1. Đưa ra những chỉ trích tiêu cực
Bạn không nên đưa ra lời chỉ trích đồng nghiệp một cách tiêu cực dù bạn có mối quan hệ khá thân thiết với họ. Theo chuyên gia trong ngành nhân sự, trong trường hợp này thì cách tốt hơn đó là bạn nên thảo luận về những sai lầm mà họ đã mắc phải, đồng thời cùng họ đưa ra giải pháp cho vấn đề. Điều này sẽ giúp đồng nghiệp quý trọng và đánh giá cao sự giúp đỡ của bạn.
2. Đưa ra những những nhận xét tiêu cực về sếp
Bạn có thể không có thiện cảm với sếp của mình và muốn tìm người tâm sự – nhưng theo các cảnh báo của chuyên gia thì bạn không nên chia sẻ bất kỳ sự thất vọng nào liên quan đến sếp với đồng nghiệp. Bạn không bao giờ biết những gì họ có thể tiết lộ điều này với ai, đó có thể là một thành viên khác trong nhóm, hay thậm chí là với sếp của bạn. Việc này sẽ khiến sếp có “ác cảm” với bạn, thậm chí là bạn sẽ bị cô lập trong công việc.
3. Nói xấu khách hàng với đồng nghiệp
Một điều mà nhiều người mắc phải đó là phàn nàn hoặc thậm chí nói xấu khách hàng của mình với đồng nghiệp. Trong công việc, sẽ có những lúc bạn và khách hàng có những mâu thuẫn và bất đồng quan điểm nhưng điều này không đồng nghĩa với việc bạn sẽ đi khắp nơi và “rêu rao” về chuyện đó. Thậm chí có những người còn mang những thông tin, việc đời tư của khách hàng để kể với người khác. Điều này không chỉ là xâm hại thông tin cá nhân mà còn ảnh hưởng đến danh tiếng, uy tín của công ty nếu việc này lan truyền ra bên ngoài.
4. Bàn tán về chuyện riêng của người khác
Nói chuyện, tán gẫu là một việc giúp những thành viên có thời gian hiểu về nhau hơn, nhưng chuyện này sẽ không bao giờ là một ý tưởng hay, nếu bạn cứ “tám” chuyện riêng của người khác trong cả thời gian làm việc. Bạn có thể trò chuyện trong giờ ăn trưa, sau giờ làm việc nhưng điều quan trọng là bạn không nên bàn tán về cuộc sống cá nhân của người khác. Ngay cả khi thông tin đó có vẻ vô hại, nhưng nó có thể ảnh hưởng tiêu cực đến một số đồng nghiệp của bạn. Vì vậy, thay vì dành thời gian để “hóng” những tin tức, bạn hãy chia sẻ những thông tin hữu ích liên quan đến công việc nhé.
5. Phàn nàn về công việc hiện tại
Những câu kể lể như “Tôi phải làm việc 60 giờ/tuần vì việc quá nhiều” hay “Tôi làm rất nhiều việc còn A chỉ ngồi chơi”, điều này ám chỉ rằng bạn đang cảm thấy chán nản về công việc của mình. Chuyện này có thể dẫn đến việc đồng nghiệp nghĩ bạn là người suốt ngày chỉ biết than thở, suy nghĩ tiêu cực và bạn biết đó, điều này khiến người khác cảm thấy khá mệt mỏi.