Bạn cảm thấy mình khá may mắn khi làm việc cùng những đồng nghiệp thân thiết không khác gì bạn thân. Đồng nghiệp càng thân thiện, bạn càng muốn chia sẻ nhiều thông tin riêng tư của mình nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn có thể chia sẻ cho họ bất kỳ điều gì. Nếu không muốn để người khác đánh giá mình là người không chuyên nghiệp hoặc thiếu lịch sự thì cần lưu ý 5 chủ đề không nên nói với đồng nghiệp sau đây, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu nhé!
5 chủ đề không nên nói với đồng nghiệp dù thân thiết đến đâu
1. Than vãn về công việc của mình
Chẳng ai muốn nghe bạn than vãn rằng bạn ghét công việc của mình như thế nào. Điều đó cho thấy bạn là người tiêu cực, không phải một thành viên tốt của nhóm và thậm chí nó sẽ làm giảm tinh thần của mọi người. Sau đó, sếp sẽ nhanh chóng biết được ai là thủ phạm khiến tinh thần đi xuống và lúc này người gặp rắc rối chính là bạn đấy.
Xem thêm: Quiet quitting và quiet firing là gì? Ảnh hưởng đến thị trường lao động ra sao?
2. Vấn đề về tiền lương
Nói chuyện về mức lương là điều tối kỵ bởi đây là một chủ đề nhạy cảm, ngay cả trong mối quan hệ bạn bè hay đồng nghiệp nơi làm việc. Cố vấn nhân sự Samantha Moyer của trường cao đẳng Marymount Manhattan cho biết: “Đừng thảo luận với đồng nghiệp về mức lương, thưởng của cá nhân bạn. Nếu bạn biết rằng, công ty đãi ngộ khác nhau giữa các nhân viên, điều đó sẽ dẫn đến những mâu thuẫn không đáng có cho bạn và đối phương”.
Ngược lại, khi được hỏi về mức lương hiện tại, tốt nhất bạn nên tránh hoặc trả lời khéo léo theo cách của bạn.
3. Chia sẻ về kế hoạch nhảy việc
Ngay cả khi bạn nghĩ rằng đó là đồng nghiệp thân thiết và có thể tin tưởng, bạn cũng không nên chia sẻ kế hoạch thay đổi công việc của mình quá sớm và tốt nhất đừng đề cập đến vấn đề đổi việc của cá nhân bạn cho đến khi mọi thủ tục hoàn thành.
“Bạn nên trình bày quyết định nghỉ việc của mình với sếp đầu tiên. Đừng để sếp nghe thông tin về kế hoạch nghỉ việc của bạn từ đồng nghiệp”, chuyên gia nhân sự Moyer chia sẻ.
Ngay cả khi sếp chấp thuận cho bạn nghỉ việc, thông tin rò rỉ cũng sẽ khiến không khí văn phòng căng thẳng. Nếu quá phấn khởi về công việc mới, bạn nên thảo luận với người thân hay bạn bè thân thiết, chứ không phải đồng nghiệp.
4. Chia sẻ về quan điểm chính trị, tôn giáo: chủ đề không nên nói với đồng nghiệp vì đây là vấn đề tế nhị
Quan điểm về chính trị và tôn giáo của một người thường gắn liền với cái tôi của họ vì vậy, không nên đem điều đó ra bàn luận tại nơi làm việc. Việc phản đối quan điểm chính trị, tôn giáo của người khác có thể nhanh chóng khiến họ thay đổi suy nghĩ về bạn bởi vì mỗi người sẽ có cảm nhận về các tôn giáo và quan điểm chính trị khác nhau. Do đó, việc khăng khăng cho rằng các giá trị của bạn là đúng có thể khiến người khác thấy khó chịu. Thậm chí, tranh luận về các sự kiện nóng trên thế giới với quan điểm quá mạnh mẽ có thể cũng dẫn tới xung đột cá nhân.
Vì vậy, để giữ mối quan hệ tốt nơi công sở bạn hãy luôn sẵn sàng lắng nghe về quan điểm và tín ngưỡng của người khác và đừng kết luận theo quan điểm của bạn.
Xem thêm: Bỏ túi ngay các cách đáp trả khéo léo, văn minh khi bị nói xấu nơi công sở
5. Nói xấu đồng nghiệp hoặc sếp
Bạn không nên nói xấu về bất cứ một người nào trong công ty với đồng nghiệp của mình, dù người đó có thân với bạn đến đâu. Việc nói cho họ biết những điều bạn không thích về đồng nghiệp của bạn sẽ gây ra những hiểu lầm không hay về sau nếu tin đó được lan truyền, thậm chí, nó có thể gây ra xích mích hoặc tranh cãi không đáng có.
Với những chia sẻ trên đây, Việc Làm 24h hy vọng bạn sẽ xây được mối quan hệ tốt nơi làm việc và tìm được các công việc phù hợp với bản thân nhé.
Xem thêm: Đừng biến drama công sở trở thành một nét văn hóa độc hại