Hợp đồng kinh tế (HĐ kinh tế) là thoả thuận giữa các bên liên quan đến thực hiện hoạt động sản xuất, trao đổi hàng hoá, dịch vụ liên quan đến mục đích kinh doanh. Vậy, trong HĐ kinh tế cần có những nội dung gì, có những loại HĐ kinh tế nào? Mời bạn cùng tìm hiểu kỹ hơn về HĐ kinh tế qua bài viết sau của Việc Làm 24h.
Hợp đồng kinh tế là gì?
Hợp đồng kinh tế theo tiếng Anh là Economic contracts. Pháp luật hiện hành không nêu chính xác khái niệm về Hợp đồng Kinh tế. Theo Pháp lệnh Hợp đồng kinh tế năm 1989, HĐ kinh tế được hiểu là thỏa thuận bằng văn bản hoặc tài liệu giao dịch về việc thực hiện công việc sản xuất, trao đổi về hàng hóa hoặc dịch vụ, nghiên cứu và ứng dụng các tiến bộ khoa học kỹ thuật, hay trao đổi khác có mục đích kinh doanh. Thoả thuận có ghi chú rõ ràng quyền cũng như nghĩa vụ của mỗi bên để xây dựng cũng như thực hiện kế hoạch theo HĐ của mình.
Hợp đồng kinh tế, về bản chất cũng là một loạt HĐ dân sự. Trong HĐ cần quy định rõ về quyền, nghĩa vụ của các bên. Đồng thời, HĐ cũng cần được thoả thuận dựa trên nguyên tắc tự nguyện của các bên.
Có thể nói, hợp đồng kinh tế có vai trò trung gian làm cầu nối giao kết các chủ thể, cá nhân, tổ chức làm kinh doanh. Đây là văn bản đặc biệt quan trọng trong quá trình phát triển kinh tế cũng như sự tồn tại lâu dài của các doanh nghiệp.
Khi soạn thảo HĐ kinh tế, các văn bản thường không ghi chung chung là HĐ kinh tế mà ghi rõ loại HĐ theo thoả thuận như: HĐ dịch vụ, HĐ mua bán hàng hoá, HĐ dịch vụ quảng cáo, HĐ dịch vụ trưng bày và giới thiệu hàng hoá, HĐ mua bán nhà, HĐ trao đổi tài sản…
Đặc điểm của HĐ kinh tế
Hợp đồng kinh tế thường có những đặc điểm sau:
- Mục đích: mục đích của HĐ kinh tế là gắn với hoạt động sản xuất và kinh doanh của doanh nghiệp. Nổi bật thường là các hoạt động liên quan đến mua bán/ sản xuất hàng hoá, cung cấp dịch vụ… Mục tiêu của hầu hết HĐ kinh tế là hướng đến tạo ra lợi nhuận cho các bên tham gia giao kết HĐ.
- Mục đích này thể hiện tại các nội dung công việc mà các bên thực hiện thỏa thuận.
- Chủ thể HĐ: theo Pháp lệnh HĐ kinh tế thì HĐ được ký kết giữa hai chủ thể pháp nhân, thương nhân, hoặc với một bên là cá thể có đăng ký kinh doanh. Ngoài ra, pháp lệnh HĐ còn quy định những người làm công tác khoa học kỹ thuật, hộ kinh tế gia đình, hộ nông dân ngư dân, nghệ nhân, tổ chức, cá nhân nước ngoài đang ở Việt Nam đều có thể trở thành chủ thể HĐ kinh tế khi ký kết HĐ với pháp nhân khác.
- Nội dung: nội dung của HĐ kinh tế cần phù hợp với lĩnh vực, hoạt động theo ngành nghề mà các bên tham gia kinh doanh theo đúng quy định của pháp luật
- Hình thức: HĐ kinh tế cần được lập thành văn bản và có chữ ký của các bên tham gia
- Một HĐ kinh tế hình thành hoàn toàn trên cơ sở tự nguyện thoả thuận giữa các chủ thể, không do sự áp đặt ý chí của bất kỳ cá nhân hay tổ chức nào khác
- Tuy nhiên, quyền tự do ký HĐ kinh tế bị giới hạn bởi các điều kiện:
+ Việc ký kết HĐ kinh tế phải phục vụ cho hoạt động kinh doanh đã được đăng ký
+ Các bên không lợi dụng quyền tự do ký kết HĐ để hoạt động trái với pháp luật
+ Các bên tham gia quan hệ HĐ bình đẳng với nhau về quyền và nghĩa vụ. Khi quan hệ HĐ kinh tế hình thành, các bên có nghĩa vụ thực hiện đúng các nội dung đã cam kết, bên nào không thực hiện đúng phải chịu trách nhiệm trước bên kia theo những khoản phạt trong HĐ.
+ Khi tham gia quan hệ HĐ kinh tế, các bên phải dùng tài sản của mình để ký kết và thực hiện hợp đồng. Các bên có thể dùng tài sản của mình cầm cố, thế chấp hoặc nhờ bảo lãnh để đảm bảo việc thực hiện HĐ.
Quy định về HĐ kinh tế
Hiện nay pháp luật chưa có văn bản pháp luật quy định về hợp đồng kinh tế cụ thể. Tuy nhiên, đây cũng là một loại HĐ dân sự, HĐ thương mại. Do đó, HĐ kinh tế cũng cần đáp ứng các điều kiện và quy định dành cho các loại HĐ này. Cụ thể và quan trọng nhất là người đại diện ký HĐ.
Cụ thể, theo quy định hiện hành, người đại diện chia thành 2 nhóm:
- Đại diện theo pháp luật
- Đại diện uỷ quyền
Với doanh nghiệp, chủ doanh nghiệp là người đại diện theo pháp luật. Với Công ty TNHH một thành viên, người đại diện theo pháp luật là tổng giám đốc. Với công ty hợp danh, người đại diện sẽ là thành viên hợp danh.
Trong các trường hợp người đại diện theo pháp luật không ký HĐ thì có thể uỷ quyền cho cá nhân khác. Người đại diện uỷ quyền được ký HĐ trong phạm vi được uỷ quyền hay phải có giấy uỷ quyền.
Các loại hợp đồng kinh tế
Nhiều người thường nhầm lẫn giữ hợp đồng kinh tế và hợp đồng mua bán. Tuy nhiên, hợp đồng mua bán hàng hoá chỉ là một trong nhiều loại hợp đồng kinh tế khác nhau. Tùy theo nội dung giao dịch, hợp tác giữa các bên mà sử dụng tên gọi HĐ kinh tế khác nhau chứ không sử dụng khái niệm chung Hợp đồng kinh tế.
Bạn có thể bắt gặp nhiều loại HĐ kinh tế khác nhau được quy định trong những Bộ luật khác nhau như Luật Thương mại, Luật dân sự hay các luật khác.
Cụ thể, sau đây là một số loại HĐ kinh tế thường được sử dụng trong đời sống:
+ HĐ dịch vụ
– HĐ dịch vụ tiếp thị – quảng cáo
– HĐ dịch vụ trưng bày, giới thiệu hàng hoá, dịch vụ
– HĐ dịch vụ hội chợ, triển lãm thương mại
– HĐ đại diện cho thương nhân
– HĐ uỷ thác
– HĐ đại lý
– HĐ gia công
– HĐ dịch vụ tổ chức đấu giá hàng hoá
– HĐ dịch vụ quá cảnh
– HĐ cho thuê hàng hoá
– HĐ nhượng quyền thương mại
+ HĐ mua bán hàng hoá
– HĐ mua bán tài sản
– HĐ mua bán nhà
– HĐ trao đổi tài sản
+ HĐ tặng cho tài sản
+ HĐ vay tài sản
+ HĐ thuê tài sản
+ HĐ thuê nhà
+ HĐ thuê khoán tài sản
+ HĐ mượn tài sản
+ HĐ vận chuyển hành khách
+ HĐ vận chuyển tài sản
+ HĐ gia công
+ HĐ gửi giữ tài sản
+ HĐ bảo hiểm: HĐ bảo hiểm con người, HĐ bảo hiểm tài sản và HĐ bảo hiểm trách nhiệm dân sự
+ HĐ uỷ quyền
+ HĐ cung ứng nguyên liệu
Ngoài ra, còn nhiều loại HĐ đối với các hoạt động đặc thù như HĐ tư vấn pháp luật (dựa theo Luật Luật sư), HĐ lao động (theo quy định của Bộ luật lao động), HĐ đại lý thuế, HĐ thi công thiết kế công trình…
Mỗi loại HĐ này sẽ được điều chỉnh bởi các văn bản pháp luật khác nhau. Tuỳ theo nội dung của từng loại HĐ mà bạn tra cứu dựa theo những văn bản pháp luật khác nhau và xây dựng nên mẫu HĐ mình mong muốn riêng.
Xem thêm: Contract là gì? Điểm danh các loại hợp đồng người lao động thường gặp
Nội dung hợp đồng kinh tế
Sau đây là phần cơ bản thường có trong một mẫu HĐ kinh tế:
+ Tên hợp đồng (ghi tên cụ thể theo các phân loại HĐ trên)
+ Các chủ thể tham gia thực hiện giao kết HĐ
+ Nội dung thỏa thuận hợp đồng
Ví dụ: với HĐ hợp tác kinh doanh cần có đủ các nội dung được quy định theo Điều 28 Luật đầu tư 2020. Với HĐ xây dựng cần có đủ các hạng mục quy định trong Điều 141 của Luật xây dựng năm 2020)
+ Quyền lợi, nghĩa vụ của các bên trong HĐ.
+ Thỏa thuận về phạt hợp đồng hoặc bồi thường trong trường hợp thiệt hại.
+ Thỏa thuận về phương thức giải quyết khi có tranh chấp.
+ Hiệu lực HĐ
+ Đại diện ký kết HĐ
Lưu ý, HĐ kinh tế chỉ có hiệu lực khi đảm bảo đủ các điều kiện sau:
- Chủ thể ký kết HĐ kinh tế hợp pháp (có đầy đủ năng lực hành vi dân sự, đủ thẩm quyền đại diện để ký HĐ)
- HĐ ký trên nguyên tắc tự nguyện, xuất phát từ tự do ý chí của các bên. Mọi hình thức ép buộc, giả dối đều làm vô hiệu HĐ.
- Nội dung HĐ không trái với pháp luật hay đạo đức xã hội, đối tượng HĐ không thuộc vào nhóm hàng hoá bị cấm giao dịch, công việc bị cấm thực hiện. Ngoài ra, nội dung HĐ cần cụ thể, nghĩa vụ trong HĐ cần có tính khả thi. Những nghĩa vụ không thể thực hiện được thì HĐ cũng không được coi là có hiệu lực pháp lý để phát sinh quyền và nghĩa vụ.
Để hiểu rõ hơn về hợp đồng kinh tế, bạn có thể tham khảo mẫu hợp đồng tại đây
Lời kết
Bài viết trên đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h hy vọng đã mang tới cho bạn những thông tin cơ bản về định nghĩa hợp đồng kinh tế cũng như những đặc điểm, quy định về loại hợp đồng này. Từ đó giúp bạn tự tin hơn khi soạn thảo hợp đồng kinh tế cho tổ chức, doanh nghiệp.
Đừng quên theo dõi Việc Làm 24h để cập nhật thêm kiến thức mới mỗi ngày.
Xem thêm: Làm thế nào để tìm được công việc mơ ước khi không biết mình muốn gì?