Hiện nay, để đánh giá mức độ khả thi của dự án, chủ doanh nghiệp hay các nhà đầu tư,… thường xem xét chỉ số NPV. Theo đó, việc nắm được NPV là gì cũng như cách tính toán, phân tích và vận dụng hiệu quả sẽ hỗ trợ bạn rất nhiều trong hoạt động đầu tư, kinh doanh. Ngay sau đây, hãy cùng Việc Làm 24h làm rõ những thông tin liên quan đến chỉ số này để có phương án đúng đắn!
1. NPV là gì?
Trước tiên, chúng ta cùng đi sâu vào việc lý giải khái niệm NPV là gì. NPV, viết tắt của “Net Present Value” hay còn gọi là “giá trị hiện tại ròng”, là khoảng chênh lệch giữa giá trị hiện tại của dòng tiền vào với dòng tiền ra trong khoảng thời gian nhất định nào đó.
Thông thường, NPV được ứng dụng để lên kế hoạch đầu tư và trích ngân sách vốn. Từ đó, bạn có thể phân tích một dự án hoặc khoản đầu tư dự kiến có khả năng sinh lời trong tương lai hay không. Hay nói cách khác, NPV cho phép tìm ra giá trị thực tại của dòng thanh toán ở tương lai và sử dụng tỷ lệ chiết khấu phù hợp. Từ đó, bạn sẽ cân nhắc có nên quyết định đầu tư vào dự án.
2. Ưu, nhược điểm của chỉ số NPV
Tuy cung cấp cho nhà đầu tư nhiều dữ liệu quan trọng nhưng NPV vẫn sẽ có những ưu, nhược điểm nhất định.
2.1. Ưu điểm
- Đánh giá đúng giá trị thời gian dòngtiền: Bằng cách sử dụng tỷ lệ chiết khấu, NPV sẽ đánh giá được trong tương lai giá trị hiện tại của dòng tiền là bao nhiêu. Từ đó, bạn sẽ tính toán được giá trị thời gian dòng tiền để có quyết định đầu tư đúng đắn. Mặt khác, bạn cũng có thể so sánh thời hạn và mô hình dòng tiền của những dự án khác nhau để biết dự án nào sở hữu giá trị cao nhất.
- Tính toánđược lợi nhuận ròng: NPV hỗ trợ tính toán khoản lợi nhuận ròng của dự án thông qua việc trừ đi chi phí ban đầu cùng dòng tiền âm từ chi phí hoạt động ra khỏi dòng tiền thu về được từ doanh thu hay lợi nhuận dự kiến. Qua đó, bạn sẽ đánh giá được dự án có mang về lợi nhuận hay không.
- Hỗ trợ đưa ra quyết định đầu tư: Mặt khác, chỉ số cũng giúp nhà đầu tư và doanh nghiệp có quyết định đầu tư chắc chắn vào dự án nào đó. Bởi lẽ, nếu NPV dương chứng tỏ dự án có thể sinh lợi còn NPV âm cảnh báo dự án có khả năng gây lỗ.
- Dễ dàng so sánh và lựa chọn dự án: Thông qua việc hiểu NPV là gì và tính toán chính xác, bạn có thể so sánh giá trị NPV của những dự án khác nhau. Từ đó, lựa chọn ra dự án nào đem đến giá trị cao nhất.
- Định giá cổ phiếu: Chỉ số NPV cũng được dùng để định giá cổ phiếu thông qua xác định giá trị hiện tại mà dòng tiền tiềm năng từ cổ phiếu sở hữu. Nếu NPV có giá trị dương thì cổ phiếu được xem là hấp dẫn, đáng đầu tư.
2.2. Nhược điểm
- Kết quả của phép tính tùy thuộc vào những giả định, ước tính ban đầu nên nó mang tính chất dự đoán, có thể không chính xác và không đáng tin cậy. Mọi thay đổi từ những dữ liệu ban đầu có thể làm thay đổi kết quả.
- Không thể áp dụng NPV để so sánh các dự án có quy mô khác nhau, vì những dự án lớn nhỏ sẽ tạo ra những lợi nhuận khác biệt.
- NPV có thể đánh giá thấp giá trị của các cơ hội điều chỉnh. Nó giả định rằng dòng tiền là cố định và không thay đổi trong khi tính chất dự án phải luôn linh hoạt khi điều kiện thay đổi.
- Không phản ánh được thời gian hoàn vốn, nên nó chưa phù hợp với các công ty cần dòng tiền nhanh chóng. Khi dòng tiền kéo dài trong nhiều năm, độ không chắc chắn tăng lên làm cho NPV trở nên không đáng tin cậy.
3. Công thức tính NPV chuẩn xác
Để có thể tính toán giá trị NPV chuẩn xác, sau đây là công thức bạn cần ghi nhớ:
NPV = Σ [CF_t / (1 + r)^t] – C0
Trong đó:
- CF_t: Dòng tiền (cash flow) vào/ra tại thời điểm t.
- r: Lãi suất không rủi ro/lãi suất yêu cầu.
- t: Thời gian (thường được tính theo năm).
- C0: Khoản đầu tư ban đầu (tính ởthời điểm t = 0).
Để dễ hiểu, bạn có thể hình dung qua ví dụ sau: Giả sử bạn đang cân nhắc một dự án đầu tư cần bỏ ra $7000 ngay bây giờ và dự kiến nhận về $2000/năm trong 3 năm tới. Mặt khác, lãi suất không rủi ro (hay lãi suất yêu cầu) của bạn là 7%.
Trước tiên, bạn cần xác định được giá trị hiện tại của những dòng tiền tương lai qua các phép tính dưới đây:
Dòng tiền năm đầu tiên: $2000 / (1 + 0.07)^1 = $1869.16
Dòng tiền năm thứ 2: $2000 / (1 + 0.07)^2 = $1746.25
Dòng tiền năm thứ 3: $2000 / (1 + 0.07)^3 = $1632.60
Tiếp theo, bạn tiến hành cộng toàn bộ những giá trị hiện tại lại để xác định tổng giá trị hiện tại mà dòng tiền tương lai đang sở hữu: $1869.16 + $1746.25 + $1632.60 = $5248.01
Bước cuối cùng, bạn cần trừ đi giá trị hiện tại mà dòng tiền đầu tư ban đầu sở hữu để tìm NPV: $5248.01 – $7000 = -$1751.99
4. Ý nghĩa của chỉ số NPV trong đầu tư
Căn cứ công thức trên, có thể thấy 3 trường hợp kết quả của NPV là âm, dương và bằng 0. Với mỗi trường hợp, NPV sẽ thể hiện ý nghĩa khác nhau. Cụ thể:
4.1. NPV âm (NPV <0)
Khi NPV âm, điều này có nghĩa là tất cả các khoản thu, chi của dự án có giá trị hiện tại ròng hiện là số âm, không có lợi nhuận và hiện đang bị lỗ. Hay nói cách khác, chi phí mà bạn bỏ ra sẽ cao hơn lợi nhuận thu về được (chiết khấu ở thời điểm hiện tại). Do đó, những dự án này không nên đầu tư.
4.2. NPV dương (NPV >0)
NPV dương chứng tỏ giá trị hiện tại ròng của toàn bộ khoản thu chi dự án đều là số dương, có nhiều tiềm năng lợi nhuận. Lúc này, lợi nhuận của dự án cao hơn khoản chi phí phải bỏ ra nên rất đáng để cân nhắc đầu tư.
Song, người đầu tư phải cân nhắc về vấn đề dòng tiền và ngân sách để quyết định chọn hay bỏ dự án nào. Bởi lẽ, nó phải đảm bảo phù hợp với điều kiện tài chính và tiềm năng đem đến lợi nhuận cho bạn. Ví dụ, bạn đang cân nhắc 5 dự án, trong đó có 1 dự án NPV âm và 4 dự án có NPV dương thì cũng cần chọn ra 1 dự án tối ưu nhất, thường là dự án có chỉ số NPV cao vượt trội trong 4 lựa chọn dương đó.
4.3. NPV =0
NPV bằng 0 chứng tỏ dự tỷ suất sinh lời (IRR) bằng với tỷ lệ chiết khấu. Lúc này, dự án sẽ huề vốn, không lỗ mà cũng không lời. Nếu xét về mặt kinh tế thì việc thực hiện dự án hay không cũng không có sự khác nhau.
>>> Xem thêm: Venture Capital là gì? Khởi nghiệp không còn là giấc mơ với 5 quỹ đầu tư mạo hiểm.
5. Mối quan hệ giữa chỉ số NPV và IRR là gì?
Tỷ lệ hoàn vốn nội bộ, còn gọi là tỷ suất chiết khấu (IRR – Internal Rate of Return), được định nghĩa là tỷ lệ lợi nhuận được sử dụng phổ biến khi lập ngân sách vốn. Thông thường, nhà đầu tư sẽ sử dụng IRR để đánh giá độ cần thiết của dự án.
Theo đó, NPV và IRR có mối quan hệ đơn giản khi IRR là tỷ suất chiết khấu tại đó NPV = 0, đồng nghĩa dự án không lời không lãi. Hay nói cách khác, khi dự án hòa vốn thì bạn sẽ xác định được IRR và xem nó như thước đo độ rủi ro của dự án đầu tư.
Bên cạnh đó, việc xác định NPV và IRR cũng có một số khác biệt khi IRR được xác định theo tỷ lệ % còn NPV được xác định theo số tiền. Do vậy, NPV thường được ưu tiên hơn trong một số trường hợp có cùng dữ liệu. Còn khi doanh nghiệp không quá quan trọng yếu tố thời gian và kỹ năng khi đánh giá nhiều dự án cùng lúc thì IRR lại là chỉ số lý tưởng.
6. Những lưu ý khi nhà đầu tư sử dụng NPV
Bên cạnh việc hiểu rõ chỉ số NPV là gì, bạn cũng cần ghi nhớ những lưu ý sau để sử dụng hiệu quả:
- Chọn lãi chiết khấu phù hợp: Chọn lãi suất phản ánh đúng mức độ rủi ro hoặc chi phí vốn của dự án sẽ giúp bạn tính toán NPV chuẩn xác.
- Dự đoán chính xác dòng tiền: Vì dòng tiền tương lai đóng vai trò quan trọng nên bạn cần phải đưa ra dự đoán chính xác về những khoản thu/chi khi dự án diễn ra. Trường hợp dự báo không chính xác, NPV sẽ trở nên thiếu tin cậy.
- Đánh giá độ nhạy NPV: Bằng cách phân tích độ nhạy, bạn sẽ đánh giá được NPV chuẩn xác hơn khi dòng tiền, lãi suất hay thời gian dự án thay đổi. Từ đó, nhà đầu tư sẽ dễ dàng nhận diện và cảnh giác những rủi ro của dự án.
- Cân nhắc thời gian dự án: Thông thường, những dự án kéo dài lâu hơn sẽ có rủi ro cao hơn vì kinh tế, thị trường biến đổi không ngừng.
- Không chỉ phụ thuộc vào NPV: Ngoài NPV, bạn nên kết hợp những phương pháp khác như IRR, Thời gian thu hồi vốn (Payback Period) để đưa ra cái nhìn toàn diện nhất.
Trên đây là những chia sẻ hữu ích của Việc Làm 24h về khái niệm NPV là gì cũng như ý nghĩa của chỉ số này trong thẩm định đầu tư. Qua đó, nhà đầu tư, chủ doanh nghiệp,… có thể tính toán mức độ rủi ro và thận trọng hơn trước những quyết định của mình. Hy vọng bài viết sẽ giúp bạn mang về được lợi nhuận hấp dẫn từ những dự án trong tương lai!