Có thể thấy rằng những năm gần đây là sự bắt đầu của thời đại tâm linh bùng nổ, khi nhiều người có xu hướng tìm hiểu về thế giới nội tâm. Các nội dung thuộc về tâm linh trở nên phổ biến, trong có có chánh niệm. Tuy nhiên cũng vì vậy mà bị thổi phồng lên với các lợi ích đáng kinh ngạc đối với sức khỏe tâm lý và thể chất, nhưng lại quên đi mất ý nghĩa thật sự của chánh niệm là gì và có tác động như thế nào đến con người. Do đó hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá chủ đề này qua bài viết dưới đây.
Ý nghĩa của chánh niệm là gì?
Chánh niệm hay sampajañña trong tiếng Pali – một trong những ngôn ngữ chính của Phật giáo – có nghĩa là sự hiểu biết rõ ràng. Theo thiền sư Thích Nhất Hạnh: “Chánh niệm cho chúng ta thấy những gì đang xảy ra trong cơ thể, cảm xúc, tâm trí chúng ta và thế giới. Nhờ chánh niệm, chúng ta có thể tránh làm hại bản thân và người khác.”
Khi được sử dụng như một danh từ, chánh niệm được hiểu là một trạng thái của tâm trí: bình tĩnh, biết ơn và từ bi. Nếu là động từ, chánh niệm ám chỉ việc bước vào trạng thái này, thực hành về sự có mặt ở hiện tại, nhận thức từng khoảnh khắc của cảm xúc, suy nghĩ.
Với nhiều lợi ích mang lại, ngày nay chánh niệm đã được ứng dụng để điều trị các tình trạng về tâm lý và sinh lý phổ biến trên thế giới.
Dưới góc độ tâm lý, chánh niệm là gì?
Sau nhiều nghiên cứu, nhà tâm lý học lâm sàng Shauna Shapiro đã mô tả 3 yếu tố tâm lý quan trọng của chánh niệm đó là:
– Ý định: nghe theo những gì từ trái tim như là la bàn, định hướng và phản ánh hy vọng cũng như giá trị sâu sắc của bản thân.
– Chú tâm: thực hành và đưa tâm trí hiện hữu ở hiện tại.
– Thái độ: chú tâm với mong muốn tìm hiểu, chấp nhận và lòng từ bi.
Tâm lý học cho thấy rằng chánh niệm có thể giúp con người thoát khỏi vòng luẩn quẩn của suy nghĩ tiêu cực, những cuộc độc thoại luôn huyên thuyên trong tâm trí cũng như những phản ứng và cảm xúc độc hại.
Tâm trí của con người không ngừng suy nghĩ
Hầu hết con người đều sống với một “monkey mind” (tâm trí khỉ) – sự xáo động nhảy nhót liên tục của những suy nghĩ. Bạn có nhận thấy bản thân không thể ngừng suy nghĩ và im lặng trong 1 phút, thật ra là chỉ trong vài giây ngắn ngủi. Bạn có nghĩ mình đang sống và tận hưởng hiện tại ngay bây giờ không?
Trên thực tế, con người cách rất xa trạng thái này. Chúng ta luôn không có mặt ở hiện tại, tâm trí không nghỉ ngơi, ngược lại còn hoạt động rất tích cực. Chẳng hạn khi đang làm công việc này nhưng đầu óc đã nghĩ tới những việc tiếp theo, đang ăn cơm nhưng tâm trí đã bận suy nghĩ về buổi hẹn tối nay. Hay phổ biến nhất là những đánh giá, suy nghĩ, nỗi lo, sợ hãi… về quá khứ và tương lai. Dù không muốn nhưng sự không ngừng của suy nghĩ vu vơ chính là tấm màn ngăn không cho con người nhìn được bản chất của hiện tại, trở nên tiêu cực hơn và mệt mỏi, căng thẳng, đau khổ xuất phát từ đây.
Tâm trí có thể làm được nhiều điều hơn là chỉ suy nghĩ
Bạn có thể không thể bắt tâm trí im lặng nhưng hoàn toàn chọn điều gì sẽ xảy ra tiếp theo. Đó là chánh niệm. Chánh niệm sẽ tạo ra một khoảng dừng để nhận diện và nhìn nhận lại bản thân cũng như các vấn đề bên ngoài bằng cách thoát ra khỏi phản ứng theo bản năng và có mặt ở giây phút hiện tại.
Như vậy, tâm trí có thể làm nhiều hơn là chỉ suy nghĩ, tâm trí có khả năng nhận thức được suy nghĩ của chính nó. Khi đó bạn đã có sự hiện diện ở thực tại ngay giây phút này. Bạn sẽ nhận thức toàn diện và trải nghiệm chân thật những gì đang xảy ra ở hiện tại ngay cả đó là tích cực hay tiêu cực. Bằng cách thay đổi hoạt động trong các vùng não có liên quan đến sự chú ý và điều chỉnh cảm xúc, chánh niệm làm giảm phản ứng đối với căng thẳng, thúc đẩy các tác động tích cực đến toàn bộ cơ thể.
Chánh niệm đưa một giải pháp bằng cách biến đổi từ việc vô thức với những suy nghĩ trong tâm trí thành khả năng tự nhận thức, nhận ra rằng bản thân đang suy nghĩ và không có mặt ở hiện tại.
Xem thêm: Sống là chính mình để bảo vệ bản thân khỏi năng lượng tiêu cực ở nơi làm việc
Ứng dụng thực tế của chánh niệm là gì?
Chánh niệm ngày càng được tích hợp vào các phương pháp tâm lý và trị liệu trong các lĩnh vực như:
Chánh niệm trong công việc
Có thể nói môi trường làm việc là một trong những nguồn gây căng thẳng và lo lắng nhiều nhất cho con người. Tuy nhiên cũng chính vì vậy mà chánh niệm sẽ có tác động tích cực và hiệu quả nhất cho lĩnh vực này khi có sự rèn luyện và thực tập thường xuyên. Thái độ không phán xét, chú tâm vào hiện tại sẽ thúc đẩy cảm xúc tích cực, sự tập trung và khả năng sáng tạo – tất cả đều là những yếu tố quan trọng để cải thiện năng suất làm việc.
Xem thêm: Toxic Positivity: Khi tích cực quá hóa độc hại!
Các công ty lớn như P&G, Facebook, Google… đã triển khai các chương trình chánh niệm cho nhân viên và đạt những thành công nhất định như là giảm căng thẳng, cải thiện quá trình ra quyết định, đổi mới và tăng năng suất.
Tiêu biểu là Google mỗi hai tháng sẽ tổ chức “bữa trưa chánh niệm”, trong đó mọi người dùng bữa trong im lặng hoàn toàn, ngoại trừ tiếng chuông. Các hoạt động thực hành chánh niệm của Google giúp nhân viên tìm thấy sự bình yên trong nội tâm và giải tỏa tâm trí để kiểm soát căng thẳng và tiêu cực.
Xem thêm: Bật mí cách biến giấc ngủ trưa văn phòng thành thần dược cho cơ thể
Chánh niệm trong giáo dục
Các nghiên cứu cho thấy rằng thực hành chánh niệm có tác động tích cực đến hiệu suất ghi nhớ. Hơn nữa, khi giao tiếp chánh niệm đòi hỏi lời nói phản ánh giá trị của bản thân và mối liên hệ sâu sắc với con người thật của chính mình sẽ có tác động tích cực đến giáo dục. Chánh niệm cũng đã chứng minh được là làm giảm sự hiểu lầm định kiến và khoảng cách văn hóa để tạo ra môi trường học tập, trải nghiệm phù hợp.
Áp dụng chánh niệm trong các tổ chức giáo dục còn phát triển tư duy logic, trực giác và sáng tạo. Khi những bài tập và trò chơi chánh niệm phù hợp với lứa tuổi được giới thiệu và thực hiện sẽ giúp những học sinh yếu về kỹ năng lập kế hoạch hay kém tập trung cải thiện tốt hơn.
Liệu pháp chánh niệm
Việc ứng dụng chánh niệm vào các phương pháp trị liệu đã trở nên phổ biến hơn khi có tác dụng hiệu quả trong việc giảm trầm cảm, căng thẳng, điều chỉnh cảm xúc… Chẳng hạn như liệu pháp nhận thức dựa trên chánh niệm (MBCT) là sự kết hợp liệu pháp hành vi nhận thức (CBT) với giảm căng thẳng dựa trên chánh niệm (MBSR), không chỉ có hiệu quả trong việc giảm các triệu chứng trầm cảm mà còn có thể giúp ngăn ngừa tái phát các triệu chứng này.
Cách để thực hành chánh niệm là gì?
Thực hành chánh niệm không phải là điều gì đó quá xa xôi hay chỉ dành cho những người tu tập. Bất kỳ ai cũng có thể đưa chánh niệm vào cuộc sống bằng những cách cực kì đơn giản và thực tế, như:
– Thở chánh niệm là có ý thức với hơi thở hơn, cảm nhận sự thay đổi của vùng bụng và cánh mũi khi hít vào, thở ra.
Có nhận thức với hơi thở là một trong những cách thực hành chánh niệm
– Ăn chánh niệm là việc chú tâm hoàn toàn vào hành động này. Hãy cảm nhận thức ăn như hương vị, độ tươi ngon… chứ không phải chú ý đến tiền điện tháng này, drama trên mạng xã hội hay diễn biến trên phim…
– Khi đi bộ hãy chú ý đến cảm giác của bản thân. Bạn có đang đeo một chiếc balo khiến lưng cảm thấy nặng nề hay bị đau không? Bạn đang vội vã và tim đập nhanh hơn so với khi bình tĩnh bước đi? Cảnh vật xung quanh như thế nào? Đường phố vắng lặng hay đông đúc người qua lại?
Để thực hành chánh niệm, hãy chú tâm vào từng việc làm trong cuộc sống
– Trong lúc làm việc, tập trung cho công việc hiện tại thay vì suy diễn đến những công đoạn để hoàn thành. Chẳng hạn bạn cần thiết kế 10 hình ảnh cho bài viết, việc bạn cần làm ngay lúc này là bắt đầu thiết kế, hoàn toàn không phải là ngồi suy nghĩ than vãn rằng phải thiết kế tới 10 bức ảnh, khi nào mới hoàn thành…
– Thiền chánh niệm bằng cách ngồi hoặc nằm với tư thế thoải mái ở một nơi yên tĩnh và bắt đầu chú tâm vào hơi thở ra và hít vào.
– Chánh niệm có thể được tìm thấy trong mọi hành động bạn thực hiện, miễn là bạn nhận thức về cơ thể, cảm xúc và môi trường xung quanh.
Tạm kết
Khi thực hành chánh niệm, bạn cần lưu ý rằng dục tốc bất đạt. Khi càng mong cầu và tập trung vào hiệu quả, bạn sẽ càng rời xa chánh niệm, vì khi đó bạn đang cung cấp cho tâm trí những tài nguyên để tiếp tục suy nghĩ. Hãy thư thả, quan sát và chấp nhận những gì được đưa đến. Với một tâm trí đã quen với lối suy nghĩ, thậm chí đó còn là chức năng của tâm trí, bạn không thể yêu cầu sự thay đổi đến thật nhanh để sống trong chánh niệm tỉnh giác. Đừng để những hào quang của lợi ích làm mờ đi bản chất của chánh niệm là nhận thức được những gì đang xảy ra.
Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về chánh niệm là gì và thực hành hiệu quả để có cuộc sống tốt đẹp và hạnh phúc hơn. Đừng quên theo dõi Việc Làm 24h để cập nhật những chủ đề và công việc hấp dẫn khác nhé!
Xem thêm: 5 phương pháp giúp thương hiệu chinh phục vị trí Top Of Mind trong lòng khách hàng