Dưới góc nhìn của phần lớn xã hội, nhạy cảm bị cho là yếu đuối, cảm tính. Tuy nhiên xét về khía cạnh tâm lý học, nhạy cảm không hoàn toàn tiêu cực, hơn thế nữa lại là ưu thế trong một số lĩnh vực nhất định. Vậy nhạy cảm là gì, người nhạy cảm là gánh nặng hay may mắn trời ban? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây.
Nhạy cảm là gì? Người nhạy cảm là như thế nào?
Trong tiếng Anh, có một thuật ngữ chỉ về người có tính nhạy cảm cao là highly sensitive person (HSP). HSP lần đầu tiên được đặt ra bởi nhà tâm lý học Elaine Aron vào năm 1996 và bản thân cô cũng là một HSP. Elaine Aron cho rằng nhạy cảm mang tính di truyền, đã có ngay từ khi sinh ra. Nói cách khác bạn không lựa chọn nhạy cảm hay không, đồng thời cũng không thể cố gắng để trở thành người nhạy cảm.
Người nhạy cảm có 4 đặc điểm sau:
1. Xử lý thông tin theo chiều sâu (Depth of processing)
HSP xử lý tất các loại thông tin sâu sắc hơn người khác và mất nhiều thời gian hơn để đưa ra quyết định. Quá trình này diễn ra theo 2 cách là vô thức và có ý thức. Trong đó, vô thức thông qua cảm xúc hoặc linh cảm. Còn có ý thức là phân tích các thông tin được truyền đạt qua giao tiếp trong các mối quan hệ.
2. Sự kích thích quá mức (Overstimulation)
Người nhạy cảm chú ý nhiều hơn những người khác trong cùng một tình huống hoặc môi trường, bao gồm cả cảm xúc của người xung quanh (mặc dù có thể họ không bộc lộ), mức độ tiếng ồn, mùi và các yếu tố khác. Đây có thể là ưu điểm nhưng cũng dẫn đến căng thẳng quá mức. Nhìn chung, người nhạy cảm rất dễ hào hứng, phấn khích nhưng cũng rất dễ mệt mỏi hay kiệt sức.
3. Dễ phản ứng về mặt cảm xúc (Emotional creativity)
HSP thường có nhiều cảm xúc mãnh liệt hơn so với người bình thường. Điều này làm tăng sự nhạy cảm của họ đối với cảm xúc của người khác nên họ có khả năng đồng cảm cao và trực giác tốt.
4. Giác quan nhạy cảm (Sensory sensitivity)
Người nhạy cảm dễ cảm nhận được những chi tiết xung quanh dù là nhỏ nhặt. Do đó có thể giúp bảo vệ họ khỏi những mối nguy không lường trước.
Với những đặc tính trên, có thể thấy sự nhạy cảm có những tác động nhất định cả về mặt tích cực lẫn tiêu cực đến con người. Vậy rốt cuộc nhạy cảm là món quà trời ban hay gánh nặng mà ai đó phải mang theo?
Xem thêm: 10 bí quyết ngủ ngon dù căng thẳng giúp dân văn phòng sạc lại năng lượng
Tại sao người nhạy cảm là may mắn?
1. Khả năng sáng tạo và thẩm mỹ cao của nhạy cảm là gì?
Sở dĩ gọi là món quà trời ban vì HSP sở hữu khả năng sáng tạo, thẩm mỹ cao, rất nhạy cảm với vẻ đẹp của tự nhiên và nghệ thuật. Họ luôn dành thời gian nhiều cho việc xử lý thông tin theo chiều sâu, nhìn nhận mọi thứ sâu sắc, cảm nhận giác quan tốt nên những ý tưởng của họ luôn mới mẻ, vượt khỏi tiêu chuẩn bình thường và thể hiện được cái tôi riêng của mình. Do đó các lĩnh vực về sáng tạo, nghệ thuật luôn cần sự nhạy cảm và đời sống nội tâm phong phú để gắn bó lâu dài và thăng hoa hơn.
2. Luôn được yêu mến vì dễ dàng đồng cảm và thấu hiểu người khác
Vốn bản tính nhạy cảm sẵn có nên HSP luôn là người lắng nghe và an ủi người khác. Vì thấu hiểu cảm xúc của người đối diện nên người nhạy cảm luôn dành sự chân thành khi đưa ra lời khuyên hơn là những câu từ sáo rỗng. Chính vì vậy mà người khác cảm thấy tin tưởng, dễ chịu và thoải mái khi ở bên những người nhạy cảm khi mệt mỏi hay gặp vấn đề. Đây cũng là lý do khiến HSP luôn được yêu mến và có những mối quan hệ bền chặt.
3. Tinh ý trong ứng xử của nhạy cảm là gì?
Nhờ khả năng nhận thấy những tiểu tiết từ môi trường xung quanh nên người nhạy cảm có thể ghi điểm trong mắt người khác với lối ứng xử tinh tế. Chẳng hạn như cách nói chuyện của sếp có vẻ không được vui, đồng nghiệp vui vẻ hơn bình thường, người bạn dùng nước hoa khác mọi khi… Từ đó có thể dự đoán tình huống và phản ứng phù hợp với từng trường hợp khác nhau.
4. Luôn hài lòng và trân trọng mọi thứ đang có
Không giống những người khác luôn mong cầu nhiều hơn hay tìm kiếm những giá trị bên ngoài, người nhạy cảm lại có suy nghĩ sâu sắc và góc nhìn đa chiều hơn. Họ cảm nhận được cái đẹp từ xung quanh như cỏ cây hoa lá, âm nhạc, đồ ăn, công việc đang làm,… từ đó nhìn rõ được bản chất của mọi thứ. Do vậy luôn biết ơn, trân trọng tất cả và sống hết mình cho hiện tại với những gì đang có.
Gánh nặng của tính nhạy cảm là gì?
1. Dễ bị overthinking và ảnh hưởng bởi những người xung quanh
HSP dễ bị căng thẳng do xung đột vì họ nhận thức rõ ràng về những rắc rối nảy sinh trong một mối quan hệ.
Ngoài ra người nhạy cảm còn dễ bị rơi vào tình trạng quá tải, overthinking từ những suy nghĩ quá mức đối với mọi thứ xung quanh. Từ đó quan trọng hóa vấn đề không cần thiết.
Xem thêm: Healing là gì? Bật mí TOP 5 bộ phim healing xoa dịu tâm hồn đáng xem
2. Nhạy cảm với kỳ vọng của người khác
HSP có thể nắm bắt được nhu cầu và cảm xúc của người khác nên họ ghét để mọi người thất vọng. Học cách nói không là một thách thức đối với HSP vì họ dễ cảm nhận được sự thất vọng từ mọi người và họ không muốn điều đó.
Người nhạy cảm có xu hướng trở thành nhà phê bình tồi tệ nhất của chính họ. Họ cảm thấy có trách nhiệm với hạnh phúc của người khác hoặc ít nhất là nhận thức sâu sắc về điều đó khi có những cảm xúc tiêu cực hiệu hữu.
3. Nghi ngờ bản thân
Vì tư duy chỉ trích bản thân nên những người nhạy cảm hay nghi ngờ chính mình. Họ có thể nhớ khá lâu về một sai lầm nào đó trong quá khứ và cảm thấy dằn vặt, xấu hổ hơn người bình thường.
4. Khó chấp nhận lời phê bình
Đôi khi do quá nhạy cảm nên HSP thường không dễ chấp nhận những lời góp ý, phê bình. Họ có xu hướng làm quá mọi thứ lên như chỉ trích bản thân đã làm sai, đổ lỗi cho điều gì đó hay ám ảnh với những lời này như một bóng ma tinh thần.
Làm thế nào để bớt nhạy cảm hơn?
Sự thật mất lòng rằng chẳng có cách nào để một người là HSP bớt nhạy cảm hơn vì đó là một phần trong con người họ. Cách duy nhất đó chính là chấp nhận sống chung một cách vui vẻ và sử dụng sự nhạy cảm đúng cách. Khi đó từ gánh nặng, nhạy cảm sẽ trở thành món quà của tạo hóa dành cho HSP.
Vậy cách để đối phó với những tác động của tính nhạy cảm là gì?
Phần lớn HSP thường cảm thấy mệt mỏi với những căng thẳng do sự nhạy cảm của bản thân. Do đó, cách tốt nhất là cách ly khỏi những tác nhân kích thích cảm xúc và giác quan. Hãy tạo một rào cản, ranh giới giữa bạn và các yếu tố kích thích khiến bạn cảm thấy bị choáng ngợp. Do đó yêu cầu sự quan sát để biết những điều gì gây ra căng thẳng và học cách tránh chúng.
Xem thêm: Dấu hiệu nào cho thấy bạn đang bị căng thẳng trong công việc?
Dưới đây là một số cách tham khảo để HSP hòa hợp hơn với tính nhạy cảm:
– Tự tin: các HSP nên học cách tin tưởng vào bản thân và trực giác, điều này giúp xây dựng sự tự tin và tăng cường khả năng phục hồi khi đối mặt với những căng thẳng.
– Điều tiết cảm xúc: cần chú ý đến những khó chịu của cơ thể hay các triệu chứng vật lý khác khi rơi vào trạng thái không làm chủ được cảm xúc. Vì giảm thiểu kịp thời những cảm giác này giúp người nhạy cảm tránh được tình trạng rối loạn cảm xúc có thể tác động tiêu cực đến họ hoặc các mối quan hệ khác.
– Tạo không gian an toàn: không chỉ để thư giãn đây còn là nơi để HSP có những khoảng lặng, xoa dịu tâm hồn và quay về bên trong nhiều hơn.
– Thiền: thực hành thiền định sẽ hữu ích để kiểm soát những cảm xúc, hành động thái quá. HSP có thể chọn nhiều cách thiền khác nhau như ngồi tĩnh tâm, chú tâm vào hơi thở hay đi bộ hòa mình với thiên nhiên…
Xem thêm: Học thiền ở đâu? Gợi ý các khóa học thiền TPHCM, Hà Nội uy tín
– Học cách nói không với những yêu cầu quá sức và cảm thấy đây là điều hết sức bình thường.
Lời kết
Nhạy cảm không phải là khiếm khuyết, người nhạy cảm cũng không phải là những cá thể khác biệt. Nếu là một HSP, hãy tự tin là chính mình và nỗ lực thay đổi để hướng đến những điều tốt đẹp và phát huy tốt nhất sự nhạy cảm của bản thân. Qua bài viết này, Việc Làm 24h hy vọng bạn đọc đã hiểu rõ về nhạy cảm là gì và có góc nhìn tích cực hơn. Cuối cùng, người nhạy cảm là món quà hay lời nguyền, lựa chọn hoàn toàn nằm trong tay của bạn.
Xem thêm: Giải mã mô hình ASK: Công cụ hữu hiệu để đánh giá, cải thiện năng lực nhân sự