Nghỉ dưỡng sức sau sinh là một trong những chế độ thai sản nhằm đảm bảo quyền lợi của lao động nữ khi không đủ sức khỏe làm việc sau sinh. Vậy thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh như thế nào? Thủ tục làm chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh ra sao, cần những giấy tờ gì, xin giấy tờ ở đâu? Lao động nữ có được nhận tiền trong thời gian nghỉ dưỡng sức sau sinh không? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h.
Chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh là gì?
Nghỉ dưỡng sức sau sinh là một trong các chế độ thai sản của lao động nữ khi tham gia bảo hiểm xã hội có thể phục hồi sức khỏe sau khi sinh con. Chế độ này giúp lao động nữ có thêm thời gian để chăm sóc con, nghỉ ngơi và ổn định sức khỏe để sớm quay trở lại công việc.
Để được hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh, lao động nữ phải thuộc Danh sách người lao động nghỉ việc hưởng chế độ thai sản (Mẫu 01B-HSB) được đơn vị sử dụng lao động lập.
Quy định nghỉ dưỡng sức sau sinh mổ, sinh thường
Điều kiện hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh
Theo Điều 13 Thông tư số 59/2015/TT-BHXH, quy định tại điểm c khoản 3 Điều 3 Nghị định số 115/2015/NĐ-CP và Điều 41 Luật BHXH năm 2014, điều kiện hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau sinh như sau:
- Lao động nữ tham gia BHXH bắt buộc, có đủ điều kiện hưởng chế độ thai sản.
- Lao động nữ sinh con hoặc lao động nữ mang thai hộ.
Thời gian hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh
Căn cứ Điều 41 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014, quy định thời gian dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản như sau:
1. Lao động nữ ngay sau thời gian hưởng chế độ thai sản quy định tại Điều 33, khoản 1 hoặc khoản 3 Điều 34 của Luật này, trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc mà sức khỏe chưa phục hồi thì được nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khoẻ từ 05 – 10 ngày.
Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe bao gồm cả ngày nghỉ lễ, nghỉ Tết, ngày nghỉ hằng tuần. Trường hợp có thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe từ cuối năm trước chuyển tiếp sang đầu năm sau thì thời gian nghỉ đó được tính cho năm trước.
2. Số ngày nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe quy định tại khoản 1 Điều này do người sử dụng lao động và Ban Chấp hành công đoàn cơ sở quyết định, trường hợp đơn vị sử dụng lao động chưa thành lập công đoàn cơ sở thì do người sử dụng lao động quyết định. Thời gian nghỉ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe được quy định như sau:
a) Tối đa 10 ngày đối với lao động nữ sinh một lần từ 02 (hai) con trở lên.
b) Tối đa 07 ngày đối với lao động nữ sinh con phải phẫu thuật.
c) Tối đa 05 ngày đối với các trường hợp khác.
3. Mức hưởng chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản một ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Như vậy, trường hợp lao động nữ sinh thường được nghỉ dưỡng sức 05 – 10 ngày tùy vào số lượng con sinh ra:
- Sinh 01 con, sinh thường: Được nghỉ dưỡng sức tối đa 05 ngày.
- Sinh đôi trở lên, sinh thường: Được nghỉ dưỡng sức tối đa 10 ngày.
Trường hợp lao động nữ sinh mổ thì sau khi nghỉ hết thời gian hưởng chế độ thai sản và quay trở lại làm việc mà trong khoảng thời gian 30 ngày đầu làm việc, sức khỏe lao động nữ chưa hồi phục thì sẽ được giải quyết nghỉ dưỡng sức, phục hồi sau sinh như sau:
- Sinh 01 con, sinh mổ: Nghỉ tối đa 07 ngày.
- Sinh đôi trở lên, sinh mổ: Nghỉ tối đa 10 ngày.
Xem thêm: Làm thế nào để hưởng bảo hiểm thai sản cho người không đi làm?
Cách tính tiền
Tiền chế độ thai sản cho lao động nữ sinh thường và sinh mổ bao gồm:
(1) Tiền trợ cấp một lần khi sinh con.
Theo Điều 38 Luật BHXH năm 2014, lao động nữ sinh con được hưởng tiền trợ cấp một lần như sau:
Trợ cấp một lần/con = 2 x Mức lương cơ sở |
(2) Tiền chế độ thai sản.
Căn cứ Điều 39 Luật BHXH năm 2014, tiền chế độ thai sản được tính như sau:
Mức hưởng= 100% x Mức bình quân tiền lương tháng đóng BHXH 6 tháng trước khi nghỉ |
(3)Tiền chế độ dưỡng sức, phục hồi sức khỏe sau thai sản
Theo Thông tư số 59/2015/TT-BHXH, mức hưởng chế độ dưỡng sức và phục hồi sức khỏe sau thai sản 1 ngày bằng 30% mức lương cơ sở.
Tiền dưỡng sức sau sinh = 30% x Mức lương cơ sở x số ngày được phép nghỉ |
Lưu ý: Trước 30/6/2023, mức lương cơ sở là 1,49 triệu đồng/tháng. Theo Nghị định số 24/2023/NĐ-CP, mức lương cơ sở áp dụng từ ngày 01/07/2023 là 1,8 triệu đồng/tháng.
Thủ tục
Nghỉ dưỡng sức sau sinh cần giấy tờ gì? Xin giấy ở đâu?
Căn cứ theo Điểm 2.4, Khoản 2, Điều 4, Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH năm 2019 hồ sơ hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức theo quy định tại khoản 5 Điều 101 Luật BHXH là Danh sách 01B-HSB do đơn vị sử dụng lao động lập.
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về tình trạng người mẹ sau khi sinh con mà không còn đủ sức khỏe để chăm sóc con.
- Trích sao hồ sơ bệnh án hoặc giấy ra viện của người mẹ trong trường hợp con chết sau khi sinh mà chưa được cấp giấy chứng sinh.
- Giấy xác nhận của cơ sở khám bệnh, chữa bệnh có thẩm quyền về việc lao động nữ phải nghỉ việc để dưỡng thai; phục hồi sức khỏe.
- Bản sao giấy khai sinh hoặc bản sao giấy chứng sinh của con.
- Bản sao giấy chứng tử của con trong trường hợp con chết, bản sao giấy chứng tử của mẹ trong trường hợp sau khi sinh con mà mẹ chết.
Xem thêm: Chế độ nghỉ thai sản áp dụng như thế nào? Quy định về chế độ nghỉ thai sản mới nhất
Quy trình nộp hồ sơ
Bước 1: Nộp mẫu đơn xin nghỉ dưỡng sức sau sinh và hồ sơ hưởng chế độ dưỡng sức cho đơn vị nơi mà người lao động làm việc và đóng BHXH.
Bước 2: Doanh nghiệp xem xét hồ sơ, phê duyệt và ra quyết định cho nghỉ nếu hồ sơ đủ điều kiện. Trong vòng 10 ngày sau khi lao động nữ được xác nhận đủ điều kiện hưởng chế độ nghỉ dưỡng sức, người sử dụng lao động sẽ phải lập danh sách và nộp cho cơ quan BHXH để giải quyết.
Bước 3: Người lao động nhận kết quả từ đơn vị nơi làm việc.
Bước 4: Trong vòng 6 ngày làm việc kể từ khi nhận được hồ sơ từ đơn vị nơi người lao động làm việc, cơ quan BHXH sẽ thực hiện chi trả tiền chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh cho người lao động.
Bước 5: Người lao động nhận tiền hưởng chế độ dưỡng sức sau sinh trực tiếp từ đơn vị làm việc.
Thời hạn giải quyết hồ sơ
Theo khoản 4 Điều 5 Quy trình giải quyết hưởng các chế độ BHXH, chi trả các chế độ BHXH, BHTN ban hành kèm theo Quyết định số 166/QĐ-BHXH năm 2019 quy định thời hạn giải quyết và chi trả như sau:
- Trường hợp đơn vị sử dụng lao động đề nghị: Tối đa 06 ngày làm việc kể từ khi nhận đủ hồ sơ theo quy định.
- Trường hợp người lao động, thân nhân người lao động nộp hồ sơ trực tiếp cho cơ quan BHXH: Tối đa 03 ngày làm việc kể từ ngày nhận đủ hồ sơ theo quy định.
Công ty có phải trả lương cho người lao động khi nghỉ dưỡng sức sau sinh không?
Theo quy định tại khoản 2 Điều 168 Bộ luật Lao động năm 2019, trong thời gian lao động nữ nghỉ việc hưởng chế độ BHXH thì người sử dụng lao động không phải trả lương cho lao động đó, trừ trường hợp 2 bên có thỏa thuận khác.
Như vậy, người lao động nghỉ chế độ dưỡng sức sẽ không được nhận lương cho những ngày đã nghỉ.
Kết luận
Nghỉ dưỡng sức sau sinh là chế độ thai sản quan trọng mà bất kỳ lao động nữ nào cũng cần biết. Hy vọng những thông tin mà Vieclam24h.vn chia sẻ trong bài viết trên đã giúp bạn nắm rõ quy định về thời gian, cách tính tiền chế độ và thủ tục làm chế độ nghỉ dưỡng sức sau sinh 2023.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Chế độ nghỉ thai sản: Người lao động cần biết nếu có dự định sinh con