Bystander Effect là gì, làm thế nào để ngăn chặn hiệu ứng người ngoài cuộc?

Khi chứng kiến một tình huống cần sự can thiệp, chúng ta thường tin rằng mọi người sẽ đứng lên và giúp đỡ. Nhưng đôi khi, điều kì lạ xảy ra, đó là nếu càng nhiều người biết hay chứng kiến thì khả năng họ không hành động sẽ tăng lên. Hiện tượng này được gọi là “Bystander Effect”. Vậy thực sự Bystander Effect là gì và làm thế nào để vượt qua? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết sau.

Bystander Effect là gì?

Bystander Effect còn được gọi là hiệu ứng người ngoài cuộc hay hiệu ứng bàng quan đề cập đến tâm lý thờ ơ khi có nhiều người cùng chứng kiến một tình huống đòi hỏi có sự can thiệp. Hiện tượng này lần đầu tiên được xác định trong một vụ sát hại ở New York vào năm 1964. Cuộc điều tra sau đó đã đưa ra nghi ngờ rằng hàng xóm của nạn nhân đã thực sự chứng kiến tội ác nhưng không giúp đỡ và dửng dưng trước tiếng kêu cứu.

Bystander effect
Bystander Effect đề cập đến hiện tượng càng nhiều người chứng kiến thì càng không có ai hành động trước một tình huống cần sự can thiệp.

Hiệu ứng người ngoài cuộc có thật không?

Ở nơi làm việc, hiệu ứng người ngoài cuộc được biểu hiện dưới rất nhiều hình thức quen thuộc mà có thể bạn không nhận ra. Chẳng hạn như im lặng trước những quy định bất hợp lý, thụ động khi cần lên tiếng báo cáo về vấn đề đang tồn tại… Nhìn chung sự dửng dưng đối với những vấn đề dù lớn hay nhỏ đều có thể là biểu hiện của Bystander Effect. Nhiều nghiên cứu đã được thực hiện để chứng minh rằng hiệu ứng tâm lý này có thật. Tiêu biểu như:

– Nghiên cứu đầu tiên được thực hiện với 132 công nhân trong 25 nhóm tại chi nhánh Ấn Độ của một công ty công nghệ Fortune 500. Những người thực hiện nghiên cứu đã theo dõi quy trình làm việc của từng nhóm để đánh giá khả năng nhân viên chia sẻ thông tin về các vấn đề công việc với đồng nghiệp. Đồng thời yêu cầu các nhà quản lý theo dõi mức độ báo cáo vấn đề của mỗi nhân viên trong nhóm. Đúng như dự đoán, nhân viên càng chia sẻ nhiều thông tin với đồng nghiệp thì càng ít có khả năng lên tiếng với người quản lý.

– Một nghiên cứu khác với 163 sinh viên đại học ở Hoa Kỳ được chia thành 2 nhóm. Tất cả những người tham gia đều được thông báo về vấn đề không đủ xe đưa đón ở trường nên khiến sinh viên đến lớp trễ. Và mọi người có thể báo cáo vấn đề này với các cấp quản lý nhà trường. Sau đó, những người trong nhóm đầu tiên được cho biết rằng tất cả các sinh viên đều đã biết về vấn đề của xe đưa đón. Trong khi đó, ở nhóm thứ hai lại được thông báo rằng họ là những người duy nhất biết vấn đề này. Kết quả cho thấy nhóm thứ 2 có khả năng nêu vấn đề với lãnh đạo trường cao gấp 2,5 lần so với nhóm đầu tiên.

Bystander effect
Ai cũng nghĩ rằng người khác sẽ hành động, cuối cùng tất cả đều thờ ơ.

Tại sao Bystander Effect lại xảy ra?

Có nhiều cách để hiểu về Bystander Effect. Dưới đây là những giải thích về hiệu ứng người ngoài cuộc này:

1. Mô hình đưa ra quyết định giúp đỡ (Decision model of helping)

Theo giải thích của Latané và Darley, trước khi đưa ra quyết giúp đỡ, những người ngoài cuộc sẽ trải qua 5 giai đoạn sau:

– Nhận biết: nhìn thấy sự bất ổn, vấn đề hoặc sẽ không để ý.

– Xác định: xem xét tình huống có khẩn cấp hay quan trọng không.

– Đánh giá: trách nhiệm của bản thân trong tình huống này như thế nào, liệu có nên lên tiếng hay sẽ có người khác giúp đỡ.

– Quyết định: giải pháp tốt nhất cho vấn đề này là gì.

– Hành động: theo quyết định đã đưa ra.

Dù được mô tả lại theo 5 bước nhưng quá trình có thể diễn ra rất nhanh. Đồng thời, người ngoài cuộc nào cũng sẽ trải qua mô hình trên nhưng hành động lại không giống nhau. Điều này có thể do yếu tố tâm lý, quan điểm của mỗi người đều khác biệt. Ví dụ, bạn và đồng nghiệp cùng bắt gặp mâu thuẫn trong quá trình làm việc. Sau khi đánh giá, bạn cảm thấy vấn đề không quan trọng và không cần thiết lên tiếng nhưng người đồng nghiệp lại báo cáo với cấp trên.

Bystander effect
Dù cùng trải qua 5 giai đoạn của mô hình đưa ra quyết định giúp đỡ nhưng tất cả đều có hành động khác nhau.

2. Sự phân tán trách nhiệm (Diffusion of responsibility)

Khi nhiều người chứng kiến một tình huống cần can thiệp, trách nhiệm thường bị phân tán và giảm bớt trên từng người. Mỗi người đều nghĩ rằng người khác cũng có khả năng can thiệp, dẫn đến việc họ cảm thấy không cần thiết phải hành động. Trách nhiệm chung được chia nhỏ khiến cho mỗi người cảm thấy ít áp đặt và không chịu trách nhiệm. Điều này thể hiện qua những suy nghĩ đại loại như “chắc sẽ có người khác lên tiếng thôi”, “tại sao phải mạo hiểm hay bỏ ra công sức để thảo luận về một chủ đề khó khi đồng nghiệp cũng có thể làm như vậy?”…

3. Ảnh hưởng của xã hội (Social influence)

Đa số chúng ta đều quan sát và lấy hành vi của người khác làm tiêu chuẩn để xác định cách bản thân hành động. Điều này xuất phát từ tâm lý đám đông và được xã hội chấp nhận. Nếu những người khác không hành động, chúng ta cũng ít có khả năng làm khác họ, vì sợ bị đánh giá, bàn tán hay ảnh hưởng đến bản thân. Sự lưỡng lự có thể lan tỏa từ người này sang người khác, tạo ra kết quả không ai can thiệp. 

Bystander effect
Sự sợ hãi bị bàn tán, chỉ trích khiến nhiều người chùn bước khi có ý định lên tiếng hay hành động.

4. Sự vô tri đa nguyên (Pluralistic ignorance)

Sự vô tri đa nguyên là khi chúng ta dựa vào cách người khác hành động để xác định phản ứng của mình trong tình huống không rõ ràng. Thường thì chúng ta nghiên cứu hành vi của người khác để đưa ra quyết định của mình. Đôi khi, điều này dẫn đến những quyết định sai lầm, vì chúng ta giả định rằng mọi người khác đều đang làm đúng, hoặc khi chúng ta thiếu quyết đoán do sự không chắc chắn từ người khác. 

Làm thế nào để vượt qua Bystander effect?

Vượt qua Bystander Effect là một hành trình đòi hỏi sự nhận thức sâu về bản thân và xã hội xung quanh. Bạn cần nhận ra rằng bạn không chỉ là người chứng kiến một tình huống, mà còn chịu trách nhiệm đối với cách đánh giá và phản ứng trước vấn đề đó. Do vậy cần tự giác về khả năng can thiệp của mình. Đừng chấp nhận tư duy “ai đó khác sẽ làm điều này” mà hãy tự hỏi “nếu không phải là tôi, thì ai?” 

Ngoài ra, việc xây dựng sự tự tin trong hành động rất quan trọng. Điều này không chỉ đến từ việc hiểu rõ về tình hình, mà còn biết rõ về bản thân và giá trị của hành động trong tình huống đó. 

Đồng thời, sự nhạy bén trong việc nhận biết cơ hội can thiệp cũng là một khía cạnh cần thiết. Đôi khi, tình hình không rõ ràng và yêu cầu bạn phải nhận diện các dấu hiệu cụ thể hơn. 

Cuối cùng, việc tạo ra một môi trường hỗ trợ, giúp đỡ chính là chìa khóa để vượt qua Bystander Effect. Bạn sẽ tự tin hơn trong việc đưa ra quyết định, hành động khi được ủng hộ và mọi người xung quanh đều có hành động đúng đắn. Việc này không chỉ tạo ra một chuỗi tích cực, mà còn đẩy lùi tư duy “người khác sẽ lo” đồng thời thúc đẩy chúng ta trở thành những người chủ động trong xã hội.

Bystander effect
Xây dựng sự tự tin giúp vượt qua hiệu ứng người ngoài cuộc.

Tạm kết

Vượt qua Bystander Effect cần rất nhiều yếu tố. Tuy nhiên bạn cần hiểu rằng sức mạnh để thay đổi nằm trong tay của bạn. Và chỉ thông qua sự tự chủ, ý thức, bạn mới thực sự trở nên mạnh mẽ, đủ sức đối phó với tâm lý người ngoài cuộc. Qua bài viết trên, hy vọng bạn đọc đã những thông tin hữu ích về chủ đề này. Để thay đổi môi trường làm việc tốt hơn, đừng quên truy cập Việc Làm 24h với rất nhiều cơ hội đang chờ đón bạn.

Xem thêm: Thiên kiến kẻ tồn tại là gì? Làm thế nào để vượt qua thiên kiến kẻ tồn tại?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục