Bạn đã chán vòng lặp mỗi ngày 8 tiếng đi làm? Bạn muốn bắt đầu tự chủ công việc của mình? Hãy thử bắt đầu làm một Solopreneur. Vậy Solopreneur là gì? Solopreneur khác gì với Freelancer và Entrepreneur? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu về Solopreneur qua bài viết nhé!
Solopreneur là gì?
Solopreneur là từ kết hợp giữa Solo (làm một mình) và Entrepreneur (doanh nhân). Từ điển Oxford định nghĩa Solopreneur là một cá nhân tự tổ chức, tự quản lý và chịu mọi rủi ro của doanh nghiệp.
Trong tiếng Việt, Solopreneur có thể dịch thành người kinh doanh đơn lẻ, gọi vui chính là “công ty TNHH một mình tôi”
Solopreneur đôi khi là người muốn có quyền kiểm soát toàn bộ và cao nhất với công việc kinh doanh của mình, hoặc đôi khi là do họ chưa tìm được đội nhóm, người đồng hành phù hợp nên phải thực hiện tất cả mọi việc từ A-Z một mình.
Ví dụ về Solopreneur
Ví dụ về Solopreneur thời cổ đại:
- Một người thợ gốm thừa hưởng lò gốm ông cha để lại, tự mình làm và đem sản phẩm ra chợ bán.
- Một nông dân tự canh tác và bán nông sản do mình làm ra.
Ví dụ về Solopreneur thời hiện đại:
- Một mẹ bỉm sữa tự viết blog về chăm sóc con cái và kiếm được tiền từ Google Adsense.
- Một nhân viên công sở am hiểu về tập tục, xu hướng cưới hỏi, có quan hệ rộng với các nhà hàng tiệc cưới tự phát triển việc làm wedding planner.
- Một giáo viên yoga thích nấu ăn có thể hướng dẫn cách tạo ra những bữa ăn lành mạnh trên mạng xã hội, tạo thành thương hiệu cá nhân, từ đó kiếm tiền từ quảng cáo các sản phẩm dịch vụ thông qua Affiliate marketing.
Những nhóm ngành phù hợp với Solopreneur
Cùng với sự phát triển của công nghệ và AI, nhiều ngành nghề ngày nay phù hợp với hình thức Solopreneur như:
- Sáng tạo nội dung (content creator): bạn có thể sản xuất các nội dung như câu chuyện, hình ảnh, video, podcast để thu hút khán giả. Những công việc phổ biến liên quan đến sáng tạo nội dung gồm: blogger, Tiktoker, Youtuber, KOC…
- MMO (make money online): đây là mô hình kinh doanh trực tuyến đã phát triển từ lâu trong kỷ nguyên số, một số hình thức MMO quen thuộc gồm: POD, Blog Flipping, Affiliate Marketing…
- Photographer: là người chụp ảnh tự do, bạn có thể chủ động xây dựng thương hiệu riêng của mình, từ đó kết nối, tìm kiếm khách hàng. Nhiều Solopreneur là những Photographer du lịch, họ vừa di chuyển, vừa kiếm tiền từ những nơi đã đi qua.
- Personal trainer: là những huấn luyện viên cá nhân ở nhiều lĩnh vực như thể dục (Pilate, Yoga…), phát triển bản thân, tài chính cá nhân… Các personal trainer không còn bó buộc trong hình thức làm việc tại văn phòng hoặc phòng tập mà có thể huấn luyện online, offline theo hình thức 1:1 đáp ứng yêu cầu của khách hàng.
Solopreneur khác với Freelancer, Entrepreneur
Freelancer là những người làm việc tự do, có sự tự chủ cao trong công việc của mình. Entrepreneur là những doanh nhân khởi nghiệp, họ thường được biết đến là người làm việc trong các doanh nghiệp khởi nghiệp (start-up) hơn là những người tự mình vận hành việc kinh doanh một mình.
Cụ thể, để hiểu hơn sự khác biệt giữa Solopreneur với freelancer và entrepreneur, bạn có thể theo dõi qua bảng so sánh sau:
Freelancer | Solopreneur | Entrepreneur |
Làm việc một mình | Có thể tuyển thêm nhân sự hỗ trợ nhưng tự thân nắm việc quản lý, điều hành, kiểm soát rủi ro và tài chính | Làm việc cùng tập thể nhân sự như một công ty với đầy đủ chức năng. Thuê nhân sự với quy mô mở rộng theo sự phát triển của doanh nghiệp. |
Thực hiện các dự án quy mô nhỏ, mang tính cá nhân. | Thực hiện các dự án quy mô nhỏ tới lớn. | Thực hiện dự án quy mô nhỏ tới lớn. |
Ngân sách nhỏ, không chi quá nhiều tiền, tự kiểm soát tài chính | Tự kiểm soát tài chính, sẵn sàng chi tiêu để mang lại hiệu quả công việc. | Kiểm soát chi tiêu cụ thể bằng hoạt động kế toán, sẵn sàng chi tiền để mang lại hiệu quả |
Thu nhập dựa trên thời gian làm việc | Tìm cách nâng cao thu nhập và tiết kiệm thời gian. | Tối ưu hoá doanh thu, lợi nhuận theo mô hình kinh doanh bài bản |
Ít khi cam kết dài hạn với đối tác mà thường chỉ hợp tác theo dự án | Xây dựng mối quan hệ lâu dài với khách hàng, đối tác, phát triển thương hiệu | Tìm kiếm, xây dựng khách hàng lâu dài, phát triển thương hiệu |
Mục tiêu phát triển kỹ năng, nâng cao thương hiệu cá nhân | Mục tiêu phát triển hoạt động kinh doanh, gia tăng doanh thu | Mục tiêu phát triển doanh thu, lợi nhuận, thương hiệu. |
Hoạt động như một chuyên gia cá nhân. | Hoạt động như một đơn vị kinh doanh cá thể. | Hoạt động như một doanh nghiệp. |
Xem thêm: Có nên làm Freelancer? Tiết lộ những áp lực vô hình khi trở thành Freelancer
Vì sao Solopreneur ngày càng được ưa chuộng?
Nguyên nhân chủ quan
Báo cáo của MBO Partners cho biết, 82% Solopreneur tại Mỹ nói rằng họ cảm thấy hạnh phúc hơn khi làm việc một mình so với khi làm việc toàn thời gian tại các công ty truyền thống. 56% người được phỏng vấn khác chia sẻ rằng họ mong muốn tiếp tục con đường Solopreneur đã lựa chọn. Sự hấp dẫn của hình thức này đến từ các yếu tố sau:
- Được làm việc yêu thích: hầu hết mọi người khi rời khỏi môi trường công sở đồng nghĩa với sự dũng cảm theo đuổi việc họ yêu thích. Được làm công việc yêu thích có thể giúp mang lại động lực mạnh mẽ để vượt qua những thử thách cam go phía trước và có thể gắn bó kiên trì với mục tiêu.
- Tự do, linh hoạt: khi là một Solopreneur, bạn có thể làm việc ở bất cứ nơi nào mong muốn (tại quán cà phê, co-working space, làm việc ở nhà…). Bên cạnh đó, bạn có thể tuỳ ý sắp xếp công việc, quyết định tiến độ, phân loại công việc theo ý muốn để đảm bảo kết quả nhất.
- Theo đuổi ước mơ của chính mình chứ không phải của ai khác (của công ty hay của sếp).
- Kết nối và xây dựng mối quan hệ có ý nghĩa với nhiều người có cùng chí hướng.
- Tạo ra giá trị và truyền tải thông điệp ý nghĩa mang dấu ấn cá nhân.
Nguyên nhân khách quan
Yếu tố khách quan đầu tiên dẫn tới sự phát triển của Solopreneur chính là sự bùng nổ của Internet. Thời đại số hoá tạo ra những sản phẩm số hoá (digital product) ngày càng nhiều. Các sản phẩm này đa dạng: từ một poster, một bức ảnh, tới một video, một ứng dụng, một cuốn sách nói…Tập khách hàng cũng ngày càng mở rộng ra phạm vi toàn cầu, khi người bán và người mua thậm chí không cần gặp nhau.
Yếu tố thứ hai tác động mạnh mẽ tới sự phát triển của Solopreneur chính là sự xô bồ của đời sống công sở. Những vấn đề như thoả hiệp với sếp và đồng nghiệp, né tránh sự chuyên nghiệp độc hại, tình trạng “burn out”… khiến ngày càng nhiều người tìm tới cách làm việc như một Solopreneur – vừa kiểm soát công việc, vừa kiểm soát thời gian lẫn không gian chủ động hơn.
Yếu tố thứ ba tác động tới sự phổ biến của Solopreneur chính là đại dịch. Thời gian cách ly kéo dài trong suốt đại dịch là cú hích mạnh mẽ khiến những công việc online và mô hình làm việc từ xa phát triển mạnh hơn.
Bí kíp trở thành Solopreneur thành công
Như vậy, hẳn bạn đã hiểu Solopreneur là gì? Nếu bạn đang có ý định trở thành một Solopreneur, sau đây là một vài lời khuyên từ Việc Làm 24h để trở thành một Solopreneur hiệu quả hơn.
Đặt mục tiêu dài hạn
Trước khi quyết định trở thành một Solopreneur, bạn cần xác định mục tiêu dài hạn mình mong muốn là gì: bạn muốn trở thành sếp, muốn tạo dựng một cuộc sống ổn định hơn, hay chỉ muốn phát triển kỹ năng? Từ câu trả lời này, bạn sẽ có định hướng và kế hoạch để đầu tư thời gian, công sức, nỗ lực cho việc kinh doanh.
Tìm không gian làm việc hiệu quả
Khi đã xác định mục tiêu và sự nghiêm túc với việc trở thành Solopreneur, bạn cần một không gian làm việc hiệu quả và nghiêm túc.
Coworking Sapce (không gian làm việc chung) hoặc mô hình văn phòng Soho (Small Office, Home Office) đang được nhiều Solopreneur lựa chọn bởi sự chuyên nghiệp và giúp cho công việc hiệu quả hơn.
Tối ưu thời gian làm việc
Bởi bản thân phải tự điều hành toàn bộ công việc: từ tìm khách hàng, marketing, cung cấp sản phẩm, chăm sóc khách hàng… Solopreneur cần biết cách tổ chức công việc hợp lý, tối ưu thời gian làm việc để có thể thực hiện hết các đầu việc.
Xem thêm: Cách vượt qua deadline để không còn bị dí nước đến chân mới nhảy
Đầu tư đủ công cụ làm việc cần thiết
Sự khác biệt giữa Solopreneur và Freelancer một phần nằm ở việc chi tiêu để mang lại hiệu quả công việc cao nhất. Bởi Solopreneur là hành trình dài hơi và nghiêm túc, do đó, việc đầu tư công cụ là điều cần thiết để bạn tối ưu được thời gian cũng như hiệu quả công việc.
Tìm gặp các cộng đồng “cùng tần sóng”
Hành trình của một Solopreneur sẽ vô cùng khó khăn khi bạn vừa tự làm, vừa tự mò mẫm và tự trả giá cho những thiếu sót. Công việc cũng sẽ trở nên thuận lợi hơn khi bạn có thể tiếp xúc, trao đổi cùng những người cùng tần sóng. Họ có thể mang đến cho bạn những hỗ trợ cần thiết, lời khuyên hoặc truyền động lực mỗi khi bạn gặp vấn đề trong quá trình kinh doanh.
Kiên định với kế hoạch
Dù làm việc theo hình thức nào thì kiên định là một trong những yếu tố quan trọng để bạn đi đến được thành công, bao gồm cả việc trở thành một Solopreneur.
Vận hành việc kinh doanh vốn đã nhiều thách thức, sự khó khăn càng nhân lên khi bạn tự làm mọi thứ một mình. Do đó, kiên nhẫn, không bỏ cuộc khi gặp khó khăn là một trong những thách thức Solopreneur cần vượt qua.
Lợi nhuận tăng hoặc giảm phụ thuộc vào nhiều yếu tố cả khách quan và chủ quan. Điều quan trọng là bạn có những phân tích nhận để khắc phục các điểm còn yếu và phát huy thế mạnh, nhằm mang lại hiệu quả tốt nhất.
Khai thác tối đa sự tự do
Tự do là một trong những lý do chính khiến nhiều người mong muốn trở thành một Solopreneur. Sự tự do này vừa là cơ hội để bạn có thể cho bản thân sự linh hoạt, thời gian làm việc và nghỉ ngơi hợp lý hơn so với đi làm công sở ngày 8 tiếng. Tuy nhiên, đây cũng là thách thức với kỷ luật bản thân.
Xem thêm: Tại sao bạn mãi loanh quanh không dám bước ra vùng an toàn của bản thân?
Tạm kết
Trên đây là những chia sẻ ngắn gọn của Việc Làm 24h về Solopreneur là gì. Mong rằng bài viết giúp bạn hiểu hơn về thuật ngữ này cũng như có sự chuẩn bị tốt hơn trên hành trình trở thành một Solopreneur thành công.
Xem thêm: Thu nhập hàng chục triệu mỗi tháng với các trang web tìm việc freelancer uy tín