Đã bao giờ bạn gặp trường hợp đang trò chuyện bình thường với một người, nhưng sau đó họ lại lặn mất tâm mà không một lời giải thích dù bạn nghĩ rằng mọi việc vẫn đang tiến triển tốt đẹp chưa? Trong thời buổi công nghệ phát triển hiện nay, khi nhiều người chỉ biết nhau qua màn hình điện thoại thì việc bị ghosting lại trở nên phổ biến hơn bao giờ hết trong cả cuộc sống, công việc và tình yêu. Vậy ghosting là gì? Làm gì khi bị ghosting? Tất cả sẽ có trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Ghosting là gì?
Ghosting thường xảy ra khi một người không muốn tiếp tục mối quan hệ với người còn lại nhưng không muốn nói ra hoặc không biết cách nói ra một cách trung thực và tôn trọng. Việc ai đó tự dưng lặn mất tâm, không để lại lời nào và liên tục ngó lơ những tin nhắn hay cuộc gọi ngay cả khi bạn đã cố gắng mọi cách gợi lên hình ảnh về những bóng ma, do đó hành động này được đặt tên là ghosting (bóng ma).
Dân ghosting là gì?
Có 2 thuật ngữ thường được sử dụng khi bị ghosting, Ghoster – người cho “bơ”, đột ngột cắt đứt liên lạc với The Ghosted – người bị “bơ” toàn tập. Dân ghosting ở đây được sử dụng để chỉ những người có xu hướng im lặng và lặn mất tâm để tránh cảm xúc khó chịu khi phải nói lời tạm biệt trực tiếp với đối phương. Tuy nhiên, chính điều này để lại cho người kia sự mơ hồ, trăn trở, bối rối không hiểu vì sao.
Ghosting là gì trong tình yêu?
Ghosting là một thuật ngữ tương đối phổ biến trong trong các mối quan hệ cá nhân, đặc biệt là trong các mối quan hệ tình cảm trực tuyến. Trong tình yêu, thuật ngữ này mô tả hành động đột ngột ngừng liên lạc hoặc không trả lời tin nhắn hay cuộc gọi từ một người mà trước đó cả hai đã có quan hệ gần gũi hoặc thậm chí là đang hẹn hò.
Ghosting là gì trong tuyển dụng?
Những tưởng ghosting chỉ tồn tại trong thế giới hẹn hò, tuy nhiên với ý nghĩa là sự kết thúc đột ngột và bất ngờ trong một mối quan hệ thì ghosting trở thành thuật ngữ tương đối phổ biến trong tuyển dụng. Việc đột ngột ngừng liên lạc thường xuất hiện từ phía ứng viên hơn, đương nhiên không phải không xuất hiện trường hợp nhà tuyển dụng đóng vai các ghoster.
Thông thường, ghosting được sử dụng để mô tả:
- Ứng viên đột nhiên ngừng trả lời email, điện thoại.
- Nhân viên mới trúng tuyển không xuất hiện vào ngày đầu tiên đi làm.
- Nhân viên không xuất hiện trong một ca làm việc.
- Nhân viên nghỉ việc vào giữa ngày và không bao giờ quay trở lại.
Vì sao các ứng viên lại chọn “bốc hơi” trong im lặng?
Trong thời buổi công nghệ phát triển hiện nay, việc “gieo duyên” trong tình yêu và trong tuyển dụng được số hoá hơn bao giờ hết. Nếu bạn có thể lựa chọn “nửa kia” đồng điệu nhờ vào các ứng dụng hẹn hò hoặc các nhóm kết đôi trên mạng xã hội,… thì các nhà tuyển dụng cũng có thể tìm kiếm các ứng viên tiềm năng nhờ các ứng dụng hay trang web tuyển dụng hàng đầu hiện nay. Đặc biệt khi quy trình tuyển dụng được số hóa, các cuộc phỏng vấn online giúp nhà tuyển dụng trao đổi với ứng viên trở nên dễ dàng hơn bao giờ hết.
Tuy nhiên, sự thuận tiện này lại đi kèm cái giá phải trả. Việc tìm kiếm nửa kia hoàn hảo cho một mối quan hệ yêu đương hay vị trí làm việc trong một công ty phù hợp với bản thân làm phát sinh sự đắn đo cho ứng viên khi phải đứng trước quá nhiều lựa chọn.
Bên cạnh đó, việc thiếu sự tương tác trực tiếp cũng gây nên tình trạng ghosting từ hai phía. Chính vì thế, các Ghoster chọn phương án làm lơ đối phương vì theo họ, việc “mất tích” còn dễ dàng hơn là duy trì những cuộc trò chuyện ngượng nghịu. Ghoster chọn ngừng giao tiếp và “bốc hơi”, với hy vọng đối phương sẽ hiểu được ẩn ý ngầm của họ thay cho cái kết từ chối rõ ràng.
Xem thêm: Xin lỗi vì lỡ nổi: Bí kíp trở thành ứng viên tài năng sáng giá nhất vòng phỏng vấn
Bạn có đang bị ứng viên cho rơi vào thế ghosting?
Có 3 câu hỏi mà bạn cần trả lời để xác định mình có đang bị ghosting không.
- Đây có phải là cách giao tiếp bình thường của ứng viên?
Một vài người không có thói quen ngay lập tức trả lời tin nhắn, do vậy, bạn không cần quá nôn nóng. Nếu ứng viên thường phản hồi nhanh chóng và đột nhiên ngừng những cuộc tương tác trong một khoảng thời gian dài, thì bạn có thể đã bị ghosting.
- Có điều gì đang thay đổi không?
Một vài trường hợp chuyển tiếp công việc sẽ khiến đối phương né tránh duy trì cuộc trò chuyện với bạn. Chẳng hạn như, bạn gửi thư mời phỏng vấn trực tiếp và chưa nhận được lời hồi đáp của đối phương. Sự im lặng của ứng viên trong thời gian nhất định có thể là cách họ muốn bạn ngầm hiểu câu trả lời.
- Ứng viên có đang trải qua sự việc quan trọng nào đó?
Ứng viên có đang trải qua vài sự kiện quan trọng hoặc gặp phải sự kiện đau buồn, mất mát nào đó,… Điều này khiến họ buộc phải trì hoãn cuộc trò chuyện.
Làm gì khi bị ghosting? Lựa chọn nào là tốt nhất cho nhà tuyển dụng?
1. Bình tĩnh tạo nên sự chuyên nghiệp
Tuy khắc nghiệt nhưng hãy chấp nhận sự thật rằng bạn đã bị từ chối. Điều này giúp bạn bình tĩnh và chuyên nghiệp để chấp nhận sự thật và tiến hành các bước tiếp theo. Hãy bỏ qua cảm xúc cá nhân để phản hồi tin nhắn hoặc cuộc gọi cho ứng viên một cách chuyên nghiệp rằng sự biến mất của họ chính là cơ hội của các ứng viên khác.
Xem thêm: Bật mí cách giữ bình tĩnh khi phỏng vấn giúp bạn tự tin hơn trước nhà tuyển
2. Cho ứng viên một thời hạn nhất định
Nếu bạn không nhận được tin tức nào từ ứng viên trong vài giờ, vài ngày và bạn đã quá mệt mỏi vì phải chờ đợi một người “bặt vô âm tín”, hãy gửi một tin nhắn hoặc gọi điện cho họ biết thời gian của bạn rất quý báu và bạn chỉ đợi phản hồi từ họ trong thời gian nhất định. Nếu qua thời gian ấy mà họ vẫn tiếp tục chơi trò “người vô hình”, quá trình tương tác này sẽ kết thúc.
Chẳng hạn như “Chào X, tôi là Y thuộc bộ phận nhân sự công ty ABC. Đã 3 ngày trôi qua kể từ email mà tôi gửi đến bạn vào ngày lúc 10 giờ ngày xx/xx/2023. Nếu bạn quan tâm đến vị trí Content Marketing tại công ty chúng tôi như đã trao đổi trong suốt thời gian vừa qua, vui lòng phản hồi email trong 24h tiếp theo. Tôi sẽ dành thời gian với ứng viên khác nếu không nhận được bất kỳ phản hồi nào từ bạn theo khung giờ trên. Cảm ơn bạn.”
3. Tự đặt dấu chấm hết
Nếu sự lưng chừng của ứng viên gây ra nhiều phiền toái cho bạn, hãy thử đặt một dấu chấm hết cho điều này. Vị trí tuyển dụng mà công ty đang tìm kiếm thực sự gắt gao, bạn không thể chờ đợi ứng viên thêm nữa. Dù đó có là ứng viên tiềm năng thì việc đột ngột biến mất trong những cuộc tương tác cũng phải khiến bạn nên đặt dấu chấm hết cần thiết. Nhà tuyển dụng có thể nhẹ nhàng gửi vài tin nhắn để thông báo cho ứng viên rằng chuyện này chính thức kết thúc.
Ví dụ: “Chào X, tôi là Y thuộc bộ phận nhân sự công ty ABC. Đã 1 ngày trôi qua kể từ email nhắc lịch phỏng vấn trực tiếp tại văn phòng công ty ABC mà tôi gửi đến bạn vào ngày lúc 10 giờ ngày xx/xx/2023. Bạn đã không đến tham dự cuộc phỏng vấn như lịch hẹn như trên. Tôi gửi email này để cập nhật thông tin đến bạn về việc chúng tôi quyết định dành cơ hội này cho ứng viên khác. Cảm ơn sự hợp tác từ bạn trong thời gian qua. Trân trọng”
4. Nhìn nhận và rút kinh nghiệm
Nhà tuyển dụng cần nhìn nhận rõ ràng các yêu cầu trước khi bắt đầu quá trình tuyển dụng, điều này có thể giảm bớt tâm lý ghosting từ phía ứng viên. Đồng thời, nhà tuyển dụng có thể xem xét lại quá trình tương tác với các ứng viên đã đúng chuẩn chưa. Có thể chỉ với những phản hồi tin nhắn hoặc cuộc gọi muộn màng từ phía nhà tuyển dụng mà ứng viên tìm đến cơ hội tốt hơn.
Bên cạnh đó, đừng vì một cái cây mà đánh giá cả khu rừng, đừng để những trải nghiệm không vui về việc bị ghosting khiến bạn cảm thấy cảm thấy mất niềm tin vào quá trình tuyển dụng. Thay vào đó, hãy cởi mở và cho các ứng viên khác thêm nhiều cơ hội, điều này cũng là cho nhà tuyển dụng có thêm cơ hội tìm đúng ứng viên thực sự xứng đáng.
Thay vì ghosting, đâu là cách phản ứng đúng nếu bạn muốn kết thúc?
Nếu cảm thấy công việc không phù hợp với bản thân hoặc gặp phải những khó khăn nhất định, ứng viên có thể tìm cách ứng xử đúng đắn. Đừng để sự phớt lờ dẫn đến ấn tượng kém chuyên nghiệp của nhà tuyển dụng dành cho bạn. Biết đâu trong một thời điểm nào đó ở tương lai, bạn sẽ phải đánh mất cơ hội được nhà tuyển dụng đánh giá tốt hoặc đề bạt chỉ vì hành động ghosting.
Hành động ghosting thể hiện sự thiếu tôn trọng, thiếu chuyên nghiệp và chín chắn. Thay vì lựa chọn biến mất, các ứng viên và nhân viên nên học các kỹ năng mềm cần thiết để uyển chuyển nói “không” với nhà tuyển dụng.
Kết luận
Hiện nay, Ghosting ngày càng trở nên phổ biến hơn nhưng không vì thế mà chúng ta chấp nhận hành động kém tinh tế này. Hy vọng bài viết trên của Việc Làm 24h sẽ giúp bạn nhận diện ghosting là gì, đặc biệt là làm gì khi bị ghosting để đối diện với việc cho ăn “bơ” một cách tích cực. Hãy nhớ rằng, dù người ghosting hay bị ghosting, dù là nhà tuyển dụng hay ứng viên thì hãy đối xử với người khác theo cách bạn mong muốn được đối xử nhé!
Xem thêm: 4 lý do từ chối phỏng vấn bạn nên cân nhắc để không mất thời gian vô ích