Bạn đã gắn bó với công ty trong khoảng thời gian khá dài, tuy nhiên, bạn lại không có cơ hội thăng tiến trong công việc, trong khi bạn bè, đồng nghiệp đã có những sự thay đổi nhất định? Hoặc chỉ đơn giản, bạn cảm thấy “tốc độ phát triển” của bạn thấp hơn kỳ vọng của bản thân, do đó, bạn muốn tìm hiểu về những gì đang cản trở sự nghiệp của bạn – bài viết dưới đây chính là dành cho bạn. Hãy cùng Việc Làm 24h làm rõ vấn đề trên nhé!
Trong hành trình sự nghiệp cá nhân, đôi khi, mức độ thăng tiến lại không thể đo lường thông qua số năm kinh nghiệm, một số cá nhân “tuổi nghề” còn rất trẻ, tuy nhiên họ đã sớm đạt được một số thành tựu trong công việc. Nếu bạn vẫn đang gặp khó khăn trong con đường thăng tiến của bản thân, hãy tham khảo một số gợi ý dưới đây và nghiêm túc rà soát lại xem bản thân đã và đang có lộ trình đúng đắn chưa, từ đó, có biện pháp khắc phục và cải thiện phù hợp.
1. Xác định rõ mục tiêu nghề nghiệp của bản thân
Thăng tiến là một khái niệm trừu tượng, chúng ta thường xem thăng tiến trong công việc là khi được bổ nhiệm lên một vị trí cao hơn, có tầm ảnh hưởng và đảm nhận những nhiệm vụ quan trọng hơn. Tuy nhiên, nếu mục tiêu của bạn là phát triển toàn diện các kỹ năng để làm việc độc lập, trở thành một chủ doanh nghiệp hoặc làm việc tự do thì việc được trao quyền, tham gia các công việc có ý nghĩa với sự nghiệp của bạn – đó chính là thành tựu lớn nhất, thậm chí hơn cả sự thăng tiến.
Do đó, bất kể sự phát triển cá nhân nào phù hợp với mục tiêu nghề nghiệp của bạn đó chính là sự thăng tiến. Nhận ra điều này bạn sẽ có cơ hội vượt qua những rào cản tâm lý về việc nỗ lực nhưng không được ghi nhận, tích cực hoàn thiện bản thân và không quá đặt nặng về vấn đề “thăng chức” hay “tăng lương”.
Xem thêm: Mục tiêu nghề nghiệp cho 10 nhóm nghề HOT, người tìm việc không thể bỏ qua
2. Xây dựng kế hoạch chi tiết
Một công trình vững chắc cần phải có một bản vẽ cẩn thận. Sự nghiệp cũng tương tự, khát khao phát triển của bạn không thể đo lường nếu bạn không cụ thể hóa nó. “Mục tiêu dài hạn của bạn là gì? Mục tiêu ngắn hạn (trong vòng 3 tháng) của bạn ra sao? Bạn đã hình dung một tuần bạn cần phải hoàn thành những công việc gì để đạt được mục tiêu đó chưa? Tất cả những công việc/ thói quen của bạn đã hướng tới đích đến cuối cùng trong dài hạn chưa?” Một bản kế hoạch chi tiết tuân thủ theo nguyên tắc SMART sẽ giúp bạn phát thảo viễn cảnh và những nỗ lực cụ thể để hiện thực hóa mục tiêu của bản thân.
3. Xây dựng và phát triển các mối quan hệ có chất lượng
Không thể phủ nhận tầm quan trọng của “networking” trong thời đại ngày nay, khi bạn có các mối quan hệ chất lượng thì cơ hội bạn nhận được các nguồn kiến thức mới, học tập thông qua trải nghiệm của họ, nhận được những lời khuyên hữu ích để bạn tối ưu hóa năng suất làm việc, phát hiện ra những điểm cần cải thiện cho bản thân.
“Nếu bạn muốn tốt hơn thì bạn phải bước ra khỏi vùng an toàn, giao thiệp với những người giỏi hơn bạn trong lĩnh vực mà bạn theo đuổi”. Đừng ngại ngần tham gia các hội nghị nghề nghiệp để trau dồi thêm kiến thức và phát triển thêm các mối quan hệ có chất lượng và chiều sâu.
4. Cải thiện năng suất làm việc
Dù bạn ở bất kỳ vị trí nào thì chìa khóa cho mọi sự phát triển đều là kỹ năng cá nhân. Nếu bạn muốn thăng tiến trong công việc, trước tiên bạn phải củng cố kiến thức và gia tăng năng lực. Hãy ngừng suy nghĩ rằng bạn đã làm việc ở vị trí này đã rất lâu và bạn cảm thấy không còn gì để học hỏi nữa. Nếu bạn đang cảm thấy như vậy, hãy bắt đầu cải tiến công việc của mình, sắp xếp lại chúng, tìm ra phương pháp tối ưu hơn để thực hiện nó.
Hãy biến những công việc hằng ngày trở nên hiệu suất nhất có thể, khi bạn hoàn thành tốt công việc của mình, bạn hoàn toàn có thời gian và có cơ hội đề xuất đến cấp trên để tìm hiểu thêm những công việc mới. Khi đó, bạn sẽ được đánh giá cao về năng lực (giúp cải tiến quy trình làm việc), cũng như tính chủ động trong công việc. Muốn nhận được nhiều nhiệm vụ quan trọng hơn, bạn phải thực hiện tốt những nhiệm vụ cơ bản nhất.
Xem thêm: 10 mẹo đơn giản giúp bạn làm việc năng suất hơn
5. Phát triển thêm các kỹ năng mới
Nếu bạn muốn mở ra cho mình một cơ hội nghề nghiệp mới, hãy biến bản thân trở thành một người có giá trị, có thể đảm nhận nhiều công việc khác nhau. Một kiến thức, kỹ năng mới đôi khi không cần phải gò bó trong ngành nghề của bạn đang theo đuổi, nếu cảm thấy thích thú với bất kỳ kiến thức ngoài ngành nào, hãy thử học hỏi, nếu có điều kiện, hãy tham gia các khóa học lấy chứng chỉ uy tín.
Các kiến thức về kinh tế, quản trị sẽ vô cùng cần thiết nếu bạn muốn tiến xa hơn chẳng hạn trở thành quản lý hoặc chủ doanh nghiệp. Thay đổi tầm nhìn, gia tăng kỹ năng sẽ mở ra cho bạn nhiều cơ hội mới, giúp bạn phát triển toàn diện.
Xem thêm: Trang bị 10 kỹ năng mềm cần thiết khi đi làm, dân văn phòng không nên bỏ qua
6. Cân nhắc thay đổi môi trường nếu cần thiết
Khi đã trang bị tất cả những kỹ năng cần có, bạn cũng đã cố gắng chủ động trong công việc, tuy nhiên, vì một số lý do khách quan hoặc tổ chức bạn đang làm việc có quá ít cơ hội học hỏi thêm và thăng tiến trong công việc, đừng ngần ngại trao đổi trực tiếp với quản lý của bạn. Nếu bạn khó có cơ hội thăng tiến ở công ty hiện tại, hãy cân nhắc đến việc thay đổi môi trường để có cơ hội chứng minh năng lực của bản thân.
Đừng quên truy cập Việc Làm 24h để tìm kiếm những cơ hội làm việc mới nhé.
“Thăng tiến” luôn là vấn đề nhức nhối với sự nghiệp của mỗi cá nhân, tuy nhiên, nó không phải là thước đo quan trọng nhất, hãy luôn cố gắng trao dồi năng lực, khi bạn có năng lực thì quá trình thăng tiến sẽ trở nên nhanh chóng và dễ dàng cũng như vững bền theo thời gian.