Hợp đồng quảng cáo là gì? Quy định về hợp đồng quảng cáo mới nhất

Các vấn đề bản quyền và quyền sở hữu trí tuệ,… là những thách thức mà giới truyền thông luôn phải đối mặt. Nếu không muốn xảy ra tranh chấp và xung đột pháp lý không đáng có, bất kỳ cá nhân hoặc doanh nghiệp nào cũng phải nắm vững quy định về hợp đồng quảng cáo. Vậy hợp đồng quảng cáo là gì? Nội dung và quy định hợp đồng quảng cáo ra sao? Bài viết dưới đây của Vieclam24h.vn sẽ giúp bạn trả lời những câu hỏi này!

Hợp đồng quảng cáo là gì?

hợp đồng quảng cáo
Hợp đồng quảng cáo là gì là từ khóa được nhiều người tìm kiếm.

Hợp đồng quảng cáo (hợp đồng dịch vụ quảng cáo) là văn bản pháp lý được ký kết giữa các bên, bao gồm bên thuê quảng cáo và bên thực hiện quảng cáo. Hợp đồng này ghi rõ các điều khoản, điều kiện, thỏa thuận và cam kết của các bên trong quá trình thực hiện các hoạt động quảng cáo. Các điều khoản trong hợp đồng dịch vụ quảng cáo có thể thay đổi tùy vào quy mô, ngành nghề hoạt động, loại hình quảng cáo và các yêu cầu cụ thể của bên thuê quảng cáo.

Mục đích của hợp đồng quảng cáo nhằm đảm bảo tính minh bạch và sự đồng thuận giữa cả hai bên trong quá trình hợp tác. Hợp đồng này đảm bảo các  bên tuân thủ các điều khoản đã thỏa thuận, đồng thời cung cấp cơ sở pháp lý để giải quyết tranh chấp và xung đột pháp lý (nếu có).

Quy định về hợp đồng quảng cáo mới nhất

hợp đồng quảng cáo
Nắm vững quy định về hợp đồng quảng cáo là việc quan trọng để đảm bảo quyền và nghĩa vụ của các bên.

Dưới đây là các điều khoản không thể thiếu trong hợp đồng quảng cáo:

1. Chủ thể hợp đồng quảng cáo

Theo quy định tại khoản 5, 6 Điều 2 Luật quảng cáo 2012:

  • Người quảng cáo là tổ chức, cá nhân có yêu cầu quảng cáo sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ của mình hoặc bản thân tổ chức, cá nhân đó.
  • Người kinh doanh dịch vụ quảng cáo là tổ chức, cá nhân thực hiện một, một số hoặc tất cả các công đoạn của quá trình quảng cáo theo hợp đồng cung ứng dịch vụ quảng cáo với người quảng cáo. Tuy nhiên, nếu căn cứ vào quy định quảng cáo thương mại, quy định về kinh doanh dịch vụ quảng cáo tại Điều 102 và Điều 104 Luật thương mại 2005 thì trong Hợp đồng thương mại quảng cáo, người quảng cáo, người kinh doanh dịch vụ quảng cáo phải là thương nhân.

Xác định tư cách chủ thể trong hợp đồng quảng cáo có ý nghĩa quan trọng trong việc lựa chọn, áp dụng quy định pháp luật và lựa chọn cơ quan có thẩm quyền giải quyết tranh chấp.

Lưu ý: Các cá nhân, tổ chức nước ngoài muốn quảng cáo thương mại tại Việt Nam phải ký hợp đồng quảng cáo thương mại (hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại) với thương nhân kinh doanh dịch vụ quảng cáo thương mại Việt Nam.

2. Nội dung công việc trong hợp đồng quảng cáo

Điều khoản về nội dung công việc quy định cụ thể đối tượng được quảng cáo và các yêu cầu về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ quảng cáo.

Đối tượng được quảng cáo: Các sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ đang hoặc sẽ được cung ứng; thuộc phạm vi đăng ký kinh doanh và được phép lưu thông trên thị trường. Pháp luật có quy định hạn chế hoặc cấm quảng cáo một số sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ nhất định.

Yêu cầu về sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ quảng cáo: Bên thuê quảng cáo có thể đưa ra các yêu cầu về nội dung và hình thức sản phẩm quảng cáo được thể hiện bằng hình ảnh, âm thanh, chữ viết, tiếng nói, biểu tượng, ánh sáng, màu sắc,…

Lưu ý: Để được quảng cáo thì sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ quảng cáo phải đáp ứng các điều kiện sau:

  • Bên yêu cầu quảng cáo phải có giấy chứng nhận đăng ký kinh doanh.
  • Quảng cáo cho các loại sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ phải có các tài liệu chứng minh về sự hợp chuẩn, hợp quy của sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ theo quy định của pháp luật.
  • Quảng cáo tài sản mà pháp luật quy định tài sản đó phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng thì phải có giấy chứng nhận quyền sở hữu hoặc quyền sử dụng tài sản.
  • Quảng cáo thuốc được phép quảng cáo theo quy định của pháp luật về y tế; phải có giấy phép lưu hành tại Việt Nam đang còn hiệu lực và tờ hướng dẫn sử dụng do Bộ Y tế phê duyệt;
  • Quảng cáo mỹ phẩm phải có phiếu công bố sản phẩm mỹ phẩm theo quy định của pháp luật về y tế;
  • Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;
  • Quảng cáo hóa chất, chế phẩm diệt côn trùng, diệt khuẩn dùng trong lĩnh vực gia dụng và y tế phải có giấy chứng nhận đăng ký lưu hành do Bộ Y tế cấp;
  • Quảng cáo sữa và sản phẩm dinh dưỡng dùng cho trẻ nhỏ (loại không bị cấm) phải có giấy chứng nhận tiêu chuẩn, giấy chứng nhận vệ sinh an toàn thực phẩm đối với sản phẩm dinh dưỡng sản xuất trong nước; đối với sản phẩm dinh dưỡng nhập khẩu thì phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm của cơ quan có thẩm quyền của nước sản xuất và giấy phép lưu hành;
  • Quảng cáo thực phẩm, phụ gia thực phẩm phải có giấy chứng nhận đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải đăng ký chất lượng vệ sinh an toàn thực phẩm hoặc giấy tiếp nhận hồ sơ công bố tiêu chuẩn của cơ quan nhà nước có thẩm quyền đối với thực phẩm, phụ gia thực phẩm thuộc danh mục phải công bố tiêu chuẩn;
  • Quảng cáo dịch vụ khám bệnh, chữa bệnh phải có giấy chứng nhận đủ tiêu chuẩn hành nghề do ngành y tế cấp theo quy định của pháp luật;
  • Quảng cáo trang thiết bị y tế phải có giấy phép lưu hành đối với thiết bị y tế sản xuất trong nước hoặc giấy phép nhập khẩu đối với thiết bị y tế nhập khẩu;
  • Quảng cáo thuốc bảo vệ thực vật, nguyên liệu thuốc bảo vệ thực vật, vật tư bảo vệ thực vật phải có giấy chứng nhận đăng ký thuốc bảo vệ thực vật. Quảng cáo sinh vật có ích dùng trong bảo vệ thực vật phải có giấy phép kiểm dịch thực vật do Bộ Nông nghiệp và Phát triển nông thôn cấp;
  • Quảng cáo thuốc thú y, vật tư thú y phải có giấy phép lưu hành sản phẩm và bản tóm tắt đặc tính của sản phẩm;
  • Quảng cáo phân bón, chế phẩm sinh học phục vụ trồng trọt, thức ăn chăn nuôi, chế phẩm sinh học phục vụ chăn nuôi phải có giấy chứng nhận chất lượng sản phẩm hoặc văn bản tự công bố chất lượng sản phẩm.

3. Phương tiện quảng cáo và chủ thể phát hành quảng cáo thương mại

a) Phương tiện quảng cáo

Các phương tiện quảng cáo thương mại gồm có:

  • Các phương tiện thông tin đại chúng.

Lưu ý: Đối với phương tiện thông tin đại chúng là báo chí thì khi sử dụng phương tiện này cần tuân thủ các quy định về quảng cáo trên báo chí được quy định tại Luật báo chí 2016.

  • Các phương tiện truyền tin như mạng máy tính, đài truyền hình…

Hình thức quảng cáo trên mạng máy tính phải tuân thủ các quy định về quảng cáo, dịch vụ kết nối, dịch vụ truy cập và việc cung cấp những loại hình quảng cáo trên máy tính nhằm đảm bảo an ninh thông tin mạng, an ninh quốc gia.

Hình thức quảng cáo trên đài truyền hình cũng phải tuân thủ các quy định về số lần quảng cáo và thời lượng quảng cáo.

  • Các loại xuất bản phẩm bao gồm sách, tranh, ảnh, bản đồ, tờ rơi, lịch, băng âm thanh, đĩa âm thanh, băng hình, đĩa hình của nhà xuất bản có nội dung thay sách hoặc minh hoạ cho sách.
  • Các loại bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích, vật thể cố định, các phương tiện giao thông hoặc các vật thể di động khác.

Đối với hình thức quảng cáo bằng bảng, biển, băng, pa-nô, áp-phích khi đặt ngoài trời phải tuân thủ quy hoạch quảng cáo ở địa phương và các quy định về xây dựng.

  • Các phương tiện quảng cáo thương mại khác. 

Lưu ý: Việc sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại phải tuân thủ quy định của cơ quan quản lý nhà nước có thẩm quyền dưới đây:

  • Tuân thủ các quy định về báo chí, xuất bản, thông tin, chương trình hoạt động văn hoá, thể thao, hội chợ, triển lãm.
  • Tuân thủ quy định về địa điểm quảng cáo, không gây ảnh hưởng xấu đến cảnh quan, môi trường, trật tự an toàn giao thông, an toàn xã hội.
  • Đúng mức độ, thời lượng, thời điểm quy định đối với từng loại phương tiện thông tin đại chúng.

b) Người phát hành quảng cáo

Căn cứ từ Điều 102 đến Điều 116 Luật Thương mại 2005, người phát hành quảng cáo là người trực tiếp phát hành sản phẩm quảng cáo thương mại. Người phát hành quảng cáo thương mại có các nghĩa vụ sau:

  • Tuân thủ các quy định về sử dụng phương tiện quảng cáo thương mại quy định tại Điều 107 Luật Thương mại 2005;
  • Thực hiện hợp đồng phát hành quảng cáo đã giao kết với bên thuê phát hành quảng cáo;
  • Thực hiện các nghĩa vụ khác theo quy định của pháp luật.

4. Bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại

hợp đồng quảng cáo
Điều khoản bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ có ý nghĩa vô cùng quan trọng đối với các bên tham gia hợp đồng quảng cáo.

Căn cứ quy định tại Điều 108, Luật thương mại 2005 quy định: Thương nhân có quyền đăng ký bảo hộ quyền sở hữu trí tuệ đối với sản phẩm quảng cáo thương mại theo quy định của pháp luật.

  • Quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm quyền sở hữu và sử dụng tài sản trí tuệ đối với logo, slogan, văn bản, hình ảnh, âm thanh, video được sử dụng trong quảng cáo.
  • Cấp phép sử dụng tài sản trí tuệ từ bên sở hữu cho bên quảng cáo trong quá trình thực hiện quảng cáo. Bên quảng cáo có quyền sử dụng và tái sử dụng tài sản trí tuệ theo yêu cầu.
  • Bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ, bao gồm cam kết không vi phạm quyền sở hữu trí tuệ, không sao chép hoặc sử dụng trái phép tài sản trí tuệ và cung cấp cơ sở pháp lý nếu xảy ra tranh chấp.
  • Chuyển nhượng quyền sở hữu trí tuệ từ bên sở hữu sang bên quảng cáo trong quá trình thực hiện quảng cáo.

5. Các khoản chi phí và phương thức thanh toán

Điều khoản này liệt kê chi tiết các chi phí mà bên thuê quảng cáo cần thanh toán. Các khoản chi phí cơ bản như phí dịch vụ quảng cáo, chi phí sản xuất ấn phẩm quảng cáo,… 

Trong hợp đồng phải quy định thời hạn thanh toán (một lần hay theo đợt) và phương thức thanh toán (chuyển khoản hay tiền mặt trực tiếp), cùng với đó là các quy định về chế tài, phần thuế phải nộp,…

6. Quyền và nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo

Bên thuê quảng cáo có quyền:

  • Lựa chọn người phát hành, hình thức phát hành, nội dung, phương tiện quảng cáo, phạm vi và thời gian thực hiện quảng cáo. 
  • Kiểm tra và giám sát việc thực hiện hợp đồng quảng cáo.
  • Yêu cầu thẩm định sản phẩm quảng cáo.
  • Các quyền khác được các bên thỏa thuận không vi phạm các điều cấm theo quy định pháp luật. 

Nghĩa vụ của bên thuê quảng cáo:

  • Cung cấp các thông tin cần thiết, đảm bảo tính chính xác cho bên thực hiện quảng cáo sản xuất nội dung và ấn phẩm quảng cáo. Nếu không, bên thuê quảng cáo sẽ bị xem là vi phạm hợp đồng.
  • Trả thù lao và các chi phí phát sinh đúng hạn theo quy định trong hợp đồng quảng cáo.
  • Các thỏa thuận khác có trong hợp đồng quảng cáo.

7. Quyền và nghĩa vụ của bên thực hiện quảng cáo

Đơn vị thực hiện quảng cáo có quyền:

  • Yêu cầu bên thuê quảng cáo cung cấp thông tin chính xác về sản phẩm quảng cáo theo đúng thỏa thuận trong hợp đồng.
  • Nhận thù lao dịch vụ quảng cáo và các chi phí phát sinh được kê khai hợp lý.

Nghĩa vụ của bên thực hiện quảng cáo:

  • Thực hiện theo đúng yêu cầu của bên thuê quảng cáo về đúng hình thức, nội dung, phương tiện, phạm vi và thời gian diễn ra quảng cáo.
  • Kê khai chính xác, trung thực các chi phí về hàng hóa, vật liệu và các các khoản chi phục vụ cho quá trình thực hiện quảng cáo.
  • Thực hiện các thỏa thuận khác được quy định trong hợp đồng quảng cáo.

Các sản phẩm bị cấm quảng cáo

hợp đồng quảng cáo
Có 7 sản phẩm, hàng hoá, dịch vụ bị cấm quảng cáo mà bạn nên biết. 

Theo Điều 7 Luật Quảng cáo năm 2012 sửa đổi năm 2018, các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo bao gồm:

  • Thuốc lá và một số chất kích thích bị cấm.
  • Rượu có nồng độ cồn từ 15 độ trở lên.
  • Sản phẩm sữa thay thế sữa mẹ dùng cho trẻ dưới 24 tháng tuổi, sản phẩm dinh dưỡng bổ sung dùng cho trẻ dưới 06 tháng tuổi; bình bú và vú ngậm nhân tạo.
  • Thuốc kê đơn, thuốc không kê đơn được cơ quan nhà nước có thẩm quyền khuyến cáo hạn chế sử dụng hoặc sử dụng có sự giám sát của thầy thuốc.
  • Các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích dục.
  • Súng săn và đạn súng săn, vũ khí thể thao và các loại sản phẩm, hàng hóa có tính chất kích động bạo lực.
  • Các sản phẩm, hàng hóa, dịch vụ cấm quảng cáo khác do Chính phủ quy định khi có phát sinh trên thực tế.

Các mẫu hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại

Mẫu hợp đồng dịch vụ quảng cáo

Mẫu hợp đồng dịch vụ quảng cáo thương mại

Mẫu hợp đồng quảng cáo Facebook

Mẫu hợp đồng làm biển quảng cáo

Kết luận

Bằng cách nắm rõ các kiến thức cơ bản về hợp đồng quảng cáo, bên thuê quảng cáo và người nhận làm quảng cáo có thể giảm thiểu tối đa những rủi ro có thể xảy ra trong quá trình hợp tác truyền thông, quảng cáo. Các bạn có thể tham khảo và sử dụng các mẫu hợp đồng quảng cáo mà Vieclam24h.vn chia sẻ trên phù hợp với nhu cầu cá nhân. Bạn  nên tìm đến các chuyên gia hoặc luật sư tư vấn pháp lý để đảm bảo tính chính xác trước khi ký bất kỳ hợp đồng nào. 

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.

Xem thêm: Ngành quảng cáo học trường nào, mức lương khi đi làm có cao không?

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục