Chán đi làm muốn nghỉ ngang, người lao động nên cẩn thận!

Khi công việc không ổn định, không phù hợp với sở thích, năng lực cá nhân hoặc đơn giản là không còn hứng thú với công việc hiện tại, nhiều người thường lựa chọn nghỉ ngang. Tuy nhiên, trước khi đưa ra quyết định nghỉ việc ngang, bạn cần suy nghĩ kỹ lưỡng và để tránh gặp phải các rủi ro không mong muốn. Nếu nghỉ việc ngang có sao không? Nghỉ ngang có được trả lương không? Nghỉ việc ngang có lấy được sổ BHXH? Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không? Bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp các bạn hiểu rõ các quy định để cân nhắc kỹ lưỡng trước khi quyết định nghỉ ngang.

Nếu nghỉ việc ngang có sao không?

nghỉ ngang
Tìm hiểu nếu nghỉ việc ngang có sao không trước khi đưa ra quyết định 

Căn cứ Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động của người lao động như sau:

1. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động nhưng phải báo trước cho người sử dụng lao động như sau:

a) Ít nhất 45 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động không xác định thời hạn;

b) Ít nhất 30 ngày nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn từ 12 tháng đến 36 tháng;

c) Ít nhất 03 ngày làm việc nếu làm việc theo hợp đồng lao động xác định thời hạn có thời hạn dưới 12 tháng;

d) Đối với một số ngành, nghề, công việc đặc thù thì thời hạn báo trước được thực hiện theo quy định của Chính phủ.

2. Người lao động có quyền đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động không cần báo trước trong trường hợp sau đây:

a) Không được bố trí theo đúng công việc, địa điểm làm việc hoặc không được bảo đảm điều kiện làm việc theo thỏa thuận, trừ trường hợp quy định tại Điều 29 của Bộ luật này;

b) Không được trả đủ lương hoặc trả lương không đúng thời hạn, trừ trường hợp quy định tại khoản 4 Điều 97 của Bộ luật này;

c) Bị người sử dụng lao động ngược đãi, đánh đập hoặc có lời nói, hành vi nhục mạ, hành vi làm ảnh hưởng đến sức khỏe, nhân phẩm, danh dự; bị cưỡng bức lao động;

d) Bị quấy rối tình dục tại nơi làm việc;

đ) Lao động nữ mang thai phải nghỉ việc theo quy định tại khoản 1 Điều 138 của Bộ luật này;

e) Đủ tuổi nghỉ hưu theo quy định tại Điều 169 của Bộ luật này, trừ trường hợp các bên có thỏa thuận khác;

g) Người sử dụng lao động cung cấp thông tin không trung thực theo quy định tại khoản 1 Điều 16 của Bộ luật này làm ảnh hưởng đến việc thực hiện hợp đồng lao động.

Do đó, người lao động tự ý nghỉ việc không báo trước hoặc báo trước không đúng thời hạn quy định tại khoản 1 Điều 35 Bộ luật Lao động năm 2019 thì được xem như là đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật theo Điều 39 Bộ luật Lao động năm 2019. 

Theo quy định tại Điều 43 Bộ luật Lao động năm 2019 người lao động khi đơn phương chấm dứt hợp đồng trái pháp luật sẽ bị ảnh hưởng các quyền lợi sau: 

1. Không được trợ cấp thôi việc và phải bồi thường cho người sử dụng lao động nửa tháng tiền lương theo hợp đồng lao động.

2. Nếu vi phạm quy định về thời hạn báo trước thì phải bồi thường cho người sử dụng lao động một khoản tiền tương ứng với tiền lương của người lao động trong những ngày không báo trước.

3. Phải hoàn trả chi phí đào tạo cho người sử dụng lao động theo quy định tại Điều 62 của Bộ luật này.

Vì vậy nếu nghỉ ngang trái quy định của pháp luật, người lao động có trách nhiệm bồi thường cho người sử dụng lao động. Tuy nhiên, việc người lao động bồi thường không đồng nghĩa với việc không được hưởng tiền lương trong những ngày đã làm việc.

Xem thêm: 6 lời khuyên ứng xử giúp nghỉ việc mà không bị sếp ghét

Nghỉ ngang có được trả lương không?

nghỉ ngang
Nhiều người thắc mắc nghỉ ngang có được trả lương không?

Khoản 2 Điều 47 Bộ luật Lao động năm 2012 quy định: “Trong thời hạn 07 ngày làm việc, kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, 02 bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên; trường hợp đặc biệt, có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày.”

Như vậy, khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động với người sử dụng lao động, dù người lao động nghỉ ngang thì doanh nghiệp vẫn phải thanh toán đầy đủ các khoản tiền lương, tiền thưởng, phụ cấp,… những ngày người lao động có đi làm chưa được thanh toán trong vòng 07 ngày kể từ ngày chấm dứt hợp đồng, trường hợp đặc biệt có thể kéo dài nhưng không được quá 30 ngày. Tuy nhiên, người lao động cũng có nghĩa vụ bồi thường cho doanh nghiệp nếu đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật.

Trong thời gian thử việc có được nghỉ không?

nghỉ ngang
Liệu trong thời gian thử việc có được nghỉ ngang không?

Theo Khoản 2 Điều 27 Bộ luật lao động năm 2019 quy định về kết thúc thời gian thử việc như sau: “Trong thời gian thử việc, mỗi bên có quyền hủy bỏ hợp đồng thử việc hoặc hợp đồng lao động đã giao kết mà không cần báo trước và không phải bồi thường.”

Bên cạnh đó, Điều 26 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định về tiền lương thử việc như sau: “Tiền lương của người lao động trong thời gian thử việc do hai bên thỏa thuận nhưng ít nhất phải bằng 85% mức lương của công việc đó.”

Căn cứ quy định trên, nhân viên thử việc không cần báo trước cho doanh nghiệp và không phải bồi thường khi nghỉ ngang. Đồng thời, khi nghỉ việc doanh nghiệp có trách nhiệm chi trả tiền lương thử việc cho người lao động. Nếu người sử dụng lao động không trả lương, người lao động có quyền tố giác tội trả chậm lương, khi đó doanh nghiệp sẽ bị xử phạt hành chính theo quy định tại Khoản 2 Điều 16 Nghị định số 28/2020/NĐ-CP quy định về xử phạt vi phạm hành chính trong lĩnh vực lao động. 

Nghỉ việc ngang có lấy được sổ BHXH không?

nghỉ ngang
Nghỉ ngang có được lãnh bảo hiểm xã hội không?

Khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động với người lao động cần thực hiện các trách nhiệm sau:

a) Hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính giấy tờ khác nếu người sử dụng lao động đã giữ của người lao động;

b) Cung cấp bản sao các tài liệu liên quan đến quá trình làm việc của người lao động nếu họ có yêu cầu. Chi phí sao, gửi tài liệu sẽ do người sử dụng lao động trả.

Trách nhiệm chốt sổ BHXH thuộc về người sử dụng lao động và không phụ thuộc vào việc người lao động có nghỉ việc theo đúng quy định hay không. Trong trường hợp người sử dụng lao động cố tình không trả lại sổ BHXH cho người lao động thì người lao động có thể làm đơn khiếu nại gửi đến Công đoàn hoặc thanh tra lao động Sở lao động – thương binh & xã hội hoặc Phòng Lao động – Thương binh & Xã hội hoặc Tòa án quận/huyện nơi công ty đặt trụ sở để giải quyết.

Nghỉ ngang có được lãnh bảo hiểm xã hội không?

Để được nhận BHXH một lần, người lao động phải đảm bảo các điều kiện quy định tại Điều 60, Luật BHXH năm 2014 và Khoản 1, Điều 8, Nghị định số 115/2015/NĐ-CP ngày 11/11/2015 quy định một số điều của Luật BHXH bắt buộc. Người lao động có yêu cầu thì được hưởng BHXH một lần nếu thuộc một trong các trường hợp dưới đây:

  • Đủ tuổi hưởng lương hưu mà chưa đủ 20 năm đóng BHXH hoặc lao động nữ là người hoạt động chuyên trách hoặc không chuyên trách ở xã, phường, thị trấn không đủ 15 năm đóng BHXH và không tiếp tục tham gia BHXH tự nguyện;
  • Người lao động sau một năm nghỉ việc nhưng chưa đủ 20 năm đóng BHXH và không tiếp tục đóng BHXH;
  • Người lao động ra nước ngoài để định cư;
  • Người đang bị mắc một trong những bệnh nguy hiểm đến tính mạng như: xơ gan cổ chướng, phong, lao nặng, ung thư, bại liệt, nhiễm HIV đã chuyển sang giai đoạn AIDS và những bệnh khác theo quy định của Bộ Y tế;
  • Ngoài ra còn có trường hợp người lao động dưới đây khi phục viên, xuất ngũ, thôi việc mà không đủ điều kiện để hưởng lương hưu:
  • Sĩ quan, quân nhân chuyên nghiệp quân đội nhân dân; sĩ quan, hạ sĩ quan nghiệp vụ, sĩ quan, hạ sĩ quan chuyên môn kỹ thuật công an nhân dân; người làm công tác cơ yếu hưởng lương như đối với quân nhân;
  • Hạ sĩ quan, chiến sĩ quân đội nhân dân; hạ sĩ quan, chiến sĩ công an nhân dân phục vụ có thời hạn; học viên quân đội, công an, cơ yếu đang theo học được hưởng sinh hoạt phí;

Như vậy, người lao động nghỉ ngang vẫn nhận được tiền BHXH một lần. Tuy nhiên, tùy vào từng trường hợp cụ thể mà người lao động có thể lấy được tiền ngay hoặc phải chờ sau 01 năm để được nhận tiền BHXH 1 lần.

Người lao động nghỉ ngang không thuộc các trường hợp nêu trên thì bắt buộc phải chờ sau 01 năm kể từ khi nghỉ việc và không tham gia BHXH tự nguyện.

Hồ sơ hưởng BHXH 1 lần bao gồm: 

  • Đơn đề nghị hưởng bảo hiểm xã hội một lần (theo mẫu 14-HSB);
  • Sổ BHXH bản gốc;
  • Giấy tờ tùy thân (CMND, CCCD, Hộ chiếu);
  • Sổ hộ khẩu hoặc sổ tạm trú KT3;
  • Một số giấy tờ khác tùy theo từng trường hợp hưởng.

Sau đó người lao động tiến hành nộp hồ sơ cho cơ quan BHXH cấp huyện nơi cư trú (nơi đăng ký thường trú/đăng ký tạm trú lâu dài). Khi nhận được đầy đủ hồ sơ, cơ quan BHXH sẽ giải quyết và chi trả tiền bảo hiểm trong thời gian không quá 6 ngày làm việc. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, cơ quan BHXH sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.

Xem thêm: Gộp sổ BHXH là gì? Thủ tục gộp sổ BHXH nhanh chóng cập nhật 2023

Nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

nghỉ ngang
Liệu nghỉ ngang có được hưởng bảo hiểm thất nghiệp không?

Căn cứ Điều 49 Luật Việc làm năm 2013 quy định điều kiện hưởng trợ cấp thất nghiệp như sau:

Người lao động quy định tại khoản 1 Điều 43 của Luật này đang đóng bảo hiểm thất nghiệp (BHTN) được hưởng trợ cấp thất nghiệp khi có đủ các điều kiện sau đây:

1. Chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc, trừ các trường hợp sau đây:

a) Người lao động đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc trái pháp luật;

b) Hưởng lương hưu, trợ cấp mất sức lao động hằng tháng;

2. Đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 24 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động hoặc hợp đồng làm việc đối với trường hợp quy định tại điểm a và điểm b khoản 1 Điều 43 của Luật này; đã đóng BHTN từ đủ 12 tháng trở lên trong thời gian 36 tháng trước khi chấm dứt hợp đồng lao động đối với trường hợp quy định tại điểm c khoản 1 Điều 43 của Luật này;

3. Đã nộp hồ sơ hưởng trợ cấp thất nghiệp tại trung tâm dịch vụ việc làm theo quy định tại khoản 1 Điều 46 của Luật này;

4. Chưa tìm được việc làm sau 15 ngày, kể từ ngày nộp hồ sơ hưởng BHTN, trừ các trường hợp sau đây:

a) Thực hiện nghĩa vụ quân sự, nghĩa vụ công an;

b) Đi học tập có thời hạn từ đủ 12 tháng trở lên;

c) Chấp hành quyết định áp dụng biện pháp đưa vào trường giáo dưỡng, cơ sở giáo dục bắt buộc, cơ sở cai nghiện bắt buộc;

d) Bị tạm giam; chấp hành hình phạt tù;

đ) Ra nước ngoài định cư; đi lao động ở nước ngoài theo hợp đồng;

e) Chết.

Như vậy, trong trường hợp người lao động nghỉ ngang – đơn phương chấm dứt hợp đồng lao động trái pháp luật sẽ không đủ điều kiện để được hưởng trợ cấp thất nghiệp.

Kết luận

Nghỉ việc ngang là một quyết định quan trọng, ảnh hưởng đến tương lai của người lao động. Chính vì thế, bạn cần chuẩn bị kỹ lưỡng để tránh gặp phải các rủi ro không mong muốn. Hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ trên về nghỉ làm việc ngang sẽ giúp bạn chuẩn bị kỹ lưỡng và đối phó với tình huống này một cách tốt nhất.

Xem thêm: Tờ rời bảo hiểm xã hội là gì? Mất tờ rời BHXH có xin cấp lại được không?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục