Khi đang làm việc, không ai mong muốn công ty đang làm việc phá sản, tuy nhiên, điều này có thể xảy ra với bất kỳ công ty nào, bất kỳ lúc nào. Khi công ty phá sản, người lao động sẽ phải đối mặt với nhiều vấn đề phức tạp và cần phải có kế hoạch để giải quyết cụ thể. Vậy công ty phá sản thì lấy sổ bảo hiểm ở đâu? Công ty phá sản có phải trả nợ không? Trong bài viết này, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu những vấn đề mà người lao động cần phải giải quyết khi công ty phá sản và những bước cần làm để vượt qua tình huống này.
Chấm dứt hợp đồng lao động do công ty phá sản
Khoản 2 Điều 4 Luật Phá sản năm 2014 giải thích về phá sản như sau: “Phá sản là tình trạng của doanh nghiệp, hợp tác xã mất khả năng thanh toán và bị Tòa án nhân dân ra quyết định tuyên bố phá sản.”
Bên cạnh đó, theo Điều 108 Luật Phá sản, quyết định này có hiệu lực thi hành từ ngày được ban hành, theo đó, doanh nghiệp sẽ chấm dứt hoạt động từ ngày Tòa án ra quyết định tuyên bố phá sản.
Trong khi đó, theo khoản 7 Điều 34 Bộ luật Lao động 2019 liệt kê các trường hợp chấm dứt hợp đồng lao động thì hợp đồng lao động sẽ chấm dứt khi người sử dụng lao động không phải là cá nhân chấm dứt hoạt động. Do đó, khi công ty bị tuyên bố phá sản, hợp đồng lao động giữa người sử dụng lao động và người lao động sẽ chấm dứt.
Xem thêm: Năm mới rồi, thất nghiệp không đáng sợ nữa, chỉ cần bạn nhớ 4 điều này
Công ty phá sản có phải trả nợ không? Người lao động có được ưu tiên giải quyết quyền lợi khi công ty phá sản không?
Khoản 4 Điều 48 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định, trường hợp doanh nghiệp phá sản thì tiền lương, bảo hiểm xã hội (BHXH), bảo hiểm y tế (BHYT), bảo hiểm thất nghiệp (BHTN), trợ cấp thôi việc và các quyền lợi khác của người lao động theo thỏa ước lao động tập thể, hợp đồng lao động sẽ được ưu tiên thanh toán.
Khoản 1 Điều 54 Luật Phá sản liệt kê thứ tự ưu tiên thanh toán khi công ty phá sản cụ thể như sau:
1. Chi phí phá sản;
2. Khoản nợ lương, trợ cấp thôi việc, bảo hiểm xã hội, bảo hiểm y tế đối với người lao động, quyền lợi khác theo hợp đồng lao động và thoả ước lao động tập thể đã ký kết;
3. Khoản nợ phát sinh sau khi mở thủ tục phá sản nhằm mục đích phục hồi hoạt động kinh doanh của doanh nghiệp;
4. Nghĩa vụ tài chính đối với Nhà nước; khoản nợ không có bảo đảm phải trả cho chủ nợ trong danh sách chủ nợ; khoản nợ có bảo đảm chưa được thanh toán do giá trị tài sản bảo đảm không đủ thanh toán nợ.
Dựa theo quy định trên, người lao động được ưu tiên thanh toán thứ hai sau khi hoàn tất chi trả chi phí phá sản. Tuy nhiên, nếu sau khi thanh lý hết tài sản của công ty mà chỉ đủ hoặc thậm chí không đủ trả chi phí phá sản thì người lao động sẽ không nhận được bất cứ khoản thanh toán nào.
Xem thêm: Cách tính bảo hiểm thất nghiệp chuẩn nhất đảm bảo quyền lợi cho người lao động
Người lao động được nhận những gì khi công ty phá sản?
Công ty phá sản là một trong những căn cứ chấm dứt hợp đồng lao động hợp pháp, chính vì thế, người lao động sẽ được hưởng các quyền lợi theo Điều 48 Bộ luật Lao động năm 2019.
1. Người lao động được thanh toán tiền lương cho những ngày làm việc chưa được thanh toán
Trong thời hạn 14 ngày làm việc kể từ ngày chấm dứt hợp đồng lao động, 02 bên có trách nhiệm thanh toán đầy đủ các khoản tiền có liên quan đến quyền lợi của mỗi bên. Theo quy định tại khoản 1 Điều 48 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định trường hợp công ty phá sản có thể kéo dài thời hạn thanh toán nhưng không được quá 30 ngày. Do đó, công ty phải có trách nhiệm chi trả tiền lương cho người lao động theo thời gian làm việc thực tế chưa được thanh toán trong thời gian quy định.
2. Người lao động được hưởng trợ cấp thôi việc
Điều 46 Bộ Luật lao động năm 2019 quy định, người lao động đã làm việc thường xuyên từ đủ 12 tháng trở lên thì khi chấm dứt hợp đồng lao động sẽ được người sử lao động chi trả trợ cấp thôi việc, trừ trường hợp người lao động đủ tuổi hưởng lương hưu.
Với mỗi năm làm việc, người lao động sẽ được trợ cấp một nửa tháng tiền lương. Cụ thể như sau:
Tiền trợ cấp thôi việc = 1/2 x Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc x Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc
Trong đó:
- Thời gian làm việc để tính trợ cấp thôi việc bằng tổng thời gian đã làm việc thực tế trừ đi thời gian đã tham gia BHTN và thời gian làm việc đã được chi trả trợ cấp thôi việc, trợ cấp mất việc làm.
- Tiền lương để tính trợ cấp thôi việc là tiền lương bình quân của 06 tháng liền kề dựa theo hợp đồng lao động trước khi người lao động thôi việc.
Xem thêm: Cách viết đơn đề nghị hưởng trợ cấp thất nghiệp đúng chuẩn
3. Người lao động được thanh toán các loại bảo hiểm và các khoản lợi ích khác
Bên cạnh tiền lương và trợ cấp thôi việc, người sử dụng lao động còn có trách nhiệm thanh toán các loại bảo hiểm bao gồm BHXH, BHYT, BHTN cùng các khoản lợi ích khác cho người lao động dựa theo hợp đồng lao động và thỏa ước lao động tập thể mà 2 bên đã ký, thỏa thuận.
Đối với trợ cấp thất nghiệp, Cơ quan BHXH có trách nhiệm chi trả cho người lao động khi chấm dứt hợp đồng lao động. Theo Điều 50 Luật Việc làm năm 2013 quy định, mức hưởng trợ cấp thất nghiệp hằng tháng của người lao động bằng 60% mức bình quân tiền lương tháng đóng BHTN của 06 tháng liền kề trước khi thất nghiệp.
Công ty phá sản thì lấy sổ bảo hiểm ở đâu?
Theo điểm a khoản 3 Điều 48 Bộ luật Lao động 2019 quy định, khi chấm dứt hợp đồng lao động, người sử dụng lao động có trách nhiệm hoàn thành thủ tục xác nhận thời gian đóng BHXH, BHTN và trả lại cùng với bản chính các giấy tờ khác đã giữ của người lao động.
Đồng thời, khoản 5 Điều 21 Luật Bảo hiểm xã hội 2014 ghi nhận trách nhiệm phối hợp chốt sổ BHXH của người sử dụng lao động: Phối hợp với cơ quan BHXH trả sổ BHXH cho người lao động, xác nhận thời gian đóng BHXH khi người lao động chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc hoặc thôi việc theo quy định của pháp luật.
Căn cứ khoản 1 Điều 46 Quyết định số 595/QĐ-BHXH 2017 (sửa đổi bởi khoản 72 Điều 1 Quyết định số 505/QĐ-BHXH 2020) quy định:
1.2. Đối với đơn vị nợ tiền đóng BHXH, BHTN, Bảo hiểm tai nạn lao động (BHTNLĐ), Bệnh nghề nghiệp (BNN), nếu người lao động đủ điều kiện hưởng BHXH hoặc chấm dứt hợp đồng lao động, hợp đồng làm việc thì đơn vị có trách nhiệm đóng đủ BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN, bao gồm cả tiền lãi chậm đóng theo quy định, cơ quan BHXH xác nhận sổ BHXH để kịp thời giải quyết chế độ BHXH, BHTN cho người lao động.
Trường hợp đơn vị chưa đóng đủ thì xác nhận sổ BHXH đến thời điểm đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN. Sau khi thu hồi được số tiền đơn vị còn nợ thì xác nhận bổ sung trên sổ BHXH.
1.3. Khi điều chỉnh giảm thời gian đóng hoặc giảm mức đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN đã ghi trong sổ BHXH, phải ghi cụ thể nội dung điều chỉnh, xác nhận lũy kế hoặc tổng thời gian đã đóng BHXH, BHTN, BHTNLĐ, BNN”
Do đó, việc chốt sổ BHXH là trách nhiệm của người sử dụng lao động và được thực hiện cùng với sự phối hợp của cơ quan BHXH. Nếu công ty phá sản hoặc giải thể thì người lao động sẽ làm thủ tục chốt sổ BHXH tại cơ quan BHXH nơi công ty đặt trụ sở. Cơ quan BHXH sẽ chốt sổ BHXH đến thời điểm công ty cũ đã đóng BHXH cho người lao động. Thời gian đóng bảo hiểm của người lao động được chốt đến thời điểm đơn vị đóng vào quỹ BHXH.
Kết luận
Trên đây là những hướng dẫn quan trọng giúp người lao động đang làm việc tại công ty phá sản có thể vượt qua khó khăn và đảm bảo quyền quyền lợi cá nhân dựa theo thỏa thuận trên hợp đồng lao động giữa hai bên. Việc Làm 24h hy vọng những thông tin hữu ích trong bài viết này sẽ giúp bạn bình tĩnh đối mặt khi công ty phá sản và tìm ra những cơ hội nghề nghiệp phù hợp hơn trong tương lai.
Xem thêm: Lương gross là gì, cách tính lương gross sang net người lao động nên biết