Brain drain hay chảy máu chất xám là một trong những vấn đề nan giải của các doanh nghiệp. Khi thị trường ngày càng cạnh tranh, việc thu hút và giữ chân nhân tài là điều mà bất kỳ tổ chức nào cũng hướng đến. Tuy nhiên trong quá trình này, nỗi lo về tình trạng chảy máu chất xám vẫn luôn canh cánh, khiến các nhà tuyển dụng đau đầu. Vậy hiện tượng chảy máu chất xám là gì và làm thế nào để ngăn chặn vấn đề này? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.
Chảy máu chất xám là gì?
Chảy máu chất xám đề cập đến việc di cư của những người có trình độ cao hoặc nhân tài ra khỏi quê hương, quốc gia của họ để làm việc ở nước ngoài. Hiện tượng này thường xảy ra khi những người có kiến thức và kỹ năng đặc biệt, như các nhà khoa học, kỹ sư, bác sĩ hay người trong các ngành nghệ thuật, giáo dục di cư sang các quốc gia phát triển hơn để tìm kiếm cơ hội tốt hơn.
Tuy nhiên, chảy máu chất xám không chỉ xảy ra ở cấp độ quốc gia mà còn ở doanh nghiệp. Đây là tình trạng doanh nghiệp mất đi các nhân viên, đặc biệt là những người có kiến thức, kỹ năng mềm và kinh nghiệm quan trọng. Nguyên nhân là do họ quyết định chuyển sang làm việc cho một công ty khác, lĩnh vực khác hoặc thậm chí là mở công ty riêng.
Nguyên nhân chảy máu chất xám ở doanh nghiệp là gì?
Brain drain trong doanh nghiệp là một hiện tượng phức tạp với nhiều nguyên nhân khác nhau. Một số nguyên nhân chính có thể kể đến như:
1. Mức lương và phúc lợi không hấp dẫn
Thu nhập luôn là một yếu tố quan trọng đối với quyết định của nhân viên. Khi doanh nghiệp không thể cung cấp mức lương và phúc lợi cạnh tranh so với thị trường lao động hoặc các đối thủ cạnh tranh, nhân viên có năng lực và kinh nghiệm thường sẽ tìm cơ hội tốt hơn ở những nơi khác. Họ muốn có mức thu nhập tốt hơn để đáp ứng nhu cầu của mình.
2. Thiếu cơ hội thăng tiến hay phát triển nghề nghiệp
Đây cũng là một nguyên nhân phổ biến của chảy máu chất xám. Khi nhân viên cảm thấy không có cơ hội thăng tiến hoặc không có lộ trình rõ ràng để phát triển sự nghiệp, họ trở nên thiếu động lực và cảm thấy không hài lòng với hiện tại. Những người có tiềm năng, tham vọng mong muốn làm việc ở các công ty đề cao sự phát triển cá nhân và có thể đưa họ lên đỉnh cao của sự nghiệp.
3. Môi trường làm việc không tốt
Môi trường làm việc đóng vai trò quan trọng trong việc giữ chân nhân viên. Môi trường toxic, áp lực công việc không cần thiết, mối quan hệ không tốt với đồng nghiệp và lãnh đạo đều có thể khiến nhân viên nghỉ việc và tìm nơi khác làm họ thoải mái hơn. Những người làm việc trong môi trường không lành mạnh thường có động lực rời bỏ để bảo vệ sức khỏe tinh thần và cảm xúc của họ.
4. Chính sách không phù hợp
Chính sách hay quy trình quản lý cũng có thể có ảnh hưởng lớn đến sự hài lòng của nhân viên. Chẳng hạn cảm thấy bất công, không được công nhận công sức hoặc những quyết định của lãnh đạo xung đột với quan điểm, niềm tin của họ. Do đó lựa chọn rời đi để tìm nơi phù hợp hơn là điều dễ hiểu.
5. Khao khát cá nhân
Một số nhân viên có năng lực, chuyên môn, khả năng sáng tạo muốn tự mình sở hữu doanh nghiệp hoặc tham gia vào các dự án khởi nghiệp thay vì làm việc cho một công ty lớn. Sự khao khát này sẽ thúc đẩy họ tìm kiếm cơ hội độc lập, nơi họ có thể thể hiện ý tưởng và sở hữu sản phẩm của mình.
Chảy máu chất xám tác động như thế nào đến doanh nghiệp?
1. Thiếu hụt nhân lực có chuyên môn, kinh nghiệm
Khi chảy máu chất xám, doanh nghiệp sẽ mất đi những nhân viên có năng lực, kỹ năng, chuyên môn và kinh nghiệm. Điều này có thể gây ra sự suy yếu trong một khoảng thời gian ở các hoạt động như đảm bảo chất lượng sản phẩm, kinh doanh, tiếp thị, xuất khẩu… Về lâu dài, sự thiếu hụt các nhân tài trụ cột sẽ gây ra tác động tiêu cực và khó lường trước.
2. Chi phí tuyển dụng, đào tạo
Doanh nghiệp phải tốn nhiều thời gian, nguồn lực trong việc tuyển dụng, đào tạo nhân lực mới để thay thế những người đã ra đi. Đối với những công ty vừa và nhỏ, chi phí này có thể là một gánh nặng tài chính vì để người mới vào thành thạo công việc là cả một quá trình dài.
3. Ảnh hưởng đến hiệu suất và sự ổn định
Chảy máu chất xám có thể gây ra sự không ổn định trong văn hóa tổ chức. Sự ra đi của những người chủ chốt sẽ tạo ra tình trạng lo lắng và bất ổn trong công ty, ảnh hưởng đến tinh thần làm việc của nhân viên còn ở lại và làm giảm hiệu suất làm việc.
4. Rủi ro về bảo mật thông tin
Khi những nhân viên quan trọng rời bỏ doanh nghiệp, họ có thể làm lộ thông tin cho đối thủ cạnh tranh hoặc đối tác khác. Điều này sẽ gây ra các vấn đề bảo mật nghiêm trọng và làm suy yếu sự cạnh tranh của công ty.
5. Mất khách hàng và thị phần
Nếu những người ra đi là cấp quản lý hoặc có mối quan hệ khách hàng quan trọng, doanh nghiệp có nguy cơ mất khách hàng và thị phần hiện tai. Khách hàng thường đánh giá cao mối quan hệ cá nhân với những người đã làm việc cùng. Do đó khi họ ra đi, lòng tin của khách hàng có thể bị ảnh hưởng.
Doanh nghiệp nên làm gì để ngăn chặn tình trạng brain drain?
Một số giải pháp có thể giúp doanh nghiệp hạn chế brain drain như:
Để ngăn chặn tình trạng brain drain và duy trì nhân tài quý báu trong doanh nghiệp, các công ty cần triển khai các biện pháp và chính sách có hiệu quả. Dưới đây là một số cách mà doanh nghiệp có thể làm để giảm thiểu brain drain:
1. Xây dựng chế độ đãi ngộ hấp dẫn
Các doanh nghiệp cần đảm bảo cung cấp mức lương và gói phúc lợi cạnh tranh với thị trường lao động. Điều này bao gồm xem xét việc điều chỉnh mức lương thường xuyên và cải thiện các yếu tố như bảo hiểm, nghỉ phép cùng các chế độ phúc lợi khác.
Xem thêm: Review lương là gì? Bí quyết giúp doanh nghiệp giữ chân nhân sự
2. Chú trọng vào đào tạo
Tạo cơ hội phát triển cá nhân, cung cấp đào tạo về kỹ năng, chuyên môn là cách công ty thể hiện sự quan tâm đến nhân viên. Ngoài ra, còn giúp họ khai thác và phát huy tối đa tài năng của mình. Một số hoạt động có thể kể đến như tham gia hội thảo, các khóa học chuyên môn, kỹ năng, đào tạo chéo…
3. Tạo môi trường làm việc tích cực
Môi trường làm việc có ảnh hưởng đến sức khỏe tinh thần của người lao động. Do đó, doanh nghiệp nên xây dựng môi trường làm việc lành mạnh, khuyến khích sự sáng tạo, cống hiến, tự do thể hiện bản thân. Ngoài ra thực hiện các chương trình khen thưởng, thúc đẩy tinh thần đồng đội, hỗ trợ nhân viên và công tác truyền thông nội bộ.
Xem thêm: Làm sao để xây văn hóa cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy tinh thần nhân viên?
4. Minh bạch trong cách quản lý và các chính sách
Các quyết định quản lý cần phải công bằng và minh bạch. Đồng thời các chính sách liên quan đến thưởng, thăng tiến và đánh giá hiệu suất cũng cần đảm bảo được 2 yếu tố trên. Sự rõ ràng, chuyên nghiệp trong cách quản lý sẽ tạo niềm tin cho nhân viên và thêm gắn kết với doanh nghiệp.
Nhìn chung, chảy máu chất xám trong doanh nghiệp là một bức tranh có nhiều sắc thái với sự phức tạp của các vấn đề khác nhau. Do đó mỗi doanh nghiệp đều nên tự rà soát lại nội bộ cũng như luôn cải thiện để cùng phát triển với nhân viên. Duy trì sự cân bằng và win-win có lẽ là giải pháp tốt nhất để giảm thiểu tình trạng chảy máu chất xám trong doanh nghiệp. Với bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã hiểu thêm về chủ đề này. Hãy liên hệ Việc Làm 24h ngay để cùng tìm kiếm những nhân tài cho tổ chức.
Ngoài ra, đừng quên follow trang LinkedIn của Việc Làm 24h để có thể học hỏi thêm những kỹ năng tuyển dụng và cập nhật các thông tin mới nhất về thị trường lao động nhé!
Xem thêm: Expat là gì? Làm sao để tuyển dụng và giữ chân Expat tại Việt Nam hiệu quả?