Lương không phải là tất cả nhưng đây lại là nguồn động lực lớn thúc đẩy người lao động làm việc, cố gắng vì mục tiêu chung của tổ chức, đơn vị. Không chỉ giúp doanh nghiệp thu hút, giữ chân nhân tài, một quy chế tính và trả lương hoàn thiện còn nâng cao năng suất, chất lượng lao động. Tuỳ vào chính sách và quy mô hoạt động, mỗi doanh nghiệp sẽ có các hình thức trả lương khác nhau. Là người lao động, bạn cần hiểu rõ những quy định về hình thức trả lương tại nơi làm việc.
Đôi nét về tiền lương cho người lao động
Tiền lương là gì?
Tiền lương (tên tiếng Anh: Salary) là yếu tố quan trọng có khả năng tạo ra sự ổn định và quyết định tính bền vững của mối quan hệ lao động. Xét trên phương diện kinh tế, tiền lương biểu thị bằng tiền được tạo ra bởi giá trị của sức lao động. Hiểu đơn giản, tiền lương chính là khoản tiền mà đơn vị lao động chi trả cho người lao động khi hoàn thành công việc theo thỏa thuận.
Xem thêm: Lương cạnh tranh là gì? Sự khác biệt giữa lương thỏa thuận và lương cạnh tranh
Đối với đơn vị sử dụng lao động, tiền lương đóng vai trò là yếu tố đầu vào của sản xuất. Khoản tiền này hình thành nên chi phí sản xuất. Vì vậy, đơn vị sử dụng lao động cần cân đối các khoản tiền lương để đạt mục tiêu lợi nhuận khi kinh doanh.
Đối với người lao động, tiền lương chính là thù lao, là chi phí bù đắp sức lao động mà họ nhận được trong quá trình làm việc. Trên thực tế, mức độ tương quan về tiền lương giữa người lao động và đơn vị sử dụng lao động vừa mâu thuẫn, vừa thống nhất với nhau. Chính vì thế, các hình thức trả lương cần phải thông qua những quy định về mặt pháp lý.
Dựa trên quy định tại Điều 90 Bộ Luật lao động năm 2019, khái niệm tiền lương được định nghĩa như sau:
“Tiền lương là số tiền mà người sử dụng lao động chi trả cho người lao động theo thỏa thuận để thực hiện công việc, bao gồm mức lương theo công việc hoặc chức danh, phụ cấp lương và các khoản bổ sung khác.”
Lưu ý, tiền lương chỉ được ứng dụng trong quan hệ lao động. Đối với các trường hợp không có mối quan hệ lao động, khoản tiền do đơn vị sử dụng lao động chi trả cho người làm thuê gọi là thù lao, tiền công hoặc bất kỳ tên gọi nào khác mà không phải tiền lương.
Một số nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp
Trước khi tìm hiểu các hình thức trả lương, bạn cần nắm các nguyên tắc tính lương được áp dụng trong doanh nghiệp. Về cơ bản, nguyên tắc tính lương trong doanh nghiệp phụ thuộc vào từng vị trí, chức vụ của người lao động. Thông qua đó, mức lương sẽ được phân thành từng cấp bậc tương ứng.
Một số khái niệm liên quan đến nguyên tắc tính lương là:
- Tiền lương cấp bậc: Đây là mức lương áp dụng cho công nhân dựa vào số lượng và chất lượng lao động họ tạo ra.
- Hệ số tiền lương cấp bậc: Đây là yếu tố để doanh nghiệp căn cứ vào đó để trả lương cho người lao động theo chất lượng và điều kiện lao động khi họ hoàn thành công việc của mình.
- Mức lương: Đây là khoản tiền do đơn vị sử dụng lao động trả cho người lao động trong một mốc thời gian (giờ, ngày, tháng) phù hợp với những cấp bậc trong thang lương. Theo quy định của Nhà nước, mức lương bậc I hoặc mức lương tối thiểu với hệ số lương của cấp bậc tương ứng.
- Thang lương: Đây là quan hệ tỷ lệ về tiền lương giữa các vị trí giống hoặc khác nhau theo trình tự và cấp bậc. Theo đó, mỗi cấp bậc trong thang lương sẽ có hệ số cấp bậc và tỷ lệ tiền lương khác nhau so với tiền lương tối thiểu.
- Tiêu chuẩn cấp bậc kỹ thuật: Đây là các văn bản quy định về mức độ phức tạp của công việc và yêu cầu về trình độ chuyên môn của người lao động ở một bậc nào đó về mặt kỹ thuật và thực hành.
Quy định hình thức trả lương và cách thức trả lương phổ biến
Quy định về hình thức trả lương
Theo điều 96 Bộ Luật lao động hiện hành quy định về hình thức trả lương như sau:
- Người sử dụng lao động và người lao động thỏa thuận hình thức trả lương theo thời gian, sản phẩm hoặc khoán.
- Lương được trả bằng tiền mặt hoặc trả qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng.
(Đối với trường hợp trả lương qua tài khoản cá nhân của người lao động được mở tại ngân hàng, người sử dụng lao động cần phải trả các loại phí liên quan đến việc mở tài khoản và chuyển tiền lương).
7 cách thức trả lương phổ biến tại các tổ chức
1. Hình thức trả lương theo nhân viên
Đây là một cách thức trả lương khá phổ biến trong nhiều doanh nghiệp. Tuỳ thuộc vào kiến thức, kỹ năng mềm và năng lực làm việc của mỗi cá nhân đối với nhiệm vụ của mình, đơn vị sử dụng lao động sẽ trả mức lương tương ứng. Hiểu đơn giản, người lao động sẽ được trả lương dựa trên kinh nghiệm, kiến thức và mức độ hiểu biết của mình
Thông thường, cách thức trả lương này sẽ được xác định dựa trên bằng cấp, trình độ học vấn của người lao động. Một số ngành nghề, lĩnh vực áp dụng cách thức trả lương theo nhân viên là: bác sĩ, giáo viên, các nhà nghiên cứu/nhà khoa học,…
Để hưởng được mức lương cao, người lao động cần bồi dưỡng kiến thức, kỹ năng và kinh nghiệm. Trong từng lĩnh vực khác nhau, cách thức trả lương theo nhân viên sẽ không giống nhau.
Ưu điểm:
- Tạo động lực cho nhân viên tích cực học tập, rèn luyện, trau dồi kỹ năng, kiến thức,…
- Giúp doanh nghiệp tiết kiệm thời gian, công sức theo dõi, kiểm soát, quản lý và đánh giá hiệu quả công việc của người lao động.
Nhược điểm:
- Đòi hỏi doanh nghiệp phải đánh giá chính xác năng lực, kỹ năng của từng nhân viên để trả lương phù hợp.
- Không phải kiến thức nào của nhân viên cũng áp dụng được vào quá trình sản xuất của doanh nghiệp.
2. Hình thức trả lương hỗn hợp
Cách thức trả lương hỗn hợp còn có tên gọi khác là trả lương 3P (Pay for Position: Trả lương theo chức vụ công việc; Pay for Person: Trả lương theo cá nhân; Pay for Performance: Trả lương theo mức độ hoàn thành công việc hoặc thành tích). Về bản chất, trả lương hỗn hợp là giải pháp trả lương kết hợp giữa 3 yếu tố chính bao gồm: chức vụ, cá nhân và thành tích.
Đối với từng phương diện, doanh nghiệp sẽ tiến hành trả lương như sau:
- Trả lương theo chức vụ:
Doanh nghiệp sẽ đưa ra mức lương hoặc một ngạch lương tương ứng cho từng chức vụ. Việc này giúp doanh nghiệp dễ dàng nhận định được giá trị công việc và mức lương trên thị trường lao động.
- Trả lương theo cá nhân:
Tuỳ vào trình độ, năng lực của từng cá nhân, doanh nghiệp sẽ bổ nhiệm, phân công công việc cho từng người. Từ đó, doanh nghiệp xếp mức lương tương ứng theo từng nhiệm vụ đã giao. Khi xếp lương, doanh nghiệp cần nêu rõ cơ chế tăng lương dựa trên sự tiến bộ và mức độ đáp ứng công việc theo yêu cầu được giao.
Ngoài ra, doanh nghiệp cũng có thể áp dụng các chính sách khác theo năng lực, bao gồm: phụ cấp năng lực, phụ cấp bằng cấp, phụ cấp thâm niên, phúc lợi, phục cấp thu hút hoặc một số ưu đãi cá nhân khác (mua cổ phần, vay vốn).
- Trả lương theo thành tích:
Cũng như tên gọi, đây là cách thức trả lương dựa trên thành tích người lao động đạt được. Doanh nghiệp có thể xếp mức lương theo thứ hạng thành tích (A – B – C) dựa trên mức độ hoàn thành công việc. Chẳng hạn như nhân viên đạt thành tích A sẽ hưởng mức lương cao nhất và thấp dần đến hạng B, C.
Ưu điểm:
- Đảm bảo công bằng giữa những người lao động khi thực hiện các công việc có mức độ tương đương nhau.
- Góp phần tạo động lực cho nhân sự cố gắng, phát huy tinh thần thi đua, cạnh tranh nhau.
Nhược điểm:
- Tương đối phức tạp, tốn nhiều thời gian của doanh nghiệp.
- Đòi hỏi đội ngũ cán bộ lao động đảm bảo chi đủ tiền lương, được đào tạo chuyên sâu về lao động tiền lương và quản trị nhân lực.
3. Hình thức trả lương theo thời gian
Trả lương theo thời gian cũng là cách thức trả lương phổ biến được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Với cách thức này, người lao động sẽ được nhận số tiền đã thỏa thuận với doanh nghiệp dựa trên số lượng thời gian mình làm việc.
Thông thường, người lao động sẽ được trả lương theo các mốc thời gian cụ thể như giờ, ngày, tháng. Tuỳ vào chức vụ và công việc, người lao động sẽ được nhận mức lương tương ứng.
Ưu điểm:
- Là cách thức trả lương thông dụng, hiệu quả cao.
- Cho phép người lao động có thể tự tính được mức lương của mình mà không chạy theo KPI.
- Giúp người lao động có thêm thời gian học hỏi, cải thiện kiến thức chuyên môn trong công việc.
Nhược điểm:
- Khiến người lao động thụ động, thiếu sự nỗ lực trong công việc.
- Dễ xảy ra tình trạng bóc lột sức lao động.
- Không mang lại kết quả chính xác và tương xứng với đóng góp của người lao động.
4. Hình thức trả lương theo sản phẩm/dịch vụ
Đây là cách thức trả lương dựa trên số lượng và chất lượng sản phẩm/dịch vụ do người lao động tạo ra. Hình thức trả lương này đóng vai trò như một công cụ chính sách công. Với cách thức trả lương theo sản phẩm, các khoản thanh toán sẽ phụ thuộc vào kết quả đánh giá của doanh nghiệp.
Tiền lương của người lao động được tính theo đơn vị thời gian và định mức năng suất tính theo sản phẩm của cùng một loại công việc. Cách trả lương này diễn ra thường xuyên, phần lớn là theo tháng làm việc của nhân viên.
Ưu điểm:
- Tạo động lực cho người lao động trong quá trình làm việc.
- Thúc đẩy năng suất công việc, cải thiện chất lượng sản phẩm/dịch vụ.
- Mang lại kết quả chính xác hơn cho người lao động và doanh nghiệp.
Nhược điểm:
Người lao động chỉ tập trung chạy theo số lượng mà không tập trung nâng cao kỹ năng của bản thân.
5. Hình thức trả lương theo doanh thu
So với các cách thức trả lương trên, trả lương dựa trên doanh thu cũng được áp dụng rộng rãi. Hình thức này được các doanh nghiệp áp dụng trong quá trình cùng người lao động tham gia làm việc, sản xuất. Thông thường, trả lương theo doanh thu phù hợp với các đối tượng như nhân viên bán hàng, nhân viên kinh doanh, người làm trong lĩnh vực kinh tế.
Tiền lương người lao động nhận được sẽ dựa vào 3 yếu tố chính, bao gồm: doanh thu của chính người lao động, doanh thu của nhóm làm việc và doanh thu của tỷ lệ % doanh thu doanh nghiệp đạt được.
Ưu điểm:
- Người lao động sẽ được nhận mức lương tương ứng với công sức mình bỏ ra, được nhận mức tiền thưởng từ doanh nghiệp nếu vượt chỉ tiêu doanh số.
- Giảm khó khăn, rủi ro thâm hụt tiền quỹ trong công việc trong doanh nghiệp.
- Thúc đẩy người lao động tạo ra những sản phẩm chất lượng.
Nhược điểm:
Khiến người lao động không quan tâm đến số lượng sản phẩm/dịch vụ mình tạo ra.
6. Hình thức trả lương khoán
Trả lương khoán cũng là cách thức trả lương được nhiều doanh nghiệp áp dụng. Khi bàn bạc về mức lương làm việc giữa người lao động và doanh nghiệp, đôi bên sẽ có sự đồng thuận về một khoản tiền khoán nhất định. Khoản tiền này sẽ được thanh toán khi người lao động hoàn thành công việc đúng như thỏa thuận. Cách thức trả lương khoán phù hợp với những công việc liên quan đến đấu thầu xây dựng, truyền thông sản phẩm hoặc nội dung.
Ưu điểm:
- Giúp bộ phận quản lý công việc tiết kiệm thời gian.
- Giúp người lao động nhanh chóng hoàn thành công việc được giao, tăng mức độ thành công và hiệu quả hơn.
Nhược điểm:
- Người lao động cần bỏ ra một khoản chi phí để làm tiền khoán.
- Đòi hỏi đôi bên phải cẩn trọng, tỉ mỉ để tránh sai sót về số liệu, mức lương.
7. Hình thức trả lương theo hoa hồng
Trả lương theo hoa hồng sẽ dựa trên phần trăm doanh thu hoặc lợi nhuận mà doanh nghiệp thu lại. Khoản tiền này được gọi là tiền hoa hồng. Nhân viên được nhận tiền hoa hồng thường là người có năng lực, có khả năng tạo ra doanh thu. Cách thức trả lương này phù hợp với các ngành nghề liên quan đến kinh doanh, bán sản phẩm có giá trị: kinh doanh bất động sản, ô tô, bảo hiểm,…
Ưu điểm:
- Góp phần thúc đẩy năng suất làm việc của người lao động, tạo mục tiêu làm việc hiệu quả.
- Cải thiện chất lượng công việc của doanh nghiệp, giúp chinh phục doanh thu như mong muốn.
Nhược điểm:
- Có thể khiến người lao động cảm thấy áp lực.
- Mức độ đóng góp của nhân viên trong lúc làm việc bị hạn chế.
Bên cạnh đó, người lao động nên biết phương thức quy đổi lương gross sang net được thực hiện thông qua công thức tiêu chuẩn sau để thuận tiện kiểm tra lương, thưởng của mình:
Lương net = Lương gross – (BHXH + BHYT + BHTN + Thuế TNCN)
Hiện Việc Làm 24h đã có công cụ tính lương gross sang net rất tiện lợi. Người lao động, các ứng viên xin việc có thể truy cập vào trang để quy đổi lương cực tiện lợi.
Kết luận
Tuỳ thuộc vào ngành nghề, lĩnh vực, quy mô hoạt động của từng doanh nghiệp, cách thức trả lương cho người lao động sẽ khác nhau. Nhưng nhìn chung, mỗi cách thức đều tuân theo những thỏa thuận ban đầu của người lao động và đơn vị sử dụng lao động. Vậy nên, để đảm bảo quyền lợi của mình, bạn cần cẩn trọng trong quá trình bàn bạc và xem xét kỹ hợp đồng.
Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng bài viết sẽ trở thành nguồn tham khảo hữu ích đối với bạn. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những công việc chất lượng và uy tín nhất nhé!
Xem thêm: Các loại bảo hiểm bắt buộc người lao động cần biết khi đi làm giúp đảm bảo lợi ích