Trong tuyển dụng, tìm kiếm ứng viên tiềm năng là một trong những kỹ năng quan trọng nhất. Có nhiều nền tảng tìm kiếm, tuy nhiên làm thế nào để có được kết quả tốt nhất. Bạn cần một công cụ hay thủ thuật hiệu quả. Và Boolean Search chính là vũ khí đắc lực nhất mà bất kỳ nhà tuyển dụng nào cũng cần trang bị. Vậy Boolean Search là gì và cách thức thực hiện như thế nào? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Boolean Search là gì?
Boolean Search là quá trình sử dụng các cấu trúc nhất định để tìm kiếm ứng viên trên các cơ sở dữ liệu như Google, LinkedIn, hệ thống theo dõi ứng viên hay CRM. Nguồn gốc của Boolean là xuất phát từ tên của nhà toán học George Boole, người đã phát triển lý thuyết toán học tất cả các biến số đều có giá trị là “true” hoặc “false”. Boolean Search là sự kết hợp của các biến số và từ khóa tìm kiếm để giúp nhà tuyển dụng dễ dàng thu hẹp, mở rộng tìm kiếm để có kết quả chính xác hơn, nhanh hơn.
Xem thêm: 5 bước sàng lọc CV ứng viên nhanh chóng, hiệu quả dành cho nhà tuyển dụng
Tại sao Boolean Search lại quan trọng trong quy trình tuyển dụng?
Bằng việc thiết lập các cấu trúc tìm kiếm để lọc ra những kết quả không liên quan và hướng đến sự phù hợp nhất, Boolean Search đã chứng minh tầm quan trọng khi mang đến những lợi ích như:
– Hiệu quả: Học cách sử dụng Boolean Search là điều cần thiết để nhanh chóng tìm được số lượng lớn ứng viên và CV.
– Độ chính xác: Khi sử dụng các biến số cụ thể cho Boolean Search, khả năng cao là bạn sẽ tìm thấy chính xác thông tin mong muốn. Ngoài ra, bạn còn tiết kiệm được thời gian dành cho việc lọc các kết quả.
– Dễ kiểm soát: Với Boolean Search, bạn hoàn toàn kiểm soát được phạm vi tìm kiếm để có kết quả phù hợp nhất.
Nắm vững hàm và cú pháp trong Boolean Search để tìm ứng viên
Để bắt đầu sử dụng Boolean Search cần nắm vững và hiểu tường tận về 6 cú pháp chính sau:
1. AND
Cú pháp AND kết hợp hai hoặc nhiều tiêu chí tìm kiếm thành một chuỗi. Khi sử dụng AND, bạn thu hẹp kết quả tìm kiếm để chỉ bao gồm các kết quả đáp ứng cả hai hay nhiều yêu cầu.
Ví dụ: nếu bạn đang tìm kiếm vị trí chuyên viên phân tích tài chính có kinh nghiệm về kế toán và bán hàng, cú pháp sẽ là kế toán AND bán hàng để đảm bảo tất cả kết quả đều có cả 2 tiêu chí.
2. OR
Khi muốn mở rộng phạm vi tìm kiếm, hãy sử dụng OR. Thuật toán này sẽ giúp bạn liệt kê các lựa chọn thay thế cho vai trò hoặc kỹ năng mà bạn đang tìm kiếm.
Ví dụ: sử dụng cú pháp kế toán OR bán hàng nếu bạn cần tìm chuyên viên phân tích tài chính có kinh nghiệm về kế toán, bán hàng hoặc cả hai.
3. NOT
NOT được sử dụng trong trường hợp loại trừ các kết quả tìm kiếm không phù hợp. Cú pháp của NOT là: từ khóa mong muốn hiển thị trong tìm kiếm NOT từ khóa không phù hợp.
Ví dụ: trưởng phòng Marketing NOT giám đốc Marketing.
4. Dấu ngoặc đơn ()
Giống như toán học, dấu ngoặc đơn trong Boolean Search sẽ ưu tiên thực hiện những gì bên trong chúng và thường được sử dụng để thực hiện các tìm kiếm phức tạp.
Ví dụ: content AND (creator OR writer) AND (health care or healthcare) NOT freelancer, cú pháp này có nghĩa là ưu tiên tìm kiếm người tạo nội dung và sau đó là người tạo nội dung trong ngành chăm sóc sức khỏe mà không phải là freelancer.
5. Dấu ngoặc kép “ ”
Dấu ngoặc kép là cú pháp giúp bạn tìm kết quả khớp với từ khóa của mình. Chẳng hạn như sử dụng “thiết kế đồ họa” để tập trung tìm kiếm các kết quả chỉ chứa cụm từ này.
6. Dấu *
Dấu * được sử dụng để tìm kiếm chính xác nhiều hơn một từ, cụ thể là khi thêm * vào cuối từ khóa bạn sẽ nhận được các biến thể của từ này.
Ví dụ: Manag* sẽ cho ra các kết quả như manage, managing, management.
Cách ứng dụng Boolean Search để tìm ứng viên
Sau khi đã nắm rõ các cú pháp của Boolean Search, bạn cần lên kế hoạch tìm kiếm cụ thể. Bắt đầu từ việc xác định đâu là từ khóa bắt buộc, từ khóa ưu tiên là gì. Trong đó, từ khóa bắt buộc thường được sử dụng chính, tiếp đến là kết hợp với các từ khóa phụ để có được kết quả phù hợp nhất. Bạn có thể sử dụng Boolean Search trên các nền tảng như:
– Tìm kiếm trực tiếp trên thanh công cụ của LinkedIn.
– Tìm kiếm profile LinkedIn/Facebook của ứng viên qua Google.
– Tìm kiếm profile của ứng viên trực tiếp qua Google, áp dụng với các ứng viên du học.
Mẹo sử dụng Boolean Search cho nhà tuyển dụng
Áp dụng Boolean Search trong tuyển dụng là chìa khóa để tìm kiếm các ứng viên tiềm năng, nhưng đây là kỹ năng được mài dũa theo thời gian. Để xây dựng và phát triển kỹ năng này, hãy lưu ý những điểm sau:
– Luôn viết hoa các thuật toán AND, OR, NOT, đây là cấu trúc bắt buộc để hệ thống hiểu rằng chúng đang nằm trong Boolean Search.
– Việc tạo các cú pháp Boolean Search cần có thời gian để tìm hiểu, thử nghiệm, vì vậy hãy lưu lại những thuật toán thành công và các sửa đổi tiếp theo mà bạn thực hiện.
– Lưu tất cả các cú pháp trong tệp notepad hoặc trang tính Excel vì Word với các phông chữ khác nhau và dấu ngoặc kép có thể làm rối Boolean Search của bạn.
– Tạo danh sách riêng cho các từ khóa để bạn có thể sử dụng các từ khóa tương tự trong việc tìm kiếm ứng viên.
– Cân nhắc các biến thể về chính tả của các từ như PowerPoint và Power Point để mở rộng giới hạn tìm kiếm.
– Ngoài việc tìm kiếm CV, bạn có thể tìm các từ thường có trong CV như kỹ năng mềm, kinh nghiệm chuyên môn…
– Sử dụng nhiều chức danh khác nhau cho cùng một vị trí. Thông thường một công việc có thể được gọi bằng nhiều chức danh. Do đó, để đảm bảo không bỏ lỡ ứng viên nào, hãy mở rộng tìm kiếm của bạn bằng nhiều chức danh khác nhau. Ví dụ developer, programmer thay web development.
Tạm kết
Boolean Search có thể tạo ra sự khác biệt cho quy trình tuyển dụng và giúp bạn tìm thấy những ứng viên như mong muốn. Do đó việc xây dựng các chiến lược Boolean Search thông qua thử nghiệm với các cú pháp khác nhau và chỉnh sửa liên tục là cách tốt nhất để nâng cao kỹ năng này. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã có những thông tin bổ ích và ứng dụng thành công vào công việc của mình. Đừng bỏ lỡ những chủ đề tiếp theo của Việc Làm 24h trên hành trình phát triển bản thân và tìm kiếm các nhân tài phù hợp với doanh nghiệp nhé!
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Việc Làm 24h để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: Psychometric Test là gì, kiểm tra tâm lý có cần thiết trong tuyển dụng?