Nghĩa vụ quân sự là nghĩa vụ vẻ vang của công dân, thực hiện quân sự bao gồm phục vụ tại ngũ và phục vụ trong ngạch dự bị của Quân đội nhân dân. Tuy nhiên, nhiều bạn trẻ vẫn chưa nắm rõ các quy định về nghĩa vụ. Nghĩa vụ quân sự là gì? Luật mới nhất quy định thời gian đi nghĩa vụ quân sự mấy năm? Đi khám ra sao và phải khám những gì? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu các thông tin chi tiết về chủ đề này nhé!
Nghĩa vụ quân sự là gì?
Theo quy định tại Điều 4, Luật Nghĩa vụ Quân sự, được Quốc Hội ban hành vào tháng 6 năm 2015, thanh niên Việt Nam, từ độ tuổi nghĩa vụ quân sự, không phân biệt dân tộc, thành phần xã hội, tín ngưỡng, tôn giáo, trình độ học vấn, nghề nghiệp, nơi cư trú phải thực hiện nghĩa vụ quân sự.
Tháng 01 hằng năm, Chủ tịch Ủy ban nhân dân cấp xã, người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức báo cáo lập danh sách công dân trong độ tuổi nghĩa vụ quân sự (mà chưa đăng ký) gửi cho Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện. Tới tháng Tư, Chỉ huy trưởng Ban Chỉ huy quân sự cấp huyện sẽ ra lệnh gọi công dân đi đăng ký nghĩa vụ quân sự lần đầu.
Đăng ký ở đâu?
Cơ quan đăng ký nghĩa vụ quân sự gồm:
– Ban Chỉ huy quân sự cấp xã đăng ký cho công dân cư trú tại địa phương.
– Ban Chỉ huy quân sự cơ quan, tổ chức ở cơ sở đăng ký cho công dân làm việc, học tập. Đơn vị này cũng phải có trách nhiệm tổng hợp báo cáo Ban Chỉ huy quân sự huyện, quận, thị xã, thành phố thuộc tỉnh và đơn vị hành chính tương đương.
Trong trường hợp cơ quan, tổ chức không có Ban Chỉ huy quân sự ở cơ sở thì người đứng đầu hoặc người đại diện hợp pháp của cơ quan, tổ chức có trách nhiệm tổ chức cho công dân thực hiện đăng ký nghĩa vụ quân sự tại nơi cư trú.
Trong trường hợp thay đổi nơi làm việc, nơi cư trú, trình độ học vấn… sau khi đã đăng ký nghĩa vụ quân sự, bạn cần đăng ký nghĩa vụ quân sự bổ sung.
Tuổi nghĩa vụ là bao nhiêu?
Cụ thể, công dân dân nam đủ 17 tuổi trở lên, công dân nữ đủ 18 tuổi trở lên (nếu tự nguyện và quân đội có nhu cầu) thì được gọi nhập ngũ. Độ tuổi gọi nhập ngũ không quá 25 tuổi, riêng với công dân trình độ cao đẳng, đại học đã được tạm hoãn gọi nhập ngũ thì độ tuổi gọi nhập ngũ đến hết 27 tuổi.
Ngoài ra theo Thông tư 148/2018/TT-BQP ngày 04/10/2018, để được tham gia nghĩa vụ, ngoài độ tuổi, công dân trong độ tuổi quân sự cần đảm bảo thêm một số quy định khác như:
– Tiêu chuẩn chính trị:
+ Thực hiện theo Thông tư liên tịch 50/2016/TTLT-BQP-BCA ngày 15/4/2016.
+ Đối với các cơ quan, đơn vị và vị trí trọng yếu cơ mật trong Quân đội; lực lượng Tiêu binh, Nghi lễ; lực lượng Vệ binh và Kiểm soát quân sự chuyên nghiệp thực hiện tuyển chọn theo quy định của Bộ Quốc phòng.
– Tiêu chuẩn sức khỏe:
+ Tuyển chọn những công dân có sức khỏe loại 1, 2, 3 theo quy định tại Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP ngày 30/6/2016.
+ Đối với các cơ quan, đơn vị, vị trí quy định tại Điểm b, Khoản 2 Điều 4 Thông tư 148/2018/TT-BQP, thực hiện tuyển chọn bảo đảm tiêu chuẩn riêng theo quy định của Bộ Quốc phòng.
Cần phải đảm bảo đủ điều kiện sức khỏe, văn hóa, chính trị mới được nhập ngũ.
+ Không gọi nhập ngũ vào Quân đội những công dân có sức khỏe loại 3 tật khúc xạ về mắt (cận thị 1,5 diop trở lên, viễn thị các mức độ); nghiện ma túy, nhiễm HlV, AIDS.
– Tiêu chuẩn văn hóa:
+ Tuyển chọn và gọi nhập ngũ những công dân có trình độ văn hóa lớp 8 trở lên, lấy từ cao xuống thấp. Những địa phương có khó khăn không đảm bảo đủ chỉ tiêu giao quân thì báo cáo cấp có thẩm quyền xem xét, quyết định được tuyển chọn số công dân có trình độ văn hóa lớp 7.
+ Các xã thuộc vùng sâu, vùng xa, vùng điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật; đồng bào dân tộc thiểu số dưới 10.000 người thì được tuyển không quá 25% công dân có trình độ văn hóa cấp tiểu học, còn lại là trung học cơ sở trở lên.
Đi khám nghĩa vụ ra sao, gồm những nội dung gì?
Khám nghĩa vụ gồm 2 vòng
Công dân đăng ký đi nghĩa vụ quân sự cần đảm bảo đủ điều kiện về sức khỏe, văn hóa và chính trị. Người khuyết tật, người mắc bệnh hiểm nghèo, bệnh tâm thần hoặc bệnh mãn tính được miễn đăng ký nghĩa vụ quân sự theo Theo Điều 14 Luật Nghĩa vụ quân sự 2015.
Như vậy, trước khi thực hiện nghĩa vụ, công dân phải được khám sức khỏe. Khoản 2, 3 Điều 2 Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP quy định khám sức khỏe quân sự được thực hiện 2 lần:
– Lần 1: Sơ tuyển sức khỏe nghĩa vụ. Thực hiện kiểm tra, đánh giá sơ bộ sức khỏe trước khi tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ. Sơ tuyển sức khỏe do Trạm y tế xã tiến hành dưới sự chỉ đạo về chuyên môn, nghiệp vụ của Trung tâm y tế huyện.
– Lần 2: Khám sức khỏe nghĩa vụ. Thực hiện khám, phân loại, kết luận sức khỏe đối với những ai đã qua sơ tuyển sức khỏe và công dân đăng ký dự thi tuyển sinh quân sự, do Hội đồng khám sức khỏe nghĩa vụ huyện thực hiện.
Thông tư liên tịch 16/2016/TTLT-BYT-BQP có nêu rõ thời thời gian khám sức khỏe: từ ngày 01 tháng 11 đến hết ngày 31 tháng 12 hằng năm. Thông tư này cũng quy định các nội dung khám sức khỏe gồm:
- Kiểm tra về thể lực;
- Lấy mạch, huyết áp;
- Khám phát hiện các bệnh lý về nội khoa, ngoại khoa và chuyên khoa;
- Khai thác tiền sử bệnh tật bản thân và gia đình.
So với quy định cũ, thông tư này có nhiều hơn 22 bệnh được miễn nghĩa vụ.
Ví dụ như: tâm thần, động kinh, bệnh Parkinson, mù một mắt, điếc, di chứng do lao xương, khớp, di chứng do phong, các bệnh lý ác tính, người nhiễm HIV, người khuyết tật mức độ đặc biệt nặng và nặng, gầy còm, hốc hác, yếu đuối, cơ thể suy kiệt khó có thể hồi phục được do mắc những bệnh mãn tính như lao xơ hang, hen dai dẳng, có biến chứng tâm phế mạn hoặc khí phế thũng, xơ gan cổ trướng…
Xem thêm: Công đoàn là gì? Người lao động hưởng lợi ích gì khi tham gia quỹ công đoàn?
Đi nghĩa vụ quân sự mấy năm?
Điều 21 Luật Nghĩa vụ mới nhất quy định thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ như sau:
- Thời hạn phục vụ tại ngũ trong thời bình của hạ sĩ quan, binh sĩ là 24 tháng.
- Bộ trưởng Bộ Quốc phòng được quyết định kéo dài thời hạn phục vụ tại ngũ của hạ sĩ quan, binh sĩ nhưng không quá 06 tháng trong trường hợp sau đây:
- Để bảo đảm nhiệm vụ sẵn sàng chiến đấu;
- Đang thực hiện nhiệm vụ phòng, chống thiên tai, dịch bệnh, cứu hộ, cứu nạn.
- Thời hạn phục vụ của hạ sĩ quan, binh sĩ trong tình trạng chiến tranh hoặc tình trạng khẩn cấp về quốc phòng được thực hiện theo lệnh tổng động viên hoặc động viên cục bộ.
Như vậy, thời gian đi quân sự là là 24 tháng. Có thể kéo dài nhưng không quá 06 tháng trong các trường hợp đặc biệt.
Đang đi làm có được miễn nghĩa vụ quân sự – Mẫu đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
Điều 5 Thông tư 148/2018/TT-BQP quy định về tuyển chọn và gọi công dân nhập ngũ do Bộ trưởng Bộ Quốc phòng ban hành có quy định các đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.
Bao gồm:
a) Chưa đủ sức khỏe phục vụ tại ngũ theo kết luận của Hội đồng khám sức khỏe.
b) Là lao động duy nhất phải trực tiếp nuôi dưỡng thân nhân không còn khả năng lao động hoặc chưa đến tuổi lao động; trong gia đình bị thiệt hại nặng về người và tài sản do tai nạn, thiên tai, dịch bệnh nguy hiểm gây ra được Ủy ban nhân dân xã, phường, thị trấn (sau đây gọi chung là cấp xã) xác nhận.
c) Một con của bệnh binh, người nhiễm chất độc da cam suy giảm khả năng lao động từ 61% đến 80%.
d) Có anh, chị hoặc em ruột là hạ sĩ quan, binh sĩ đang phục vụ tại ngũ; hạ sĩ quan, chiến sĩ thực hiện nghĩa vụ tham gia Công an nhân dân.
đ) Người thuộc diện di dân, giãn dân trong 03 năm đầu đến các xã đặc biệt khó khăn theo dự án phát triển kinh tế – xã hội của Nhà nước do Ủy ban nhân dân cấp tỉnh trở lên quyết định.
e) Cán bộ, công chức, viên chức, thanh niên xung phong được điều động đến công tác, làm việc ở vùng có điều kiện kinh tế – xã hội đặc biệt khó khăn theo quy định của pháp luật.
g) Đang học tại cơ sở giáo dục phổ thông; đang được đào tạo trình độ đại học hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục đại học, trình độ cao đẳng hệ chính quy thuộc cơ sở giáo dục nghề nghiệp trong thời gian một khóa đào tạo của một trình độ đào tạo.
Như vậy, người đang đi làm, còn trong độ tuổi quân sự, khi có lệnh gọi nhập ngũ vẫn phải thực hiện nghĩa vụ quân sự. Trong trường hợp bạn thuộc các đối tượng được phép tạm hoãn nghĩa vụ quân sự như trên, bạn có thể làm đơn xin hoãn tham gia nghĩa vụ.
Đồng thời, khoản 1 Điều 42 Luật Nghĩa vụ quân sự năm 2015 quy định thủ tục tạm hoãn nghĩa vụ quân sự theo trình tự như sau:
- Khi có lệnh gọi nhập ngũ thì công dân mang hồ sơ xin tạm hoãn nộp tại Ủy ban nhân dân cấp xã để nộp hồ sơ.
- Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ xem xét, đăng ký, quản lý công dân trong diện tạm hoãn nghĩa vụ và đề nghị ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ra quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ.
- Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện sẽ ra quyết định tạm hoãn gọi nhập ngũ nếu hồ sơ hợp lệ. Trường hợp không hợp lệ công dân vẫn phải đi nghĩa vụ như bình thường.
- Trên cơ sở quyết định của Chủ tịch ủy ban nhân dân cấp huyện thì Ủy ban nhân dân cấp xã sẽ niêm yết công khai danh sách công dân thuộc diện được tạm hoãn gọi nhập ngũ tại trụ sở Ủy ban nhân dân cấp xã, cơ quan, tổ chức trong thời hạn 20 ngày.
Hồ sơ gồm có:
- Mẫu đơn xin tạm hoãn nghĩa vụ quân sự
- Giấy tờ chứng minh bạn thuộc đối tượng được tạm hoãn nghĩa vụ quân sự.
Trong trường hợp là sinh viên, bạn có thể liên hệ về trường để xin giấy xác nhận để tạm hoãn nghĩa vụ quân sự. Trường hợp là công chức, viên chức được điều động công tác ở vùng khó khăn, bạn liên hệ về cơ quan đơn vị để xin giấy xác nhận thuộc đối tượng tạm hoãn gọi nhập ngũ theo quy định.
Đừng quên cập nhật những bài viết, thông tin mới nhất về nghề nghiệp và kiến thức liên quan tại Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Kiểm soát cảm xúc: Làm gì để không nổi điên nơi công sở?