Nói xấu nơi công sở là điều mà nhiều người phải đối mặt. Khi đi làm, dù bạn đã cố gắng cư xử đúng mực, cũng có những đồng nghiệp rảnh rỗi, thích bịa chuyện để mua vui. Có những câu chuyện đơm đặt không ảnh hưởng quá nhiều, nhưng cũng có những lời nói dối khiến sự nghiệp của bạn chao đảo. Do đó, mỗi người chúng ta cần nắm trong tay vài cách đáp trả khi bị nói xấu nơi công sở.
Biết cách đáp trả kéo kéo khi bị nói xấu nơi công sở không chỉ giúp bạn yên tâm làm việc mà còn giúp bạn tránh được những rắc rối, hệ lụy lâu dài. Hãy xem thử 6 cách khôn ngoan giúp bạn đối phó với những đồng nghiệp hay nói xấu và tránh được drama không đáng nơi công sở nhé!
Nhận diện đồng nghiệp xấu tính
Thay vì tìm cách đáp trả khi bị nói xấu nơi công sở, đầu tiên, bạn nên tránh xa những đồng nghiệp xấu tính. Việc tránh tiếp xúc trực tiếp với họ không giúp bạn thoát hoàn toàn khỏi drama công sở, nhưng ít ra cũng giúp bạn ít trở thành tâm điểm của câu chuyện hơn. Vậy đâu là “đặc điểm nhận biết” của những đồng nghiệp xấu tính?
Đầu tiên, hãy cẩn thận với những người thích làm trung tâm vũ trụ. Họ thường cho mình là nhất mà không quan tâm đến những người khác. Chỉ cần bạn có một ý kiến khác biệt cũng đủ khiến họ ghi thù và trả đũa bằng cách nói xấu bạn.
Những đồng nghiệp thiếu trung thực cũng thường hay nói xấu nơi công sở. Việc đặt điều, buôn chuyện giúp họ che lấp sai lầm của mình. Hãy cẩn thận với những ai thích kể cho bạn nghe về sai lầm của người khác, nhấn mạnh những thất bại hay lỗi lầm của đồng nghiệp cũ.
Một kiểu đồng nghiệp khác cũng nên dè chừng là những người có suy nghĩ tiêu cực. Chúng ta sẽ rất dễ nhận ra những người này tại nơi làm việc. Họ thường nói những điều tiêu cực, hay than thở, kêu ca,… và không chịu được khi nhìn thấy người khách thành công, hạnh phúc hơn mình. Để che lấp cảm giác thất bại, họ không ngại đặt điều nói xấu người khác.
Ngoài ra, bạn cũng nên chú ý tránh xa những kẻ buôn chuyện, những người quá tò mò về cuộc sống cá nhân và thích kể chuyện riêng tư của người khác. Ban đầu, có lẽ chúng ta sẽ cảm thấy thú vị khi có ai chủ động chia sẻ những câu chuyện hậu trường nơi công sở – nhất là khi bạn là nhân viên mới. Nhưng đừng vội chia sẻ điều gì nếu như bạn chưa thật sự hiểu về họ. Biết đâu chính bạn sẽ trở thành chủ đề tiếp theo của người đồng nghiệp “nhiệt tình, thân thiện” đó.
Vạch rõ ranh giới với người thích nói xấu nơi công sở
Bây giờ, bạn đã nhận diện được đâu là những “tay buôn chuyện” kỳ cựu trong công ty. Cách đáp trả khi bị nói xấu thông minh nhất là tránh để bản thân bị lôi vào những câu chuyện vô nghĩa. Không tò mò hóng chuyện, không khuyến khích họ kể và nghe tật xấu của đồng nghiệp khác vì có thể bạn sẽ là nạn nhân tiếp theo.
Cách tốt nhật là bạn hãy hạn chế tiếp xúc với họ. Tất nhiên, bạn không thể hoàn toàn tránh khỏi người đồng nghiệp, bạn vẫn phải hợp tác với họ khi cần nhưng hãy vạch rõ ranh giới. Người ta thường nói “vật hợp theo loài”. Tránh xa những đồng nghiệp không tốt cũng là “tín hiệu ngầm” cho biết bạn không đồng tình với việc nói xấu nơi công sở.
Trong những trường hợp bất khả kháng bị bắt buộc phải tham gia vào cuộc trò chuyện, bạn hãy giữ thái độ trung lập. Nghĩa là bạn không a dua theo câu chuyện. Ông bà ta có câu “tránh voi không xấu mặt nào”. Thay vì trở thành đề tài câu chuyện rồi tìm cách đáp trả khi bị nói xấu, bạn nên bước ra khỏi vòng nguy hiểm đó.
Bạn chỉ nên trao đổi những thông tin liên quan tới công việc, hạn chế tương tác cá nhân. Ví dụ bạn có thể chặn facebook, tránh like, comment những câu chuyện phiếm của họ trên các group chat của công ty,…
Khi thấy đồng nghiệp bắt đầu kể chuyện không liên quan tới mình, bạn có thể giả vờ đứng lên để pha cà phê, photo tài liệu, ra ngoài nghe điện thoại,… hoặc lịch sự thông báo mình còn tác vụ chưa thực hiện, phải trở lại công việc ngay lập tức.
Trao đổi thẳng thắn khi bị nói xấu
Nếu bạn chẳng may là nạn nhân của câu chuyện, hãy thử đến gặp trực tiếp họ và hỏi thử xem có phải người đồng nghiệp đó đã nói xấu bạn hay không.
Ban đầu, bạn hãy gặp riêng và hỏi chân thành “Em có nghe là chị nói về em thế này, thế kia. Không biết có hiểu lầm gì không?”. Hãy cố gắng kiềm chế cơn nóng giận và cư xử thật lịch sự. Vì nếu bạn không trực tiếp nghe họ nói xấu thì biết đâu thật sự có hiểu lầm. Ngoài ra, câu chuyện drama công sở qua hai hay nhiều người có thể đã khác đi rất nhiều vì thông thường, “gửi tiền – tiền mất, gửi lời – lời thêm.”
Nếu thật sự là người đặt chuyện, họ có thể sẽ phủ nhận. Bạn hãy giả vờ tin tưởng họ và nhấn mạnh rằng bạn chỉ muốn chia sẻ một cách đơn thuần. Bạn cũng chỉ nghe người khác nói vậy thôi và muốn hóa giải hiểu lầm chứ không phải đến để phân định đúng sai.
Đây là cách đáp trả khi bị nói xấu vô cùng thông minh vì bạn đang “nhắc khéo”, khiến người đồng nghiệp xấu tính phải giật mình. Đồng thời, đây cũng là một lời cảnh báo ngầm rằng bạn biết những gì họ nói, tốt nhất là họ nên cẩn thận.
Xem thêm: Mâu thuẫn nội bộ – Quản lý nên giải quyết thế nào?
Đáp trả vấn đề trong cuộc họp ba bên
Không phải ai cũng là nạn nhân của thói nói xấu nơi công sở. Nếu quan sát kỹ, thường những bạn nhân viên mới, nhân viên cấp thấp, tính tình hiền lành, ít nói là chủ đề chính của câu chuyện. Lý do vô cùng đơn giản, ngay cả những kẻ xấu cũng biết chọn quả hồng mềm để bóp. Vì vậy, hãy cho họ thấy bạn không phải là người dễ bị bắt bạn.
Nếu bạn đã đến gặp trực tiếp và trao đổi với họ về việc mình không muốn là đề tài trong câu chuyện phiếm nữa, nhưng họ vẫn tiếp tục nói xấu bạn, cách đáp trả mạnh mẽ nhất là đưa câu chuyện vào cuộc họp với người quản lý trực tiếp của cả hai hoặc trong cuộc họp chung – nếu cần. Phương pháp này đặc biệt phù hợp nếu câu chuyện có liên quan trực tiếp tới công việc, sự nghiệp của bạn.
Cụ thể, nếu đồng nghiệp bịa chuyện rằng:
- Thất bại của chiến dịch marketing này hoàn toàn do lỗi của bạn, bạn đã làm theo ý tưởng riêng của mình mà không thông qua đội nhóm?
- Bạn đã có cách cư xử không đúng mực với khách hàng, đối tác dẫn đến dự án này không chạy đúng thời hạn?
- Bạn đã sửa, xóa data, khiến báo cáo bị sai lệch?
- Bạn đã ăn chặn tiền công quỹ? ….
Đây đều là những lời bịa chuyện quan trọng, ảnh hưởng tới công việc. Giải pháp lúc này là bạn nên làm rõ với một người thứ 3 có khả năng phân xử.
Tất nhiên, cách xử lý này có thể khiến họ ghét bạn. Thẳng thắn nhìn nhận, thật ra bạn cũng không cần phải thân thiết với người đồng nghiệp xấu tính. Suy nghĩ này sẽ giúp bạn tránh được rắc rối về sau. Lời nói dối không phải chỉ nghe ở tai này rồi chạy qua tai khác. Ban đầu người nghe có thể không tin, nhưng khi nghe đi nghe lại nhiều lần, câu chuyện bịa đặt sẽ in vào tiềm thức và dần trở thành ấn tượng khó phai mờ. Vì vậy, những lời nói xấu liên quan tới công việc là những trường hợp bạn tuyệt đối không được nhân nhượng.
Mặc kệ họ và chỉ quan tâm tới hiệu quả công việc
Nếu như cách đáp trả khi bị nói xấu ở trên có phần quyết liệt thì phương pháp tiếp theo lại mềm mỏng hơn nhiều. Trong trường hợp lời nói xấu đó không quá nghiêm trọng, không ảnh hưởng đến công việc, bạn chỉ cần đơn giản xem như không nghe thấy.
Sẽ chẳng ích gì khi đôi co với đồng nghiệp chỉ vì họ chê cách ăn mặc của bạn lỗi thời, tính cách lập dị, thích nói xấu đồng nghiệp,… hoặc bịa chuyện rằng bạn nhận được công việc này vì quen biết chứ ngay cái bảng excel cũng không biết cách làm.
Thời gian sẽ là câu trả lời chính xác nhất. Khi bạn làm việc đủ lâu, mọi người sẽ dần hiểu và biết rằng tất cả những lời đơm đặt kia đều là sai. Hơn nữa, khả năng cao, bạn không phải nạn nhân duy nhất! Người đồng nghiệp xấu tính đó có thể đã nhiều lần tạo drama và mọi người đã hiểu quá rõ tính nết của họ. Vậy nên, cách đáp trả thông minh nhất là lờ họ đi.
Ngoài ra, bạn không nên đánh đồng tính cách với năng lực làm việc của đồng nghiệp. Trong trường hợp họ thực sự là người cộng tác tốt, bạn chỉ nên tập trung vào công việc.
Làm việc hiệu quả và giữ hòa khí trong môi trường công sở vẫn nên được ưu tiên hàng đầu. Dù biết đồng nghiệp nhiều chuyện, thích nói xấu người khác, bạn vẫn cần thể hiện sự chuyên nghiệp của mình bằng việc tập trung vào hiệu suất công việc, vào mục tiêu chung của cả công ty.
Tuy nhiên, bạn vẫn nên đưa ra một vài tín hiệu cho thấy bạn đã biết họ chính là thủ phạm trong mớ rắc rối vừa qua. Họ sẽ có cái nhìn khác về con người bạn và không bao giờ chủ động gây sự với bạn nữa.
Xem thêm: Tự do tài chính là gì? Đâu là bí quyết cho một cuộc sống an nhiên, vô lo vô nghĩ
Nếu như lỗi ở bạn thì sao?
Mặc dù hiếm nhưng không có nghĩa chuyện này không xảy ra! Đồng nghiệp nói xấu bạn vì bạn thật sự có lỗi. “Người nói vô tình, người nghe hữu ý”. Biết đâu có lúc bạn tình cờ phát ngôn không đúng, dẫn tới hiểu lầm. Nhưng vì không được giải quyết kịp thời, sự chia cắt ngày càng sâu sắc và nghiêm trọng hơn.
Vậy nên, trước khi tìm cách đáp trả đồng nghiệp nói xấu mình, bạn thử suy nghĩ xem có bao nhiêu phần trăm câu chuyện đó là thật. Liệu tất cả câu chuyện điều là lời đơm đặt hay bắt nguồn từ một hiểu lầm nào đó.
Nếu đúng là bạn mắc sai lầm hoặc gây hiểu nhầm, bạn nên tự mình nhận lỗi. Sau đó, bạn thẳng thắn góp ý với đồng nghiệp để họ cư xử tế nhị hơn, nếu có gì chưa vừa ý thay vì lôi tật xấu của bạn kể cho người khác, họ có thể trực tiếp trao đổi với bạn.
Hãy luôn nhớ rõ mục tiêu làm việc của bạn và tập trung năng lượng cho nó. Nếu như mục tiêu của bạn là đạt được hiệu suất làm việc xuất sắc, thăng tiến và có thu nhập khủng thì bạn phải học cách “lờ đi” những tranh cãi không liên quan tới công việc. Cách tốt nhất để loại bỏ đồng nghiệp xấu tính là làm tốt hơn họ và vươn lên vị trí quan trọng hơn, để họ chỉ có thể tiếp tục ở phía sau bạn – cả nghĩa bóng lẫn nghĩa đen.
Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh
Kết luận:
Tóm lại, công sở cũng giống như một xã hội thu nhỏ. Cho dù không làm gì thì cũng có 25% người thấy tự nhiên bạn không thuận mắt. Do đó, không phải lúc nào bạn cũng tìm cách đáp trả khi bị nói xấu. Tùy từng trường hợp cụ thể, mà bạn chọn cách phản ứng mềm mỏng, hay cứng rắn hoặc đơn giả là lờ họ đi và tập trung toàn bộ sức lực của mình cho những vấn đề quan trọng hơn.
Theo dõi Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để cập nhật những bí quyết giúp cuộc sống nơi công sở dễ dàng hơn, bạn nhé!
Xem thêm: Dân văn phòng cần cẩn thận với 4 dấu hiệu của các bệnh tâm lý thường gặp