Các bạn sinh viên mới ra trường thường bối rối khi điền thông tin người tham chiếu vào CV xin việc bởi chưa hiểu rõ người tham chiếu là gì? Tiêu chí chọn người tham chiếu? Nên đưa thông tin người tham chiếu vào CV như thế nào thì thích hợp? Hãy cùng giải đáp những thắc mắc này qua bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h nhé!
1. Người tham chiếu là gì?
Người tham chiếu (Reference) là những người từng có thời gian làm việc chung và hiểu rõ về năng lực, phẩm chất của ứng viên trong quá trình làm việc như cấp trên, đồng nghiệp hoặc đối tác,…
Trong quá trình sàng lọc hồ sơ ứng viên, nhà tuyển dụng sẽ liên hệ với người tham chiếu bằng cách gọi điện hoặc gửi email để xác minh tính trung thực về các thông tin mà ứng viên đã nêu ra trong CV.
Đồng thời, nó cũng giúp nhà tuyển dụng đánh giá sự phù hợp giữa bạn và vị trí mà doanh nghiệp đang tìm kiếm. Do đó, người tham chiếu là một trong những thông tin quan trọng mà ứng viên cần cân nhắc kỹ trước khi đưa vào CV.
Ngoài ra, người tham chiếu phải sẵn sàng trả lời các câu hỏi của nhà tuyển dụng đặt ra để chia sẻ góc nhìn khách quan về ứng viên. Dựa vào câu trả lời của người tham chiếu, nhà tuyển dụng sẽ có những quyết định chính xác hơn về hồ sơ ứng tuyển của ứng viên cho công việc mong muốn.
2. Người tham chiếu có vai trò gì?
Sau khi đã hiểu về người tham chiếu là gì thì vai trò của người tham chiếu cũng góp phần khá quan trọng trong CV của bạn, cụ thể như sau:
- Xác thực thông tin: Người tham chiếu sẽ giúp xác minh tính chính xác của những thông tin bạn đã nêu trong CV, từ đó tạo dựng niềm tin cho nhà tuyển dụng.
- Đánh giá trình độ chuyên môn: Người tham chiếu có thể là đồng nghiệp hay thậm chí là cấp trên của bạn trước đây nên sẽ đưa ra được những đánh giá khách quan về trình độ, nghiệp vụ của bạn.
- Hoàn thiện thông tin năng lực: Người tham chiếu có thể cung cấp cho nhà tuyển dụng những thông tin mà ứng viên chưa đề cập đến trong CV.
Nhìn chung, vai trò người tham chiếu nói chung vẫn là tăng thêm độ tin cậy, đưa ra nhiều góc nhìn khách quan kèm đánh giá xác thực giúp nhà tuyển dụng có cái nhìn đúng đắn hơn khi tuyển dụng nhân sự.
Mặt khác, bạn nên cân nhắc thật kỹ để điền thông tin phù hợp, phải có mối liên hệ chặt chẽ đến vị trí công việc của bạn. Khuyến khích lựa chọn người có thẩm quyền cao như trưởng nhóm, trưởng phòng,… tạo cơ hội cho nhà tuyển dụng hiểu rõ hơn về những đóng góp của bạn.
3. Có nên thêm thông tin người tham chiếu vào CV không?
Hiện nay, thông tin người tham chiếu không bắt buộc mà thường được nhà tuyển dụng yêu cầu khi quan tâm đến CV của ứng viên. Doanh nghiệp có thể khai thác thông tin và xác nhận hồ sơ để đi đến bước tiếp theo của quy trình tuyển dụng là lên lịch phỏng vấn.
Nếu trong quá trình làm việc, sự cống hiến của bạn mang lại thành tích hoặc thăng tiến thì nên thêm thông tin người tham chiếu, bởi đây là cơ hội tuyệt vời để làm nổi bật hồ sơ của bạn. Những lời khen ngợi từ người tham chiếu sẽ gây ấn tượng mạnh với nhà tuyển dụng, đặc biệt là trong trường hợp người tham chiếu của bạn là người giữ vị trí cao, được nhiều người biết đến.
Chính vì vậy, người tham chiếu là phần thông tin quan trọng trong CV, giúp nhà tuyển dụng có cơ sở đánh giá ứng viên chính xác và chân thực hơn.
4. Vấn đề cần quan tâm khi sử dụng thông tin người tham chiếu
Thông tin cá nhân của người tham chiếu sẽ được thể hiện chi tiết trong CV và gửi đến nhà tuyển dụng. Nhà tuyển dụng sẽ căn cứ vào đó để liên hệ trực tiếp với người tham chiếu. Nếu bạn không thông báo kịp thời, người tham chiếu sẽ không có thời gian chuẩn bị để đưa ra những nhận xét khéo léo trước mặt nhà tuyển dụng. Bên cạnh đó, nếu không xin phép trước, họ sẽ bị làm phiền bởi những cuộc gọi bất ngờ của nhà tuyển dụng. Hơn thế nữa, nếu nhà tuyển dụng gọi đến người tham chiếu và biết rằng bạn chưa xin phép, thì sẽ để lại ấn tượng thiếu chuyên nghiệp ngay từ ban đầu.
Đừng vội vàng thêm thông tin cá nhân của người tham chiếu vào CV dù người đó thân thiết với bạn thế nào đi chăng nữa. Thay vào đó, bạn cần lưu ý những điều sau:
- Đảm bảo rằng người tham chiếu quan tâm và có đủ hiểu biết cơ bản về bạn để chứng thực năng lực, phẩm chất của bạn trong quá trình làm việc.
- Hãy gửi bản sao CV xin việc đến người tham chiếu để họ xác nhận đồng ý với những thông tin bạn chia sẻ về họ. Hoặc bạn có thể ngỏ ý nhờ trợ giúp từ người tham chiếu để họ đưa ra những lời khuyên phù hợp.
- Chuẩn bị những thông tin cơ bản về người tham chiếu như họ và tên, số điện thoại, chức vụ. Điều này tạo sự thoải mái cho người tham chiếu khi thông tin của họ được chia sẻ công khai.
- Hãy giữ mối quan hệ tốt đẹp với đồng nghiệp hoặc cấp trên ngay cả khi bạn không còn cộng tác với họ nữa. Điều này giúp ích rất nhiều cho bạn, nhất là khi được yêu cầu thêm thông tin người tham chiếu đến từ công ty cũ.
- Chủ động chia sẻ thông tin đến người tham chiếu trước 1-2 ngày để thông báo rằng trong khoảng thời gian nào thì họ sẽ nhận được cuộc gọi từ nhà tuyển dụng. Điều này giúp tránh trường hợp người tham chiếu quá bận rộn với công việc mà vô tình trì hoãn nghe máy hoặc không thể trả lời điện thoại.
- Đặc biệt là những gì bạn thể hiện trong CV cần phản ánh đúng năng lực, kỹ năng mềm, kinh nghiệm, phẩm chất,… giúp thông tin từ người tham chiếu trở nên đáng tin cậy hơn.
5. Cách đưa thông tin người tham chiếu vào CV khéo léo
Trong phần tham chiếu, ứng viên có thể thêm đầy đủ thông tin về người tham chiếu bao gồm:
- Họ và tên
- Chức vụ
- Địa chỉ
- Phương thức liên hệ: Số điện thoại và Địa chỉ email.
- Mối quan hệ ngắn gọn với người tham chiếu (không bắt buộc).
Ví dụ về thông tin người tham chiếu:
Họ và tên: Nguyễn Văn A
Chức danh: Giám đốc Marketing
Địa chỉ: Quận 1, TP Hồ Chí Minh
Số điện thoại: 0123 456 789
Email: NguyenA.mkt@gmail.com
6. Những lưu ý khi đưa thông tin người tham chiếu vào CV
- Phần thông tin người tham chiếu nên được liệt kê ở cuối CV, điều này giúp giữ bố cục logic hơn.
- Mỗi CV chỉ nên thêm 1 hoặc tối đa thông tin 2 người tham chiếu là vừa đủ.
- Tránh viết thông tin người tham chiếu dài dòng và trình bày lộn xộn.
- Tránh sử dụng thông tin người tham chiếu không liên quan đến vị trí công việc trong, CV của bạn. Tốt nhất, bạn nên tránh chọn những người tham chiếu đã từng xảy ra mâu thuẫn hay có các đánh giá không tốt về bạn. Đặc biệt là trường hợp người tham chiếu có thành kiến với bạn, bạn bị sa thải hoặc kết thúc hợp đồng với các đánh giá không tốt.
- Chỉ cung cấp số điện thoại mà người tham chiếu sử dụng trong công việc, không sử dụng số cá nhân.
- Địa chỉ của người tham chiếu không nên quá chi tiết vào địa chỉ nhà, ứng viên có thể sử dụng địa chỉ công ty. Song, vì đây là thông tin không bắt buộc nên bạn có thể không cung cấp để đảm bảo tính riêng tư.
- Tránh bỏ qua bất kỳ thông tin quan trọng nào về người tham chiếu như số điện thoại, email,… để nhà tuyển dụng dễ dàng liên hệ.
Xem thêm: TOP 5 trang web miễn phí tạo CV xin việc ưng ý hiện nay
7. Những câu hỏi nhà tuyển dụng dành cho người tham chiếu bạn nên biết
Hình thức gọi điện và đặt câu hỏi cho người tham chiếu sẽ mang đến cho nhà tuyển dụng thêm những góc nhìn mới mẻ về ứng viên. Đây sẽ là điểm cộng nếu người tham chiếu cung cấp những thông tin đủ thuyết phục và ngược lại, nó cũng có thể là điểm trừ nếu những gì ứng viên đề cập trong CV bị người tham chiếu truyền đạt sai cách. Do đó, ứng viên nên chủ động tìm hiểu và chuẩn bị những câu hỏi mà nhà tuyển dụng có thể đặt ra cho người tham chiếu để giúp họ dễ dàng hình dung và đưa ra câu trả lời suôn sẻ, mạch lạc.
7.1. Vị trí công việc của ứng viên trước đó là gì?
Mục đích của nhà tuyển dụng là để kiểm tra khối lượng công việc trước đây của ứng viên để đánh giá tính chất công việc đó có tương thích với vị trí doanh nghiệp đang tìm kiếm hay không. Người tham chiếu có thể liệt kê khối lượng công việc cụ thể của ứng viên theo ngày, tuần, tháng, năm.
7.2. Hiệu quả công việc của ứng viên như thế nào?
Câu hỏi này giúp nhà tuyển dụng nắm bắt được KPI của ứng viên và dựa vào đó để đánh giá sơ bộ về năng lực. Đồng thời, nhà tuyển dụng sẽ xác nhận tính chân thật về thành tích mà ứng viên liệt kê trong CV có chính xác không. Người tham chiếu nên liệt kê những con số thành tích mà ứng viên đã đạt được trong quá trình làm việc để tạo ấn tượng với nhà tuyển dụng.
7.3. Kỹ năng làm việc nhóm của ứng viên như thế nào?
Ngoài kiến thức chuyên môn, nhà tuyển dụng sẽ kiểm tra thêm những kỹ năng cần thiết cho công việc của ứng viên như kỹ năng làm việc nhóm, kỹ năng giải quyết vấn đề, kỹ năng sắp xếp và quản lý thời gian,…. Câu hỏi về kỹ năng làm việc nhóm sẽ giúp nhà tuyển dụng đánh giá ứng viên có thuộc tuýp người năng động và nhiệt huyết trong công việc hay không. Người tham chiếu nên cung cấp thông tin về sự nhiệt tình, hăng say làm việc và tinh thần tích cực sáng tạo của ứng viên trong quá trình làm việc. Đồng thời, người tham chiếu có thể đưa ra một số hoạt động mà ứng viên tham gia tại công ty để ghi điểm trước mặt nhà tuyển dụng.
Xem thêm: Bỏ túi 8 kỹ năng làm việc nhóm cần phải biết để làm việc hiệu quả
7.4. Ứng viên có chấp hành đầy đủ các quy định công ty không?
Nhà tuyển dụng sẽ tìm hiểu về thái độ, ý thức và tính kỷ luật của ứng viên trong công việc. Trong một vài trường hợp, một ứng viên tuy thiếu kinh nghiệm nhưng có tinh thần trách nhiệm cao trong công việc và tôn trọng những quy định của công ty sẽ được nhà tuyển dụng xem xét.
7.5. Bạn chưa hài lòng về ứng viên ở điểm nào?
Đây là câu hỏi khó mà nhà tuyển dụng dành cho người tham chiếu, tuy nhiên nếu biết cách khéo léo trả lời sẽ giúp ghi điểm về cho ứng viên. Người tham chiếu có thể biến điểm yếu thành điểm mạnh như “Trong quá trình làm việc trước đây, tuy nhân viên A vẫn còn thiếu sót về khả năng xx nhưng bù lại rất ham học hỏi và tiếp thu nhanh.”
7.6. Những gì ứng viên mô tả về bản thân có chính xác hay không?
Ban đầu khi phỏng vấn, chắc chắn các nhà tuyển dụng thường sử dụng các câu hỏi phổ biến để kiểm tra tính chính xác trong thông tin của bạn. Điều này vừa giúp xác thực lại thông tin, vừa sẽ nắm được tình hình công việc trước đây bạn đã gắn bó.
Trong đó, các thông tin có thể xoay quanh như: thông tin liên lạc, bằng cấp, thâm niên, kinh nghiệm, kỹ năng và hoạt động của các trang mạng xã hội.
Đồng thời, nhờ vào cách trả lời, các nhà tuyển dụng sẽ nhìn nhận rõ hơn về góc nhìn trong cách làm việc, xử lý vấn đề
8. Kết luận
Thêm thông tin người tham chiếu vào CV xin việc đúng cách sẽ giúp bạn ghi điểm trong mắt nhà tuyển dụng và dễ dàng vượt qua các ứng viên khác để chạm tay đến công việc mơ ước. Dù cuối cùng bạn có nhận được công việc hay không, hãy nhớ gửi lời cảm ơn đến những người tham chiếu đã giúp đỡ bạn. Hi vọng với những thông tin mà Vieclam24h.vn chia sẻ ở bài viết trên sẽ giúp bạn hiểu rõ hơn về người tham chiếu là gì, những tiêu chí chọn người tham chiếu phù hợp và cách thêm thông tin người tham chiếu khéo léo để đạt được kết quả tốt nhất.
Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Cách làm CV cho sinh viên mới ra trường, giúp bạn nổi bật trong mắt nhà tuyển dụng