Dù là nhà quản lý nhân sự hay nhà lãnh đạo thì vẫn là những người lao động thuộc về một tổ chức. Vì vậy sẽ thấu hiểu được tình trạng thỉnh thoảng bị phân tâm, không tập trung vào công việc của nhân viên là điều hiển nhiên. Nhưng lại có một số nhân viên sử dụng thời gian ở nơi làm việc dành cho các hoạt động không liên quan khác, xao nhãng trong các nhiệm vụ mà vẫn làm ra vẻ thản nhiên như không. Dù có tỉ mỉ đến đâu trong quá trình tuyển dụng, đào tạo thì khả năng cao bạn vẫn gặp phải nhóm nhân viên như vậy. Họ được gọi là “Goldbricker”, những người “ngồi mát ăn bát vàng” ở nơi công sở. Vậy các nhà tuyển dụng nên làm thế nào để ứng phó với Goldbricker? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết sau.
Hiểu về Goldbricker
Vào những năm 1800, từ “Goldbrick” xuất hiện từ một trò lừa khi giao dịch mua vàng, người bán sẽ cắt một góc để chứng minh rằng đó là vàng thật. Nhưng sau khi giao dịch hoàn thành, người mua mới nhận ra toàn bộ là gạch vô giá trị, còn vàng chỉ là một phần nhỏ mà người bán đưa lúc trước.
Ngoài ra, từ này còn được dùng trong Quân đội Hoa Kỳ ở chiến tranh thế giới hai để chỉ những người lính không chịu làm việc chăm chỉ hoặc giả vờ bị ốm để tránh nhiệm vụ.
Ngày nay, Goldbrick được dùng phổ biến trong đời sống công sở mô tả hành vi tỏ vẻ bận rộn nhưng xao nhãng trong công việc và chỉ thực hiện các hoạt động vô thưởng vô phạt khác. Những nhân viên như vậy được gọi là Goldbricker. Bên ngoài họ là lớp mặt nạ vàng (gold) với thái độ bận rộn, suy nghĩ, chuyển tab liên tục nhưng thực chất lại là viên gạch (brick) không làm được mấy việc.
Goldbricker “đánh cắp” thời gian ở nơi làm việc để làm gì?
Năm 2012, Salary.com đã khảo sát hơn 3.200 nhân viên và ⅔ trong số đó thừa nhận rằng họ đã lãng phí thời gian ở nơi làm việc theo những mức độ khác nhau. Hầu hết, họ dùng thời gian này để lướt mạng xã hội với 40% cho biết họ truy cập vào Facebook mỗi ngày. Ngoài ra còn có các mạng xã hội khác như Twitter, Pinterest, LinkedIn, Google+…
Ngoài ra, một số Goldbricker ra vẻ bận rộn kiểm tra email, gọi điện, nhắn tin trao đổi với đồng nghiệp, đối tác. Nhưng thực tế, những tin nhắn này không liên quan đến công việc. Họ thậm chí còn dành hàng giờ để mua sắm trực tuyến, chơi trò chơi, tám chuyện….
Do đó họ sẽ để lộ ra một số dấu hiệu như năng suất thấp, chất lượng công việc kém, nhanh chóng ẩn màn hình khi quản lý đi ngang qua, lịch sử trình duyệt bất ổn…
Nguyên nhân gây ra Goldbricking là gì?
1. Nhàm chán
Nhiều chuyên gia nhân sự và nhà tâm lý học cho rằng nguyên nhân phổ biến nhất dẫn đến hành vi Goldbrick là do nhân viên thiếu hứng thú trong công việc. Khi không còn yêu thích, đam mê công việc đang làm, họ có xu hướng tìm cách trốn tránh các nhiệm vụ hàng ngày. Theo Gallup, những nhân viên nhàm chán này khiến các doanh nghiệp Mỹ tổn thất năng suất từ 450 đến 550 tỷ USD mỗi năm. Ngoài ra, họ cũng có khả năng nghỉ việc cao gấp 2 lần, dẫn đến chi phí cho quá trình tuyển dụng cao hơn.
Xem thêm: Fake Work: Giả vờ bận rộn nhưng thật ra chẳng làm gì
2. Nhân viên đã hoàn thành công việc
Đối với những nhân viên đã có thâm niên ở một công việc cố định hoặc có năng lực cao sẽ nhanh chóng hoàn thành nhiệm vụ. Khi đó, họ sẽ chuyển sang các hoạt động cá nhân để giết thời gian.
3. Văn hóa ở nơi làm việc
Goldbricking cũng có thể ăn sâu vào văn hóa làm việc của công ty. Khi một cá nhân bắt đầu nhận ra hành vi này không gây bất kỳ hậu quả nào đối với những người làm như vậy, họ có thể sẽ hành động tương tự. Trong cuốn sách “Corporate Culture and Performance” có một nghiên cứu cho thấy mức tăng doanh thu trung bình của một công ty với văn hóa hiệu suất làm việc kém là 166% trong 11 năm. Trong khi đó, mức tăng tưởng doanh thu của những công ty có văn hóa hiệu suất làm việc mạnh mẽ là 682%.
Xem thêm: 5 bí quyết vàng xây dựng văn hóa doanh nghiệp hiệu quả
4. Internet
Internet quả thực làm một cám dỗ lớn đối với nhân viên khi làm việc trên máy tính hoặc khi sử dụng smartphone. Việc lướt Internet, truy cập mạng xã hội, trang giải trí… sẽ gây ra sự mất tập trung và trì hoãn công việc. Kết quả từ một khảo sát của salary.com cho thấy 39% nhân viên lãng phí dưới 1 giờ, 29% lãng phí 1-2 giờ và 32% hơn 2 giờ trên Internet.
Nếu tính cả số lượng nhân viên công ty và trong một khoảng thời gian dài, số giờ này không phải là nhỏ và thời gian lãng phí sẽ ảnh hưởng đáng kể đến năng suất chung của công ty.
Goldbricker gây ra những tổn thất gì cho tổ chức?
Phần lớn thời gian của Goldbricker là dành cho những hoạt động cá nhân, do đó khi năng suất công việc bị ảnh hưởng sẽ làm tăng thêm chi phí của công ty. Trong một bài báo đăng trên NBC News năm 2009 có tin 700 giáo viên của một trường công lập ở New York bị cáo buộc ngồi không cả ngày nhưng vẫn nhận lương bình thường. Với mức lương 70.000 USD trở lên, Sở Giáo dục New York ước tính tiêu tốn 65 triệu USD mỗi năm cho các giáo viên này.
Một bài báo từ Forbes.com cho thấy trung bình một nhân viên chểnh mảng trong công việc có thể khiến công ty mất đi 34% lương hàng năm của nhân viên. Ví dụ mức lương năm là 180 triệu đồng thì công ty sẽ mất hơn 61 triệu đồng. Công ty bạn có bao nhiêu nhân viên? Liệu doanh thu của công ty có cao đến mức sẵn sàng mất số tiền đó không?
Quản lý nên làm thế nào để đối phó với Goldbricker?
1. Đặt tiêu chuẩn và kỳ vọng trong công việc
Từ quá trình phỏng vấn cho đến đào tạo nhân viên mới, các tiêu chuẩn, kỳ vọng về công việc trong công ty cần phải được truyền đạt và nhấn mạnh rõ ràng. Trong nhiều ngành, việc đặt ra KPI về sản xuất hoặc doanh thu cho người lao động sẽ có hiệu quả trong việc thúc đẩy họ làm việc với hiệu suất cao nhất. Ở những lĩnh vực khác, nhân viên cần đi làm đúng giờ, hợp tác tốt với đồng nghiệp và đóng góp tích cực cho phòng ban…
Trong trường hợp nhân viên không đáp ứng bất kỳ yêu cầu nào của doanh nghiệp, quản lý cần thực hiện những biện pháp điều chỉnh hành vi của họ. Nếu không thì văn hóa công ty có thể trở nên độc hại khi nhân viên lạm dụng sự khoan dung của tổ chức.
Xem thêm: Làm sao để xây văn hóa cạnh tranh lành mạnh thúc đẩy tinh thần nhân viên?
2. Tăng cường những nhiệm vụ thử thách hơn
Sự nhiệt tình và năng lượng của nhân viên mới hoặc nhân viên tích cực thường sẽ nâng cao tinh thần cho các đồng nghiệp. Tuy nhiên thật không may, mức năng lượng này sẽ suy giảm nhanh chóng khi họ liên tục gặp những nhiệm vụ giống nhau trong thời gian dài. Điều này sẽ gây ra sự nhàm chán và là một trong những nguyên nhân hàng đầu biến họ trở thành Goldbricker.
Do đó nhà quản lý nên nhận ra và bắt đầu giao phó những công việc thử thách hơn. Khi đó, họ sẽ lại tiếp tục trở nên tràn đầy năng lượng và hào hứng để hoàn thành nhiệm vụ.
3. Thực hiện các chính sách truy cập Internet
Quản lý cần tạo ra chính sách sử dụng internet nhất quán và rõ ràng. Việc truy cập Internet không phải hoàn toàn xấu. Những khoảng thời gian nghỉ ngơi ngắn ngủi mà nhân viên dành để lướt web có thể giúp họ lấy lại sự tập trung. Do đó, các chính sách này không nên quá gắt gao vì thư giãn cũng là hành động cần thiết.
4. Có thời khóa biểu, lịch trình hợp lý
Ngoài ra, các tổ chức cũng nên xem xét lại và tối ưu hóa thời gian cho nhân viên. Không nên lãng phí thời gian của họ bằng những cuộc họp liên tục hay báo cáo không cần thiết. Khi nhân viên được tôn trọng, họ sẽ bớt có tư tưởng chống đối. Bên cạnh đó, thời đại Gig Work và làm việc từ xa lên ngôi cũng là lúc các nhà tuyển dụng cùng nhà lãnh đạo xem xét lại cách quản lý thời gian theo kiểu truyền thống là không còn phù hợp. Thay vào đó, cần có cách quản lý linh hoạt hơn dựa theo mục tiêu, kết quả của nhân viên.
Có thể nói rằng Goldbricker luôn có mặt ở bất kỳ môi trường công sở nào. Việc đối phó với nhóm nhân viên này sẽ là thử thách nhưng cũng là cơ hội để doanh nghiệp xem xét lại quy trình và cách đánh giá người lao động của tổ chức nhằm thay đổi để phù hợp hơn. Đừng quên theo dõi các thông tin hữu ích khác từ Việc Làm 24h.
Xem thêm: Gig Work: Xu hướng làm việc của thời đại, tự do nhưng phải tự lo