Bảo hiểm xã hội là một trong những quyền lợi cơ bản của người lao động trong trường hợp mất việc làm, bệnh tật hoặc các vấn đề về sức khỏe trong quá trình làm việc. Tuy nhiên, không phải lúc nào những quyền lợi này cũng được bảo vệ đầy đủ và đúng quy định. Trong một số trường hợp, công ty cũ có thể từ chối trả lại sổ bảo hiểm sau khi người lao động nghỉ việc. Vậy, phải làm sao khi công ty cũ không trả sổ bảo hiểm? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Công ty có trách nhiệm trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi nghỉ việc không?
Khoản 2, Điều 18, Luật Bảo hiểm xã hội số 58/2014/QH13 quy định quyền của người lao động “Được cấp và quản lý sổ BHXH”.
Theo Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội năm 2014 quy định trách nhiệm của người sử dụng lao động như sau:
1. Lập hồ sơ để người lao động được cấp sổ bảo hiểm xã hội, đóng, hưởng bảo hiểm xã hội.
2. Đóng bảo hiểm xã hội theo quy định tại Điều 86 và hằng tháng trích từ tiền lương của người lao động theo quy định tại khoản 1 Điều 85 của Luật này để đóng cùng một lúc vào quỹ bảo hiểm xã hội.
3. Giới thiệu người lao động thuộc đối tượng quy định tại điểm a khoản 1, khoản 2 Điều 45 và Điều 55 của Luật này đi khám giám định mức suy giảm khả năng lao động tại Hội đồng giám định y khoa.
4. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả trợ cấp bảo hiểm xã hội cho người lao động.
5. Phối hợp với cơ quan bảo hiểm xã hội trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động, xác nhận thời gian đóng bảo hiểm xã hội khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
6. Cung cấp chính xác, đầy đủ, kịp thời thông tin, tài liệu liên quan đến việc đóng, hưởng bảo hiểm xã hội theo yêu cầu của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền, cơ quan bảo hiểm xã hội.
7. Định kỳ 06 tháng, niêm yết công khai thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội cho người lao động; cung cấp thông tin về việc đóng bảo hiểm xã hội của người lao động khi người lao động hoặc tổ chức công đoàn yêu cầu.
8. Hằng năm, niêm yết công khai thông tin đóng bảo hiểm xã hội của người lao động do cơ quan bảo hiểm xã hội cung cấp theo quy định tại khoản 7 Điều 23 của Luật này.”
Như vậy, dựa trên các quy định nêu trên, người sử dụng lao động có trách nhiệm phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Xem thêm: Người lao động muốn đơn phương chấm dứt hợp đồng cần lưu ý những gì?
Công ty cũ không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động khi nghỉ việc sẽ bị xử phạt như thế nào?
Khoản 4 Điều 41 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định việc xử phạt đối với hành vi vi phạm các quy định khác về bảo hiểm xã hội, bảo hiểm thất nghiệp như sau:
4. Phạt tiền từ 2.000.000 đồng đến 4.000.000 đồng khi vi phạm với mỗi người lao động nhưng tối đa không quá 75.000.000 đồng đối với người sử dụng lao động hành vi sau đây:
d) Không trả sổ bảo hiểm xã hội cho người lao động theo quy định tại khoản 5 Điều 21 của Luật Bảo hiểm xã hội.
Lưu ý: Khoản 1 Điều 6 Nghị định số 12/2022/NĐ-CP quy định mức phạt quy định trên đây là mức phạt đối với cá nhân. Mức phạt đối với tổ chức bằng 02 lần mức phạt đối với cá nhân.
Phải làm sao khi công ty cũ không trả sổ bảo hiểm xã hội?
Người lao động có thể liên hệ với công ty cũ để yêu cầu làm thủ tục xác nhận quá trình đóng BHXH và trả sổ BHXH. Trong trường hợp công ty cũ cố tình không trả sổ BHXH trong thời hạn tối đa 30 ngày, người lao động có thể thực hiện các bước sau:
- Trường hợp công ty cũ không trả sổ bảo hiểm khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc, người lao động có thể gửi đơn khiếu nại lần đầu đến Ban giám đốc công ty hoặc thông qua tổ chức Công đoàn của công ty.
- Nếu sau 07 làm việc kể từ ngày nhận được đơn khiếu nại mà Ban giám đốc công ty vẫn cố tình không giải quyết khiếu nại hoặc có giải quyết nhưng người lao động không đồng ý với quyết định giải quyết khiếu nại thì người lao động có quyền khiếu nại tới Chánh Thanh tra Sở Lao động – Thương binh và Xã hội nơi đơn vị đặt trụ sở chính hoặc làm đơn khởi kiện tới Tòa án nhân dân cấp huyện nơi đơn vị đặt trụ sở chính về hành vi vi phạm của doanh nghiệp.
Trong trường hợp người muốn sử dụng sổ bảo hiểm mới và bỏ qua quá trình đóng bảo hiểm ở công ty cũ thì người lao động phải thực hiện thủ tục khóa sổ BHXH theo quy định tại Mục 5 Công văn số 3663/BHXH-THU như sau: “Trường hợp người lao động cam kết không thừa nhận quá trình tham gia BHXH, BHTN thì phải trình bày rõ trong Đơn đề nghị (mẫu D01-TS). Cán bộ xử lý nghiệp vụ khóa dữ liệu quá trình đóng BHXH, BHTN bằng phương án KB, KT và lập biên bản hủy sổ tại mục “Hủy có nhiều sổ”. Đơn đề nghị của người lao động có phê duyệt của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc Lãnh đạo phòng Thu BHXH Thành phố để thay thế cho sổ thu hồi. Trường hợp đặc biệt phải phục hồi lại quá trình đã khóa phương án KB, KT, thì chỉ được thực hiện khi có sự phê duyệt (nơi đã khóa dữ liệu trước đây) của Ban Giám đốc BHXH quận, huyện hoặc lãnh đạo phòng chức năng của Thành phố và đúng theo quy trình phục hồi số sổ đã hủy”.
Kết luận
Như vậy, việc công ty cũ không trả lại sổ bảo hiểm không chỉ gây bất lợi cho người lao động mà còn là hành vi vi phạm pháp luật. Vì vậy, người lao động cần phải biết đến những giải pháp pháp lý để đòi lại quyền lợi của bản thân khi công ty cũ không trả lại sổ bảo hiểm. Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng rằng bài viết này đã mang đến những thông tin hữu ích trong việc giải quyết vấn đề yêu cầu công ty cũ trả sổ bảo hiểm khi nghỉ việc. Đừng quên theo dõi các bài viết mới nhất của Việc Làm 24h về chủ đề bảo hiểm cũng như các chính sách quan trọng khác nhé!
Xem thêm: Cẩm nang sinh tồn chốn công sở từ A-Z giúp bạn thoát khỏi vòng vây drama!