Sau khi hoàn thành chương trình học tại các cơ sở đào tạo hay trường về ngành y, các học viên cần xác định rõ ràng hướng đi cho sự nghiệp. Đối với những người theo ngành điều dưỡng, họ có thể lựa chọn ứng tuyển vào các bệnh viện, cơ sở y tế hoặc hành nghề tự do. Trong trường hợp này, chứng chỉ hành nghề điều dưỡng là yêu cầu bắt buộc. Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng là gì, các quy định và điều kiện để cấp chứng chỉ này ra sao? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ngay trong bài viết bên dưới nhé!
1. Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng là gì?
Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng là giấy phép xác nhận người sở hữu có đủ điều kiện thực hiện công việc điều dưỡng. Đồng thời, đây cũng là phương tiện để nhà nước quản lý và giám sát việc tuân thủ đạo đức nghề nghiệp của người hành nghề.
Chứng chỉ này được cấp cho những cá nhân đã hoàn thành chương trình đào tạo tại các cơ sở giáo dục quốc gia (trung cấp, cao đẳng, đại học, sau đại học) và những người đã hành nghề lâu năm mà không vi phạm pháp luật.
Nội dung của chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh được quy định rõ tại khoản 3, Điều 25, Luật Khám bệnh, Chữa bệnh năm 2009. Theo đó, chứng chỉ hành nghề sẽ bao gồm các thông tin: họ và tên, ngày tháng năm sinh, địa chỉ cư trú, bằng cấp chuyên môn, hình thức hành nghề và phạm vi hoạt động chuyên môn.
2. Vai trò của chứng chỉ hành nghề điều dưỡng
Đảm bảo chất lượng chuyên môn: Chứng chỉ này xác nhận rằng người điều dưỡng đã hoàn thành các yêu cầu đào tạo của khóa học chứng chỉ hành nghề điều dưỡng và thực hành cần thiết, đảm bảo họ có đủ kiến thức và kỹ năng.
Tăng cường sự tin tưởng của bệnh nhân: Bệnh nhân và gia đình họ có thể yên tâm hơn khi biết rằng người điều dưỡng đã được cấp chứng chỉ, nghĩa là họ đã trải qua quá trình đào tạo và thẩm định nghiêm ngặt.
Bảo vệ quyền lợi người điều dưỡng: Chứng chỉ hành nghề giúp người điều dưỡng được công nhận chính thức trong lĩnh vực y tế, đồng thời bảo vệ quyền lợi nghề nghiệp, giúp hành nghề hợp pháp và được hỗ trợ về mặt pháp lý.
Quản lý và giám sát: Chứng chỉ hành nghề là công cụ để các cơ quan quản lý y tế giám sát và quản lý hoạt động điều dưỡng viên. Nó giúp đảm bảo rằng các tiêu chuẩn đạo đức và chuyên môn được tuân thủ, góp phần ngăn chặn các hành vi vi phạm.
Cập nhật kiến thức và kỹ năng: Để duy trì chứng chỉ, người điều dưỡng thường phải tham gia các khóa đào tạo liên tục, khuyến khích cập nhật các kiến thức mới và nâng cao kỹ năng.
Điều kiện bắt buộc để hành nghề: Ở nhiều quốc gia, chứng chỉ là điều kiện bắt buộc để người điều dưỡng làm việc trong các cơ sở y tế.
Cơ hội nghề nghiệp: Chứng chỉ mở ra nhiều cơ hội nghề nghiệp cho người điều dưỡng, cho phép họ làm việc trong các bệnh viện, phòng khám, cơ sở y tế, hoặc hành nghề tự do.
3. Điều kiện để cấp chứng chỉ hành nghề điều dưỡng là gì?
Để có thể làm chứng chỉ, điều dưỡng viên cần đáp ứng đủ các điều kiện được quy định tại Luật số 40/2009/QH12.
Với người Việt Nam (quy định tại Điều 18)
Phải có một trong các văn bằng hoặc giấy chứng nhận sau:
- Văn bằng chuyên môn liên quan đến Y tế được cấp và công nhận tại Việt Nam.
- Giấy chứng nhận là lương y.
- Giấy chứng nhận là cá nhân có bài thuốc hoặc phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Có văn bản xác nhận quá trình thực hành, trừ trường hợp là lương y hoặc người có bài thuốc hay phương pháp chữa bệnh gia truyền.
- Đáp ứng được các yêu cầu về sức khỏe và có giấy chứng nhận.
Không thuộc các trường hợp sau:
- Đang trong thời gian bị cấm hành nghề.
- Bị cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn Y Dược theo bản án hoặc quyết định từ Tòa án.
- Đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự.
- Đang chấp hành bản án hình sự hoặc quyết định hình sự của tòa án, hoặc đang trong thời gian bị xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục hoặc chữa bệnh.
- Đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh.
- Gặp tình trạng mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Với người Việt Nam định cư ở nước ngoài hoặc người nước ngoài hành nghề tại Việt Nam (quy định tại Điều 19)
- Đáp ứng đầy đủ các quy định tại Điều 18.
- Đáp ứng yêu cầu về sử dụng ngôn ngữ quy định tại Điều 23.
- Có lý lịch tư pháp được cơ quan có thẩm quyền xác nhận.
- Có giấy phép lao động do cơ quan có thẩm quyền cấp.
Với người bị thu hồi chứng chỉ hành nghề (quy định tại Điều 20)
- Đáp ứng các điều kiện và thuộc một trong hai đối tượng quy định tại Điều 18 và 19.
- Có giấy chứng nhận đã cập nhật kiến thức Y khoa liên tục.
Ngoài ra, để làm được chứng chỉ, cũng cần hoàn thành 9 tháng thực hành tại cơ sở khám bệnh, chữa bệnh. Quá trình thực hành phải có văn bản xác nhận bao gồm thời gian, năng lực chuyên môn và đạo đức nghề nghiệp do người đứng đầu phê duyệt.
4. Hồ sơ cấp chứng chỉ gồm những gì?
Loại giấy tờ | Bản chính | Bản sao |
Đơn đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề Điều dưỡng | 1 | 0 |
Bản sao hợp lệ văn bằng, chứng chỉ, giấy chứng nhận chuyên môn phù hợp với phạm vi hoạt động chuyên môn đề nghị thay đổi | 0 | 1 |
Bản gốc chứng chỉ hành nghề khám bệnh, chữa bệnh đã được cấp | 1 | 0 |
Giấy xác nhận quá trình thực hành | 1 | 0 |
Hai ảnh màu 04cm x 06cm | 2 | 0 |
Bản sao có chứng thực văn bằng chuyên môn; Giấy xác nhận quá trình thực hành; Bản sao có chứng thực giấy chứng nhận biết tiếng Việt thành thạo do tổ chức nước ngoài cấp phải được hợp pháp hóa lãnh sự và dịch ra tiếng Việt, bản dịch phải được chứng thực theo quy định của pháp luật Việt Nam. | 0 | 1 |
5. Thủ tục cấp chứng chỉ lần đầu?
Bước 1: Người đề nghị cấp chứng chỉ hành nghề nộp hồ sơ về Bộ Y tế.
Bước 2: Bộ Y tế tiếp nhận hồ sơ và gửi Phiếu tiếp nhận hồ sơ cho người đề nghị.
Bước 3: Trong vòng 20 ngày kể từ ngày ghi trên Phiếu tiếp nhận hồ sơ, Bộ Y tế sẽ xem xét, thẩm định và lập biên bản thẩm định hồ sơ.
- Nếu hồ sơ hợp lệ: Trong vòng 10 ngày kể từ ngày có Biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận sẽ cấp chứng chỉ hành nghề.
- Nếu hồ sơ chưa hợp lệ: Trong vòng 5 ngày kể từ ngày có Biên bản thẩm định, cơ quan tiếp nhận sẽ gửi văn bản thông báo cho người đề nghị, nêu rõ các tài liệu cần bổ sung và nội dung cần sửa đổi.
- Nếu hồ sơ không đủ điều kiện: Bộ Y tế sẽ trả lời bằng văn bản và nêu rõ lý do.
Bước 4: Chứng chỉ sẽ được gửi đến địa chỉ của người nhận. Từ lúc này, bạn chính thức trở thành Điều dưỡng viên hợp pháp.
6. Những câu hỏi thường gặp về chứng chỉ hành nghề điều dưỡng
Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng có thời hạn bao lâu?
Giá trị sử dụng và thời gian hiệu lực của chứng chỉ là 5 năm kể từ ngày được cấp. Ngoài ra, để tiếp tục hành nghề, điều dưỡng viên cần làm thủ tục đề nghị gia hạn tại các cơ quan có thẩm quyền ít nhất 3 tháng trước khi chứng chỉ hết hạn.
Chứng chỉ hành nghề điều dưỡng có thể bị thu hồi không?
Giấy chứng chỉ có thể bị thu hồi. Quy định về các trường hợp bị thu hồi chứng chỉ này được chỉ định tại Khoản 1 Điều 29 của Luật Khám bệnh, chữa bệnh năm 2009, bao gồm:
- Chứng chỉ hành nghề được cấp không đúng thẩm quyền.
- Chứng chỉ hành nghề có nội dung vi phạm pháp luật.
- Người hành nghề không thực hiện công việc trong thời hạn 02 năm liên tục.
- Người hành nghề được xác định có sai sót chuyên môn gây hậu quả nghiêm trọng đến sức khỏe, tính mạng của bệnh nhân.
- Người hành nghề không cập nhật kiến thức y khoa liên tục trong vòng 02 năm.
- Người hành nghề không đủ sức khỏe thực hiện công việc.
Những trường hợp bị cấm hành nghề, cấm làm công việc liên quan đến chuyên môn y, dược theo quyết định của Tòa án; đang bị truy cứu trách nhiệm hình sự; đang trong thời gian chấp hành án hình sự, quyết định của tòa án hoặc quyết định áp dụng biện pháp xử lý hành chính đưa vào cơ sở giáo dục, cơ sở chữa bệnh; đang trong thời gian bị kỷ luật từ hình thức cảnh cáo trở lên liên quan đến chuyên môn khám bệnh, chữa bệnh; mất hoặc hạn chế năng lực hành vi dân sự.
Lệ phí xin cấp chứng chỉ điều dưỡng như thế nào?
Lệ phí xin cấp chứng chỉ được quy định cụ thể như sau:
- Hình thức nộp trực tiếp: 430.000 đồng
- Dịch vụ bưu chính: 430.000 đồng
Có chứng chỉ hành nghề điều dưỡng thì có thể làm ở đâu?
Khi sở hữu chứng chỉ hành nghề, bạn có thể làm điều dưỡng viên tại các Bệnh viện công lập; Bệnh viện và phòng khám tư nhân; Trung tâm chăm sóc sứ
Học chứng chỉ hành nghề ở đâu?
Học viên có thể lựa chọn các trường phù hợp với nhu cầu, trình độ và điều kiện cá nhân để theo học.
- Đại học Y dược Hà Nội
- Đại học Y dược – Đại học Huế
- Đại học Y dược Thành phố Hồ Chí Minh
- Đại học Y Phạm Ngọc Thạch
- Đại học Nguyễn Tất Thành
- Đại học Công nghệ TPHCM
- Đại học Văn Lang
- Đại học Y dược – Đại học Thái Nguyên
- Đại học Y dược Cần Thơ
- Đại học Phan Châu Trinh
- Đại học Thăng Long
- Đại học Quốc tế Hồng Bàng
- Đại học Trà Vinh
- Đại học Yersin – Đà Lạt
- Đại học Điều dưỡng Nam Định
- Đại học Kỹ thuật Y Dược Đà Nẵng
- Đại học Thành Tây
- Đại học Y khoa Vinh
- Đại học Y Dược Thái Bình
- Đại học Y tế Công cộng
- Đại học Kỹ thuật Y tế Hải Dương
- Cao đẳng Y dược Sài Gòn
- Cao đẳng Y khoa Phạm Ngọc Thạch
- Cao đẳng điều dưỡng Nha Trang
Tạm kết
Trên đây là những thông tin cơ bản về chứng chỉ hành nghề điều dưỡng. Chứng chỉ này không chỉ là cơ sở pháp lý để hành nghề mà còn đánh dấu sự nâng cao trình độ chuyên môn và thực tiễn cho các điều dưỡng viên.
Hy vọng rằng với những chia sẻ về chứng chỉ hành nghề điều dưỡng của Vieclam24h.vn ở bài viết trên có thể giúp bạn hiểu hơn về loại chứng chỉ này. Đừng quên đón đọc các bài viết hữu ích khác tại Vieclam24h.vn nhé!
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV thực tập hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.