Digital Detox: Xu hướng thải độc kỹ thuật số để sống trọn vẹn cho hiện tại

Bạn có thường dán mắt vào màn hình điện thoại thông minh và lướt không ngừng nghỉ dù ở bất kỳ không gian nào? Nếu vậy thì bạn không hề cô đơn. Theo số liệu thu thập được từ webmd.com, có khoảng 61% người thừa nhận họ nghiện Internet và các thiết bị kỹ thuật số. Đa số chúng ta đã quen với trạng thái này, luôn với lấy điện thoại khi vừa thức dậy và kiểm tra lần cuối trước khi ngủ. Chúng ta đều dễ dàng bỏ qua các tác động tiêu cực của công nghệ đến cuộc sống của chính mình. Đó là lý do tại sao “digital detox” đã xuất hiện như một hồi chuông cảnh báo. Vậy digital detox là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết dưới đây.

Digital detox là gì?

Thuật ngữ “detox” (detoxification) được định nghĩa là quá trình loại các chất độc hại như detox cơ thể, detox giảm cân. Digital detox là hành động không sử dụng các thiết bị kỹ thuật số như smartphone, tivi, laptop, máy tính bảng và các trang mạng xã hội. Digital detox là cách để tập trung hơn vào cuộc sống thực tại và thoát khỏi những hệ lụy tiêu cực từ việc nghiện thiết bị kỹ thuật số. Trong một cuộc nghiên cứu do Common Sense Media thực hiện, 50% thanh thiếu niên cho biết họ cảm thấy nghiện thiết bị di động và tới 78% kiểm tra các thiết bị kỹ thuật số hàng giờ. 

digital detox
Digital detox là thanh lọc thiết bị kỹ thuật số.

Mặt tối của thế giới kỹ thuật số 

Kỹ thuật số và công nghệ là một “cuộc cách mạng” mang đến những lợi ích không thể phủ nhận. Chưa bao giờ con người có thể giao tiếp nhanh chóng từ khắp mọi nơi và khả năng tiếp cận thông tin vô hạn. Thời đại kỹ thuật số đã thay đổi cách thức làm việc, tăng năng suất và khiến cuộc sống trở nên dễ dàng hơn. Nhưng tất cả đều tồn tại 2 mặt tích cực và tiêu cực. Những nghiên cứu dưới đây đã chỉ ra mặt tối của kỹ thuật số:

Nguyên nhân gây ra căng thẳng

Mặc dù đa số đều cảm thấy không thể tưởng tượng được cuộc sống sẽ như thế nào nếu không có thiết bị công nghệ, nhưng các nghiên cứu và khảo sát đã phát hiện rằng việc sử dụng công nghệ là một trong những “thủ phạm” gây ra căng thẳng và áp lực.

Trong cuộc khảo sát thường niên về căng thẳng ở Mỹ của Hiệp hội Tâm lý Hoa Kỳ, khoảng 18% người trưởng thành cho rằng việc sử dụng công nghệ là nguyên nhân gây căng thẳng đáng kể. Đối với nhiều người, chính những kết nối kỹ thuật số luôn hiện hữu và thói quen thường xuyên kiểm tra email, tin nhắn, mạng xã hội đã tác động tiêu cực đến sức khỏe tinh thần. 

Một nghiên cứu khác được thực hiện ở Thụy Điển cũng cho thấy việc sử dụng công nghệ nhiều ở thanh niên làm xuất hiện các triệu chứng trầm cảm và làm gia tăng mức độ căng thẳng.

Ảnh hưởng đến giấc ngủ

Nhiều bằng chứng đã được đưa ra để cảnh báo rằng việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số trước khi đi ngủ có thể ảnh hưởng đến chất lượng giấc ngủ. Một nghiên cứu cho thấy 70% người tham gia sử dụng mạng xã hội khi ở trên giường với 15% dành hơn một giờ lướt điện thoại đã làm tăng mức độ lo lắng, và gây mất ngủ.

Tác động đến sức khỏe tinh thần

Một nghiên cứu được công bố trên tạp chí Child Development cho thấy việc sử dụng công nghệ hàng ngày làm tăng nguy cơ mắc các vấn đề về sức khỏe tinh thần ở thanh thiếu niên. Việc dành quá nhiều thời gian khi sử dụng các thiết bị điện tử có thể gia tăng các triệu chứng ADHD, rối loạn hành vi hay khả năng tự điều chỉnh kém hơn.

Xem thêm: 9 bí quyết thanh lọc tâm trí, detox tâm hồn đón nhận nguồn năng lượng tích cực

Khó cân bằng giữa công việc và cuộc sống

Việc luôn ở trạng thái kết nối với các thiết bị kỹ thuật số sẽ khiến bạn khó tạo ranh giới giữa cuộc sống cá nhân và công việc. Ngay cả khi đang ở nhà hay nghỉ phép, bạn cũng khó có thể cưỡng lại việc kiểm tra email, trả lời tin nhắn hay kiểm tra tài khoản mạng xã hội. Nghiên cứu được công bố ở tạp chí Applied Research in Quality of Life cho thấy việc sử dụng Internet, công nghệ nói chung có ảnh hưởng đến sự hài lòng trong công việc và tình trạng kiệt sức.

Khó hài lòng với hiện tại 

Khi dành nhiều thời gian trên mạng xã hội, bạn sẽ dễ rơi vào tâm lý so sánh cuộc sống của chính mình với bạn bè, gia đình hay thậm chí là những người xa lạ và người nổi tiếng. Có thể bạn cảm thấy họ có cuộc sống đầy đủ hơn, phong phú và thú vị hơn dựa trên những gì họ đăng trên Facebook hay Instagram. 

Nhưng bạn có biết rằng sự so sánh là kẻ trộm niềm vui. Nếu rời xa cuộc sống ảo của người khác và tập trung vào những gì quan trọng đối với bạn, chắc chắn bạn sẽ có sự hài lòng trọn vẹn vào chính mình.

Nỗi sợ bị bỏ lỡ – FOMO

FOMO là nỗi sợ rằng bạn bỏ lỡ những trải nghiệm hay kiến thức mà người khác đang trải qua. Sử dụng thiết bị kỹ thuật số liên tục chính là đang nuôi dưỡng nỗi sợ hãi này. FOMO khiến bạn liên tục kiểm tra thiết bị vì sợ rằng sẽ bỏ lỡ tin nhắn, bài đăng quan trọng hay tham gia quá nhiều vào các sự kiện xã hội, cập nhật tin tức, xu hướng thường xuyên vì sợ bị bỏ lại phía sau. 

digital detox
Những lợi ích của digital detox.

Digital detox có phù hợp với bạn không?

Dưới đây là một số dấu hiệu giúp bạn xác định mình có cần “cai nghiện” kỹ thuật số hay không:

– Bạn kiểm tra điện thoại liên tục, không thể tập trung làm việc khác.

– Bạn cảm thấy mình đang bỏ lỡ điều gì đó nếu không thường xuyên kiểm tra các thông báo và bài đăng trên mạng xã hội.

– Sau khi dành thời gian trên mạng xã hội, bạn cảm thấy buồn, tức giận hoặc lo lắng và bắt đầu so sánh bản thân với người khác.

– Bạn đang bận tâm đến số lượt thích, bình luận hoặc chia sẻ lại trên các bài đăng trên mạng xã hội của mình.

– Muốn tương tác với các cá nhân qua mạng hơn là gặp trực tiếp.

– Không thể rời xa điện thoại, nếu không có chúng bạn sẽ rất lo lắng và căng thẳng.

– Thường xuyên thức khuya hoặc dậy sớm để sử dụng thiết bị kỹ thuật số.

Xem thêm: Nomophobia: Đứng ngồi không yên khi thiếu vắng điện thoại

Làm thế nào để bắt đầu quá trình digital detox?

Một số người cho rằng digital detox là ngừng sử dụng tất cả các thiết bị cũng như ngắt kết nối với mạng xã hội. Tuy nhiên, quan điểm này khá cực đoan. Việc tách khỏi các thiết bị kỹ thuật số sẽ mang lại nhiều lợi ích cho sức khỏe tinh thần nhưng digital detox không nhất thiết phải rời bỏ hoàn toàn mà cần đảm bảo sự cân bằng cũng như phù hợp với nhu cầu của mỗi cá nhân bằng những cách sau:

1. Hãy thực tế

Đầu tiên và quan trọng nhất đó là xác định tình trạng cũng như nhu cầu của bản thân trong việc sử dụng các thiết bị kỹ thuật số. Tuyệt đối không nên vội vàng lao đầu vào ngắt kết nối hoàn toàn, quyết định không khôn ngoan này sẽ chỉ gây ra hiệu quả ngược. Đối với một số người, từ bỏ hoàn toàn tất cả các hình thức giao tiếp kỹ thuật số sẽ mang đến cảm giác tự do và nhẹ nhõm. Nhưng với nhiều người khác, việc này là hoàn toàn không thể, đặc biệt là khi bạn cần thiết bị số để làm việc, học tập hay liên lạc. 

Do đó, hãy thực tế để tìm cách “cai nghiện” phù hợp. Bắt đầu từ việc không dùng thiết bị kỹ thuật số vào một số thời điểm phù hợp trong ngày.

Xem thêm: Nghiện mạng xã hội: Phụ thuộc cảm xúc vào thế giới ảo, quên mất đời thực

digital detox
Quá trình digital detox thường thiên về việc thiết lập các ranh giới khi sử dụng các thiết bị kỹ thuật số.

2. Đặt giới hạn để digital detox

Việc đặt ra các giới hạn về loại hình và thời gian kết nối sẽ giúp bạn có thể tận hưởng các hoạt động trong đời sống thật. Chẳng hạn như bạn muốn sử dụng điện thoại để nghe nhạc trên Spotify trong khi tập thể dục, hãy đặt chế độ trên máy bay để không bị phân tâm bởi các cuộc gọi, tin nhắn hoặc thông báo khác trong quá trình tập luyện. Một số thời điểm khác mà bạn có thể hạn chế sử dụng thiết bị kỹ thuật số như:

– Khi đang dùng bữa, đặc biệt là với người khác.

– Khi thức dậy hoặc đi ngủ.

– Khi đang ở bên cạnh bạn bè, gia đình.

– Khi đang thực hiện những hoạt động yêu thích như đọc sách, vẽ tranh, đàn…

3. Tắt thông báo các ứng dụng không cần thiết

Một cách khác để bắt đầu digital detox là tắt thông báo trên điện thoại. Nhiều ứng dụng mạng xã hội như Facebook, Instagram, TikTok và các trang web tin tức gửi thông báo liên tục, hàng giây hàng phút. Thay vì kiểm tra thường xuyên, bạn hãy đặt ra một khung thời gian cụ thể để truy cập.

4. Áp dụng một số mẹo hỗ trợ digital detox hiệu quả hơn

Trong quá trình thực hiện digital detox, bạn có thể áp dụng những ý tưởng sau:

– Detox gián đoạn: ý tưởng này xuất phát từ phương pháp nhịn ăn gián đoạn 16/8. Bạn có thể bắt đầu không sử dụng thiết bị kỹ thuật số vào cuối ngày cho đến sáng hôm sau, như vậy sẽ dễ dàng “cai nghiện” hơn và dần tăng mức độ.

– “Kiêng” sử dụng vào thời điểm cụ thể: chọn một ngày trong tuần không sử dụng bất kỳ thiết bị nào.

digital detox
Có thể thay thế việc sử dụng thiết bị kỹ thuật số bằng các hoạt động khác như đọc sách, vẽ tranh…

– Detox mạng xã hội: hạn chế hoặc thậm chí không sử dụng mạng xã hội hay một số ứng dụng vô bổ khác.

– Nhờ sự trợ giúp của bạn bè, gia đình: hãy cho mọi người biết rằng bạn đang tạm dừng sử dụng các thiết bị kỹ thuật số để họ không mong đợi bạn phản hồi ngay lập tức.

Ban đầu, việc không sử dụng các thiết bị kỹ thuật số sẽ gây ra khó chịu, buồn chán, thậm chí là khó khăn. Tuy nhiên, chắc chắn đây sẽ là trải nghiệm đáng nhớ để giúp bạn hiểu rõ hơn về sự phụ thuộc của bản thân vào công nghệ, sống chú tâm vào đời thực hơn để có những giây phút thật trọn vẹn. Vieclam24.vn hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ hơn về digital detox để có những ý tưởng mới cho hành trình thanh lọc kỹ thuật số.

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Xem thêm: Dopamine Detox là gì? Bật mí 6 cách giúp tăng Dopamine tích cực

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục