Không có gì đáng ngạc nhiên khi lắng nghe là một trong những hình thức tôn trọng chân thành nhất bạn dành cho đối phương khi giao tiếp Dù là bất kỳ ai, đang đảm nhận nhiệm vụ gì trong cuộc sống, bạn vẫn cần trau dồi kỹ năng lắng nghe. Vậy lắng nghe có mấy cấp độ? Trong bài viết dưới đây, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h sẽ giúp bạn hiểu được các cấp độ lắng nghe cũng như bí quyết lắng nghe chất lượng.
Bạn có thật sự đang lắng nghe?
Trước khi tìm hiểu về các cấp độ lắng nghe trong giao tiếp, bạn hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h “bóc tách” về hiện tượng “nghe mà không nghe”.
Trong cuộc sống hằng ngày, chúng ta thường xuyên giao tiếp với người khác và chăm chú vào lời nói của họ. Tuy nhiên, không phải lúc nào bạn cũng thật sự đang lắng nghe. Hiện tượng “nghe mà không nghe” là một trạng thái phổ biến mà bất kỳ ai cũng có thể rơi vào. Trạng thái này mô tả việc chúng ta có vẻ đang tập trung vào người nói, nhưng thực tế là tâm trí đã phớt lờ hoặc bị phân tán.
Vậy đâu là thước đo chính xác để tự đánh giá mình có thật sự đang lắng nghe người khác? Tham khảo bài test của Mindtool và trả lời những câu hỏi đánh giá mức độ lắng nghe:
- Để đảm bảo hiệu quả công việc, tôi đã trả lời Email và tin nhắn trong khi đang nói chuyện điện thoại với người khác.
- Tôi nhắc lại các điểm trọng tâm trong cuộc trò chuyện để thể hiện sự quan tâm về những gì người khác đang nói.
- Khi người khác nói về những chủ đề nhạy cảm, tôi cố gắng tạo ra một cuộc trò chuyện thoải mái.
- Tôi cảm thấy khó chịu với sự im lặng trong các cuộc trò chuyện.
- Khi lắng nghe, tôi so sánh quan điểm của người khác với quan điểm của mình.
- Để người khác giải thích rõ hơn về quan điểm của họ, tôi sẽ đặt những câu hỏi mang tính gợi mở (câu hỏi không thể trả lời bằng “có” hoặc “không”).
- Khi ai đó đang nói chuyện với tôi, tôi sẽ gật đầu và nói những câu như “OK” hoặc “uh-huh”.
- Tôi đóng vai người phản bác các luận điểm để thúc đẩy mọi người nêu nhận định.
- Tôi đặt ra những câu hỏi dẫn dắt để thúc đẩy người khác đồng tình với quan điểm của mình.
- Tôi ngắt lời người khác.
- Khi có người nói chuyện với tôi, tôi sẽ đứng yên lắng nghe để họ không bị xao lãng.
- Tôi cố gắng đọc ngôn ngữ cơ thể của người khác khi lắng nghe họ.
- Nếu người khác gặp khó khăn khi giải thích về vấn đề gì đó, tôi sẽ tiếp lời bằng cách đưa ra những gợi ý liên quan.
- Nếu có việc bận, tôi vẫn cố gắng trò chuyện với người khác miễn là họ trao đổi nhanh chóng.
Xem thêm: 8 nguyên tắc giúp dân văn phòng rèn luyện kỹ năng lắng nghe để “luôn luôn thấu hiểu”
4 dấu hiệu “tố cáo” bạn chưa có kỹ năng lắng nghe tốt
1. Mắt không nhìn vào người đang nói
Khi giao tiếp, nếu không nhìn thẳng vào người đang nói, bạn có thể đang thiếu sự tôn trọng và quan tâm đối đến họ. Điều này có thể khiến đối phương có cảm giác bị bỏ rơi, không được lắng nghe. Thậm chí, việc không nhìn vào mắt người đang nói cũng khiến họ cảm thấy thiếu kết nối, ảnh hưởng tiêu cực đến cuộc trò chuyện
2. Hay ngắt lời người khác
Thường xuyên ngắt lời người khác cũng là lời “tố cáo” cho thấy bạn thiếu kỹ năng lắng nghe. Đây là dấu hiệu của việc thiếu kiên nhẫn và muốn giật “spotlight” trong giao tiếp. Hành động này có thể khiến người khác cảm thấy không được tôn trọng hoặc bị “tuột mood” khi bày tỏ quan điểm của mình. Việc ngắt lời cũng có thể tạo cảm giác rằng người nghe không thật sự quan tâm đến những gì được chia sẻ.
3. Không phản hồi hoặc phản hồi không liên quan
Người thiếu kỹ năng lắng nghe thường không phản hồi hoặc phản hồi “trật nhịp” với những điều người khác chia sẻ. Trên thực tế, việc “ngồi im bất động” hoặc phản hồi qua loa chính là dấu hiệu “tố cáo” bạn chưa lắng nghe tốt. Hành động này có thể khiến người khác có cái nhìn tiêu cực về cuộc trò chuyện cùng bạn.
4. Thường xuyên bị xao nhãng
Một người thiếu kỹ năng lắng nghe thường xuyên để tâm trí bị xao lãng trong lúc người khác đang nói. Biểu hiện của hành vi này là không tập trung vào cuộc trò chuyện, thường nhìn vào vô định hoặc thả trôi suy nghĩ trong đầu mình. Nếu thường xuyên bị xao nhãng khi giao tiếp, bạn sẽ biến cuộc trò chuyện “đơn phương” này trở nên vô nghĩa.
Các cấp độ lắng nghe trong giao tiếp: Thế nào là lắng nghe chất lượng?
Kết hợp các cấp độ lắng nghe trong giao tiếp khác nhau chính là “chiếc chìa khoá” để bạn trở thành một người lắng nghe chất lượng. Theo quyển “The 7 Habits of Highly Effective People” của Stephen Covey, lắng nghe được chia thành 5 cấp độ, bao gồm:
- Ignoring.
- Pretend listening.
- Selective listening.
- Attentive listening.
- Empathetic listening.
Các cấp độ lắng nghe này có khả năng đánh giá kỹ năng lắng nghe trong giao tiếp của một người. Mỗi cấp độ lắng nghe sẽ biểu thị một trạng thái cảm xúc khác nhau, giúp đo lường mức độ hiệu quả trong cuộc trò chuyện.
1. Ignoring (Nghe phớt lờ): Cách lắng nghe khiến người chia sẻ dễ tổn thương nhất trong các cấp độ lắng nghe
Nghe phớt lờ là cấp độ lắng nghe đầu tiên và thấp nhất trong giao tiếp. Biểu hiện của cấp độ phớt lờ là bạn thường bỏ qua thông điệp hoặc nội dung mà đối phương đang truyền tải. Nguyên nhân khiến bạn phớt lờ một cuộc trò chuyện là:
- Không quan tâm đến chủ đề trò chuyện.
- Cảm thấy choáng ngợp hoặc khó chịu trong cuộc giao tiếp.
- Mất tập trung, bị xao lãng.
Khi phớt lờ ai đó, bạn đã vô tình gây tổn thương đến mối quan hệ của mình. Trong nhiều trường hợp, đối phương sẽ cảm thấy thiếu tôn trọng hoặc khinh thường khi giao tiếp với bạn.
2. Pretend listening (Nghe giả vờ)
Giả vờ lắng nghe cũng là một trong các cấp độ lắng nghe khi giao tiếp. Ở cấp độ này, bạn có vẻ như đang lắng nghe nhưng thực tế lại không đặt sự chú ý vào đối phương.
Những người giả vờ lắng nghe sẽ cố gắng tỏ ra là mình đang lắng nghe bằng các hành động như: gật đầu, nhìn vào mắt người nói, đưa ra những phản hồi hời hợt,… Tuy nhiên, trong tâm tâm, bạn không quá chú ý đến thông điệp người khác truyền tải. Giả vờ lắng nghe có thể khiến bạn bỏ lỡ những thông tin quan trọng, tạo ra một cuộc trò chuyện kém chất lượng.
3. Selective listening (Nghe chọn lọc)
Nghe chọn lọc là cấp độ lắng nghe chỉ tập trung vào một số nội dung cụ thể của thông điệp mà bạn quan tâm hoặc đồng tình và bỏ qua những phần khác. Trong một số trường hợp, việc lắng nghe chọn lọc có thể phát huy tác dụng rất tốt, chẳng hạn như khi bạn tập trung vào thông tin quan trọng trong môi trường làm việc ồn ào. Tuy nhiên, cấp độ này cũng có thể khiến bạn hiểu lầm và đưa ra quan điểm sai lệch vì thiếu hoặc sót thông tin.
4. Attentive listening (Nghe chăm chú)
Với cấp độ này, bạn đặt sự chú ý và tâm trí vào việc lắng nghe người khác. Bạn tập trung vào người nói, loại bỏ những suy nghĩ riêng và sự xao nhãng để thấu hiểu thông điệp, cảm xúc của đối phương.
Khi nghe chăm chú, bạn có thể sử dụng ngôn ngữ cơ thể như gật đầu, nhìn thẳng vào mắt hoặc phản hồi tích cực trước câu chuyện của người nói. Lắng nghe chăm chú là một trong các cấp độ lắng nghe giúp cải thiện mối quan hệ, tạo ra môi trường giao tiếp tích cực và thúc đẩy sự tin tưởng. Đây là cấp độ lắng nghe tối thiểu bạn nên đạt được trong các cuộc giao tiếp hằng ngày.
5. Empathetic listening (Nghe thấu cảm): Đây là cấp độ cao nhất trong các cấp độ lắng nghe
Cấp độ cao nhất của lắng nghe là nghe thấu cảm. Ở cấp độ này, bạn không chỉ tập trung vào việc thấu hiểu thông điệp mà còn đặt mình vào vị trí của người nói. Khi thấu cảm câu chuyện của người nói, bạn sẽ hiểu rõ quan điểm và cảm xúc mà họ trải qua.
Không chỉ lắng nghe bằng đôi tai của mình, bạn còn lắng nghe bằng cả trái tim và tâm hồn khi đạt đến cấp độ này. Nghe thấu cảm giúp bạn tạo ra những mối quan hệ giao tiếp sâu sắc, kết nối mãnh liệt. Khi thực hành lắng nghe thấu cảm, bạn có thể nâng cao kỹ năng lắng nghe, phản ứng tinh tế và phù hợp với từng tình huống nhất định.
Các cấp độ lắng nghe thấu cảm: Khi bạn thật sự nghe bằng cả trái tim
Lắng nghe thấu cảm là một trong các cấp độ lắng nghe tuyệt vời nhất trong giao tiếp. Khi đạt đến cấp độ lắng nghe này, bạn sẽ trở thành “tâm điểm” trong mọi cuộc trò chuyện, được người xung quanh tin cậy và đánh giá cao. Dưới đây là những lợi ích thiết thực khi trở thành người biết lắng nghe thấu cảm.
Tạo ra các mối quan hệ bền vững: Lắng nghe thấu cảm giúp xây dựng và duy trì các mối quan hệ bền vững. Khi bạn quan tâm đến quan điểm, cảm xúc của người khác, họ sẽ cảm thấy được tôn trọng. Đây là cách giúp bạn xây dựng một môi trường tương tác tích cực, tôn trọng và mang lại sự gắn kết mãnh liệt. Mối quan hệ được xây dựng dựa trên lắng nghe thấu cảm có khả năng vượt qua khó khăn, thử thách hiệu quả hơn.
Xem thêm: Những nguyên tắc ngầm khi giao tiếp, kết bạn với đồng nghiệp nơi công sở
Giảm căng thẳng và mâu thuẫn: Lắng nghe thấu cảm có thể giúp giảm mâu thuẫn trong các tình huống giao tiếp căng thẳng. Khi thấu hiểu quan điểm, cảm xúc của người khác, bạn sẽ dễ cảm thông và tìm cách giải quyết mâu thuẫn một hiệu quả. Thay vì thụ động hoặc đối đầu, lắng nghe thấu sẽ tạo nên những cuộc trò chuyện mang tính xây dựng, có lợi cho đôi bên.
Tăng khả năng giải quyết vấn đề: Lắng nghe thấu cảm là bước quan trọng trong quy trình giải quyết vấn đề. Bạn sẽ tìm ra những giải pháp phù hợp nếu thấu hiểu cảm xúc, nhu cầu và mong muốn của người khác. Khi đối phương cảm nhận được sự quan tâm, thấu hiểu, họ sẽ sẵn sàng hợp tác và cùng bạn tìm kiếm giải pháp xử lý vấn đề chúng.
Cải thiện kỹ năng giao tiếp: Lắng nghe thấu cảm là một phần quan trọng của kỹ năng giao tiếp chất lượng. Khi lắng nghe tâm tư của người khác, bạn sẽ hiểu rõ hơn về trạng thái tâm lý và mong muốn từ họ. Đây là cách giúp bạn tương tác tinh tế, tạo ra môi trường giao tiếp tích cực. Lắng nghe thấu cảm cũng giúp bạn nắm bắt được những thông điệp ẩn sau lời nói. Đồng thời, đây cũng là cách giúp bạn diễn đạt ý kiến rõ ràng, hiệu quả hơn.
Cách rèn luyện các cấp độ lắng nghe
Người ta thường nói, bạn chỉ mất 2 năm đầu đời để học nói, nhưng mất cả một đời để học cách lắng nghe. Vì vậy, để trở thành người lắng nghe chất lượng, bạn cần dành thời gian trau dồi, học hỏi không ngừng.
Tương tác bằng ánh mắt: Khi lắng nghe, bạn hãy dùng ánh mắt để kết nối với đối phương. Ánh mắt cho thấy sự quan tâm, tạo sự gắn kết giữa bạn và người khác. Tránh nhìn xa xăm hoặc xao lãng khi người khác đang nói vì điều này có thể gây hiểu lầm và làm mất tập trung.
Sử dụng ngôn ngữ cơ thể tích cực: Sử dụng cử chỉ cơ thể như gật đầu hay mỉm cười là cách giúp bạn thể hiện sự lắng nghe và quan tâm. Những ngôn ngữ cơ thể trìu mến sẽ tạo ra môi trường giao tiếp thân thiện, cởi mở và thoải mái.
Hình dung câu chuyện của người nói: Khi người khác đang nói, bạn hãy cố hình dung câu chuyện hoặc tình huống mà họ miêu tả. Đây là cách giúp bạn hiểu sâu hơn về cảm xúc và trải nghiệm của họ.
Không phán xét hoặc phản hồi ngay lập tức: Tốt nhất, bạn không nên đánh giá hoặc phản hồi ngay khi người khác đang nói. Bạn hãy để họ kết thúc ý kiến trước khi đưa ra quan điểm của mình. Đây là cách giúp bạn tạo ra một cuộc giao tiếp thoải mái để người khác tự do chia sẻ.
Đặt ra câu hỏi để làm rõ vấn đề: Nếu cảm thấy câu chuyện chưa rõ ràng hoặc cần thêm thông tin, bạn hãy đặt câu hỏi cho đối phương. Không chỉ giúp bạn hiểu rõ hơn về vấn đề, cách này còn cho thấy sự quan tâm của bạn dành cho người đối diện.
Chọn không gian yên tĩnh để trò chuyện: Khi muốn lắng nghe thấu cảm, bạn hãy chọn một không gian yên tĩnh và không bị xao nhãng để trò chuyện. Bạn có thể trò chuyện tại một quán cà phê nhỏ hoặc những nơi thân mật hơn để tạo cảm giác thoải mái.
Rèn luyện kỹ năng lắng nghe thường xuyên: Lắng nghe thấu cảm là một kỹ năng mềm cần được rèn luyện thường xuyên. Bạn có thể thực hành lắng nghe thấu cảm mỗi ngày, trong nhiều tình huống, như trò chuyện với bạn bè, người thân, đồng nghiệp hay kết nối người lạ. Đây là cách giúp bạn trở nên tự tin, thoải mái hơn khi thể hiện sự quan tâm đến người khác.
Qua bài viết trên, Việc Làm 24h hy vọng bạn đã hiểu rõ các cấp độ lắng nghe cũng như biết cách rèn luyện kỹ năng lắng nghe thấu cảm. Đừng quên theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bài viết hay và hữu ích khác bạn nhé!
Series bài viết Mở khóa bản thân đánh dấu sự hợp tác giữa Việc Làm 24h và Vietnam Coaching Institute (VCI) nhằm cung cấp kiến thức về các kỹ năng mềm để người trẻ hiểu bản thân, tăng khả năng thấu cảm với những người xung quanh, tăng sức bật và sự linh hoạt trong thế giới đầy biến động. Vietnam Coaching Institute (VCI) là trường đào tạo Coach đầu tiên ở Việt Nam được chứng nhận của cả 2 tổ chức ICF (International Coach Federation) và CCA (Certified Coaches Alliance). VCI ra đời với mục tiêu khuyến khích, truyền cảm hứng và hỗ trợ cá nhân cũng như tổ chức, doanh nghiệp khai thác và phát triển tiềm năng để đạt được hạnh phúc và thành công toàn diện trong các lĩnh vực cuộc sống.
Xem thêm: Thiết kế cuộc đời: Bạn là kiến trúc sư tự xây cuộc sống đáng mơ ước