm xã hội Việt Nam.
Với trường hợp xin cấp lại sổ tại cơ quan bảo hiểm xã hội
– Chuẩn bị hồ sơ: Tờ khai tham gia, điều chỉnh thông tin bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế theo mẫu TK1-TS.
– Nộp hồ sơ xin cấp lại sổ:
- Đối với người lao động vẫn đang làm việc tại các cơ quan/ tổ chức: Nộp trực tiếp cho nơi mình đang làm việc và tham gia BHXH. Sau đó đơn vị sẽ thay người lao động nộp lên cơ quan bảo hiểm xã hội.
- Đối với người lao động tham gia bảo hiểm xã hội theo hình thức tự nguyện bị mất sổ bảo hiểm xã hội: Nộp tại đại lý thu hoặc cơ quan bảo hiểm xã hội nơi người đó tham gia (trực tiếp hoặc gửi qua đường bưu điện).
– Chờ giải quyết hồ sơ: Sau khi tiếp nhận hồ sơ xin cấp lại sổ bảo hiểm xã hội, cơ quan có thẩm quyền sẽ giải quyết và cấp lại sổ trong vòng 10 ngày, kể từ ngày nhận đủ hồ sơ. Nếu cần phải xác minh lại quá trình đóng bảo hiểm xã hội do người lao động tham gia ở nhiều tỉnh thành khác nhau hoặc ở nhiều công ty đơn vị thì thời hạn giải quyết không quá 45 ngày và cần thông báo bằng văn bản cho người lao động được biết.
Với trường hợp xin cấp lại sổ bảo hiểm online
– Xin cấp thông qua ứng dụng VssID
Đầu tiên, người lao động đăng nhập ứng dụng VssID bằng tài khoản của mình. Tại mục Dịch vụ công, chọn Cấp lại sổ bảo hiểm xã hội không thay đổi thông tin.
Sau đó thực hiện theo hướng dẫn trên hệ thống, nhập địa chỉ và tích chọn vào chỗ nhận kết quả qua dịch vụ bưu chính rồi ấn gửi để hoàn tất.
– Xin cấp thông qua Cổng dịch vụ công của bảo hiểm xã hội Việt Nam
Để xin cấp lại sổ trên cổng dịch vụ công bảo hiểm xã hội Việt Nam, bạn cũng cần có tài khoản (là tài khoản đăng nhập vào ứng dụng VssID) do cơ quan bảo hiểm xã hội cấp trước đó.
Sau đó, bạn tiến hành truy cập vào website: dichvucong.baohiemxahoi.gov.vn, chọn mục “Kê khai hồ sơ” (3). Nếu bạn bị mất/ hỏng sổ, mã thủ tục sẽ là 607a. Tiếp đến kéo xuống dưới tìm kiếm mục “cấp lại sổ bảo hiểm xã hội không thay đổi thông tin (phải xác minh)” tương ứng với mã thủ tục nói trên.
Tại mục “kê khai” bạn nhấn chọn file để điền đầy đủ các thông tin cần thiết trên mẫu TK1-TS trực tuyến. Lưu ý về địa chỉ và phương thức nhận sổ, bạn muốn nhận tại cơ quan BHXH nơi bạn tham gia hay qua dịch vụ bưu chính thì lựa chọn. Cước phí dịch vụ bưu chính bạn sẽ trả khi kết quả gửi tới.
Bạn cũng cần đính kèm các giấy tờ, văn bản gồm bản chính bản sao hợp lệ theo đúng như quy định. Cuối cùng nhập mã Captcha/ mã kiểm tra hệ thống đưa ra và xác nhận để hoàn tất thủ tục.
Các thông tin liên quan đến quá trình xử lý cũng như nhận kết quả sẽ được cơ quan bảo hiểm xã hội gửi qua email bạn đăng ký trước đó.
Sổ cấp lại và sổ ban đầu có gì khác?
Trong Quyết định số 1035/QĐ-BHXH có ghi rõ: sổ bảo hiểm xã hội được cấp lại sẽ khác với sổ cấp lần đầu ở tiêu thức sửa đổi (nếu là sổ cấp lại do bị sai tiêu thức đó). Ngoài ra có một số yếu tố giúp phân biệt sổ được cấp lại như sau:
- Bìa sổ cấp lại, dưới dòng ghi số sổ thì sẽ có thêm dòng chữ nhỏ ghi: “Cấp lần…” bằng chữ in thường, cỡ 16 và là kiểu chữ đứng, đậm nét.
- Với sổ cấp lại tiêu thức xoay quanh ngày tháng năm sinh, giới tính hay quốc tịch, hoặc thay đổi số sổ thì trên sổ sẽ in lại theo nội dung sửa đổi.
- Nội dung trong tờ rời được in và lưu lại đầy đủ các thông tin phục vụ cho việc tính bảo hiểm xã hội trong tương lai.
Tất cả nhằm đảm bảo việc cấp lại sổ không làm ảnh hưởng tới bất cứ quyền lợi nào của người tham gia.
Trên đây là những thông tin quan trọng giải đáp cho câu hỏi mất sổ bảo hiểm xã hội phải làm sao? Hy vọng bạn đã có thêm cơ sở để xin cấp lại sổ một cách kịp thời, nhanh chóng. Và đừng quên theo dõi Việc Làm 24h đều đặn để cập nhật thêm nhiều kiến thức hữu ích, bảo vệ tối đa quyền lợi của mình.
Xem thêm: Hướng dẫn cách tính BHXH 1 lần cập nhật mới nhất cho người lao động năm 2023