Dù bạn là sinh viên đại học, nhân viên công sở hay giám đốc của một công ty, việc có những người cố vấn (mentor) sẽ giúp ích rất nhiều cho công việc và cuộc sống. Làm việc với mentor có thể thúc đẩy sự phát triển bản thân, thăng tiến nghề nghiệp hay vượt qua những khó khăn… Tuy nhiên tìm mentor không phải là nhiệm vụ dễ dàng. Vậy làm thế nào để tìm được mentor? Hãy cùng Việc Làm 24h tìm hiểu về chủ đề mentor là gì và các bước để tìm cũng như duy trì mối quan hệ với mentor qua bài viết này.
Mentor là gì?
Mentor (người cố vấn) là một cá nhân có kinh nghiệm, đóng vai trò hướng dẫn, hỗ trợ người khác, thường là người ít kinh nghiệm hơn (người được cố vấn). Có nhiều cách khác nhau để mentor hỗ trợ người khác. Chẳng hạn như là người tham khảo hoặc giới thiệu người được cố vấn đến các công ty; đưa ra những lời khuyên về cách viết CV, luyện tập phỏng vấn, cách thăng tiến trong sự nghiệp…
Người cố vấn có thể lớn hoặc nhỏ tuổi hơn, ở vị trí cao hay thấp hơn người được cố vấn. Yếu tố xác định mentor đơn giản là có nhiều kiến thức và kinh nghiệm về một lĩnh vực. Do đó, chức danh công việc hay tuổi tác không phải là thước đo của mentor.
Các hình thức mentor phổ biến là gì?
Mặc dù có rất nhiều hình thức mentor nhưng phổ biến nhất là 3 hình thức sau:
- Cố vấn ngang hàng (peer mentors): là đồng nghiệp hoặc bạn bè đồng trang lứa cùng hướng dẫn, giúp đỡ nhau.
- Cố vấn nghề nghiệp (career mentors): thường có vị trí cao hơn những người được cố vấn. Các mentor này sẽ giúp người khác hiểu được vai trò nghề nghiệp hiện tại và định hướng phát triển cho tương lai.
- Cố vấn cuộc sống (life mentors): đây là những người có nhiều kinh nghiệm sống, những lời khuyên của họ thường có giá trị cao giúp người được cố vấn giải quyết vấn đề của họ.
Vai trò của mentor là gì?
Mục đích của mentor là giúp bạn phát triển trở thành phiên bản tốt nhất của chính mình. Điều này có thể liên quan đến việc hỗ trợ bạn đạt được các mục tiêu cá nhân, chia sẻ những bài học cuộc sống quý giá, khám phá tiềm năng và hạn chế của bản thân…
Ngoài ra, được học hỏi từ một người có nhiều kinh nghiệm là cơ hội vô giá dù bạn mới bắt đầu công việc đầu tiên hay đang đi trên con đường sự nghiệp của mình. Con người rất dễ bị lạc lối khi gặp khó khăn, thử thách hay chỉ đơn giản là vì những áp lực hay nhịp sống bận rộn. Những lúc như vậy, mentor chính là người định hình lại quan điểm, tư duy để bạn nhìn thấy điểm bắt đầu mới từ nghịch cảnh.
Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh
Các bước để tìm và phát triển mối quan hệ với mentor là gì?
Khám phá và xác định các mentor tiềm năng
Đây có thể là những cá nhân mà bạn đã có mối quan hệ hoặc những người bạn tôn trọng và yêu quý. Mentor có thể là bất kỳ ai có khả năng tư vấn về lĩnh vực cụ thể bất kể chức danh hay tuổi tác. Bạn có thể có nhiều người cố vấn, chẳng hạn như một người giúp bạn cải thiện kỹ năng giao tiếp, người khác giúp bạn hiểu rõ hơn về kiến thức chuyên môn.
Có 2 yếu tố giúp bạn xác định mentor đó là họ có kiến thức, kinh nghiệm và sẵn sàng hướng dẫn bạn. Những nguồn lực giúp bạn tìm được mentor có thể kể đến như các chương trình tư vấn cộng đồng, mạng lưới và tổ chức chuyên nghiệp mang đến cơ hội kết nối với những người khác trong lĩnh vực, ví dụ như LinkedIn…
Liên hệ với mentor tiềm năng
Khi đã xác định được cố vấn khả thi, hãy liên hệ để tìm hiểu liệu họ có sẵn sàng hỗ trợ bạn không. Ở bước này, bạn không nên trực tiếp yêu cầu người khác làm cố vấn, thay vào đó chỉ cần xem họ có kết nối và thảo luận về chủ đề bạn đang quan tâm hay không.
Nếu họ từ chối vì quá bận rộn hoặc không sẵn lòng thảo luận, hãy cảm ơn và tìm kiếm mentor tiềm năng khác.
Gặp gỡ và thảo luận
Trước khi gặp cố vấn tiềm năng, bạn nên chuẩn bị sẵn các câu hỏi cụ thể và hiểu rõ mục tiêu của mình để mentor biết cách tốt nhất hỗ trợ bạn. Trong cuộc trò chuyện, cần tập trung vào mục đích chính đó là nhận lời khuyên và hướng dẫn về chủ đề cụ thể. Không cần thảo luận trong thời gian dài với mentor, chỉ 15 phút cũng có thể hữu ích nếu bạn đã chuẩn bị sẵn sàng cho cuộc gặp gỡ này. Khi kết thúc, hãy cảm ơn họ đã dành thời gian và thể hiện thành ý cuộc hẹn tiếp theo.
Nuôi dưỡng mối quan hệ với mentor
Sau cuộc gặp đầu tiên, bạn nên tiếp tục giữ liên lạc và cập nhật về tiến trình cho mentor. Tùy thuộc vào mục tiêu và thời gian của mentor, bạn có thể lên lịch cho các cuộc gặp cố định như hàng tuần, hàng tháng hoặc hàng quý. Ngoài ra, bạn cũng có thể cân nhắc đề nghị họ làm cố vấn chính thức cho mình.
Tôn trọng ranh giới với mentor
Mentor cũng có công việc và cuộc sống riêng do đó tôn trọng ranh giới với họ là điều quan trọng. Bạn nên lưu ý không gây phiền toái bằng những yêu cầu ảnh hưởng đến thời gian của họ. Ví dụ nếu muốn nhận phản hồi về một dự án cụ thể, hãy đảm bảo dành cho mentor nhiều thời gian hơn là gửi cho họ bản thảo vào phút cuối.
Tạo mối quan hệ hai chiều
Bạn hoàn toàn có thể giúp đỡ cho người cố vấn bất cứ khi nào có cơ hội. Mặc dù hầu hết mentor không mong đợi bạn đáp lại nhưng việc này là hành động tốt khi họ cảm nhận được sự chân thành từ bạn.
Tạo mạng lưới với các mentor
Không có mentor nào có thể cung cấp cho bạn mọi thứ bạn cần. Do đó, hãy xem xét việc tạo mạng lưới cố vấn cho bản thân. Chẳng hạn như mentor này sẽ hỗ trợ bạn về kỹ năng quản lý, mentor khác sẽ giúp cải thiện kỹ năng mềm… Mạng lưới này sẽ giúp bạn mở rộng hiểu biết, phát triển nhiều kỹ năng và kết nối với các chuyên gia trong nhiều lĩnh vực.
Thay đổi mentor khi cần nhưng vẫn giữ liên lạc
Khi bạn bắt đầu có nhiều kinh nghiệm hơn hay chuyển sang vị trí khác, có thể bạn sẽ cần mentor mới. Điều này yêu cầu sự nỗ lực từ bạn để thay đổi người cố vấn trong quá trình học tập và làm việc. Tuy nhiên không có nghĩa là bạn cắt đứt liên hệ với các mentor cũ. Thay vào đó, cố gắng duy trì liên lạc và hỗ trợ họ trong những trường hợp cần thiết.
Đôi khi có thể rất khó khăn để tìm mentor. Tuy nhiên không vì thế mà nản lòng, điều quan trọng là bạn cần có sự nỗ lực để vượt qua những khoảnh khắc tiêu cực trong công việc và cuộc sống. Mentor là cần thiết nhưng tự thân vẫn là yếu tố quyết định. Hãy cố gắng sống hết mình, làm những điều cần làm và mentor sẽ xuất hiện vào đúng thời điểm trong cuộc đời bạn. Với bài viết về mentor là gì của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h, mong rằng bạn đọc sẽ sớm tìm được người cố vấn cho bản thân.
Xem ngay: Những điều bạn cần lưu ý tuyệt đối không nên nói khi đi ăn chung với sếp