Hiệu ứng chim mồi còn có tên gọi khác là hiệu ứng mồi nhử. Đây là một trong những phương pháp được sử dụng nhiều trong Marketing, cụ thể là chiến lược định giá sản phẩm, dịch vụ nhằm tác động đến hành vi và quyết định mua hàng của người dùng. Vậy hiệu ứng chim mồi ảnh hưởng như thế nào và bằng những phương thức gì? Câu trả lời có ở bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, hãy cùng khám phá ngay nhé!
Hiệu ứng chim mồi là gì?
Decoy Effect là tên tiếng Anh của hiệu ứng chim mồi dùng để chỉ một giải pháp tâm lý được ứng dụng nhiều trong Marketing. Cụ thể đó là doanh nghiệp đưa ra một mồi nhử nhằm hướng khách hàng đưa ra quyết định như mong muốn.
Ở cấp độ cơ bản, tiếp thị đề cập đến những hoạt động thu hút và thuyết phục khách hàng mua sản phẩm, dịch vụ. Tuy nhiên, khi sự hiểu biết về tâm lý con người đã đạt đến trình độ cao hơn, Marketing nhanh chóng tiếp cận và sử dụng để dự đoán, điều hướng, thay đổi thái độ, niềm tin cũng như hành vi của người tiêu dùng một cách có chủ ý. Hiệu ứng chim mồi là một trong số những kỹ thuật này.
Cách sử dụng hiệu ứng chim mồi trong Marketing
Các nhãn hàng luôn tìm cách thúc đẩy doanh số bán hàng và mang lại lợi nhuận cao hơn, do đó họ sử dụng nhiều chiến thuật khác nhau để đảm bảo khách hàng sẽ mua sản phẩm, dịch vụ. Hiệu ứng chim mồi được ứng dụng trong Marketing không chỉ giúp các nhãn hàng đảm bảo người tiêu dùng mua sản phẩm mà còn mua theo ý muốn của doanh nghiệp, thường là đắt tiền hơn.
Vậy có phải nguyên nhân là khách hàng dễ bị “lừa” không? Điều này hoàn toàn dựa vào phản ứng tâm lý thông thường của con người, mà các nhãn hàng lại tinh ý nắm bắt được và hướng người dùng đi đến một lựa chọn nhất định. Hãy cùng xem 3 cách mà các thương hiệu sử dụng hiệu ứng chim mồi trong chiến lược giá để bán hàng:
Sản phẩm chim mồi hướng khách hàng chi tiêu nhiều hơn
Ví dụ một cửa hàng đồ ăn nhanh sẽ có 2 size kem với giá như sau:
– Kem size nhỏ: 1,99$
– Kem size lớn: 5,99$
Doanh nghiệp dự đoán rằng đa số khách hàng sẽ lựa chọn size nhỏ để tiết kiệm hơn. Do đó, để đẩy doanh thu tập trung vào sản phẩm size lớn, doanh nghiệp sẽ sử dụng hiệu ứng chim mồi là chèn thêm một sản phẩm có size và giá trung bình. Khi đó cửa hàng sẽ có 3 sản phẩm là:
– Kem size nhỏ: 1,99$
– Kem size vừa: 4,99$
– Kem size lớn: 5,99$
Nếu khách hàng đang tìm kiếm lựa chọn vừa tiết kiệm lại vừa thỏa mãn nhu cầu ăn nhiều hơn chắc chắn sẽ chọn kem size vừa. Trong khi đó, lựa chọn này là chiến thuật mà doanh nghiệp sử dụng để định hướng người dùng chi tiêu nhiều hơn.
Tăng giá sản phẩm chim mồi
Ở phương pháp thứ 2 này, giả sử có 3 hộp kem với giá và kích thước như sau:
– Nhỏ: 1,99$
– Lớn: 5,99$
– Khổng lồ: 12,99$
Khi nhìn vào các mức giá này, khách hàng có xu hướng lựa chọn sản phẩm tối ưu nhất cả về chi phí và số lượng, do đó khả năng cao sẽ chọn kích thước lớn có giá 5,99$. Hiệu ứng chim mồi được thể hiện như thế nào trong trường hợp này? Đó là doanh nghiệp đã set giá của kích thước khổng lồ cao hơn hẳn. Đương nhiên họ không mong đợi khách hàng sẽ đổ xô mua chúng, mà vai trò của chúng là sản phẩm chim mồi để tác động đến nhận thức và tâm lý của người dùng. Khi có mức chênh lệch giá khá cao giữa 2 size lớn và khổng lồ, khách hàng sẽ ưu tiên size lớn vì tin rằng đó là lựa chọn tốt nhất đáp ứng cả về khả năng chi trả và nhu cầu của họ.
Cung cấp sản phẩm với mức giá phù hợp theo cách nghĩ của khách hàng
Giả sử khách hàng đến một cửa hàng và nhìn thấy 4 sản phẩm sau:
– Sản phẩm A: 10,99$
– Sản phẩm B: 12,99$
– Sản phẩm C: 20,99$
– Sản phẩm D: 35,99$
Người dùng có thể sẽ tránh mua sản phẩm D vì giá cao hơn nhiều so với các lựa chọn khác. Khi đó, hiệu ứng chim mồi sẽ được ứng dụng như sau:
– Sản phẩm A: 10,99$
– Sản phẩm B: 12,99$
– Sản phẩm C: 20,99$
– Sản phẩm D: 35,99$
– Sản phẩm D: 50,99$
Trong bộ sản phẩm mới này, có hai phiên bản của sản phẩm D, tuy nhiên lại có 1 phiên bản đắt hơn (có thể khác về màu sắc). Do đó, khách hàng nhiều khả năng sẽ mua sản phẩm D có giá 35,99$ hơn vì họ tin rằng chúng có tính năng, chất lượng tương đương với sản phẩm D có giá 50,99$ nhưng lại rẻ hơn. Điều này đã giúp doanh nghiệp bán những sản phẩm mang đến lợi ích cho mình.
Xem thêm: Cổ phiếu ESOP là gì? Có nên đầu tư mua cổ phiếu ESOP không?
Ưu điểm và nhược điểm của hiệu ứng chim mồi
Nhiều thương hiệu lớn như Apple, McDonald’s, Amazon… đều sử dụng hiệu ứng chim mồi trong Marketing để thu hút nhiều khách hàng chọn các sản phẩm mang lại lợi ích cho thương hiệu. Tuy nhiên cũng giống như các kỹ thuật tiếp thị khác, hiệu ứng mồi nhử cũng có những ưu và nhược điểm riêng. Những yếu tố này sẽ giúp doanh nghiệp hiểu rõ hơn về cách thức hoạt động như thế nào để quảng bá sản phẩm đạt hiệu quả cao nhất.
Ưu điểm
– Loại bỏ rào cản khi có nhiều lựa chọn: đôi khi việc có quá nhiều lựa chọn lại mang đến rắc rối hơn bạn nghĩ. Mặc dù không hoàn toàn có hại nhưng nhiều quá sẽ tạo hiệu quả ngược. Điều này gọi là nghịch lý nhiều lựa chọn. Do đó hiệu ứng chim mồi giúp khách hàng dễ dàng đưa ra quyết định trong số các tùy chọn được giới hạn. Qua đó, nhãn hàng vẫn có thể bán được sản phẩm mục tiêu khi cung cấp các lựa chọn khác nhau.
– Đôi bên cùng có lợi: hiệu ứng mồi nhử đưa ra tình huống có lợi cho cả người tiêu dùng và nhãn hàng. Khách hàng có nhiều lựa chọn hơn, còn nhãn hàng lại tiếp thị được những sản phẩm chưa thành công trước khi sử dụng sản phẩm mồi nhử.
– Đảm bảo doanh số bán hàng tốt hơn: vai trò của sản phẩm mồi nhử là tăng giá trị cho sản phẩm mục tiêu. Do đó, sản phẩm mồi nhử không phải để bán. Doanh nghiệp muốn khách hàng mua một sản phẩm nhất định và mồi nhử sẽ quảng cáo, làm nổi bật sản phẩm đó.
– Bán các sản phẩm ít được ưa chuộng: nếu có sản phẩm không đạt thành công như mong muốn, hiệu ứng mồi nhử có thể cải thiện tình trạng này bằng cách sử dụng một sản phẩm đắt tiền hơn. Khi đó người dùng có khả năng chọn sản phẩm có giá tương đối hơn, đây chính là lúc tiếp thị cho các sản phẩm doanh nghiệp muốn bán.
Nhược điểm
– Tạo “ác cảm” đối với thương hiệu: yếu tố chính của hiệu ứng mồi nhử là tác động vào tiềm thức của khách hàng. Tuy nhiên nếu chọn sản phẩm mồi nhử không phù hợp, có sự chênh lệch với sản phẩm mục tiêu hay sai lệch thông tin sẽ không phát huy hiệu quả của hiệu ứng mà còn tạo nên ấn tượng xấu trong tâm trí khách hàng. Do đó cần tận dụng sự tinh tế khi sử dụng hiệu ứng này.
– Yêu cầu chiến lược vững chắc: nếu không định giá đúng cho sản phẩm, sử dụng hiệu ứng chim mồi có thể phản tác dụng, dẫn đến giảm doanh số. Hơn nữa, sử dụng hiệu ứng này còn phụ thuộc vào khách hàng. Hiệu ứng sẽ có hiệu quả với những khách hàng không quen thuộc sản phẩm. Tuy nhiên, nếu họ có sự quan tâm, tìm hiểu thông tin hoặc luôn ưu tiên chất lượng hơn giá cả, trung thành với một thương hiệu cụ thể, hiệu ứng chim mồi không thể tác động tới quyết định của họ. Do đó yêu cầu người sử dụng hiệu ứng mồi nhử cần có sự am hiểu về các chiến lược giá, sản phẩm và xác định khách hàng phù hợp.
Kết luận
Nhìn chung hiệu ứng chim mồi là một phương pháp hữu hiệu trong tiếp thị và định hướng hành vi người dùng. Để đạt hiệu quả như mong muốn, tinh tế và cẩn thận là 2 nguyên tắc quan trọng. Đồng thời cần kết hợp với các chiến lược tiếp thị, bán hàng cùng quá trình phân tích tâm lý khách hàng. Qua bài viết này, hy vọng bạn đọc đã hiểu hơn về hiệu ứng chim mồi trong Marketing và có những ý tưởng sáng tạo áp dụng cho doanh nghiệp của mình. Chúc các bạn thành công! Đừng quên theo dõi Việc Làm 24h để cập nhật những chủ đề mới nhất nhé!
Xem thêm: Thủ đoạn lừa đảo qua mạng ngày càng tinh vi, người tìm việc hết sức cẩn thận!