Sức khỏe của nhân viên là một trong những yếu tố quyết định năng suất hoạt động của công ty. Việc chăm sóc và nâng cao sức khỏe cho nhân viên luôn được các doanh nghiệp chú trọng như một chiến lược phát triển bền vững và dài hạn. Tuy nhiên, vẫn còn nhiều nhà tuyển dụng chưa nắm rõ và thực hiện đầy đủ các quy định khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên, dẫn đến các tình huống mất quyền lợi của người lao động. Vì thế, hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu điều đó ngay bài viết bên dưới để tránh những trường hợp như thế nhé!
1. Khám sức khỏe định kỳ là gì?
Khám sức khỏe định kỳ là việc kiểm tra, đánh giá sức khỏe thường xuyên trong một khoảng thời gian nhất định theo sự khuyến cáo của bác sĩ. Thông thường, một người nên khám sức khỏe định kỳ 6 tháng một lần để theo dõi tình trạng cơ thể. Việc khám định kỳ giúp phát hiện sớm các bệnh tiềm ẩn trong cơ thể, từ đó có biện pháp theo dõi và điều trị kịp thời. Đây là việc làm cần thiết không chỉ với người đi làm mà với tất cả mọi người.
2. Tầm quan trọng của việc khám sức định kỳ cho nhân viên
Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên không chỉ mang lại lợi ích cho bản thân người lao động mà còn cho sự phát triển của doanh nghiệp.
Đối với nhân viên
- Giúp chẩn đoán sớm các bệnh lý tiềm ẩn hoặc mới khởi phát, nhất là các bệnh lí nguy hiểm: mỡ trong máu, tiểu đường, bệnh tim mạch,… thậm chí là ung thư.
- Các bác sĩ đưa ra khuyến cáo theo dõi và phác đồ điều trị kịp thời, tăng cơ hội điều trị bệnh, rút ngắn thời gian chữa bệnh và ngăn chặn những biến chứng nguy hiểm có thể xảy ra.
- Phát hiện, theo dõi và loại bỏ các yếu tố tiềm ẩn nguy cơ gây bệnh.
- Giúp nâng cao chất lượng cuộc sống, người lao động đảm bảo đủ sức khỏe để làm việc.
Đối với doanh nghiệp
- Nâng cao năng suất làm việc cho nhân viên, giảm tai nạn lao động cũng như bệnh nghề nghiệp khác.
- Bảo vệ sức khỏe cho nhân viên đồng nghĩa với việc bảo vệ nguồn nhân lực cho doanh nghiệp, góp phần tạo nên doanh nghiệp bền vững.
- Phát hiện sớm bệnh từ đó theo dõi và điều trị kịp thời, dẫn tới làm giảm các chi phí y tế, chi phí bồi thường cho người lao động mắc bệnh.
- Thu hút nguồn nhân lực nhờ vào vì có chế độ chăm sóc sức khỏe tốt cho nhân viên.
- Tạo sự kết nối, gắn bó giữa doanh nghiệp và nhân viên, là cầu nối để mọi người thông cảm và sẻ chia với nhau.
3. Quy định về khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên mới nhất theo pháp luật
Nhân viên sẽ được các công ty, doanh nghiệp chịu trách nhiệm trong việc khám sức khỏe định kỳ. Vấn đề này đã được nhiều văn bản luật quy định cụ thể. Bao gồm:
3.1. Luật lao động năm 2012, điều 152 về việc chăm sóc sức khỏe của người lao động quy định:
- Người sử dụng lao động phải tổ chức khám sức khỏe định kỳ cho người lao động hàng năm, kể cả với người học nghề, tập nghề. Phải thêm khám chuyên khoa về phụ sản cho riêng lao động nữ. Đối với những người làm công việc nặng nhọc, độc hại, người chưa thành niên, người lớn tuổi, người khuyết tật phải được khám sức khỏe ít nhất 6 tháng một lần.
- Người làm việc trong môi trường có nguy cơ mắc bệnh nghề nghiệp phải được khám bệnh trong phạm vi liên quan nghề nghiệp đó. Nếu như người lao động bị tai nạn hoặc mắc bệnh vì nghề nghiệp mà vẫn còn làm việc thì phải được phân chia công việc phù hợp với sức khỏe.
3.2. Luật an toàn vệ sinh lao động năm 2015, điều 21 cũng có các quy định về việc khám sức khỏe đối với người lao động:
- Người dùng lao động phải tổ chức khám sức khỏe cho người lao động ít nhất một lần trong năm. Đối với người lao động là người khuyết tật, người lớn tuổi, người chưa thành niên và người làm các nghề, công việc nặng, nguy hiểm, độc hại phải được khám sức khỏe ít nhất là một lần sau 6 tháng.
- Người lao động là nữ phải được khám chuyên khoa phụ sản. Người làm việc trong các môi trường tiếp xúc với các yếu tố độc hại có nguy cơ gây bệnh nghề nghiệp phải được khám để phát hiện kịp thời bệnh.
- Cần khám sức khỏe cho người lao động trước khi phân công làm việc, đặc biệt là những việc nặng nhọc, độc hại, nguy hiểm. Sau khi nhân viên bị tai nạn lao động hoặc mắc bệnh nghề nghiệp đã hồi phục sức khỏe, công ty và doanh nghiệp cũng cần cho người lao động khám để đảm bảo sức khỏe trước khi trở lại làm việc.
3.3. Theo Thông tư 15/2016/TT-BLĐTBXH của Bộ Lao động thương binh và xã hội, quy định:
Khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên mới nhất dành cho danh mục các nghề, công việc nặng nhọc, nguy hiểm và độc hại như sau:
Trước khi bố trí việc làm có tính chất nguy hiểm, độc hại công việc nặng nhọc, công ty cần kiểm tra sức khỏe ngay cho người lao động. Sau khi bị tai nạn lao động, mắc bệnh nghề nghiệp, người đó cũng cần được đảm bảo rằng đã đủ sức khỏe để bắt đầu công việc mới.
4. Quy trình khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên như thế nào?
Theo Thông tư 14/2013/TT-BYT của Bộ Y tế hướng dẫn quy trình khám sức khỏe doanh nghiệp, các hạng mục y tế khi khám sức khỏe định kỳ cho nhân viên sẽ bao gồm:
- Lập hồ sơ, cập nhật đầy đủ thông tin cá nhân, thông tin về tiền sử sức khỏe bệnh tật của bản thân và gia đình.
- Khám thể lực chung: đo chiều cao, cân nặng, chỉ số BMI, mạch, huyết áp, nhịp thở.
- Khám lâm sàng toàn diện theo các chuyên khoa: nội, ngoại, da liễu, phụ khoa, mắt, tai mũi họng, răng hàm mặt…
- Khám cận lâm sàng bắt buộc:
- Công thức máu, đường máu.
- Xét nghiệm nước tiểu: tổng phân tích nước tiểu (đường, protein, tế bào).
Khám cận lâm sàng khác: Chụp X- quang tim phổi thẳng, nghiêng; một số xét nghiệm cận lâm sàng khác theo chỉ định của bác sĩ.
Một số hạng mục khuyến cáo nên áp dụng khi khám sức khỏe định kỳ:
- Khám mắt, kiểm tra sức khỏe cột sống và các bệnh liên quan đến xương khớp đối với nhân viên làm việc văn phòng.
- Kiểm tra thính giác bằng máy đo thính lực nếu làm việc trong môi trường có mức tiếng ồn cao.
- Siêu âm tổng quát, điện tâm đồ.
- Xét nghiệm sinh hóa: mỡ máu, chức năng gan, chức năng thận…
- Xét nghiệm tế bào cổ tử cung (đối với nữ giới).
- Xét nghiệm virus viêm gan.
- Xét nghiệm sàng lọc ung thư.
- Tư vấn sức khỏe.
Căn cứ vào kết quả khám lâm sàng, cận lâm sàng, người có thẩm quyền quyết định ký giấy khám sức khỏe kết luận: khỏe mạnh hay mắc bệnh, đánh giá xếp loại sức khỏe để xem đủ hay không đủ điều kiện tiếp tục công việc. Trường hợp phải điều trị, cần ghi rõ chuyên khoa.
5. Nhân viên cần chuẩn bị gì để khám sức khỏe định kỳ?
Nhằm chuẩn bị tốt cho một buổi khám sức khỏe định kỳ tại doanh nghiệp, nhân viên có thể lưu ý các điều sau để kết quả khám sức khỏe chính xác hơn:
- Buổi sáng ngày đi khám, không ăn sáng, không uống các chất có đường, nước có ga hoặc chất gây nghiện như trà, cà phê…, chỉ uống nước lọc để đảm bảo chính xác cho kết quả xét nghiệm máu và nước tiểu.
- Đối với nữ, không khám phụ khoa nếu đang trong kỳ kinh nguyệt, phụ nữ có gia đình tránh quan hệ tình dục trước ngày khám (nếu có khám phụ khoa), phụ nữ mang thai không chụp X- quang.
- Nếu trong gói khám sức khỏe định kỳ công ty bạn có siêu âm bụng tổng quát, bạn nên uống nhiều nước và nhịn tiểu cho tới khi siêu âm bụng xong. Vì có đầy nước tiểu trong bàng quang sẽ giúp bác sĩ quan sát được toàn bộ thành bàng quang, tử cung và hai buồng trứng (đối với nữ) hoặc tuyến tiền liệt và túi tinh của nam.
- Đối với phụ nữ có gia đình, khi siêu âm phụ khoa bằng đầu dò, cần tiểu hết cho bàng quang rỗng để bác sĩ dễ quan sát tử cung và phần phụ.
- Nếu có nội soi dạ dày, cũng cần phải nhịn ăn để giúp bác sĩ quan sát tốt hơn bên trong dạ dày của bạn.
- Ngoài ra cần vệ sinh cơ thể sạch sẽ, vệ sinh tai, mũi, họng, vùng kín (ở nữ) để không làm ảnh hưởng đến tầm nhìn và quan sát của bác sĩ khi thăm khám.
- Nếu bạn đang có bệnh và đang dùng thuốc thì vẫn uống thuốc bình thường, không cần phải kiêng cữ.
- Để có hiệu quả tối đa cho mỗi lần khám định kỳ, bạn cần chuẩn bị trước các thông tin để cung cấp cho bác sĩ khi đi khám bệnh như: tiền sử bệnh của bản thân (những lý do bị bệnh hay cần tiến hành phẫu thuật, đã từng phải cấp cứu, những năm tháng đã có sự cố sức khỏe, nếu có thể bản sao các xét nghiệm đã làm, biên bản phẫu thuật); tiền sử bệnh của gia đình (bệnh tim, ung thư, cao huyết áp, đái tháo đường,… mà người thân trong gia đình đã mắc, độ tuổi mắc bệnh và nếu có thể cả lý do tử vong).
Tạm kết
Khám sức khỏe định kỳ là một trong những quyền lợi quan trọng của nhân viên và trách nhiệm của nhà tuyển dụng, vì thế việc nắm rõ các quy định về vấn đề này là vô cùng cần thiết cho cả hai bên. Mong rằng với bài viết trên, Việc Làm 24h có thể giúp bạn hiểu rõ hơn về khám sức khỏe định kỳ, tầm quan trọng cũng như các quy định của việc này.
Đừng quên đón đọc những bài viết hữu ích khác tại Nghề nghiệp Việc Làm 24h nhé!
Xem thêm: Người lao động cần biết chính sách BHXH, tiền lương có hiệu lực từ tháng 10/2022