Khủng hoảng hiện sinh là trạng thái căng thẳng tâm lý xuất hiện khi một người không ngừng đặt ra câu hỏi về mục đích sống của mình. Nếu không được giải tỏa, họ rất dễ rơi vào trạng thái phiền não và mệt mỏi. Cụ thể thì biểu hiện của khủng hoảng hiện sinh ra sao, hệ lụy của nó như thế nào? Cách để thoát khỏi khủng hoảng hiện sinh mang lại? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu thật chi tiết thông qua bài viết dưới đây.
Existential crisis là gì?
Existential Crisis (khủng hoảng hiện sinh) là gì? Khủng hoảng hiện sinh là hiện tượng tâm lý xảy ra khi một người tự vấn bản thân một cách sâu sắc về ý nghĩa cuộc sống của mình, đặt ra những câu hỏi xoay quanh vị trí cũng như sự tồn tại của chính mình trong một thế giới tưởng chừng như vô nghĩa.
Trên thực tế, việc chúng ta quan tâm và tìm kiếm ý nghĩa cuộc sống là điều bình thường. Tuy nhiên đối với những người gặp khủng hoảng hiện sinh, vấn đề là họ không thể tìm được câu trả lời thỏa đáng. Điều đó khiến họ luôn mâu thuẫn với chính mình, cảm thấy thất vọng và không tìm được niềm vui sống.
Bất kể bạn là ai, còn trẻ hay đã già, khủng hoảng hiện sinh đều có thể ảnh hưởng đến bạn. Nó khác biệt hoàn toàn so với những trạng thái tâm lý khác như lo lắng hay trầm cảm, mặc dù những cảm giác bạn trải qua có thể tương tự như nhau.
Nguyên nhân gây ra khủng hoảng hiện sinh là gì?
Đa phần các vấn đề tâm lý, bao gồm cả khủng hoảng hiện sinh thường xuất hiện khi có yếu tố kích hoạt. Đó có thể là một mất mát to lớn hay cảm giác tuyệt vọng, đến từ một số nguyên nhân cụ thể dưới đây:
- Khi người thân yêu qua đời, hoặc họ phải đối mặt với bệnh tật hay cận kề cái chết.
- Các vấn đề nghiêm trọng liên quan đến tuổi tác sức khỏe.
- Những thay đổi lớn hoặc đột ngột trong cuộc sống về công việc, nơi ở và các mối quan hệ…
- Bản thân họ cảm thấy không thỏa mãn về mặt xã hội.
- Cảm giác tội lỗi ám ảnh về một điều gì đó.
- Khi họ không hài lòng với hướng đi của bản thân.
- Các cảm xúc đã bị dồn nén quá lâu trong quá khứ.
Dấu hiệu ai đó có thể đang gặp khủng hoảng hiện sinh
Cảm thấy lo lắng không ngừng về mọi thứ
Bất kỳ suy nghĩ hay quyết định nào trong cuộc sống cũng khiến họ trở nên căng thẳng và lo lắng. Những cảm giác này thường kèm theo trạng thái bồn chồn, sợ hãi vô lý về mọi thứ nhất là về tương lai, bản thân hay ý nghĩa cuộc sống; dẫn đến việc bạn cảm thấy cực kỳ khó chịu và mệt mỏi.
Rơi vào trầm cảm
Đây cũng là một trong những biểu hiện rõ rệt của khủng hoảng hiện sinh, biểu hiện qua trạng thái tiêu cực, cạn kiệt năng lượng và không hứng thú với bất cứ điều gì.
Mỗi ngày họ sẽ liên tục hỏi bản thân ý nghĩa cuộc đời, cảm thấy day dứt và tội lỗi khi không được như ý, tuyệt vọng không còn chút động lực sống nào.
Mắc chứng rối loạn ám ảnh cưỡng chế OCD
Cụ thể của triệu chứng này là việc họ thường lặp đi lặp lại những câu hỏi và hành vi không thể tự chủ. Đó là những câu hỏi sáo rỗng phi lý, sinh ra bởi việc lo lắng quá mức, ép buộc bản thân phải trả lời nhưng không có đáp án nào thỏa mãn.
Không còn động lực trong cuộc sống
Họ cảm thấy mình không còn ý chí, mục tiêu để phấn đấu. Chính điều đó khiến họ nghĩ mình vô dụng, lại càng thêm tuyệt vọng và mất niềm tin.
Ngoài ra, một số đặc điểm khác cũng hay gặp ở người mắc khủng hoảng hiện sinh là rối loạn giấc ngủ, cảm giác ăn không ngon, mất tập trung khi học tập, lao động, cơ thể suy nhược, sụt cân…
Xem thêm: 8 lý do khiến bạn mất động lực trong công việc và cuộc sống!
Phân loại khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng hiện sinh có thể tồn tại dưới nhiều dạng khác nhau. Tuỳ vào trải nghiệm cũng như tính cách của mỗi cá nhân mà người mắc có thể xuất hiện một hoặc nhiều loại khủng hoảng hiện sinh cùng thời điểm.
Khủng hoảng về cảm xúc cũng như sự tồn tại
Với một số người, để có thể giúp bản thân trở nên vui vẻ và hạnh phúc, họ sẽ tìm mọi cách để chối bỏ những cảm xúc tồi tệ và tiêu cực. Tuy nhiên điều này không tốt chút nào, không những không giúp họ thoải mái hơn mà còn khiến họ phải sống trong một cảm xúc tích cực đầy giả dối. Lâu dần họ sẽ cảm thấy vô cùng mệt mỏi, bất lực với chính mình, ngày ngày phải giả tạo với bản thân, che giấu đi những tổn thương đau khổ.
Khủng hoảng về ý nghĩa của cuộc sống
Những người mắc chứng khủng hoảng hiện sinh này sẽ liên tục tự hỏi: Mục đích trong cuộc sống của mình là gì? Ý nghĩa cuộc sống của mình nằm ở đâu?…
Thực tế thì không ai muốn sống cuộc đời vô nghĩa. Đôi lúc chúng ta cũng nên dừng lại và bắt đầu ngẫm nghĩ về điều đó, nhất là khi mất định hướng.
Xác định được ý nghĩa cuộc sống sẽ giúp chúng ta trở nên mạnh mẽ và vững tin. Nếu không thể tìm ra sẽ dễ khiến chúng ta trở nên lo lắng.
Khủng hoảng trạng thái kết nối và cô lập
Cô lập và kết nối là hai trạng thái trái ngược nhau hoàn toàn nhưng lại liên hệ mật thiết và hỗ trợ lẫn nhau. Khi sống trong môi trường xã hội, cộng đồng chúng ta cần phải có sự kết nối và tương tác để cùng nhau phát triển.
Tuy nhiên mỗi người cũng là một cá thể riêng biệt, đôi khi chúng ta vẫn cần có không gian riêng cho bản thân, để có thể thấu hiểu chính mình.
Một điều lưu ý là kết nối và cô lập phải cân bằng, cái nào nhiều quá hay ít quá cũng có thể trở thành nguyên nhân dẫn đến khủng hoảng hiện sinh.
Khủng hoảng xoay quanh cái chết
Theo nghiên cứu thì khủng hoảng hiện sinh xuất hiện khi một số người bước vào độ tuổi nhất định, nhất là người lớn tuổi. Bởi thời điểm này họ cảm thấy đã già nua, không còn trẻ trung năng động, luôn thấy lo sợ về sức khoẻ và cái chết.
Những người mắc bệnh hiểm nghèo cũng xuất hiện loại khủng hoảng hiện sinh này. Họ cảm thấy mình không còn nhiều thời gian để sống và liên tục hỏi chính mình về những thứ đã làm trong quá khứ. Họ bi quan hơn, lo lắng về sự biến mất của mình trên cõi đời: Liệu sau chết mình sẽ ra sao? Những người thân sẽ cảm thấy thế nào?… Từ đó khó kiểm soát được cảm xúc, hành vi trong cuộc sống.
Khủng hoảng về trách nhiệm và sự tự do của bản thân
Tự do là điều ai cũng mong muốn trong cuộc sống. Tuy nhiên khi tự do có nghĩa là bạn phải tự chịu trách nhiệm với những gì mà mình đã làm. Điều đó khiến nhiều người cảm thấy lo lắng, sợ hãi vô cùng và luôn chần chừ trong mọi quyết định.
Họ không chắc điều mình làm có đúng đắn không, luôn lo sợ hậu quả có thể xảy ra. Đó là nguyên nhân khiến cho khủng hoảng xảy ra.
Xem thêm: Áp lực đồng trang lứa peer pressure là gì? Cách vượt qua áp lực đồng trang lứa
Những hệ lụy nguy hiểm của khủng hoảng hiện sinh
Khủng hoảng chắc chắn là điều không hề dễ chịu với bất kỳ ai. Tuy không phải là bệnh nhưng nó khiến cho bất cứ ai rơi vào cũng có thể trở nên căng thẳng và tiêu cực. Họ chỉ ở trạng thái tồn tại thay vì “sống”, không nhìn rõ được mục tiêu của mình. Cứ thế đi một vòng luẩn quẩn để cố tìm ra ý nghĩa cuộc sống.
Khủng hoảng hiện sinh có liên quan mật thiết với trầm cảm lo âu. Khi không còn cảm nhận được niềm vui sống, mỗi cá nhân sẽ cảm thấy chán nản và tội lỗi, dễ dẫn đến việc tự huỷ hoại, nguy hiểm nhất là tự tử.
Chưa kể đến việc nó còn gây ra suy nhược đáng kể về sức khỏe, cực kỳ không tốt cho người già, người mắc các bệnh nan y…
Nhưng khủng hoảng hiện sinh cũng là một cột mốc quan trọng
Tại sao lại thế? Bởi một khi đã rơi vào khủng hoảng, không một ai muốn mình mãi kẹt ở bên trong. Tâm lý chúng ta sẽ luôn tự thôi thúc bản thân để đi tìm câu trả lời cho mọi thứ.
Thông qua đó, bạn có thể khám phá những điều mới lạ, những góc nhìn độc đáo, những giới hạn mà cái tôi cũ chưa nghĩ tới bao giờ. Nghĩa là khủng hoảng hiện sinh có thể đẩy bạn rơi vào tăm tối, nhưng cũng chính nó sẽ mở ra cơ hội giúp bạn làm mới bản thân. Bản chất là mọi chuyện trên thế gian này xảy ra đều có nguyên do, mục đích và ẩn chứa một bài học. Chỉ là bạn chưa nhận thức được mà thôi.
Ví dụ đơn giản như khi một ai đó quan trọng mất đi, chúng ta sẽ cảm thấy thêm trân trọng mạng sống. Hoặc lựa chọn sai lầm khiến bạn mất tiền, bạn sẽ tự dặn mình phải cẩn trọng hơn cho những lần sau.
Xem thêm: Người trẻ nghỉ việc cuối năm: Nấc thang thiên đường hay vực thẳm đen tối?
Cách “sống tốt” hơn sau một cuộc khủng hoảng hiện sinh
Hãy dựa vào những người thân yêu quý
Sự hỗ trợ từ gia đình và bè bạn là yếu tố rất quan trọng khi chúng ta phải đối mặt với khủng hoảng hiện sinh. Nó có thể giúp chúng ta cảm thấy bớt đơn độc hơn và cho ta nguồn động viên hữu ích.
Thừa nhận và thể hiện cảm xúc chân thật của bạn
Đừng đóng chặt cũng như chối bỏ mọi cảm giác của bản thân. Thay vào đó hãy lắng nghe những gì cuộc khủng hoảng đang “thầm” nói với bạn, hiểu được lý do tại sao nó lại xảy ra.
Dành thời gian để viết ra những suy nghĩ và câu hỏi đang có, phân tích chúng xem ý nghĩa của những câu hỏi đó là gì.
Vui vẻ với những điều tưởng chừng nhỏ bé
Thông thường khi rơi vào khủng hoảng, chúng ta khó có thể tận hưởng những thứ mình đã có/ đang làm. Hãy thử viết ra những điều khiến bạn biết ơn mỗi ngày và tìm niềm vui trong những điều nhỏ bé.
Tập trung vào những thứ bản thân có thể kiểm soát
Việc tập trung vào những gì bạn có thể kiểm soát sẽ giúp bạn tự tin hơn, dần lấy lại được tinh thần. Còn với những thứ không thể kiểm soát, giải pháp tạm thời là… kệ nó đi.
Dành thời gian chánh niệm và thiền định để vượt qua khủng hoảng hiện sinh
Chánh niệm và thiền định là cách tuyệt vời để kết nối với nội tâm của bạn, cho bản thân một không gian để phát triển và khám phá. Thiền chính là dịp để chúng ta giao tiếp với bản thân.
Xem thêm: Học thiền ở đâu? Gợi ý các khóa học thiền TPHCM, Hà Nội uy tín
Tham gia vào các nhóm hỗ trợ
Sự kết nối chính là liều thuốc “giải độc” cho sự lo lắng. Việc gặp gỡ kết giao với những người khác, lắng nghe chia sẻ của họ sẽ phần nào giúp bạn bớt đau buồn, thoát khỏi sự cô đơn… \
Kết nối lại với mục sống của mình sau khủng hoảng hiện sinh
Như đã nói khủng hoảng hiện sinh xoay quanh vấn đề đi tìm đáp án cho câu hỏi: tôi là ai, mục đích sống của tôi là gì? Chính vì thế việc kết nối lại với những điều bạn muốn tạo ra trên thế giới này có thể là một bước ngoặt thay đổi mọi thứ.
Gặp gỡ chuyên gia khi cần
Đôi khi khủng hoảng sẽ gây ra các vấn đề liên quan đến sức khỏe tinh thần. Nếu bạn cảm thấy mình bị tiêu cực buồn bã quá lâu, đã từng nghĩ đến cái chết nhiều lần thì có lẽ bạn nên đi gặp chuyên gia để giải quyết.
Tựu chung lại thì khủng hoảng hiện sinh đúng là thời điểm vô cùng sợ hãi và bất ổn. Song nó cũng có thể là thời điểm để bạn F5 lại chính mình. Bạn hoàn toàn có thể sử dụng nó như một bàn đạp khiến mình trở nên mạnh mẽ và tích cực hơn. Chúc bạn luôn tìm thấy niềm vui trong cuộc sống. Và đừng quên theo dõi Việc Làm 24h thường xuyên để tìm ra những mẹo hay, thông tin hữu ích.
Xem thêm: Trắc nghiệm MI: Bạn có trí thông minh nổi trội trong lĩnh vực nào?