Doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại nếu xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí là nội dung mới về lao động và tiền lương được quy định tại Thông tư 86/2017/TT-BTC, hướng dẫn thực hiện Nghị định 88/2016/NĐ-CP về chương trình hưu trí bổ sung tự nguyện đã có hiệu lực từ tháng 10/2017.
Xác định sai giá trị ròng của quỹ hưu trí, doanh nghiệp phải đền bù thiệt hại
Theo chính sách mới về lao động và tiền lương, khi doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí xác định sai giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí, xác định sai giá trị tài khoản hưu trí cá nhân và có phát sinh thiệt hại thực tế cho người tham gia quỹ thì:
- Phải đền bù thiệt hại cho người tham gia quỹ theo quy định tại Điều 23 Nghị định 88/2016/NĐ-CP ngày 01/07/2016.
- Mức độ sai sót phải đền bù thiệt hại được quy định tại quy chế xác định giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí và xác định giá trị tài khoản hưu trí cá nhân nhưng không thấp hơn 0,75% giá trị tài sản ròng của quỹ.
- Doanh nghiệp có trách nhiệm công bố trên các trang thông tin điện tử của doanh nghiệp quản lý quỹ hưu trí và đại lý hưu trí trong thời hạn tối đa ba ngày làm việc, kể từ ngày định giá, giá trị tài sản ròng của quỹ hưu trí.
Sử dụng lao động nước ngoài phải báo cáo giải trình qua mạng điện tử
Đây là nội dung nổi bật của chính sách lao động và tiền lương, được quy định tại Thông tư 23/2017/TT-BLĐTBXH về hướng dẫn thực hiện cấp giấy phép lao động cho người lao động nước ngoài làm việc tại Việt Nam qua mạng điện tử.
Trước ít nhất 20 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng người lao động nước ngoài, chủ lao động phải khai thông tin vào tờ khai và nộp báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng người lao động nước ngoài qua mạng điện tử.
Hiện nay, việc nộp tờ khai và báo cáo giải trình nhu cầu sử dụng lao động nước ngoài được thực hiện trong vòng 30 ngày kể từ ngày dự kiến sử dụng (Thông tư 40/2016/TT-BLĐTBXH ngày 25/10/2016).
Như vậy, so với quy định nộp hồ sơ giấy báo cáo giải trình như hiện tại thì việc nộp hồ sơ qua mạng điện tử đã rút ngắn thời gian yêu cầu thực hiện đối với người sử dụng lao động.
Hỗ trợ tối đa 300 USD/người/tháng học sau tiến sĩ ở nước ngoài
Thông tư 88/2017/TT-BTC về lao động và tiền lương hướng dẫn cơ chế tài chính thực hiện đề án đào tạo, bồi dưỡng nhân lực khoa học và công nghệ ở trong nước và nước ngoài bằng ngân sách nhà nước.
Các đối tượng được cử đi bồi dưỡng nhân lực khoa học công nghệ ở nước ngoài sẽ được đảm bảo các quyền lợi BHYT bằng việc Nhà nước tài trợ đầy đủ các khoản chi phí đóng BHYT, cụ thể:
- Nhà nước thanh toán khoản phí BHYT bằng mức BHYT bắt buộc theo quy định của nước sở tại (cấp bằng đồng USD hoặc bằng đồng tiền của nước sở tại) và tối đa không vượt quá 1.000 USD/người/năm.
- Đối với những nước có mức mua BHYT bắt buộc cao hơn định mức tối đa quy định nêu trên thì Bộ Khoa học và Công nghệ xem xét, quyết định cụ thể trên cơ sở lấy ý kiến thỏa thuận của Bộ Tài chính.
- Người được cử đi đào tạo, bồi dưỡng có nguyện vọng mua BHYT ở mức cao hơn mức quy định tại Thông tư này thì phải tự bù phần chênh lệch.
Thời điểm xét nâng bậc lương đối với sĩ quan
Trong chính sách mới về lao động và tiền lương, đây là quy định nổi bật tại Thông tư 208/2017/TT-BQP, hướng dẫn chuyển xếp lương đối với sĩ quan, công nhân quốc phòng, viên chức quốc phòng, hạ sĩ quan, binh sĩ được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp.
Thời điểm xét nâng bậc lương lần sau của quân nhân chuyên nghiệp được tính từ tháng, năm ký Quyết định thăng cấp bậc quân hàm sĩ quan hoặc nâng lương sĩ quan.
Thời điểm xét nâng lương hiện tại (theo Thông tư 152/2007) được xác định dựa vào chênh lệch giữa hệ số lương quân nhân chuyên nghiệp so với hệ số lương sĩ quan.
Bên cạnh đó, Thông tư 208 về lao động và tiền lương còn quy định về việc chuyển xếp lương đối với công nhân quốc phòng được tuyển chọn quân nhân chuyên nghiệp.
Theo Nhịp sống kinh tế