Khi nhắc đến việc quản lý và thúc đẩy sự phát triển của các dự án trong lĩnh vực công nghệ thông tin, vai trò của Scrum Master là không thể chối cãi. Vậy Scrum Master là gì? Scrum Master làm gì? Vai trò của Scrum Master ra sao? Ngoài giải đáp những thắc mắc trên, mời bạn đọc cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu cách trở thành một Scrum Master chuyên nghiệp qua bài viết dưới đây nhé!
Scrum Master là gì?
Scrum Master là người quản lý, điều phối, hướng dẫn và hỗ trợ nhóm Scrum sử dụng phương pháp quản lý Agile và quy trình Scrum trong các dự án phức tạp. Phương pháp quản lý dự án Agile mang tính cộng tác cao và yêu cầu các quy trình phải được diễn ra hiệu quả. Kết quả của quy trình sẽ phụ thuộc vào sự chuyên nghiệp của Scrum Master.
Scrum Master là người làm việc trực tiếp với các bên liên quan, lấy yêu cầu khách hàng để chuẩn bị Product Backlog (danh sách các hạng mục công việc), tiến hành chia thành các Sprint (khoảng thời gian thực tế mà nhóm Scrum phối hợp và hoàn thành một lượng công việc đã định) khác nhau. Sau đó, Scrum Master sẽ lên kế hoạch và sắp xếp công việc cho các thành viên trong nhóm. Hơn nữa, Scrum Master phải đánh giá chính xác năng lực của từng thành viên trong nhóm Scrum sau khi hoàn thành các Sprint và đưa ra đề xuất cải tiến trong những Sprint tiếp theo đó.
Trong đó, Scrum là một khuôn mẫu thuộc phương pháp quản lý dự án Agile được sử dụng nhằm mục đích phát triển các dự án mang tính phức tạp cao, đa phần là phát triển phần mềm. Phương pháp Agile sẽ sử dụng các Sprint để tiến hành cải tiến sản phẩm và dịch vụ liên tục. Hiện nay có rất nhiều khuôn mẫu thuộc phương pháp Agile tuy nhiên Scrum là một trong những lựa chọn hàng đầu cho các dự án cần phát triển với tốc độ nhanh.
Công việc của Scrum Master là gì?
Hiện nay, các phương pháp Agile thường phổ biến ở các công ty công nghệ, tuy nhiên Scrum Master có thể làm việc ở mọi ngành nghề, lĩnh vực hay công ty trên toàn thế giới. Nhìn chung, công việc của Scrum Master thường bao gồm:
- Lãnh đạo, huấn luyện và đào tạo các thành viên trong nhóm hiểu rõ về quy trình Scrum, nguyên tắc áp dụng và cách thức thực hiện.
- Lập kế hoạch, tư vấn và tiến hành triển khai Scrum trong tổ chức.
- Giúp các bên liên quan và nhân viên trong nhóm Scrum hiểu rõ phương pháp tiếp cận và hoàn thành dự án.
- Tạo điều kiện thuận lợi cho sự phát triển của nhóm Scrum bằng cách loại bỏ các tác nhân gây trở ngại trong quá trình thực hiện dự án Scrum. Họ là người điều phối và sắp xếp công việc để giải quyết các vấn đề hoặc thậm chí là xung đột diễn ra trong nhóm. Đồng thời, đảm bảo các sự kiện Scrum diễn ra hiệu quả và được lưu giữ trong Timebox (danh sách các nhiệm vụ cần làm).
- Theo dõi quá trình thực hiện quy trình Scrum và đảm bảo mọi người trong nhóm tuân thủ các nguyên tắc và quy tắc Scrum.
- Tạo ra môi trường giao tiếp cởi mở và hiệu quả trong nhóm để tăng tương tác và thúc đẩy quá trình phối hợp hoàn thành Scrum.
- Huấn luyện các thành viên trong nhóm Scrum về tự quản lý và chức năng của Scrum để tạo ra tăng trưởng, đáp ứng yêu cầu của các bên liên quan.
- Phối hợp cùng Product Owner tìm ra các kỹ thuật nhằm xác định mục tiêu sản phẩm và quản lý Product Backlog.
- Hỗ trợ thiết lập kế hoạch sản phẩm thực nghiệm trong môi trường phức tạp.
Vai trò của Scrum Master là gì?
Scrum Master không chỉ là cầu nối gắn kết khách hàng với nhóm quản lý dự án, mà còn chịu trách nhiệm điều phối nhóm Scrum hoàn thành công việc theo yêu cầu được phân công. Ngoài tạo điều kiện cho nhóm Scrum làm việc thoải mái, Scrum Master giúp các thành viên khám phá và thúc đẩy những điểm mạnh cần phát huy, đồng thời khắc phục và cải thiện những điểm còn hạn chế.
Với cương vị lãnh đạo nhóm, Scrum Master cũng góp phần không nhỏ khi chia sẻ kinh nghiệm cho các thành viên. Tuy nhiên, các Scrum Master không quá “cầm tay chỉ việc” mà sẽ uỷ thác trách nhiệm cho từng thành viên để khuyến khích nhóm Scrum có thể chủ động tìm cách. Khi cần đến sự trợ giúp, Scrum Master sẽ lựa chọn thời điểm thích hợp để ra tay tương trợ.
Cách để trở thành một Scrum Master chuyên nghiệp
1. Nền tảng kiến thức về Scrum và Agile
Bước đầu tiên để trở thành Scrum Master chuyên nghiệp là nắm vững kiến thức cơ bản về Scrum và phương pháp quản lý Agile bên cạnh các thuật ngữ, cụm từ, hệ thống, thuật ngữ chuyên ngành, điều khoản kỹ thuật và quy trình vận dụng liên quan. Hơn nữa, dựa vào các kiến thức này, Scrum Master cần phải biết cách áp dụng và kết hợp các phương pháp cũng như công cụ an toàn, hiệu quả để mang đến sự thành công cho dự án theo nhiều cách khác nhau.
2. Lấy các chứng chỉ từ khóa học Scrum Master là gì?
Có nhiều khóa học Scrum Master được công nhận hiện nay mà bạn có thể theo học để củng cố kiến thức.
Một số chứng chỉ Scrum Master uy tín hiện nay bao gồm:
- Chứng chỉ Professional Scrum Master ™ I (PSM I) từ Scrum.org
- Chứng chỉ Certified Scrum Master® (CSM) của Scrum Alliance
- Chứng chỉ Scrum Master của Scrum Inc. ™
Hiện nay, cấu trúc đề thi lấy chứng chỉ Scrum Master có nhiều điểm tương đồng. Thông thường, các bạn sẽ làm bài thi trắc nghiệm (tỷ lệ đậu 60 – 85%) kéo dài khoảng 1 giờ. Kết quả thường có trong vài phút sau khi hoàn thành bài thi. Sau khi hoàn thành các bài kiểm tra, các bạn sẽ nhận được 1 bản sao chứng chỉ Scrum Master theo dạng PDF gửi về email đăng ký. Vậy là bạn đã trở thành một Scrum Master đạt chuẩn.
Các bạn có thể tham gia các khóa học Scrum Master trực tuyến từ các nền tảng như Udemy, Coursera, LinkedIn Learning và Pluralsight. Những khóa học này cung cấp kiến thức về nguyên tắc Scrum, vai trò của Scrum Master và cách thức áp dụng vào dự án thực tế.
Bên cạnh đó, các bạn cũng có thể tham khảo chứng chỉ Agile Certified Practitioner (PMI-ACP) từ Project Management Institute (PMI) với nhiều khía cạnh kiến thức khác nhau về phương pháp Agile cũng như Scrum. Đây không chỉ là một chứng chỉ Scrum Master mà còn bao gồm các khía cạnh khác của Agile như Kanban, Lean, Extreme Programming (XP),…
3. Tham gia các dự án Scrum
Tham gia vào các dự án Scrum thực tế là cách tốt nhất để học hỏi và trau dồi kinh nghiệm trong vai trò của một Scrum Master. Điều này giúp bạn trải nghiệm quy trình Scrum từ góc nhìn thực tế và nắm bắt cách làm việc nhóm. Các bạn sẽ được tiếp xúc và tham gia các cuộc họp Sprint Planning, Daily Scrum, Sprint Review và Sprint Retrospective. Đừng quên ghi chép lại những điều bạn học từ mỗi dự án Scrum mà bạn tham gia. Hãy chú ý đến những thất bại và thành công, và cách bạn đã đóng góp vào quá trình phát triển của dự án.
4. Phát triển các kỹ năng mềm
Đối với các Scrum Master, kỹ năng giao tiếp là cực kỳ quan trọng. Bạn cần có khả năng lắng nghe, thấu hiểu và truyền đạt thông tin cho tất cả các thành viên trong nhóm và các bên liên quan. Hơn nữa, kỹ năng lãnh đạo giúp Scrum Master huấn luyện và đào tạo cách thức hoạt động của Scrum hiệu quả hơn, đặc biệt là với những thành viên thiếu kinh nghiệm. Không những thế, họ còn phải thực hiện tốt vai trò quan sát, đánh giá và khuyến khích các thành viên phát huy điểm mạnh cũng như cải thiện điểm yếu để nâng cao tiềm năng của nhóm Scrum.
Ngoài ra, Scrum Master còn phải là người có kỹ năng giải quyết xung đột, đàm phán và điều phối “thượng thừa”. Đứng trước những xung đột có thể xảy ra trong công việc nhóm cũng như các bên liên quan, Scrum Master phải là người đứng ra giải quyết để không sự cố nào gây ảnh hưởng đến hiệu suất công việc.
5. Không ngừng học hỏi
Quy trình Scrum đang thay đổi liên tục để thích nghi với môi trường kinh doanh và các nhu cầu phát triển mới. Scrum được thiết kế để thích nghi với các tình huống và môi trường khác nhau mà các tổ chức và dự án có thể đối mặt. Điều này đòi hỏi các Scrum Master cần tư duy linh hoạt và sẵn sàng thay đổi để tạo ra giá trị cho dự án.
Các bạn cũng có thể tham gia vào cộng đồng Scrum qua các diễn đàn trực tuyến, nhóm Facebook, LinkedIn hoặc tham dự các sự kiện và hội thảo liên quan đến Scrum để trải nghiệm các môi trường khác nhau. Điều này cho phép bạn học hỏi và kết nối với các Scrum Master chuyên nghiệp. Bên cạnh đó, các bạn có thể tìm một Scrum Master đã có kinh nghiệm và sẵn lòng hỗ trợ bạn như một Mentor.
Mức lương tuyển dụng Scrum Master có cao như lời đồn?
Hiện nay, nhu cầu tuyển dụng Scrum Master đang rất cao và được săn đón bởi các doanh nghiệp công nghệ, phát triển phần mềm danh giá hiện nay. Bên cạnh cơ hội thăng tiến rộng mở thì Scrum Master đang là một trong những vị trí công việc đứng top đầu tại rất nhiều doanh nghiệp trên thị trường.
Nhu cầu tuyển dụng Scrum Master rất lớn, tuy nhiên, nguồn nhân lực chất lượng cao vẫn chưa đáp ứng đủ, do đó, thị trường nhân sự gặp phải tình trạng khan hiếm. Vì vậy, mức lương mà các công ty tuyển dụng Scrum Master thường khá hấp dẫn theo cấp bậc khác nhau:
- Mức lương Scrum Master chưa có kinh nghiệm, mới ra trường: 23 – 40 triệu đồng/tháng.
- Mức lương Scrum Master có kinh nghiệm từ 2-3 năm trở lên: 90 triệu đồng/tháng.
- Mức lương Scrum Master cấp cao, dày dặn kinh nghiệm: 100 triệu đồng/tháng.
Để biết thêm thông tin và cơ hội tuyển dụng Scrum Master, các bạn có thể truy cập Việc Làm 24h tìm kiếm và ứng tuyển vị trí công việc phù hợp từ hôm nay nhé!
Kết luận
Để trở thành một Scrum Master chuyên nghiệp, trước tiên thì việc tìm hiểu công việc và vai trò của Scrum Master là điều vô cùng quan trọng. Nếu bạn mong muốn phát triển sự nghiệp trong lĩnh vực Scrum, hy vọng những thông tin hữu ích mà Việc Làm 24h chia sẻ qua bài viết trên sẽ giúp bạn có những bước đi đúng hướng trên hành trình sự nghiệp trong tương lai.
Xem thêm: Lương kế toán có cao không? Lời khuyên để tăng thu nhập trong ngành kế toán