Được thoả sức vùng vẫy trong khu vực an toàn của riêng mình luôn đem lại cho chúng ta cảm giác tự tin và thoải mái. Thế nhưng đừng để nó ngăn cản bạn khám phá những khả năng tiềm tàng của bản thân mà bấy lâu nay không nhận ra.
Vùng an toàn là gì?
Chúng ta sinh ra không tự nhiên trở nên tự tin. Con người đều sẽ cảm thấy sợ hãi về những điều mới mẻ, những điều mà mình chưa bao giờ làm. Chúng ta thường sẽ muốn làm rất nhiều việc, nhưng nỗi sợ và sự tự ti rằng mình không làm được cản trở ta thực hiện những việc đó. Vì vậy, rất nhiều người chọn cách sống trong vùng an toàn của bản thân. Nơi mà khiến họ thoải mái, cảm thấy an toàn, dễ chịu, không có sự ngạc nhiên hay lo lắng nào.
Ai trong mỗi chúng ta đều có 3 vùng tâm lý khác nhau:
- The Comfort Zone – vùng an toàn hay vòng tròn thoải mái;
- The Growth Zone – vùng phát triển hay vòng phát triển, còn gọi là Learning Zone – vùng học hỏi;
- The Panic Zone – vùng hoảng loạn hay vòng sợ hãi.
Đừng mãi quẩn quanh trong vùng an toàn
Vùng an toàn (Comfort Zone) là nơi mọi người dễ dàng kiểm soát mọi thứ mà không hề gặp bất cứ rủi ro nào. Ví dụ: tại nơi làm việc, đó là vị trí mà bạn đã làm thuần thục, có thể lường trước mọi vấn đề đến từ công việc, con người hay những sự cố phát sinh ngoài ý muốn và giải quyết chúng một cách nhanh gọn. Nhưng khi bạn ở nguyên vị trí đó, sẽ không có áp lực, thách thức nào phải vượt qua đồng nghĩa với việc không có cơ hội phát triển.
Xem thêm: Giữa áp lực cuộc sống bủa vây, làm thế nào để luôn lạc quan và vui vẻ?
Không những vậy, khi quẩn quanh trong vùng an toàn, chúng ta sẽ bị bủa vây bởi những nỗi sợ đeo bám mãi mãi không lối thoát: sợ thua cuộc, sợ thất bại, sợ tổn thất, mất mát… Vô vàn các nỗi sợ hãi xuất hiện gây cản trở bạn thăng tiến trên con đường sự nghiệp.
Xem thêm: Bóng ma trầm cảm gây hoảng sợ cho dân văn phòng: Làm sao để vượt qua?
Những lợi ích khi thoát khỏi vùng an toàn
Khi chúng ta bắt đầu chịu áp lực là lúc chúng ta bước dần ra khỏi vùng an toàn, để đến vùng phát triển, hay là vùng học hỏi. Đây là vùng nằm giữa vùng an toàn và vùng hoảng loạn, nơi mà bạn chưa từng đến. Sẽ có chút sợ hãi, lo âu, và kém tự tin khi nghĩ về nó, nhưng sẽ không đến nỗi sợ hãi đến mức hoảng loạn, chân tay cứng đơ, không thở nổi như ở vùng hoảng loạn.
Thật ra, thứ bạn sợ khi thoát khỏi vùng an toàn là rất mơ hồ, thiếu căn cứ và không rõ ràng. Tất cả những gì bạn sợ chỉ vì bản thân chưa thử bao giờ. Nhưng phải thử mới biết như thế nào, phải thử bạn mới khai phá ra tiềm năng của mình, khả năng của mình đến đâu. Chưa kể ít nhất bạn cũng nhận được nhiều bài học sau mỗi thất bại, từ đó vươn lên và chinh phục những đỉnh cao mới.
Rất nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng rời khỏi vùng an toàn sẽ giúp chúng ta tăng khả năng sáng tạo và kỹ năng năng đối phó với các sự cố bất ngờ. Hãy thử nghĩ xem, khi tiếp cận vấn đề theo một cách hoàn toàn khác, một phương pháp mới, bạn sẽ mở rộng được tầm hiểu biết, trở nên nhanh nhạy và linh hoạt hơn.
Xã hội ngày càng phát triển, mỗi người cần phải linh hoạt thích ứng, chuyển mình liên tục để đối mặt với những cơn sóng ập đến. Covid-19 chính là một ví dụ điển hình. Vượt lên mọi nghịch cảnh, tìm được cơ hội để phát triển trong đại dịch chính là tư duy khác biệt giữa người thành công và kẻ thất bại.
Một khi thành thạo trong việc đối phó với những điều không quen thuộc, bạn sẽ luôn bình tĩnh và tự tin hơn khi đương đầu với những thách thức mới. Việc này giúp bạn cải thiện khả năng thích ứng, được khám phá những trải nghiệm nghề nghiệp mới mẻ và thú vị nhờ đó nắm bắt những cơ hội quan trọng để tiến xa hơn nữa trong sự nghiệp.
Vậy làm thế nào để thoát khỏi vùng an toàn tại nơi làm việc?
Khi rời khỏi vùng an toàn, bạn phải từ bỏ quyền kiểm soát và sự quen thuộc, học hỏi và chấp nhận những rủi ro. Hãy chuẩn bị kỹ càng tâm thế để sẵn sàng thay đổi, dũng cảm dấn bước, dần nới rộng vùng an toàn và tự tin rời khỏi nó. Dưới đây là một số gợi ý mà Việc Làm 24h dành cho bạn:
Viết ra những việc khiến bạn cảm thấy tự tin và những điều khiến bạn lo sợ
Viết ra những điều khiến bạn tự tin sẽ giúp bạn hiểu được lợi thế và những ưu điểm của bản thân. Còn khi liệt kê những nỗi sợ hiện tại trong công việc là cách để bạn biết được mình cần khắc phục, cải thiện những kỹ năng nào. Điều này giúp bạn nhận diện được nỗi sợ, những trở ngại mà mình có thể gặp phải khi đối diện với thử thách mới, từ đó chủ động lập kế hoạch để vượt qua chúng.
Ví dụ: Bạn rất giỏi trong việc quản lý thời gian nhưng lại thấy lo sợ khi phải tham gia đàm phán, nêu ý kiến, nói trước đám đông…
Mở rộng kỹ năng
Những kỹ năng là hành trang vô cùng cần thiết và quan trọng mà bạn cần phải chuẩn bị thật kỹ nếu muốn ra khỏi vùng an toàn. Khi đã biết những điều mình lo sợ, hãy viết ra từng bước mà bạn sẽ thực hiện để cải thiện nó.
Chẳng hạn như bạn sợ nói trước đám đông, hãy can đảm đối mặt với nỗi sợ đó, giải quyết nó bằng cách tham gia một khóa học phát triển kỹ năng thuyết trình, thực hành và luyện tập nhiều với bạn bè… Khi bạn bắt tay vào thực hiện những bước đầu để giải quyết nỗi sợ hãi thì việc vượt qua chúng cuối cùng cũng sẽ dễ dàng hơn rất nhiều. Đầu tư thời gian và công sức vào việc trau dồi các kỹ năng mềm sẽ mở ra nhiều cơ hội tuyệt vời mà bạn không bao giờ tưởng tượng.
Ngoài ra, giao lưu, gặp gỡ nhiều người cùng chí hướng cũng là cách để bạn nâng cao kỹ năng giao tiếp, tự tin hơn, đồng thời học hỏi được những quan điểm mới lạ, các phương pháp làm việc hiệu quả… để có thể áp dụng trong công việc của mình.
Từng bước thực hiện những thay đổi
Bạn cần thực hiện từ từ từng bước tiến một, không cần vội vàng mà hãy bắt đầu từ những thay đổi nhỏ để bản thân dần thích nghi với “môi trường” mới. Sau đó hãy tiến đến thực hiện các bước chuyển lớn để bứt phá và chạm lên những đỉnh cao. Hãy nhớ rằng những tiến bộ mỗi ngày tuy nhỏ nhưng sẽ vô cùng lớn nếu nó kéo dài theo thời gian. Khi ngoảnh lại, bạn sẽ bất ngờ với sự thay đổi ngoạn mục của chính bản thân mình đấy.
Đảm nhận một nhiệm vụ mới
Một trong những cách bước ra khỏi vùng an toàn nhanh nhất để có bước chuyển lớn trong công việc đó chính là đảm nhận một nhiệm vụ mới. Mục tiêu không phải là ôm đồm thêm việc mà là để một thử thách mới từ từ phá vỡ thói quen hàng ngày khiến bạn phải suy nghĩ và hành động khác so với trước đây.
Giả dụ, bạn tham gia thực hiện một dự án mới hoặc đề xuất một quy trình hoạt động lên cấp trên. Đưa ra những sáng kiến để tăng hiệu quả công việc chắc chắn sẽ mang đến cho bạn những cơ hội mới để làm việc với những người đồng nghiệp tài năng, được trải nghiệm các quy trình hoặc công nghệ tiên tiến. Không những vậy, nó còn tác động tích cực đến hiệu suất công việc và khả năng thăng tiến của bạn trong tương lai.
Tóm lại, mở rộng vùng an toàn là một phần quan trọng của quá trình học hỏi và phát triển cả về bản thân lẫn sự nghiệp. Vùng an toàn càng rộng, bạn càng có nhiều cơ hội phát triển và gặt hái được nhiều thành công rực rỡ trong sự nghiệp. Và đây chính là lúc để bạn bước ra khỏi vùng an toàn của chính mình. Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h “thay đổi để bứt phá” nhé!
Xem thêm: Bật mí 5 tuyệt chiêu nâng cao tinh thần làm việc của nhân viên hiệu quả