“Miếng trầu là đầu câu chuyện”. Với người xưa, mời nhau một miếng trầu cay là đã có thể khơi mở tình cảm khiến người với người gần gũi, cởi mở với nhau hơn và dễ dàng bắt chuyện. Ngày nay, không còn tục mời trầu, giới trẻ có rất nhiều cách để bắt chuyện với người lạ. Nếu bạn là người hướng ngoại, thật tuyệt, điều này thật dễ dàng. Nếu bạn là người hướng nội, những “miếng trầu” cách bắt chuyện với người lạ mà Nghề Nghiệp Việc Làm 24h chia sẻ dưới đây sẽ giúp bạn khơi lời, gợi chuyện tự nhiên và đầy thiện cảm, nhất là trong môi trường công sở.
9+ cách bắt chuyện với người lạ khi giao tiếp trong môi trường công sở
Vừa chuyển đến công ty mới, bạn muốn bắt chuyện với đồng nghiệp nhưng không biết mở lời ra sao?
Bạn muốn hẹn mời cô bạn lớp bên đi chơi nhưng loay hoay soạn tin nhắn rồi xoá mãi vì chưa ưng ý?
Hoặc đơn giản, bạn chỉ đang muốn “tâm sự cùng người lạ” qua tin nhắn?
Bắt chuyện với người lạ là một trải nghiệm đầy thách thức, nhưng cũng rất thú vị. Đặc biệt, so với trò chuyện trực tiếp, cách bắt chuyện với người lạ qua tin nhắn cần sự tinh tế và khéo léo nhiều hơn. Một chủ đề và phong cách giao tiếp phù hợp sẽ giúp tạo nên một ấn tượng tốt và xây dựng mối quan hệ làm việc hiệu quả. Dưới đây là một số gợi ý để bạn có thể bắt đầu một cuộc trò chuyện một cách tự nhiên và thân thiện.
Cách bắt chuyện với người lạ bằng lời chào
“Lời chào cao hơn mâm cỗ”. Một lời chào đơn giản như “Chào bạn, mình là [Tên của bạn] từ phòng [Tên phòng/bộ phận].” là một cách mở lời hiệu quả.
“Đường thẳng luôn là đường ngắn nhất”. Không chỉ trong cuộc trò chuyện trực tiếp, lời chào cũng là cách đơn giản nhất, mang đến hiệu quả nhanh nhất khi bạn muốn tìm cách bắt chuyện với người lạ qua tin nhắn.
Chia sẻ thông tin bản thân
Bên cạnh lời chào, chia sẻ thông tin bản thân cũng là một cách phát tín hiệu “Tôi muốn làm quen với bạn” khá thẳng thắn. Khi bạn chủ động chia sẻ với người khác, họ cũng sẽ mở lòng hơn và sẵn sàng chia sẻ thông tin của họ.
Ví dụ:
- “Mình mới gia nhập công ty từ tuần trước và thấy môi trường làm việc ở đây rất thú vị.”
- “Mình mới chuyển đến đây và đang tìm vài quán ăn tối. Bạn có gợi ý nào không?”
- “Mình mới bắt đầu tập yoga và thấy rất thú vị. Bạn có bao giờ thử chưa?”
Tìm ra điểm chung
Nếu bạn biết một vài thông tin về người lạ này từ hồ sơ trực tuyến hoặc thông qua nguồn thông tin khác, hãy sử dụng nó để tạo ra một điểm chung. Nếu có một điểm gì đó bạn thực sự thích ở hồ sơ của họ, hãy bày tỏ. Tuy nhiên, hãy chắc chắn rằng lời khen ngợi của bạn là chân thành và không quá sáo rỗng.
Ví dụ: “Mình nghe nói bạn cũng thích đọc sách. Bạn đang đọc quyển gì?”
Bên cạnh đó, nếu tìm thấy một bài viết, hình ảnh, hoặc video liên quan đến sở thích chung hoặc có thể thu hút sự quan tâm của họ, bạn có thể gửi và hỏi ý kiến của họ. Đây là một trong những cách bắt chuyện với người lạ phổ biến nhất.
Xem thêm: Nguyên tắc vàng giúp bạn đạt 10 điểm thanh lịch khi giao tiếp với đồng nghiệp
Tham khảo công việc hiện tại
Không chỉ riêng bạn, người đối diện cũng có nhu cầu giới thiệu bản thân và làm quen với bạn. Để “mở đường” cho cả mình lẫn đồng nghiệp, bạn có thể hỏi vài câu về công việc hiện tại của họ. Vừa tạo cơ hội cho họ giới thiệu bản thân, bạn vừa có thể có cái nhìn sơ lược thực tế về công ty mới của mình.
Ví dụ, bạn có thể hỏi:
- “Bạn đang làm dự án gì thú vị ở phòng [Tên phòng/bộ phận]?”
- “Mình nghe nói bạn đang làm việc trên dự án [Tên dự án], có thể chia sẻ một chút với mình không?”
Hỏi về cuộc họp hoặc sự kiện công ty
Như đã chia sẻ ở trên, hỏi về “điểm tương đồng” là một cách bắt chuyện với người lạ nơi công sở khá dễ dàng. Đánh giá công việc từ một góc nhìn khác cũng là một cách bạn khéo léo “thêm bạn bớt thù”, chắt lọc mối quan hệ chốn công sở cũng như tìm được những người cùng chí hướng.
Một số câu hỏi bạn có thể áp dụng là: “Bạn nghĩ gì về buổi họp sáng nay?” hoặc “Bạn có dự định tham gia sự kiện [tên sự kiện] của công ty không?”
Cách bắt chuyện với người lạ bằng việc hỏi về kinh nghiệm làm việc
Một cách bắt chuyện với người lạ cũng được nhiều dân văn phòng áp dụng là hỏi về kinh nghiệm làm việc. Ai cũng thích nói về bản thân mình. Bề dày kinh nghiệm làm việc cũng là một “chiến tích” quan trọng trong môi trường công sở. Người đối diện sẽ cởi mở hơn, tất nhiên xen lẫn tự hào khi kể về những năm tháng làm việc chăm chỉ ra sao, vượt KPI thế nào hoặc đơn thuần cũng là “newbie” nhưng đến trước bạn vài tuần và đã có những thành tích kha khá. Đến đây, bạn đã bắt chuyện với người lạ thành công rồi!
Một vài câu hỏi giúp người đối diện “khoe khéo” kinh nghiệm làm việc:
- “Bạn đã làm việc ở đây bao lâu rồi?”
- “Bạn làm việc/ học tập ở đâu?”
- “Bạn đã từng làm việc ở bộ phận nào khác trước khi chuyển đến đây không?”
Xem thêm: Những nguyên tắc ngầm khi giao tiếp, kết bạn với đồng nghiệp nơi công sở
Cách bắt chuyện với người lạ từ chủ đề “ngoài lề”
Bên cạnh những câu hỏi về đề tài công sở như công việc – họp hành – đồng nghiệp, bạn có thể bắt chuyện với người lạ bằng những chủ đề “ngoài lề”. Ví dụ như thời tiết, sở thích, đam mê khác, hoặc gần gũi hơn là kế hoạch “xả stress” cho cuối tuần này.
Tuy nhiên, vì đây là những câu hỏi mang tính riêng tư nên bạn hãy tránh những chủ đề quá cá nhân hoặc nhạy cảm nhé!
Hỏi xin lời khuyên hoặc thông tin
Tâm lý con người ai cũng thích được tôn trọng và xem trọng. Thể hiện tinh thần cầu thị hoặc chờ đợi ý kiến phản hồi cũng khiến người đối diện cảm thấy họ có giá trị nhất định với bạn. Sự phòng ngự sẽ được nới lỏng. Họ sẽ dễ dàng mở lòng với bạn hơn.
Gợi ý câu mở lời:
- “Bạn có thể giới thiệu một số người mình nên làm quen trong bộ phận này không?”
- “Bạn có bí quyết gì để xử lý [một vấn đề cụ thể] không?”
Lắng nghe và thể hiện sự quan tâm
Đây không hoàn toàn là một cách bắt chuyện, cách thức này giống như “đáp lời” hơn là “ngỏ lời”. Tuy nhiên, đôi khi, chỉ cần lắng nghe và thể hiện sự quan tâm đến người khác cũng là một cách tốt để xây dựng mối quan hệ.
Xem thêm: Các cấp độ lắng nghe: Khi lắng nghe không chỉ là nhiệm vụ của đôi tai
9+ lưu ý khi chọn cách bắt chuyện với người lạ
Khi bắt chuyện với người lạ, đặc biệt trong môi trường công sở, việc duy trì sự lịch sự và tôn trọng là rất quan trọng. Dưới đây là một số điều bạn cần lưu ý:
Lịch sự và tôn trọng
Ấn tượng đầu tiên rất quan trọng. Xây dựng hình ảnh tốt “ngay từ cái nhìn đầu tiên” sẽ có lợi cho bạn trong công việc và cuộc sống về sau. Bạn nên tránh những chủ đề nhạy cảm và tôn giáo, chính trị hay bất kỳ vấn đề gây tranh cãi nào khác.
Mở lời nhẹ nhàng
Những câu hỏi về thời tiết, sự kiện công ty hay những chủ đề phổ biến khác là một cách hay để bắt đầu cuộc trò chuyện. Kết hợp ngữ điệu nhẹ nhàng, bạn sẽ có được cảm tình từ người đối diện. “Lời nói ngọt lọt đến xương” là vì thế!
Nghe nhiều hơn là nói
Áp dụng đúng chiến thuật: dành 2 tai để nghe và 1 miệng để nói. Đôi khi, việc lắng nghe có thể tạo ra ấn tượng tốt hơn là nói nhiều. Điều này cũng giúp bạn hiểu rõ hơn về đối phương.
Hỏi câu mở
Bạn nên hạn chế đặt những câu hỏi mà không chỉ có thể trả lời bằng “Có” hoặc “Không”. Độ mở của câu hỏi sẽ tỉ lệ thuận với độ mở lòng của người đối diện.
Ví dụ: Thay vì hỏi “Cuối tuần bạn có đi câu cá không?” hay “Cuối tuần bạn sẽ về thăm nhà phải không?”, bạn có thể hỏi “Bạn thường làm gì vào cuối tuần?” để người đối diện có nhiều hướng trả lời.
Chú ý đến cử chỉ và ngôn ngữ cơ thể
Không chỉ lời nói, ngôn ngữ cơ thể rất quan trọng, góp phần tạo nên sự thành công cho một cuộc trò chuyện. Ngôn ngữ cơ thể có thể cho bạn biết nếu người đó muốn nói chuyện hay không. Nếu họ hướng về phía bạn, nhìn thẳng vào mắt và trả lời câu hỏi của bạn, có lẽ họ cũng muốn tiếp tục cuộc trò chuyện. Hãy đảm bảo rằng ngôn ngữ cơ thể của bạn thể hiện sự quan tâm và mở lòng nhé!
Tránh chọn chủ đề cá nhân
Đừng hỏi về những vấn đề cá nhân như tình cảm gia đình, tình trạng hôn nhân, tiền bạc, sức khỏe, v.v., trừ khi chính bản thân người đó mở lời về chúng.
Xem thêm: 5 chủ đề không nên nói với đồng nghiệp dù thân thiết đến đâu
Chú ý đến biểu hiện của đối tác
Khi bắt chuyện với người lạ, tôn trọng và lịch sự là điều rất quan trọng. Không nên áp đặt hoặc quá mạnh mẽ. Nếu họ không trả lời hoặc không có vẻ muốn tiếp tục cuộc trò chuyện, hãy tôn trọng quyết định của họ, kết thúc cuộc trò chuyện nhẹ nhàng và chuyển sang một cuộc trò chuyện khác.
Chú ý đến văn hóa và phong tục
Nếu bạn đang ở trong một môi trường đa văn hóa, hãy chú ý đến những điều cần biết về văn hóa và phong tục của mọi người. Đồng thời, bạn cũng cần tránh nói về chính trị, tôn giáo hoặc bất kỳ chủ đề nào có thể gây tranh cãi, ít nhất là cho đến khi bạn hiểu rõ hơn về quan điểm của họ.
Luôn mỉm cười và duy trì sự tự tin
Một nụ cười thân thiện có thể làm giảm đi sự căng thẳng và tạo nên một không gian thoải mái để bắt đầu cuộc trò chuyện. Không ai muốn trò chuyện với một gương mặt đăm đăm khó chịu cả!
Tránh đánh giá hay phê phán
Đừng “trông mặt mà bắt hình dong”. Khi bắt chuyện với người lạ, hãy tránh đưa ra những nhận xét tiêu cực hoặc phê phán người khác, bạn sẽ tránh những xung đột không nên có.
Đồng thời, bạn cũng tránh mang tin đồn hoặc nói xấu đồng nghiệp. Điều này không chỉ làm mất lòng tin mà còn làm giảm uy tín của chính bạn. Đây cũng là một trong những nguyên tắc giao tiếp quan trọng được nhắc đến trong quyển sách huyền thoại Đắc Nhân Tâm: “Không chỉ trích, không lên án, không than phiền”.
3 quyển sách giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp
Khéo ăn nói sẽ có được thiên hạ
Đây là một tác phẩm của Trác Nhã – một nhà văn Trung Quốc nổi tiếng với văn phong mượt mà, mộc mạc, gần gũi.
Quyển sách có lối truyền đạt rõ ràng, song song lý thuyết là những ví dụ thực tế rất dễ hiểu. Qua 20 chương – mỗi chương nhắc đến một kỹ năng giao tiếp, người đọc sẽ có thể áp dụng vào tình huống thực tế của chính bản thân mình, trở thành người khéo ăn nói, cải thiện mức độ của các mối quan hệ.
Đắc Nhân Tâm
Không còn gì bàn cãi về độ nổi tiếng của quyển sách này!
Dù được xuất bản lần đầu vào năm 1937, đến nay, quyển sách Đắc Nhân Tâm của tác giả Dale Carnegie được đánh giá là quyển sách “gối đầu nằm” huyền thoại về nghệ thuật giao tiếp. Không rập khuôn cứng nhắc, 4 phần trong sách tương ứng với 4 bài học lớn xen lẫn những bí quyết giao tiếp, Đắc Nhân Tâm sẽ mang đến những góc nhìn mới lạ về nghệ thuật giao tiếp, nâng tầm tư duy để “nói chuyện không đơn thuần chỉ để nói chuyện”.
Sức mạnh của ngôn từ
Được dịch ra hơn 25 thứ tiếng và bán hơn 1 triệu bản trên toàn cầu, Sức mạnh của ngôn từ (tên tiếng Anh là Words That Win: What to say to get What you want) thuộc top 12 cuốn sách về kinh doanh và kỹ năng giao tiếp nổi tiếng của Don Gabor – một tác giả, diễn giả nổi tiếng người Mỹ.
Sách được chia thành 3 phần với 20 chương đề cập đến các kỹ năng đàm phán, chiến thuật trau dồi phong cách giao tiếp, sử dụng ngôn từ. Gấp quyển sách lại, hy vọng những chia sẻ đậm tính thực tế của tác giả sẽ giúp bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp, biết cách từ chối lịch sự và đạt được kết quả như mong đợi trong mỗi cuộc tranh luận.
Thay đổi lời nói, thay đổi tư duy giao tiếp có thể giúp bạn thay đổi cuộc đời. Sử dụng ngôn từ phù hợp trong giao tiếp sẽ giúp bạn nâng cao giá trị bản thân và dễ dàng “làm chủ” cuộc trò chuyện.
Bắt chuyện với người lạ là một kỹ năng mềm rất cần thiết trong cuộc sống hiện nay. Nếu chưa có kinh nghiệm, bạn có thể cải thiện kỹ năng này qua thời gian. Trong môi trường công sở, thái độ tôn trọng và lịch sự luôn được ưu tiên hàng đầu. Hãy chắc chắn rằng bạn không làm phiền người khác khi họ đang bận rộn và luôn giữ phong thái chuyên nghiệp.
Chúc bạn tiếp tục thực hành và tinh chỉnh cách tiếp cận của mình để trở thành một “chiến thần ngoại giao” nơi công sở.
Bên cạnh bắt chuyện với người lạ, có rất nhiều kỹ năng mềm đã và đang được Việc Làm 24h cập nhật mỗi ngày. Theo dõi chúng tôi để không bỏ lỡ những bí quyết hoàn thiện bản thân mỗi ngày trong cả công việc lẫn cuộc sống nhé!
Xem thêm: Nonviolent Communication là gì? Giao tiếp phi bạo lực biến mâu thuẫn thành chuyện vặt