Bạn có biết: Mô hình ASK được đánh giá là một trong những mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp, được ứng dụng phổ biến trên thế giới trong lĩnh vực quản trị nhân sự. Nhưng cụ thể thì ASK là gì và vì sao nó lại được tin cậy nhiều đến vậy? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá chi tiết qua bài viết dưới đây.
Mô hình ASK là gì?
Mô hình ASK là một trong những mô hình tiêu chuẩn nghề nghiệp nổi tiếng bậc nhất hiện nay, được áp dụng trong mảng quản trị nhân sự cho doanh nghiệp. Từ những ý tưởng ban đầu của Benjamin Bloom, người ta đã chuẩn hóa để ASK là mô hình dựa trên ba nhóm tiêu chuẩn bao gồm:
- Knowledge (Kiến thức) là sự hiểu biết, năng lực tư duy của mỗi cá nhân được hình thành thông qua quá trình học tập, rèn luyện và ứng dụng trong thực tế. Ví dụ như ngoại ngữ hay kiến thức chuyên môn…
- Skill (Kỹ năng) là kỹ năng thao tác, biến kiến thức thành hành động và đạt được kết quả thực tế. Có thể kể đến như kỹ năng giao tiếp, lãnh đạo hay quản trị rủi ro…
- Attitude (Phẩm chất/Thái độ) là cách mà cá nhân tiếp nhận và phản ứng với những tình huống trong thực tế… Ví dụ như sự trung thực, sự hòa đồng, tinh thần sẻ chia…
ASK thường được ứng dụng để đánh giá năng lực ứng viên ngay từ khi phỏng vấn cho đến khi làm việc tại doanh nghiệp.
Ví dụ về mô hình ASK trong thực tế
Giả sử công ty bạn đang cần tuyển vị trí chuyên viên kinh doanh các phần mềm B2B. Bạn sẽ cần đánh giá ứng viên theo các tiêu chí ASK với các khía cạnh như sau:
- Về kiến thức: Ứng viên cần có những hiểu biết liên quan đến quản trị doanh nghiệp, trải nghiệm của đối tượng khách hàng B2B, các case study thực tế đã từng tư vấn và triển khai…
- Về kỹ năng: Ứng viên phải biết lắng nghe và khai thác nhu cầu khách hàng, có khả năng tư vấn và demo sản phẩm, cùng với đó là khả năng thương lượng và đàm phán…
- Về thái độ: Ứng viên nên là người có sự chăm chỉ học hỏi, cầu tiến và rèn luyện bản thân liên tục, hay chủ động trong công việc được giao…
Vì sao các doanh nghiệp luôn ưu tiên việc áp dụng ASK đánh giá nhân sự?
Giúp sàng lọc ứng viên hiệu quả trong quá trình tuyển dụng
Mô hình ASK sẽ giúp doanh nghiệp dễ dàng xác định được các ứng viên tiềm năng cho vị trí đang cần tìm. Nhờ đó công ty sẽ tiết kiệm được thời gian trong quá trình sàng lọc hồ sơ mà không lo bị bỏ lỡ “nhân tài sáng giá”.
Theo đó bộ phận nhân sự cần thống nhất với nhau về khung năng lực ASK cho từng vị trí. Sau khi đã hoàn tất cần đề cập rõ trong bản mô tả công việc và tin tuyển dụng.
Là cơ sở để đánh giá ứng viên tham gia phỏng vấn
ASK cũng có thể áp dụng làm tiêu chí để đánh giá ứng viên trong các vòng phỏng vấn. Khi phỏng vấn, bộ phận nhân sự cần quan sát và ghi nhận rõ các biểu hiện hành vi và chấm điểm các tiêu chí trong khung năng lực đã đưa ra.
Một cách phổ biến thường được các doanh nghiệp dùng là phân chia các mức biểu hiện hành vi theo thang điểm từ 1- 5 hoặc xếp loại từ Cơ bản – Xuất sắc. Lưu ý là cần có diễn giải chi tiết về từng thang điểm. Có thể đánh giá theo thang điểm lẻ như 3,5 hay 4,5…
Phương pháp này giúp cho quy trình đánh giá đạt chuẩn quốc tế hơn. Điều này cực kỳ quan trọng khi tổ chức muốn chiêu mộ nhân tài đa quốc gia, không chỉ là nhân sự người Việt.
Hữu ích khi xem xét năng lực nhân viên trong công ty
Mô hình ASK còn được dùng để đánh giá nhân viên và đưa ra mức lương phù hợp. Theo đó bạn sẽ có cơ sở để tăng lương cho những cá nhân có số điểm trên khung năng lực vượt quá mức trung bình.
Lựa chọn tốt để xây dựng lộ trình Onboarding và đào tạo nội bộ
Có thể nói ASK là một sự lựa chọn hợp lý khi doanh nghiệp muốn xây dựng lộ trình Onboarding và đào tạo cho nhân viên mới gia nhập công ty. Mô hình này sẽ giúp họ nhanh chóng nắm bắt được các yêu cầu công việc đề ra, dễ dàng tuân theo và có hướng để phấn đấu.
Bí quyết đánh giá nhân sự hiệu quả theo mô hình ASK
Với khung năng lực ASK thì mỗi tiêu chí sẽ có một thang đo đánh giá mức độ từ thấp đến cao. Bộ phận nhân sự/ doanh nghiệp có thể dựa trên những tiêu chí này để ứng dụng vào nâng cao năng lực cho nhân sự.
Các cấp độ đánh giá theo thái độ
Có 5 mức độ đánh giá cụ thể như sau:
- Hoàn toàn tập trung vào vấn đề – Nhân viên bị cuốn hút vào quá trình đào tạo và luôn bày tỏ thái độ sẵn sàng tìm tòi để mở rộng hiểu biết.
- Quyết tâm – Nhân viên có quyết tâm cao đối với việc học hỏi và tập trung vào việc tạo ra sự tiến bộ.
- Quan tâm – Nhân viên thể hiện sự quan tâm đến việc đào tạo và đang cố gắng để cải thiện kỹ năng và kiến thức của mình.
- Bình thường – Nhân viên không thực sự để tâm đến quá trình đào tạo.
- Không quan tâm – Nhân viên không có dấu hiệu nào chú tâm đến việc đào tạo
Các cấp độ đánh giá theo kỹ năng
5 mức độ để đánh giá kỹ năng theo mô hình ASK là:
- Có kỹ thuật cao – Nhân viên có kỹ năng xuất sắc, không gây ra lỗi hoặc có nhưng không đáng kể và có thể thực hiện công việc gần như không cần suy nghĩ quá nhiều.
- Thành thạo – Nhân viên dễ dàng thực hiện được các yêu cầu đề ra
- Thực hành – Nhân viên có thể ứng dụng kiến thức, lý thuyết vào trong quá trình làm việc
- Đang tiến triển – Nhân viên đang ở giai đoạn bắt đầu học và phát triển kỹ năng.
- Khởi đầu – Nhân viên vẫn đang ở giai đoạn nhập môn.
Các cấp độ đánh giá theo kiến thức
5 mức độ đánh giá kiến thức gồm có:
- Thấu đáo – Nhân viên hiểu hết được nội dung đào tạo và thậm chí có thể dẫn giảng cho người khác.
- Hiểu biết tốt – Nhân viên có thể đưa ra các câu trả lời hoàn chỉnh về nội dung đào tạo (gồm cái gì, tại sao và khi nào, như thế nào…)
- Hiểu biết cơ bản – Nhân viên có thể trả lời những câu hỏi như trên nhưng không cụ thể được.
- Một hoặc hai ý tưởng – Nhân viên có kiến thức nhưng không áp dụng được để giải thích được vấn đề
- Không có kiến thức – Nhân viên dường như không biết gì về chủ đề.
Trong mô hình ASK cái nào quan trọng nhất, đáng lưu ý nhất?
Câu trả lời ở đây chính là thái độ. Bởi thái độ được hình thành dựa trên tính cách cũng như quá trình rèn luyện của mỗi người. Thái độ tốt chính là tiền đề quan trọng để quyết định mức độ hoàn thành công việc tốt trong tương lai. Do đó yếu tố này được cho là quan trọng đầu tiên, rồi mới đến những tiêu chí khác.
Xem thêm: Chủ động trong công việc là chìa khóa giúp bạn thăng tiến nhanh chóng
Hướng dẫn doanh nghiệp ứng dụng mô hình ASK trong quản lý nhân sự
Để áp dụng mô hình ASK hiệu quả trong việc quản lý nhân sự, mỗi công ty cần thực hiện các nhiệm vụ:
Xây dựng bộ tiêu chí sàng lọc và tuyển dụng đặc thù của doanh nghiệp
Mục đích của việc này là để nhanh chóng lọc ra những CV tiềm năng, phù hợp với yêu cầu của doanh nghiệp. Nhờ đó tiết kiệm được chi phí và thời gian tuyển dụng.
Trong quá trình xây dựng bộ tiêu chí nói trên, bạn cần lưu ý đến những điều dưới đây:
- Trình độ chuyên môn cần thiết là gì? Bằng cấp ra sao? Chứng chỉ nghiệp vụ thế nào?
- Kinh nghiệm làm việc bao nhiêu năm? Nhân viên thường từ 1 – 3 năm, quản lý 5 – 8 năm, cấp giám đốc là trên 10 năm. Tuỳ vào độ khó công việc cũng như mức đãi ngộ để xác định cụ thể mức độ mình cần.
- Kỹ năng quan trọng cần có ra sao? Kỹ năng giao tiếp và quản lý thời gian? Kỹ năng sắp xếp công việc và mức độ ưu tiên? Kỹ năng teamwork? Kỹ năng suy luận và phân tích, giải quyết vấn đề?…
Xây dựng được khung đánh giá năng lực nhân sự nội bộ của doanh nghiệp
Để làm được điều đó, việc đầu tiên bạn cần làm là phải xác định rõ được mục đích chính của khung mô hình ASK là gì? Với mục đích khác nhau như đào tạo, phát triển nhân lực hay xây dựng chế độ lương bổng, đãi ngộ… thì các cấp độ lựa chọn sẽ có phần khác biệt.
Theo đó bạn có thể xây dựng khung năng lực nhân sự như sau:
- Khung năng lực dựa theo vai trò: Được tổng hợp dựa trên năng lực thực tiễn và tư duy chiến lược, năng lực quản lý cá nhân…
- Khung năng lực cốt lõi như các kỹ năng giao tiếp, kiểm soát và giải quyết vấn đề, kỹ năng hùng biện thuyết trình…
- Khung năng lực chuyên môn sẽ gắn với các lĩnh vực cụ thể cũng như vị trí từng cá nhân. Có thể là kỹ năng bán hàng hoặc kỹ năng viết lách, kỹ năng chăm sóc và hỗ trợ khách hàng…
- Khung năng lực hành vi, là khung năng lực được định nghĩa dưới dạng hành vi, để đảm bảo khả năng ứng dụng và mức độ thuần thục của mỗi cá nhân.
Đưa ra định hướng và lộ trình phát triển nhân sự rõ ràng
Khi đưa ra được lộ trình phát triển với các tiêu chí rõ ràng, mỗi nhân sự khi nhìn vào sẽ biết bản thân cần gì để đạt được điều đó và tiến hành phấn đấu. Từ đó tạo ra môi trường cạnh tranh lành mạnh, nâng cao năng lực của nhân viên.
Đến đây hẳn bạn đã rõ mô hình ASK là gì, lợi ích của mô hình này ra sao? Hy vọng những thông tin này phần nào giúp bạn ứng dụng hiệu quả vào trong công việc. Đừng quên theo dõi Việc Làm 24h thường xuyên để cập nhật thêm nhiều kiến thức bổ ích nhé!
Xem thêm: Bách khoa toàn thư giải quyết khủng hoảng truyền thông: Xem ngay để không còn lạc lối