Trong môi trường công sở, chắc hẳn không ít lần bạn sẽ phải đối mặt với những vị đồng nghiệp thích tranh công, hay ganh ghét, đố kị và nói xấu người khác. Nhiều người còn nói rằng áp lực công việc chưa là gì so với áp lực đồng nghiệp. Chính vì vậy, trong bài viết ngày hôm nay, Việc Làm 24h sẽ giới thiệu một số tình huống có thể xảy ra giữa bạn với những đồng nghiệp xấu tính cũng như các tuyệt chiêu giải quyết khôn khéo nhất.
1. Bạn bị đồng nghiệp cướp công, giật thành tích
Tình huống:
Dự án được sếp đánh giá cao. Đồng nghiệp tự nhận công lao của mình, rêu rao khắp nơi là bạn chẳng đóng góp chút công sức nào, bạn đẩy hết mọi việc lên đầu họ…
Cách xử lý:
Khi làm việc với những người đồng nghiệp này, chiến lược tốt nhất là bạn hãy phân chia nhiệm vụ rõ ràng, chi tiết với thời hạn cụ thể. Những người làm việc cùng sẽ không thể đùn đẩy trách nhiệm hay đổ lỗi cho bạn cũng như không dám chơi xỏ, giành giật thành tích về mình. Ngoài ra, bạn cũng nên giữ lại các giấy tờ hoặc tài liệu để chứng minh những nhiệm vụ mà bạn đã làm. Nếu như chuyện này diễn ra thường xuyên, ảnh hưởng đến công việc của bạn, hãy tính đến việc tâm sự với sếp.
2. Đồng nghiệp dùng mọi thủ đoạn, tiểu xảo để cạnh tranh với bạn
Tình huống:
Trong tất cả các cuộc thi, sự kiện hay bất kỳ dự án nào của công ty, đồng nghiệp luôn mang tâm lý cạnh tranh hơn thua bằng các thủ đoạn hèn kém và xảo quyệt để triệt hạ bạn.
Cách xử lý:
Đừng rơi vào những cuộc đấu khẩu “ăn miếng trả miếng” hay những cuộc chiến “hạ bệ” nhau. Việc Làm 24h khuyên bạn hãy chủ động xây dựng văn hóa cạnh tranh lành mạnh. Trong các cuộc thi, tránh sử dụng các chiêu trò, mánh khóe để giành chiến thắng, thay vào đó bạn nên giữ thái độ chính trực và làm việc công bằng khi cạnh tranh.
Nếu có thể, hãy tham gia cùng đồng nghiệp và giúp đỡ họ. Đây không phải là cách để lấy lòng đồng nghiệp mà nó thể hiện rằng bạn muốn có một cuộc cạnh tranh lành mạnh và văn minh. Hành động này cũng cho thấy bạn muốn làm việc với họ chứ không phải chống lại họ. Rất có thể một thời gian sau, họ sẽ hiểu và từ bỏ những mưu hèn kế bẩn.
3. Đồng nghiệp có “thói quen” nhờ vả
Tình huống:
Bạn thường xuyên bị những người đồng nghiệp thân quen “nhờ”: đánh văn bản, lấy hợp đồng, nhận hàng… khiến bạn bù đầu trong việc của người ta lẫn việc của bản thân.
Cách xử lý:
Thật khó lòng để từ chối khi đồng nghiệp nhờ giúp đỡ và càng khó xử hơn nữa nếu như bạn là người có tính cả nể. Thế nhưng hãy biết lượng sức mình. Nhớ rằng bạn cần phải hoàn thành một núi việc trong khi deadline đang cận kề. Vì thế, hãy học cách từ chối khéo léo, lịch sự và ưu tiên làm phần việc của mình. Chia sẻ thẳng thắn rằng bạn đang có rất nhiều việc cần phải làm trong hôm nay và đề xuất một số giải pháp thay thế cho mọi người nếu được. Đừng để việc giúp đỡ người khác khiến bạn luôn bị họ đá việc cho.
Xem thêm: Cách đối phó với những cầu thủ đá việc tại văn phòng
4. Đồng nghiệp bằng mặt mà không bằng lòng
Tình huống:
Đồng nghiệp là người hai mặt, trước mặt thì khen nhiệt tình những ý tưởng của bạn, sau lưng thì quay ngoắt 180 độ, chê bai bạn đủ thứ.
Cách xử lý:
Hãy giả vờ như bạn không biết gì cả và cư xử bình thường với họ như chưa hề có chuyện gì xảy ra. Nhưng bạn cũng đừng im lặng mà hãy dùng chiêu “nghệ thuật nhắc khéo”: đưa ra một vài tín hiệu khiến họ nghĩ rằng bạn đã biết những gì đang xảy ra sau lưng bạn. Ắt hẳn đồng nghiệp xấu tính sẽ phải giật mình và dè chừng với bạn. Nói chung là với những vị đồng nghiệp hai mặt, bạn nên tránh xa và đừng kết thân với họ.
5. Đồng nghiệp nói xấu sau lưng, bịa đặt những điều không hay về bạn
Tình huống:
Đồng nghiệp buôn chuyện về những khuyết điểm của bạn; bàn tán, săm soi và bịa đặt mọi điều về bạn từ chuyện tình cảm đến cả chuyện gia đình.
Cách xử lý:
Bạn cần phải hiểu rằng đây là chuyện thường ngày ở công sở. Đi làm có người yêu quý bạn thì chắc chắn sẽ có người ghét bạn. Thế nên nếu không may nằm trong tầm ngắm của ai đó, đừng bực tức hay nổi nóng mà cả giận mất khôn. Để né tránh thị phi này, cách khôn ngoan nhất là hãy giữ bình tĩnh và im lặng.
Ban đầu, bạn nên cố gắng lắng nghe xem tại sao họ lại nói xấu mình, những lời bàn tán về mình có đúng là như vậy không? Nếu đúng là bạn có những cách hành xử, giao tiếp chưa được khéo léo thì bạn có thể điều chỉnh lại. Hay nếu mắc sai lầm hoặc gây hiểu nhầm với ai, bạn nên tự mình nhận lỗi. Còn nếu những lời đó hoàn toàn là bịa đặt, hãy học cách phớt lờ, tập trung vào công việc, luôn nỗ lực và nâng cao kỹ năng để chứng minh cho mọi người thấy những tin đồn thất thiệt về bạn là hoàn toàn sai lầm.
Xem thêm: Phương pháp rèn luyện và duy trì khả năng tập trung của não bộ
Lời kết
Khi làm việc tại bất kỳ một doanh nghiệp hay tổ chức nào, ngoài việc đối diện với những áp lực công việc thường trực, bạn còn phải chịu sự quấy rối từ những người đồng nghiệp khó tính. Các tình huống trớ trêu giữa dân công sở diễn ra với muôn hình vạn trạng. Thế nhưng dù trong bất cứ hoàn cảnh nào thì cách xử lý thông minh nhất chính là tập trung vào công việc của bạn và đừng quan tâm tới họ. Và đừng quên những cách giải quyết bạn có thể làm khi chạm trán với những “vị đồng nghiệp xấu tính” này.
Hãy cố gắng làm việc và cống hiến hết sức để mang lại nhiều giá trị cho công ty. Một khi bạn hoàn thành xuất sắc nhiệm vụ của mình với thái độ cầu thị và nỗ lực không ngừng nghỉ, Việc Làm 24h tin rằng sẽ không một ai dám gây khó dễ đến bạn. Không những vậy đó cũng sẽ là bước đệm vững chãi giúp bạn thăng tiến xa hơn nữa trong công việc. Nếu môi trường làm việc quá độc hại, bạn có thể tham khảo cho mình các vị trí công việc mới nhé.