Accelerator là gì? Ý nghĩa của accelerator trong lĩnh vực startup 

Startup Accelerator (chương trình tăng tốc khởi nghiệp) giúp các công ty khởi nghiệp phát triển nhanh chóng hơn bằng nhiều lợi ích như tiếp cận cơ hội đầu tư, vốn, cố vấn… Accelerator là gì và đóng vai trò như thế nào trong lĩnh vực startup? Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn về Accelerator qua bài viết.

Accelerator là gì

Accelerator là cụm từ trong kỹ thuật vốn có nghĩa là bàn đạp ga hay máy gia tốc – tức thiết bị giúp tăng tốc cho chủ thể.

Trong lĩnh vực startup, Accelerator chính là hoạt động tiếp nhận các ý tưởng khởi nghiệp, sàng lọc và tìm ra các “hạt giống” tiềm năng. Chủ nhân của các ý tưởng hạt giống tiềm năng này sẽ có khoảng 3 – 6 tháng (phổ biến là 4 tháng) để hiện thực hóa ý tưởng thành sản phẩm dạng cơ bản. Hoạt động này gọi là các chương trình tăng tốc khởi nghiệp. Accelerator thường là các nhà đầu tư cá nhân, các công ty đầu tư khởi nghiệp lớn. 

Bằng tiềm lực tài chính, kinh nghiệm thực tiễn và các mối quan hệ có sẵn trong kinh doanh, Accelerator sẽ đầu tư cho startup một khoản tiền – thường dùng để đổi lấy không quá 10% cổ phần – và cố vấn, hỗ trợ, đặc biệt là đào tạo kỹ năng.

Mỗi Accelerator khác nhau có các chương trình khác nhau, nhưng mục tiêu chủ yếu xoay quanh làm sao giúp các startup nâng cao kỹ năng cần có khi khởi nghiệp.

accelerator là gì
Accelerator là một trong những “bệ phóng” giúp startup lớn nhanh hơn.

Yếu tố đánh giá thành công của một Accelerator

Mức độ thành công của một chương trình tăng tốc khởi nghiệp có thể đánh giá dựa theo:

  • Tiền vốn startup gọi được sau khi tham gia chương trình Accelerator.
  • Survival rate (tỷ lệ tồn tại): Là số lượng startup còn tồn tại, duy trì hoặc phát triển sau giai đoạn demo hoặc sau một khoảng thời gian tham gia Accelerator.
  • Số lượng việc làm mới do startup tạo ra.
  • Doanh thu của startup sau khi tham gia chương trình Accelerator.
  • Số người hưởng lợi từ các startup tốt nghiệp các chương trình Accelerator.

Ý nghĩa của Accelerator là gì trong lĩnh vực startup?

Mỗi năm, thế giới có khoảng 50 triệu dự án startup mới, tại Việt Nam là khoảng 1.000. Tuy nhiên, theo thông tin, tới 90% dự án thất bại. 92% startup không vượt qua được 3 năm đầu tiên. Trên thế giới, tỷ lệ startup thất bại là khoảng 75% đến 90%. 

Sự có mặt của Accelerator giúp tăng tỷ lệ “sống sót” của doanh nghiệp khởi nghiệp. Cụ thể, số startup tồn tại được sau khi tốt nghiệp các Accelerator cao hơn khoảng 23% so với các startup không tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp. (Nguồn)

Vai trò của Accelerator trong việc hỗ trợ startup bao gồm:

  • Cung cấp những hỗ trợ quan trọng trong bước đầu tiên để xây dựng và định hình công ty. Các hỗ trợ này gồm cả tài chính (số vốn nhỏ), xây dựng văn hoá, tiếp cận thị trường, …
  • Tiếp thêm nhiệt huyết cho các entrepreneurs (nhà khởi nghiệp) còn thiếu kiến thức và mạng lưới (network), tạo điều kiện cho họ tìm kiếm đối tác, tăng cơ hội xuất hiện trước công chúng trong những sự kiện lớn…
  • Cung cấp các khung làm việc (framework) có sẵn để giúp startup định hướng sản phẩm và thị trường tốt hơn.
  • Nhiều accelerator cung cấp cả các chương trình đào tạo cho startup nâng cao chất lượng nhân sự. Đặc biệt là accelerator giúp đào tạo kỹ năng cho các doanh nhân khởi nghiệp giúp họ hoàn thiện năng lực quản lý, kinh doanh.
  • Hỗ trợ giúp cho startup dễ dàng gọi vốn hơn.

Lưu ý rằng, không phải tham gia chương trình tăng tốc khởi nghiệp là startup sẽ “tăng tốc” thực sự. 

Accelerator về bản chất giống như chương trình học thực tập dành cho startup trong thời gian ngắn. Kết thúc quá trình học mỗi startup khác nhau sẽ nhận được những giá trị khác nhau. 

Có startup học được nhiều kinh nghiệm như: hoàn chỉnh sản phẩm, hoàn thiện mô hình kinh doanh, định hướng chuẩn xác hơn thị trường mục tiêu, mở rộng mạng lưới quan hệ, tìm được nhà cung cấp, có thêm nhiều đối tác… Trong khi đó, có startup cảm thấy không thu lại nhiều giá trị. 

Do đó, để phát huy được hết vai trò “tăng tốc”, các doanh nghiệp khởi nghiệp cần tìm được đúng chương trình, đúng huấn luyện viên (mentor), cũng như phân bổ nguồn lực để tham gia đầy đủ, tận dụng hết giá trị của các workshop.

accelerator là gì
Startup cần biết cách chọn Accelerator phù hợp.

Khác biệt giữa Incubator với Accelerator là gì?

Trong quá trình khởi nghiệp, Accelerator thường bị nhầm lẫn với Incubator (vườn ươm khởi nghiệp).

Về cơ bản, đây đều là những đơn vị lớn đứng ra tư vấn về chuyên môn, pháp lý, cung cấp không gian làm việc cùng nhiều hỗ trợ khác để các startup có thể nhanh chóng trưởng thành, sớm tìm được nhà đầu tư và khách hàng, đưa sản phẩm ra thị trường. 

Trong khi các vườn ươm cung cấp môi trường, đôi khi cả văn phòng cho startup làm việc thì các chương trình tăng tốc giúp đẩy nhanh sự tương tác giữa startup với thị trường theo đúng nghĩa. Tức là buộc các doanh nghiệp startup phải thích nghi nhanh với thị trường trong thời gian ngắn.

accelerator là gì
Sự khác nhau cơ bản giữa Incubator với Accelerator là gì?

Bởi vậy, vườn ươm và chương trình tăng tốc khác biệt cơ bản về: kỳ hạn hỗ trợ, cách hoạt động, quá trình chọn lọc startup và nội dung đào tạo. Cụ thể như sau:

Incubator (vườn ươm) Accelerator (chương trình tăng tốc)
Cách hoạt động Vườn ươm thường sẽ đưa đội quản lý chuyên nghiệp từ bên ngoài giúp giám sát ý tưởng khởi nghiệp do vườn ươm và startup cùng nuôi dưỡng, phát triển ý tưởng này qua giai đoạn dài (ở Mỹ là khoảng 33 tháng).
Đồng thời, để có quyền tham gia quyết định trong thời gian này, vườn ươm thường nắm giữ lượng cổ phần lớn trong doanh nghiệp.
Một chương trình tăng tốc sẽ thu khoảng 10% cổ phần của ý tưởng khởi nghiệp (hoặc ý tưởng kinh doanh mới).
Đổi lại, startup nhận được khoản vốn nhỏ cùng sự hướng dẫn (có giới hạn) từ các chuyên gia trong Accelerator.
Sự hướng dẫn này được bố trí thành chương trình tổng thể kéo dài 3-6 tháng. Sau khi hoàn tất, startup sẽ “tốt nghiệp”.
Thời gian hỗ trợ Kéo dài từ 3-5 năm Kéo dài khoảng 4 tháng.
Cổ phần nắm giữ Thường chiếm từ 20% trở lên. Chỉ chiếm từ 6% đến 10%.
Đối tượng Thường hướng tới các startup công nghệ (công nghệ sinh học, nano, công nghệ xanh…) và phi công nghệ.
Startup tham gia vườn ươm thường là chuyên gia trong những lĩnh vực này.
Nhiều vườn ươm là tổ chức phi lợi nhuận, tổ chức nghiên cứu hoặc một phần của trường đại học được tổ chức lớn tài trợ.
Thường hướng tới các doanh nghiệp kỹ thuật số, phần mềm, hoặc sản phẩm tương đối đa dạng.
Startup tham gia Accelerator không đòi hỏi quy mô lớn hay ý tưởng kinh doanh đã chứng minh qua thực tiễn. Do đó, mô hình này phù hợp với các nhà khởi nghiệp trẻ.
Người tham gia Accelerator thường là những nhà đầu tư, doanh nhân hoạt động cùng lúc tại nhiều doanh nghiệp. Do thời gian đào tạo ngắn, số lượng đào tạo nhiều, việc huấn luyện thường có mật độ cao, quy trình xét chọn startup cũng thường khắc nghiệt hơn vườn ươm.
Vai trò Giúp startup thực hiện hoá từ ý tưởng tới sản phẩm thực tế. Phù hợp với các doanh nghiệp đã thành lập, có sản phẩm hoặc dịch vụ cụ thể, có sử dụng vốn hoặc mạng lưới kết nối mà Accelerator cung cấp để phát triển

Một số accelerator nổi tiếng thế giới

Như vậy, hẳn bạn đã hiểu Accelerator là gì. Số lượng Accelerator tại Việt Nam thực sự chưa nhiều. Tuy nhiên, trên thế giới, Accelerator tương đối phát triển và có nhiều chương trình nổi tiếng. Những chương trình tăng tốc uy tín và có tiếng như:

  • 500 Global: Chương trình này được bắt đầu từ 2010. Startup tham gia có thể nhận được đầu tư lên đến 150.000 USD đổi lấy 6% cổ phần. Ngoài ra, startup sẽ nhận được hỗ trợ về marketing, kế toán, thiết kế sản phẩm, bán hàng và trợ lý tài chính. Các lĩnh vực hỗ trợ chính của 500 Global gồm: thương mại điện tử, kinh doanh số, các startup ở giai đoạn đầu và giai đoạn “hạt giống”.
  • Google for Startups Accelerator: Đây là chương trình tăng tốc nổi tiếng của Google có mặt tại nhiều quốc gia trong các lĩnh vực như: người da màu khởi nghiệp, phụ nữ khởi nghiệp, công nghệ về khí hậu,… Mỗi khoá nhận từ 10 đến 15 startups và cung cấp: đào tạo kèm chứng chỉ cho các chương trình học về sản phẩm Google, 3 tháng hỗ trợ miễn phí và các chỉ dẫn khác. Đối tượng phù hợp tham gia Google for Startups Accelerator là các công ty khởi nghiệp về công nghệ, trí tuệ nhân tạo, các startup đang trong giai đoạn từ “hạt giống” tới giai đoạn gọi vốn series A. 
  • Microsoft Accelerator: Chương trình này huấn luyện 10 tuần bao gồm khoản cấp vốn là 25.000 USD hoặc tài khoản sử dụng dịch vụ Azure cloud của Microsoft, phần mềm bản quyền Microsoft 365, bản quyền GitHub Enterprise… cũng như khả năng tiếp cận với những đối tác hàng đầu trong lĩnh vực công nghệ. Đối tượng Microsoft Accelerator hướng đến chủ yếu là các startup sử dụng công nghệ điện toán đám mây (Cloud-based startups).
  • Founders Factory: Đây là chương trình tăng tốc có trụ sở tại London, cung cấp vốn, 6 tháng hỗ trợ cùng cơ hội tiếp cận những thương hiệu hàng đầu và mạng lưới đối tác toàn thế giới cho các startup tham gia. Mức cổ phần mà startup phải bỏ ra để tham gia khóa huấn luyện của Founders Factory là từ 3% đến 7% tuỳ theo chương trình. Founders Factory hướng tới các startup trong lĩnh vực Fintech (công nghệ trong lĩnh vực tài chính), sức khoẻ, nhà ở, sức khỏe tinh thần, tâm lý, phát triển bền vững…
accelerator là gì
Chương trình Google for Startups Accelerator.

Lời kết

Để thành công, một startup cần nhiều yếu tố. Trong đó, sự hỗ trợ về mặt kiến thức, cơ hội cọ xát thị trường cũng như mở rộng mạng lưới quan hệ từ các Accelerator chắc chắn góp phần không nhỏ. 

Với những chia sẻ ngắn trên đây từ Vieclam24h.vn, mong rằng bạn đọc đã hiểu được Accelerator là gì cũng như ý nghĩa chương trình tăng tốc khởi nghiệp mang tới cho startup. 

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn hiện đã có tính năng tạo CV cực đơn giản với hàng ngàn mẫu CV ấn tượng, đầy đủ thông tin giúp bạn dễ dàng ghi điểm tuyệt đối với nhà tuyển dụng trong lần gặp đầu tiên. Truy cập ngay để thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước nhé.

Xem thêm: 7 lý do quan trọng khiến cho các dự án startup thất bại!

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục