Design Thinking là gì? Quy trình ứng dụng Design Thinking để làm việc hiệu quả

Toyota, Apple, Nike hay Amazon đều là những doanh nghiệp lớn áp dụng Design Thinking để phát triển sản phẩm. Cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu kỹ hơn Design Thinking là gì và quy trình của Design Thinking bao gồm mấy bước và lưu ý những lưu ý khi ứng dụng lối tư duy này để làm việc chuyên nghiệp và hiệu quả hơn. 

Design Thinking là gì?

Design Thinking (còn gọi là tư duy thiết kế) là hành trình tìm hiểu người dùng, bao gồm quá trình xác định vấn đề, đưa ra các giải pháp sáng tạo để giải quyết vấn đề. Design Thinking là chu trình tuần hoàn, lặp lại liên tục với mục tiêu đổi mới và liên tục cải tiến. 

Người đầu tiên nói về Design Thinking là John E. Arnold – một giáo sư kỹ thuật cơ khí thuộc đại học Stanford – trong cuốn Creative Engineering. Từ đó tới nay, tư duy này được được ứng dụng trong khoa học, công nghệ và thiết kế kỹ thuật. 

Design Thinking vừa là một hướng tư duy, vừa là một quy trình giải quyết vấn đề tập trung vào giải pháp và lấy người dùng làm trung tâm:

  • Về kỹ thuật: Design Thinking có thể phát triển thành quy trình hoặc sản phẩm.
  • Về kinh tế: doanh nghiệp cần có đủ khả năng thực hiện các tư duy này.
  • Về tính khả thi: quy trình này giúp giải quyết vấn đề của người dùng hoặc có sản phẩm đầu ra đáp ứng nhu cầu thực tế.

Design Thinking hiện nay được áp dụng rộng rãi tại nhiều doanh nghiệp như Samsung, GE, Apple, Google… Các mô hình Design Thinking cũng được giảng dạy tại nhiều trường đại học như Stanford, MIT, Harvard, D.school…

design thinking là gì
Design Thinking vừa là phương pháp tư duy, vừa là phương pháp giải quyết vấn đề.

Sự khác biệt giữa Design Thinking và tư duy giải quyết vấn đề

Để hiểu rõ hơn Design Thinking là gì, bạn có thể tham khảo so sánh Design Thinking và tư duy giải quyết vấn đề qua bảng sau:

Design Thinking Giải quyết vấn đề 
Tập trung vào tìm ra giải pháp nhưng đồng thời thỏa mãn tốt nhất nhu cầu của người dùng.Mạnh dạn loại bỏ những thiết kế không phù hợp để tìm ra giải pháp hoặc sản phẩm ưng ý nhất, đáp ứng nhu cầu kinh doanh và thỏa mãn khách hàng. Tập trung vào tìm ra giải pháp hoặc cách thức giải quyết vấn đề.Tư duy này đòi hỏi tìm ra nguyên nhân gốc rễ gây trở ngại, từ đó khắc phục và giải quyết, đáp ứng nhu cầu của sản xuất, công việc theo tình huống nói chung.
design thinking là gì
Design Thinking không chỉ tập trung vào giải quyết vấn đề mà còn luôn lấy khách hàng làm trung tâm.

Đặc trưng của Design Thinking là gì?

Sau đây là một số điểm nổi bật của lối tư duy thiết kế:

  • Ý tưởng trực quan
  • Giải pháp tổng thể trên nhiều khía cạnh
  • Phối hợp làm việc nhóm tốt
  • Nâng cao hiệu quả công việc lẫn tinh thần đội nhóm
  • Lấy con người làm trọng tâm liên kết quá trình thiết kế
  • Sử dụng ngôn ngữ hiệu quả
  • Không giới hạn lựa chọn, liên tục cải tiến  để hoàn thiện hơn. 

Lợi ích từ Design Thinking là gì?

Tư duy thiết kế mở ra cách suy nghĩ mới, cung cấp giải pháp hữu ích để bạn triển khai công việc hiệu quả. Cụ thể, những lợi ích của Design Thinking bao gồm:

  • Thấu hiểu khách hàng.
  • Tăng cường sự quan sát và đồng cảm với người dùng mục tiêu.
  • Nâng cao kỹ năng đặt câu hỏi đúng (với tư duy thiết kế, bạn đưa ra các câu hỏi về giả định, vấn đề hoặc hàm ý…)
  • Liên tục đổi mới, cải tiến thông qua các phác thảo, bài test hoặc bản dùng thử.
  • Phát triển sự đổi mới tư duy, giải quyết vấn đề, sáng tạo, mới mẻ và khoa học. 
  • Giải quyết vấn đề. 
  • Tăng khả năng làm việc nhóm.
  • Tăng khả năng sáng tạo.
design thinking là gì
Design Thinking giúp tăng khả năng sáng tạo hiệu quả trong công việc.

Ví dụ về Design Thinking 

Để hiểu rõ hơn Design Thinking là gì, bạn có thể tham khảo những ví dụ về cách ứng dụng tư duy thiết kế sau đây.

Uber

Một trong các chiến dịch thành công xuất phát từ tư duy Design Thinking chính là hình thức thanh toán không dùng tiền mặt của Uber. Hình thức này giúp quá trình đặt xe và giao dịch đơn giản hơn. Đồng thời, Uber cung cấp dịch vụ đánh giá lái xe giúp thương hiệu nắm bắt tốt hơn các vấn đề khách hàng gặp phải để giải quyết. Tuy đây chỉ là những tinh chỉnh đơn giản về mặt thiết kế nhưng đã giúp Uber xoay chuyển và phát triển trên thị trường trong giai đoạn đó. 

Google 

Project Bloks là dự án cho phép trẻ em học viết mã, khiến khoa học máy tính trở nên đơn giản. Để thực hiện dự án này Google Creative Lab kết hợp cùng IDEO để nghiên cứu và chọn ra mô hình phù hợp nhất. Họ đã dùng vật liệu xốp, giấy, các mô hình 3D in thành các khối với nhiều chức năng. Các bé sẽ dùng mô hình này để sắp xếp thành lệnh máy tính khác nhau. Dự án này đã rất thu hút, hấp dẫn trẻ em. 

design thinking là gì
Dự án Project Bloks với “khách hàng” là các bạn nhỏ của Google.

GE Healthcare

Chụp MRI (công nghệ chẩn đoán hình ảnh) đã tạo ra một cuộc cách mạng trong lĩnh vực chăm sóc sức khỏe, tuy nhiên GE Healthcare nhận thấy các bệnh nhi phản ứng khá mạnh và khóc nhiều khi thực hiện thủ thuật này. GE Healthcare đã tiến hành phỏng vấn các bệnh nhi và nhân viên bệnh viện để hiểu hơn về trải nghiệm của khách hàng.

Sau đó họ đã thí điểm và giới thiệu một sáng kiến thiết kế lại máy cộng hưởng từ sao cho thân thiện với trẻ em hơn. Họ biến máy MRI trong bóng tối thành tàu cướp biển với các hình ảnh về lâu đài cát, đại dương, bãi biển… Đây là một giải pháp sáng tạo không chỉ tạo thích thú mà còn tăng sự hài lòng của bệnh nhân lên 90%. 

Oral B

Design Thinking không chỉ ứng dụng trong việc tìm kiếm giải pháp cho sản phẩm mà còn vô cùng hữu ích khi thử nghiệm sáng kiến trước khi thực hiện đại trà. 

Oral B muốn nâng cấp bàn chải đánh răng điện, hãng đã liên hệ Kim Colin và Sam Hecht là hai nhà thiết kế giúp đỡ. Công ty yêu cầu các nhà thiết kế này bổ sung thêm nhiều chức năng cho bàn chải điện như: theo dõi tần suất đánh răng, theo dõi độ nhạy của nướu và phát nhạc…

Tuy nhiên, sau khi tìm hiểu khách hàng, Colin và Hecht tìm ra rằng đánh răng là hành động gây căng thẳng đối với nhiều người. Người dùng không muốn chức năng bổ sung mà công ty đã đưa ra. Trong nhiều trường hợp, họ còn nghĩ rằng nó có khả năng gây ra nhiều căng thẳng hơn. Thay vào đó, hai nhà thiết kế đã đề xuất hai giải pháp khác có thể cải thiện trải nghiệm người dùng. Đó là làm bàn chải đánh răng sạc dễ hơn, nhất là khi người dùng di chuyển và cần mang theo. Một cách khác là giúp việc đặt mua đầu thay thế thuận lợi hơn bằng cách kết nối bàn chải với điện thoại và gửi thông báo khi cần. Cả hai đề xuất này đều đã thành công vì chúng tập trung vào chính xác những gì người dùng muốn hơn là những gì công ty muốn. 

Airbnb

Một ví dụ thành công khác trong ứng dụng tư duy Design Thinking chính là Airbnb. Ban đầu, các phòng cho thuê không hề đắt khách. Sau khi quan sát, một số nhà sáng lập của Airbnb đã nhận ra những bức ảnh quảng cáo chủ nhà đã đăng không đủ chất lượng. Điều này làm giảm sức hấp dẫn đối với khách thuê phòng.

Để giải quyết, các nhà sáng lập đã dành thời gian tới trực tiếp từng địa điểm. Dưới con mắt của một người tìm thuê phòng, họ hình dung xem người dùng cần những gì. Đồng thời, họ đầu tư máy ảnh chất lượng cao và chụp lại những gì khách hàng muốn xem. Ví dụ: hiển thị mọi phòng thay vì chỉ một số phòng được chọn, liệt kê những tính năng hữu ích như bồn tắm, hồ bơi trong phần mô tả, làm nổi bật các vùng lân cận…

Kết quả, chỉ sau một tuần, doanh thu của Airbnb tăng gấp đôi. Rõ ràng, bằng cách sử dụng tư duy thiết kế để phát hiện vấn đề của sản phẩm, Airbnb đã tập trung vào giải pháp phù hợp với đúng sự quan tâm của khách hàng để giải quyết vấn đề kinh doanh. 

design thinking là gì
Airbnb đã ứng dụng rất thành công tư duy thiết kế để giải quyết vấn đề trong kinh doanh.

Quy trình ứng dụng Design Thinking

Năm 1970, Đại học Stanford đã chuẩn hóa quy trình tư duy thiết kế thành 5 bước để đưa vào giảng dạy. Ngày nay, quy trình đơn giản này vẫn được nhiều tập đoàn công nghệ lớn áp dụng để hỗ trợ nhân viên tìm ra giải pháp cho các công việc chuyên môn. 

Cụ thể, quy trình này gồm 5 bước: Thấu cảm; xác định, lên ý tưởng, trực quan hoá và thử nghiệm.

Thấu cảm (Empathize)

Sự thấu cảm ở đây được hiểu là sự đồng cảm với khách hàng, nhìn sản phẩm hoặc dịch vụ dưới trải nghiệm và con mắt của khách hàng. Từ đó, người làm sản phẩm, dịch vụ hiểu được vấn đề, kỳ vọng, mong ước, quan điểm của khách hàng.

Bước này đòi hỏi sự trải nghiệm, tiếp xúc trực tiếp, khơi gợi, phỏng vấn, lắng nghe những chia sẻ, thổ lộ của khách hàng. 

Đồng thời, người thực thi cần có góc nhìn rộng về thế giới và tiếp cận khách hàng qua lăng kính đa chiều. Muốn vậy, doanh nghiệp  cần sự phối hợp của nhiều phòng ban như: bộ phận bán hàng, chăm sóc khách hàng, giao hàng, thiết kế sản phẩm, tester…

Bước này còn đòi hỏi sự hỗ trợ của nhiều công cụ như: khảo sát, thử nghiệm, thu thập phản hồi, phỏng vấn, các công cụ nghiên cứu chân dung khách hàng trực tuyến… Bạn có thể đặt mình vào vai khách hàng hoặc vào vai của các bộ phận khác nhau để tìm ra những vấn đề còn vướng mắc trong mọi điểm chạm.

Ở bước này, người thực hiện có thể đặt câu hỏi 5W1H để hiểu tường tận lại quy trình và có được vấn đề chính xác. 

Thành quả của bước này là những giả định sơ khai về vấn đề của khách hàng cần giải quyết. 

design thinking là gì
Thấu cảm là bước đầu tiên và vô cùng quan trọng khi triển khai quy trình Design Thinking.

Xác định (Define)

Sau khi đã hiểu được các kỳ vọng, vấn đề của khách hàng, bước tiếp theo là ưu tiên chọn vấn đề cần giải quyết. Bởi nguồn lực của doanh nghiệp hạn chế nên bạn sẽ cần lựa chọn những vấn đề nào quan trọng hơn để giải quyết trước. Việc lựa chọn, xác định vấn đề cần giải quyết nên được dựa trên một số tiêu chí nhất định như mục tiêu, ngân sách, năng lực, thời gian… 

Việc xác định cũng có thể dựa trên mức độ quan trọng, cấp thiết của vấn đề hoặc mức độ giá trị mà chúng tạo ra cho khách hàng. Ví dụ:

  • Đánh giá dựa trên tính nghiêm trọng của vấn đề (ảnh hưởng trực tiếp tới doanh thu, danh tiếng của sản phẩm, vấn đề hàng nhái, hàng kém chất lượng, hàng lỗi…)
  • Đánh giá dựa trên giá trị mang tới cho khách hàng (giải quyết nhu cầu hữu hình hay là thỏa mãn những insight thầm kín…)

Ở bước này bạn có thể sử dụng sơ đồ xương cá để liệt kê và đi vào từng ngõ ngách và xác định vấn đề cần giải quyết hiệu quả hơn. 

design thinking là gì
Bạn có thể dùng sơ đồ xương cá để xác định vấn đề chuẩn xác hơn.

Lên ý tưởng (Ideate)

Sau khi xác định được vấn đề lẫn kỳ vọng, bước tiếp theo là lên ý tưởng làm cơ sở thiết kế giải pháp. Đây là bước đòi hỏi sự sáng tạo để giải quyết những vấn đề phức tạp. Quá trình này thường gồm 4 nước nhỏ như:

  • Tư duy sáng tạo cá nhân.
  • Thu thập ý tưởng từ cả team hoặc từ các phòng ban khác
  • Áp dụng tư duy hội tụ, chắt lọc ý tưởng, phân tích và lựa chọn giải pháp phù hợp năng lực của doanh nghiệp và triển khai chúng thành mẫu thử. 

Bước sáng tạo này cũng là giai đoạn đòi hỏi sự làm việc tập thể và tinh thần đội nhóm cao. Bạn cần thu thập càng nhiều càng tốt các ý tưởng, bứt phá ra khỏi những tư duy lối mòn, càng sáng tạo, bạn sẽ càng có được những giải pháp bất ngờ. 

Xem thêm: TOP 5 website tìm kiếm ý tưởng sáng tạo cho dân văn phòng khi bí idea

Trực quan hoá (Prototype)

Bước trực quan hoá hay còn gọi là lên nguyên mẫu – là giai đoạn hiện thực hóa ý tưởng thành mẫu thử để dễ hình dung và đánh giá tính hiệu quả. Việc trực quan hoá có thể dưới dạng chữ viết, bản vẽ hoặc sản phẩm mẫu thử thực tế. Đây cũng là lúc bạn nhấc lên, đặt xuống, đưa mẫu thử ra để đón nhận mọi đánh giá từ các thành viên trong team hoặc trong nội bộ doanh nghiệp.

Từ đó, bạn điều chỉnh, tối ưu, cắt giảm những yếu tố dư thừa, tập trung vào mục tiêu ban đầu để ra được mẫu thử hoàn chỉnh. Thậm chí nếu bước này có sai sót sẽ lập tức phải quay về bước 1 và thực hiện lại toàn bộ quá trình.

design thinking là gì
Trực quan hoá ý tưởng giúp bạn nhận được nhiều góp ý để điều chỉnh giải pháp trước khi chính thức thực hiện.

Thử nghiệm (test)

Sau khi mẫu thử đã lọt qua vòng nội bộ, thử nghiệm là bước tiếp theo và cuối trong mô hình Design Thinking để đánh giá tính hiệu quả của giải pháp. 

Mục tiêu của bước này là tìm hiểu phản hồi thực tế xem liệu giải pháp có đáp ứng được kỳ vọng của khách hàng hay không và quan sát được lỗi sai nếu có. Bước này thường gồm hai loại: thử nghiệm dựa theo concept và thử nghiệm với các mẫu thử thực tế. 

Từ những phản hồi của khách hàng này, doanh nghiệp có thể hiểu hơn về khách hàng cũng như mức độ phù hợp của giải pháp để có sự điều chỉnh tiếp tục (quay lại bước 1 của mô hình Design Thinking là thấu cảm) cho tới khi ra được giải pháp phù hợp nhất. 

Lưu ý khi ứng dụng Design Thinking là gì?

Để việc áp dụng tư duy Design Thinking hiệu quả, sau đây là một số điểm bạn nên lưu ý:

  • Xem xét bức tranh toàn cảnh.
  • Đừng quên nghiên cứu đối thủ cạnh tranh cùng lúc với nghiên cứu khách hàng.
  • Cho phép những suy nghĩ “outside of the box”.
  • Ý tưởng hay có thể đến từ bất cứ ai – để dự án đi đúng hướng, khi sử dụng tư duy thiết kế bạn nên cho phép tất cả mọi người cùng tham gia vào.
  • Luôn suy nghĩ về giải pháp thay thế.

Để phát triển lối tư duy này, bạn có thể tìm và theo học các khóa học Design Thinking tại các trung tâm đào tạo ngắn hạn uy tín. Hoặc tự mình thực hiện các bài tập Design Thinking bằng cách ứng dụng 5 bước trong quy trình tư duy thiết kế vào giải quyết công việc hàng ngày, đồng thời không ngừng liên tục cải tiến cho tới khi đạt được kết quả như ý. 

Xem thêm: Stylist là gì? Học làm stylist ở đâu? Đâu là cơ hội cho các bạn trẻ đam mê thời trang?

Lời kết

Trên đây, Việc Làm 24h đã chia sẻ tới bạn những thông tin cơ bản về Design Thinking là gì cũng như quy trình của tư duy Design Thinking. Trong môi trường làm việc hiện nay, Design Thinking không những giúp giải quyết vấn đề còn giúp bạn có được lối tư duy phóng khoáng, rộng mở nhưng vẫn luôn hướng tới mục tiêu. 

Bản thân bạn có thể tự mình rèn luyện tư duy Design Thinking mỗi ngày bằng cách ứng dụng 5 bước trong quy trình này để đạt được những mục tiêu cá nhân hiệu quả.  

Xem thêm: Xử lý trì hoãn với Eat that frog có thật sự khiến bạn năng suất hơn?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục