Nhân viên tín dụng là vị trí quan trọng trong các ngân hàng hiện nay. Đây là công việc hấp dẫn với mức lương cao nhưng cũng chứa đựng nhiều rủi ro. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về công việc này qua bài viết.
Nhân viên tín dụng là gì?
Chuyên viên tín dụng (hay nhân viên hỗ trợ tín dụng, nhân viên tín dụng ngân hàng – tiếng Anh là Credit Officer) là nhân sự thực hiện các công việc liên quan đến tín dụng như mở thẻ, vay vốn…. Đây là hoạt động quan hệ về tín dụng giữa một bên là ngân hàng hoặc một tổ chức tài chính với bên còn lại là cá nhân, doanh nghiệp hoặc công ty có nhu cầu.
Tuỳ theo ngân hàng mà vị trí này được chia thành hai bộ phận:
- Hỗ trợ tín dụng: hỗ trợ chuyên môn về nghiệp vụ cho vay và tín dụng ngân hàng cho chuyên viên thực hiện nghiệp vụ cho vay nhằm hạn chế rủi ro và nâng cao hiệu quả công việc.
- Quan hệ khách hàng: hỗ trợ, trao đổi trực tiếp và cung cấp cho khách hàng các giải pháp tín dụng (vay vốn, mở thẻ, vay tín dụng…)
Dưới góc độ nghiệp vụ ngân hàng, vai trò của chuyên viên tín dụng vô cùng quan trọng, tiếp cận khách hàng chủ động và giúp các hoạt động tín dụng của ngân hàng trở nên thuận lợi hơn, mở rộng các khách hàng tiềm năng và hỗ trợ khách hàng hiệu quả.
Mô tả công việc của nhân viên tín dụng
Công việc của một chuyên viên tín dụng thường bao gồm cả công việc của một nhân viên sale, một chuyên viên thẩm định tín dụng hay chuyên viên thu hồi nợ.
Cụ thể, các công việc của nhân viên tư vấn tín dụng bao gồm:
- Tìm kiếm khách hàng có nhu cầu tín dụng (vay, gửi tiền thanh toán, gửi tiết kiệm…).
- Giải thích, tư vấn, cung cấp đầy đủ thông tin cho khách hàng về dịch vụ tín dụng của ngân hàng để giúp khách hàng dễ dàng cân nhắc và lựa chọn.
- Sau khi khách hàng đã quyết định và lựa chọn được dịch vụ tín dụng muốn sử dụng, chuyên viên tín dụng hướng dẫn và hỗ trợ khách hàng thực hiện các thủ tục làm hồ sơ tín dụng theo quy trình của ngân hàng.
- Dựa trên hồ sơ tín dụng của khách hàng, chuyên viên tín dụng phân tích tài chính thẩm định), đánh giá rủi ro và bàn bạc với cấp trên (trưởng phòng tín dụng) và quyết định có chấp nhận khoản vay tín dụng hay không, giảm thiểu rủi ro cho ngân hàng.
- Giám sát tình trạng dùng vốn vay và quá trình trả nợ của khách hàng. Nếu phát hiện điểm bất thường cần làm rõ để ngăn chặn nợ xấu.
- Tất toán hợp đồng: với những hợp đồng tín dụng đã hoàn thành, chuyên viên viên tín dụng tiến hành tất toán hợp đồng. Với những hợp đồng vi phạm, chuyên viên tín dụng kiêm nhiệm cả công việc thu hồi nợ: liên hệ với khách hàng có các khoản nợ quá hạn để cùng tìm cách trả nợ, hạn chế nợ xấu và tình trạng vỡ nợ.
Thu nhập của chuyên viên tín dụng ngân hàng thường bao gồm lương cứng và hoa hồng từ hợp đồng tín dụng họ ký kết được. Do đó, mức lương tổng của vị trí này không giới hạn mà tuỳ thuộc theo năng lực. Mức lương này dao động từ 4.500.000 đồng mỗi tháng tới 15.000.000 đồng mỗi tháng hoặc hơn.
Rủi ro khi làm nhân viên tín dụng
Tư vấn tín dụng là việc làm hấp dẫn bởi mức thu nhập cao, tuy nhiên đi kèm với đó là nhiều thách thức và rủi ro nghề nghiệp.
- Áp lực công việc: công việc tín dụng liên quan đến con người, con số do đó đây là công việc có áp lực không nhỏ. Bên cạnh đó, yêu cầu công việc thường đi kèm KPI. Áp lực doanh số và các áp lực khác từ nhiều bên (khách hàng, sếp..) là những áp lực chuyên viên tín dụng cần vượt qua.
- Luôn phải cẩn trọng: một chuyên viên tín dụng có thể phải làm việc với rất nhiều khách hàng hoặc công ty vay tín dụng với số lượng giao dịch, thông tin, dòng tiền lớn, do đó, chỉ một sai sót nhỏ hoặc thiếu sự chú ý khi kiểm tra hoá đơn chứng từ có thể dẫn đến nhiều rủi ro.
- Rủi ro về pháp lý: bởi chuyên viên tín dụng làm việc về tài chính nên có thể phải đối mặt các vấn đề pháp lý liên quan tới tiền tệ.
- An ninh thông tin: giữ bí mật thông tin của khách hàng là một trong các yếu tố quan trọng mà chuyên viên tín dụng cần chú ý để tránh các rủi ro không đáng có.
- Có thể bị lừa đảo: nhiều trường hợp khách hàng có các chiêu trò làm hồ sơ thế chấp giả, báo cáo tài chính giả… nhằm vay vượt quá nhu cầu hoặc dùng tiền sai mục đích. Khi đó, những chuyên viên tín dụng trực tiếp làm việc với khách hàng phải đứng ra chịu trách nhiệm.
Tóm lại, rủi ro trong công việc của một chuyên viên tín dụng có thể đến từ nhiều yếu tố từ khách quan (biến động kinh tế, chính sách vĩ mô, các yếu tố bất khả kháng…) hoặc từ yếu tố chủ quan (sự lơ là, lười hoặc ngại khi làm hồ sơ, kiểm tra hồ sơ, làm hồ sơ không đúng quy trình, thẩm định không rõ ràng…)
Yêu cầu cần có để trở thành nhân viên tín dụng
Để trở thành chuyên viên tín dụng thành công và có được nguồn thu nhập tốt, bạn cần trang bị cho mình những kiến thức và kỹ năng sau:
Kiến thức chuyên môn
- Kiến thức về ngành: am hiểu nghiệp vụ c và trách nhiệm tại ngân hàng.
- Kiến thức về tài chính: là người trực tiếp tư vấn về tài chính cho khách hàng, chuyên viên tín dụng cần nắm rõ kiến thức về kế toán, tài chính, ngân hàng, kinh tế…
- Kiến thức về thị trường tài chính: nhanh nhạy với các thông tin về thị trường, nắm bắt những biến động để tư vấn tốt nhất và mang về lợi nhuận tối ưu cho doanh nghiệp.
Kỹ năng cứng
- Kỹ năng tin học, ngoại ngữ
- Khả năng tư duy logic, xử lý dữ liệu, số liệu tốt
Kỹ năng mềm
- Giao tiếp tốt: giúp nhân viên tín dụng có mối quan hệ tốt với khách hàng.
- Kỹ năng thuyết phục, đàm phán
- Giải quyết vấn đề
- Kỹ năng lắng nghe
- Làm việc độc lập,
- Làm việc nhóm
- Tinh thần năng động, nhiệt huyết, yêu nghề
- Cẩn thận, tỉ mỉ trong suốt quá trình làm việc bởi công việc liên quan nhiều đến con số, tiền bạc, pháp lý
- Kiên định, trung thực, có đạo đức
- Chịu áp lực tốt
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ của Việc Làm 24h về công việc của một chuyên viên tín dụng – vị trí quan trọng trong các ngân hàng hiện nay. Mong rằng những thông tin này giúp bạn phần nào hiểu hơn về nghề nghiệp này. Nếu bạn đang tìm kiếm vị trí chuyên viên tín dụng với mức đãi ngộ tốt từ các nhà tuyển dụng uy tín, truy cập ngay Việc Làm 24h để không bỏ lỡ những thông tin tuyển dụng nhân viên tín dụng mới nhất.
Xem thêm: Kiếp nạn thứ 82 khi đi làm: Thăng chức nhưng không tăng lương