Nghiện mạng xã hội: Phụ thuộc cảm xúc vào thế giới ảo, quên mất đời thực

Cô đơn trên mạng, bắt nạt ảo và nhiều vấn đề về sức khỏe tinh thần là những tác hại của chứng nghiện ngập mạng xã hội có thể gây ra. Vì sao mạng xã hội gây nghiện đến thế? Nghiện mạng xã hội dẫn đến những hậu quả nào và làm sao để cai nghiện mạng xã hội? Mời bạn cùng tham khảo bài viết sau của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h để phần nào tự mình có được câu trả lời.

Dấu hiệu nghiện mạng xã hội

Hành động đầu tiên khi thức dậy là vơ điện thoại để kiểm tra thông báo Facebook, TikTok hoặc Instagram. Cập nhật trạng thái bất kể vui hay buồn, check-in mọi lúc mọi nơi. Bạn dự định chỉ lướt mạng xã hội 15 phút nhưng vèo cái 3 giờ trôi qua và bạn nhận ra mình vừa lãng phí 3 giờ mà không giải quyết được việc gì… Đó chỉ là những dấu hiệu thường gặp của chứng nghiện ngập mạng xã hội. 

nghiện mạng xã hội
Thường xuyên kiểm tra thông báo mạng xã hội là một trong những biểu hiện của chứng nghiện dùng mạng xã hội.

Ngoài ra, hội chứng này còn nhiều biểu hiện khác như:

  • Liên tục kiểm tra bình luận, tin nhắn, lượt thích trên mạng xã hội vài phút một lần.
  • Đăng trạng thái (Status) thường xuyên.
  • Hashtag về mọi thứ bạn có thể nghĩ ra.
  • Không còn muốn tham gia nhiều trải nghiệm trong đời thực.
  • Cảm thấy hẫng hụt, buồn khi không có ai thả tim hay bình luận về dòng cập nhật bạn vừa đăng trên mạng xã hội.
  • Ám ảnh về việc chia sẻ trực tuyến.
  • Cầm theo điện thoại để kiểm tra mạng xã hội bất cứ khi nào rảnh tay, kể cả lúc đi vệ sinh. 
  • Có tâm lý so sánh mình với người khác trên không gian mạng xã hội.
  • Quan tâm quá nhiều vào việc tăng lượt theo dõi.
  • Đánh giá người khác qua hồ sơ cá nhân mạng xã hội của họ.
  • Chụp hình mọi thứ quanh mình để đăng lên Internet.
  • Thường xuyên lướt mạng xã hội dù không có mục đích gì.
  • Chỉ muốn trò chuyện với mọi người qua mạng xã hội chứ không muốn giao tiếp ngoài đời thực. 
nghiện mạng xã hội
Ngắt dần kết nối với đời sống thực là dấu hiệu cho thấy bạn đang chìm đắm trong thế giới ảo của mạng xã hội.

Vì sao ngày càng nhiều người nghiện mạng xã hội?

Nghiện Dopamine

Các nghiên cứu từ Đại học Harvard khi thực hiện quét MRI trong não đã cho thấy: khi nói về bản thân, não bộ chúng ta xuất hiện những vùng “hạnh phúc”. Và mạng xã hội là cách nhanh chóng và đơn giản nhất để bất cứ ai cũng có thể nói về bản thân. Càng nhiều lượt thích, lượt chia sẻ, càng làm tăng niềm vui cho người đăng tải.

Lúc này, các tế bào thần kinh sẽ giải phóng hormone dopamine (cảm giác dễ chịu) báo hiệu tới các tế bào thần kinh khác để khiến bạn cảm thấy vui sướng và mãn nguyện. 

Thậm chí ngày nay, mạng xã hội còn phát triển ra các video ngắn – loại nội dung có khả năng mang lại cảm xúc nhanh, ngắn khiến cơ chế này được kích hoạt liên tục, thúc đẩy người dùng đến sự nghiện ngập ở mức độ cao. 

Việc nghiện cảm giác vui sướng, mãn nguyện này sẽ khiến bạn rơi vào vòng lặp và ngày càng muốn đăng và lướt mạng nhiều hơn.

Xem thêm: Dopamine Detox là gì? Bật mí 6 cách giúp tăng Dopamine tích cực

nghiện mạng xã hội
Sử dụng mạng xã hội có thể mang tới cảm xúc vui sướng, mãn nguyện trong thời gian ngắn và gây nghiện.

Nhu cầu kết nối

Kết nối là những nhu cầu cơ bản của con người. 

Chỉ với thao tác đăng bài trên mạng xã hội, bạn có cảm giác như bạn đang kết nối với cả thế giới. Một buổi livestream đông người xem, cho bạn cảm giác như đang nói với cả thế giới. 

Mạng xã hội chỉ là nơi tiếp nhận thông tin, lưu trữ dữ liệu, tập hợp và thể hiện trên giao diện đặc trưng của không gian mạng. Nhưng nó lại đang khiến người ta lầm tưởng rằng mình đang thực sự kết nối với thế giới. 

FOMO (fear of missing out) 

FOMO còn gọi là cảm giác sợ bị bỏ lỡ một điều gì đó. Việc tin tức được cập nhật liên tục trên mạng xã hội realtime (theo thời gian thực) khiến cho khi không sử dụng, con người luôn có cảm giác bồn chồn, lo lắng. Bạn lo sợ rằng: Liệu mình có đang bỏ lỡ điều gì đó mà cả thế giới đang quan tâm hay không. Bạn lo lắng liệu mình có đang lỡ mất một bình luận hay tin nhắn từ một người bạn trên mạng hay không. Thực tế, điều này phản ánh sự thiếu tự tin của bản thân, cũng như thiếu đi sự kết nối thực sự với thế giới. 

nghiện mạng xã hội
FOMO là một trong những hội chứng dẫn tới chứng nghiện sử dụng mạng xã hội. 

Mong muốn thuộc về

Con người mong muốn thuộc về một cộng đồng nào đó, đi kèm với mong muốn thuộc về là cảm giác muốn được công nhận và sợ bị từ chối. 

Trên mạng xã hội, nhu cầu này không chỉ thể hiện qua việc tương tác, còn qua lời mời và chấp nhận kết bạn. Bạn có thể thấy, các mạng xã hội khuyến khích người dùng đăng tải nội dung thường xuyên và những nội dung có sức lan tỏa mạnh. Bài viết càng được tương tác mạnh, càng mang tới cảm giác được công nhận. Nếu không, những bài viết đó sẽ nhanh chóng chìm vào quên lãng để nhường chỗ cho những bài viết có lượng thích, tương tác tốt hơn. Như vậy, từ vai trò kết nối đơn thuần ban đầu, mạng xã hội trở thành “cuộc chiến” về nội dung sao cho thu hút và hấp dẫn càng nhiều tương tác càng tốt. 

Ngoài ra, các tính năng tag bạn bè, sử dụng hashtag còn gửi thông báo tới người khác để thu hút sự bàn luận cùng nhau về một chủ đề, lôi kéo nhiều người khác cũng trở thành “con nghiện” giống bạn.

nghiện mạng xã hội
Những cộng đồng ảo trên mạng xã hội giúp thoả mãn cảm giác thuộc về của con người. 

Hậu quả của việc nghiện mạng xã hội

Bản chất của mạng xã hội không xấu, đây thực sự là nơi con người có thể chia sẻ, trao đổi thông tin, học tập và mở mang thêm nhiều cơ hội kết nối. Nhưng nếu không biết cách quản lý thói quen sử dụng mạng xã hội, bạn có thể gặp phải không ít tác hại như:

Giảm năng suất 

Mạng xã hội là một trong những tác nhân gây sao nhãng và làm suy giảm năng suất công việc. Khi bạn đang cần tập trung hoàn thành báo cáo, những tiếng “ting” từ thông báo mạng xã hội khiến bạn nôn nao, bứt rứt và tò mò xem đó là thông báo gì.

Điều này không chỉ giảm năng suất làm việc mà lâu dần còn dẫn đến sự trì hoãn công việc, khiến bạn chần chừ hơn khi ra quyết định.

nghiện mạng xã hội
Một trong số các tác hại của nghiện mạng xã hội là gây xao nhãng và làm giảm năng suất làm việc. 

Trốn tránh đời sống thực

Nhiều người tìm tới mạng xã hội và đắm mình trong thế giới tương tác ảo đôi khi để trốn thoát thực tại. Họ muốn tạm lánh khỏi những trục trặc trong mối quan hệ hoặc công việc mà đáng lẽ họ phải tập trung giải quyết. Điều này làm các mối quan hệ trong đời thực vốn đã thờ ơ lại càng không được giải quyết và trở nên trầm trọng.

Nghiện mạng xã hội khiê kết nối lỏng lẻo hơn với thế giới thực

Mạng xã hội khiến con người giảm tương tác với thế giới thực. Thay vì những bữa cơm quây quần, trò chuyện, người ta ăn uống mà vẫn lướt mạng xã hội, người ta đi cà phê với bạn và lướt mạng xã hội… Thay vì tự mình tận hưởng, thưởng thức bữa ăn ngon, người ta quan tâm nhiều hơn tới số lượt thích và bình luận về bức ảnh check-in ở nhà hàng. Thay vì nói chuyện với người đang ngồi đối diện bàn ăn, người ta trả lời bình luận cho bài đăng check-in vừa xong. 

Có những người có thể live stream, nói chuyện và chat chit rất nhiều trên mạng xã hội, nhưng lại không biết cách mở lời hay phải chuyện trò như thế nào trong đời sống thực. Điều này càng khiến họ dính chặt lấy thế giới ảo, làm lỏng lẻo đi các kết nối quan trọng trong cuộc đời và trở thành cái vòng lặp vô tận khiến người nghiện ngập mạng xã hội khó hoà nhập lại với đời sống thực. 

nghiện mạng xã hội
Nhiều người có thể hoạt động sôi nổi trên mạng xã hội nhưng lại không biết cách kết nối trong chính thế giới thực. 

Ghen tị

Một tác hại khác dễ thấy của mạng xã hội chính là mang đến thêm áp lực từ cộng đồng khi khiến người ta dễ dàng có tâm lý so sánh. Đời sống đã đủ áp lực rồi, lướt mạng xã hội giải trí lại thấy hết bạn bè tới người thân, họ hàng khoe ảnh đi du lịch, ăn tối ở nhà hàng xa xỉ, người thì vừa giành học bổng, người lại mới thăng chức…

Khi thấy người khác chia sẻ về cuộc sống đáng ao ước của họ, tâm lý ghen tị có thể xuất hiện và khiến bạn cũng mong muốn được như vậy. Bạn không hài lòng với cuộc sống của mình, bắt đầu thấy mình yếu kém, mất đi sự tự tin vào bản thân và ngày càng áp lực hơn.

Sự ghen tị này không chỉ tạo ra cảm giác lo âu mà về lâu dài có thể phát triển thành nhiều hình thức rối loạn tâm lý nguy hiểm hơn. 

Cô đơn trên mạng

Cụm từ này chắc không còn quá xa lạ với nhiều người. Bạn có cả list bạn gần trăm người đều đang sáng nick trên thanh chat, nhưng thực sự không có lấy một ai để tâm sự. Bài đăng của bạn có cả trăm lượt like, hàng chục bình luận, nhưng nhìn lại căn phòng nơi bạn ngồi, người thực sự có thể chia sẻ ở ngay cạnh thì không có một ai. Sự hoạt động tích cực trên mạng xã hội không những không thể xoá nhoà đi cảm giác cô đơn trong đời sống thực mà thậm chí còn làm trầm trọng nó. 

Nhiều nghiên cứu đã chỉ ra rằng, việc lạm dụng mạng xã hội liên tục làm gia tăng cảm giác cô đơn và nguy cơ trầm cảm. 

Nguy cơ về bắt nạt “ảo” 

Không chỉ tương tác đơn thuần, không ít người lợi dụng mạng xã hội để bắt nạt người khác hoặc khiến chính mình trở thành người bị bắt nạt. Đây còn gọi là hiện tượng bắt nạt ảo (Cyberbullying) khiến nạn nhân phải nhận lấy thêm nhiều tổn thương về mặt tâm lý. 

Các dấu hiệu của việc bắt nạt ảo rất đa dạng: bình luận ác ý, thả icon tức giận, tung tin đồn thất thiệt, miệt thị về ngoại hình…

Nghiêm trọng hơn, những ảnh hưởng này có thể dẫn đến suy kiệt về tinh thần và khiến người bị bắt nạt rất khó phục hồi, thậm chí là tìm tới cái chết để giải thoát. 

Xem thêm: Body Shaming là gì? Đừng để lời nói trở thành vũ khí sát thương nơi công sở

Vấn đề sức khoẻ khác

Ngoài các tác hại trên, việc thường xuyên sử dụng mạng xã hội trên các thiết bị điện tử còn gây ảnh hưởng tới thị lực và nhiều tác động xấu tới sức khoẻ như:

  • Chứng đau lưng, cổ vì liên tục phải cúi xuống để nhìn vào màn hình điện thoại.
  • Chứng ống cổ tay: đau và tê bì nhiều ngón tay, bàn tay.
  • Nhức đầu.
  • Rối loạn giấc ngủ do tiếp xúc với ánh sáng xanh của màn hình trước khi ngủ. 
nghiện mạng xã hội
Sử dụng mạng xã hội liên tục còn dẫn đến nhiều ảnh hưởng xấu tới sức khoẻ. 

Cách cai nghiện mạng xã hội

Mạng xã hội có nhiều công dụng nhưng cũng đem đến không ít tác hại, đặc biệt là tạo ra những “con nghiện” mạng xã hội. Nhưng làm sao để cai nghiện được và giành lại cho mình đời sống lành mạnh, tự do, hạnh phúc? Sau đây là vài lời khuyên bạn có thể tham khảo:

Giảm thời gian sử dụng

Nghiên cứu từ Đại học Pennsylvania năm 2018 cho thấy: giảm thời gian dùng mạng xã hội mỗi ngày còn 30 phút có thể giúp làm giảm đáng kể lo lắng, cô đơn, trầm cảm, và chứng khó ngủ…

Để thực sự có thể giảm dần thời gian sử dụng mạng xã hội, bạn có thể bắt đầu đặt ra cho mình những nguyên tắc như:

  • Có thể sử dụng ứng dụng theo dõi thời gian dùng mạng xã hội và đặt ra thời gian sử dụng mạng xã hội mỗi ngày. 
  • Cố gắng tránh xa điện thoại khi đang họp, làm việc cần tập trung, lái xe hay tập thể dục.
  • Cố gắng tránh xa điện thoại ít nhất 30 phút trước khi ngủ.
  • Tắt thông báo mạng xã hội. 
  • Xoá ứng dụng mạng xã hội không quá cần thiết.

Tăng kết nối trong đời sống thực

Bạn có thể bắt đầu dành nhiều thời gian hơn với bạn bè, người thân trong không gian thực thay vì qua mạng xã hội. 

  • Dành thời gian với con.
  • Dành thời gian giúp đỡ vợ, chồng hoặc bố mẹ việc nhà.
  • Cùng bạn bè thực hiện những trò chơi yêu thích hoặc các buổi nói chuyện không có sự tham gia của điện thoại.
  • Không sử dụng điện thoại trong bữa ăn dù ăn ở nhà hay đi ăn ngoài với bạn bè.

Tham gia những hội nhóm thực tế

Bên cạnh tham gia những hội nhóm có chung sở thích trên mạng xã hội, bạn nên tăng cường những sinh hoạt thực tế tại câu lạc bộ hoặc sinh hoạt tập thể để tăng thêm thời gian tiếp xúc hoặc trò chuyện với mọi người. Điều này giúp nâng cao khả năng giao tiếp và sự tương tác có ý nghĩa với cuộc sống.

Hướng dẫn sử dụng mạng xã hội cho người trẻ

Trẻ em, trẻ vị thành niên hoặc người trẻ thường là những người dễ chịu ảnh hưởng và bị tổn thương nhiều nhất từ việc dùng mạng xã hội thiếu kiểm soát. 

Để bảo vệ và hạn chế tác động xấu từ mạng xã hội, bố mẹ hoặc người phụ trách cần hướng dẫn các em việc sử dụng mạng xã hội đúng cách:

  • Hạn chế thời gian các em sử dụng mạng xã hội.
  • Nếu có, nên được giám sát và thường xuyên theo sát các nội dung em theo dõi.
  • Chỉ nên sử dụng mạng xã hội vào một số thời điểm nhất định trong ngày.
  • Cài đặt các chính sách về quyền riêng tư trên nền tảng mạng xã hội để hạn chế các em bị lừa đảo hoặc bắt nạt trên mạng. 
  • Nếu các em gặp các vấn đề với mạng xã hội, nên trò chuyện và hỗ trợ các em giải quyết. 
  • Tăng cường thời gian chơi cùng nhau hoặc tập thể dục, tham gia các hoạt động thực tế để giảm thời gian dùng mạng xã hội. 

Tạm kết

Trên đây, Việc Làm 24h đã chia sẻ tới bạn những thông tin cơ bản về hội chứng nghiện mạng xã hội, các dấu hiệu cũng như lợi ích và tác hại của mạng xã hội. 

Mong rằng, những chia sẻ này sẽ giúp bạn nhận ra những dấu hiệu sớm của chứng nghiện mạng xã hội trước khi nó ảnh hưởng tới cuộc sống. Từ đó, giúp bạn biết cách dần dần cai nghiện mạng xã hội để hướng tới cuộc sống lành mạnh, trọn vẹn hơn.

Xem thêm: Thiết kế cuộc đời: Bạn là kiến trúc sư tự xây cuộc sống đáng mơ ước

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục