Lãnh đạo là một trong những kỹ năng hữu ích ở nơi làm việc. Một nhà lãnh đạo thông thái sẽ biết cách truyền cảm hứng, phát triển tiềm năng của đội nhóm và giúp tổ chức tăng tỷ lệ giữ chân nhân viên. Để sở hữu kỹ năng này, điều quan trọng trước tiên là cần xác định phong cách lãnh đạo, sau đó điều chỉnh cho phù hợp với nhu cầu của nhóm. Do đó, hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h đi tìm phong cách lãnh đạo phù hợp qua bài viết dưới đây.
Phong cách lãnh đạo là gì?
Phong cách lãnh đạo đề cập đến những phương pháp, hành động được sử dụng để hướng dẫn, quản lý, động viên và khai thác tiềm năng của nhân viên cấp dưới. Đồng thời cũng thể hiện cách lập chiến lược, thực hiện các kế hoạch để mang lại lợi ích tối ưu nhất cho các bên liên quan. Do đó, xác định và lựa chọn phong cách lãnh đạo của bản thân sẽ giúp bạn thực hiện các nhiệm vụ tốt. Với tư cách là nhà lãnh đạo, trách nhiệm của bạn là mang lại những điều tốt nhất cho người khác. Để đạt được mục tiêu này, bạn cần hiểu rõ phong cách của mình và linh hoạt điều chỉnh khi cần thiết.
Làm thế nào để xác định phong cách lãnh đạo của bạn?
Giáo sư Joshua Margolis và Anthony Mayo của Harvard Business School đã chỉ ra 3 yếu tố chính tạo nên phong cách lãnh đạo, đó là:
1. Dấu ấn lãnh đạo (Leadership Imprint) – Ấn tượng bạn tạo ra về chính mình trong mắt người khác
Bạn có thể xác định dấu ấn của mình bằng cách trả lời 3 câu hỏi sau:
– Bạn có được nhận xét là người dễ gần không: tính cách thân thiện liên quan đến trí tuệ cảm xúc, sự ấm áp giúp bạn dễ đồng cảm với người khác và xây dựng mối quan hệ với đồng nghiệp. Những nhà lãnh đạo dễ gần luôn thể hiện sự cởi mở, điều này tạo cảm giác thoải mái cho cấp dưới khi làm việc và giao tiếp.
– Bạn có được đánh giá là người đáng tin cậy không: sự tín nhiệm thường đi chung với năng lực, khiêm tốn và kiên định. Nếu nhà lãnh đạo có phẩm chất này thì thường có nhiều hiểu biết, kiến thức và quyền lực hơn. Do đó, luôn nhận được sự tin tưởng từ nhân viên trong việc lên chiến lược, phương hướng cũng như đưa ra những quyết định quan trọng liên quan đến lợi ích chung.
– Liệu bạn có được xem là người có khát vọng không: khát vọng là nhiên liệu tạo ra động lực. Dễ dàng nhận thấy nhà lãnh đạo mang trong mình khát vọng, hoài bão thường có khả năng truyền cảm hứng tốt. Điều này tạo ra niềm tin cho cả nhóm rằng họ sẽ đạt được hay vượt lên các mục tiêu.
Để lãnh đạo hiệu quả, cần cân bằng được cả 3 yếu tố trên. Nếu bạn quá dễ gần, nhân viên có thể sẽ không nể. Hay nếu quá khát vọng, bạn sẽ để lại ấn tượng rằng mình là người tham vọng. Điều này sẽ khiến cấp dưới e ngại với những phương hướng mà bạn đưa ra.
2. Chức năng lãnh đạo (Leadership Functions) – Cách bạn quản lý nhân viên hoàn thành công việc
Thông thường có 2 chiến lược để quản lý nhân viên trong công việc đó là cung cấp cấu trúc, hướng đi và hỗ trợ, giúp đỡ họ. Tùy vào hoàn cảnh mà nhà lãnh đạo sẽ lựa chọn chiến lược nào là phù hợp. Giả sử bạn giao một dự án mới cho nhân viên có năng lực, cung cấp cho họ hướng đi cụ thể và thể hiện sự tin tưởng bằng cách để họ tự quyết định. Khi đó, bạn có thể nhận ra là mặc dù họ có kỹ năng chuyên môn nhưng chưa đủ để tự xoay sở và vẫn cần nhiều sự hỗ trợ để hoàn thành dự án.
Để xác định cách bạn lãnh đạo, hãy suy ngẫm về một số dự án gần đây nhất mà bạn đã giao cho nhân viên. Có phải bạn đưa ra chỉ thị và để nhóm tự xác định cách làm tốt nhất? Hay bạn đã cung cấp những hướng dẫn đồng thời cũng tham gia vào từng giai đoạn công việc. Việc hiểu cách bạn thường áp dụng trong việc quản lý sẽ giúp điều chỉnh trong các tình huống khác nhau và đạt được sự cân bằng giữa hai chiến lược.
3. Động lực thúc đẩy (Motivational Drives)
Thúc đẩy, động viên cấp dưới là một nhiệm vụ của nhà lãnh đạo. Tuy nhiên, để làm tốt việc này, bạn phải hiểu động lực của chính mình là gì. Có 2 động lực chính là:
– Các yếu tố bên ngoài, hữu hình bao gồm tiền lương, tiền thưởng, chính sách phúc lợi, sự công nhận, đặc quyền.
– Các yếu tố bên trong, vô hình bao gồm mong muốn học hỏi những kiến thức mới, giải quyết thử thách, cảm thấy tự hào khi được làm việc trong nhóm hoặc tổ chức…
Hãy ghi lại điều bạn thích về vai trò hiện tại và nguyện vọng nghề nghiệp. Khi đã rõ về mục tiêu cũng như giá trị của mình, bạn có thể phát hiện rằng những thông tin này đang phản ánh động lực bên trong hay bên ngoài. Việc hiểu được động cơ thúc đẩy sẽ góp phần định hình phong cách lãnh đạo của bạn và linh hoạt hơn trong việc quản lý nhân viên có động lực khác nhau.
Xem thêm: Lãnh đạo cần làm gì để đẩy hiệu suất nhóm lên đỉnh cao?
5 phong cách lãnh đạo phổ biến
1. Phong cách lãnh đạo độc đoán
Kiểu lãnh đạo này tập trung chủ yếu vào kết quả, hiệu suất của nhóm. Các nhà lãnh đạo độc đoán thường tự đưa ra quyết định và mong muốn nhân viên làm chính xác những gì được yêu cầu. Họ thường là những người tự tin, năng động, giao tiếp rõ ràng, đáng tin cậy và tuân thủ các quy tắc.
Lợi ích:
– Thúc đẩy năng suất thông qua ủy quyền.
– Cung cấp thông tin rõ ràng, trực tiếp.
– Giảm áp lực cho nhân viên bằng cách tự đưa ra quyết định.
Thách thức:
– Dễ bị căng thẳng vì phải chịu trách nhiệm về mọi việc.
– Thiếu linh hoạt trong cách quản lý dễ dẫn đến mâu thuẫn trong nhóm.
Xem thêm: 3 bí quyết giúp bạn trở thành nhà lãnh đạo thành công, có khí chất
2. Phong cách lãnh đạo quan liêu
Phong cách này tập trung vào những nhiệm vụ cố định, ít cần sự hợp tác và sáng tạo. Kiểu lãnh đạo quan liêu hiệu quả nhất trong các ngành có quy định chặt chẽ như tài chính, chăm sóc sức khỏe… Nếu bạn là người có định hướng chi tiết, tập trung vào nhiệm vụ, quy tắc, có ý chí, tính kỷ luật và đạo đức làm việc thì sẽ rất hợp với phong cách lãnh đạo quan liêu.
Lợi ích:
– Không bị phụ thuộc vào các mối quan hệ để ảnh hưởng, cản trở vào công việc của nhóm.
– Phù hợp với tổ chức cần tuân theo quy định nghiêm ngặt.
Thách thức:
– Không phát huy tính sáng tạo, do đó có thể hạn chế sự phát triển của nhân viên.
– Khó thích ứng với sự thay đổi.
3. Phong cách lãnh đạo tự do
Hay còn được gọi là phong cách lãnh đạo trao quyền và trái ngược với kiểu lãnh đạo độc đoán khi không giám sát, quản lý nhân viên gắt gao. Các nhà quản lý có thể áp dụng phong cách lãnh đạo tự do khi tất cả các thành viên trong nhóm đều có kinh nghiệm, chuyên môn và tinh thần trách nhiệm.
Lợi ích:
Khuyến khích tinh thần sáng tạo và tạo môi trường làm việc thoải mái làm tăng khả năng giữ chân nhân viên.
Thách thức:
– Không phù hợp với nhân viên mới vì họ không được hướng dẫn và hỗ trợ trực tiếp.
– Nhân viên có thể cảm thấy không được hỗ trợ đúng mức khi phải “tự bơi”.
4. Phong cách lãnh đạo dân chủ
Phong cách này là sự kết hợp giữa kiểu lãnh đạo độc đoán và tự do. Nhà lãnh dân chủ thường yêu cầu các thành viên đóng góp ý kiến và thảo luận trước khi họ thống nhất đưa ra quyết định. Bởi vì các thành viên cảm nhận được giá trị của bản thân nên kiểu lãnh đạo này thường có tác dụng gắn kết và tăng sự hài lòng của nhân viên.
Lợi ích:
– Nhân viên cảm thấy được trao quyền và được đánh giá cao.
– Đòi hỏi ít sự giám sát của nhà lãnh đạo.
– Tạo môi trường làm việc tích cực, nơi mọi người tự do chia sẻ ý tưởng.
Thách thức:
Tạo áp lực cho những thành viên không thích chia sẻ ý tưởng trước đám đông.
5. Phong cách lãnh đạo chuyển đổi
Phong cách lãnh đạo chuyển đổi luôn sẵn sàng thay đổi và tập trung vào các nhiệm vụ cần hoàn thành theo định kỳ như tuần, tháng. Bên cạnh đó, nhà lãnh đạo theo đuổi phong cách này còn tạo cơ hội để nhân viên phát huy tối đa năng lực. Tuy nhiên hình thức này không phải theo cách ép buộc mà cung cấp đủ tài nguyên sẵn có cũng như dựa vào thực lực của nhân viên.
Lợi ích:
– Nhân viên được khai phá tiềm năng, từ đó gắn kết và cống hiến nhiều hơn cho tổ chức.
– Tạo môi trường làm việc sáng tạo, tích cực.
Thách thức:
– Yêu cầu cả nhà lãnh đạo và nhân viên đều có khả năng thực hiện công việc.
– Áp lực về việc duy trì tầm nhìn và hiệu suất để phát triển nhân viên.
Làm thế nào để điều chỉnh phong cách lãnh đạo trong những tình huống khác nhau?
Xác định được phong cách lãnh đạo là điều tốt, nhưng để hiệu quả hơn bạn cần thích ứng với những kỳ vọng hoặc tính cách khác nhau của cấp dưới, giống như chú tắc kỳ hoa luôn biến đổi màu sắc trước những hoàn cảnh khác nhau. Dưới đây là 4 phương pháp giúp bạn linh hoạt hơn trong phong cách lãnh đạo:
1. Xây dựng khả năng tự nhận thức
Sự tự nhận thức là cực kỳ quan trọng. Vì điều này phản ánh khả năng nhận ra điểm mạnh, điểm yếu, cảm xúc cũng như tác động của chúng đến cách bạn quản lý nhóm. Theo nghiên cứu của nhà tâm lý học tổ chức Tasha Eurich, 95% nghĩ rằng họ tự nhận thức được bản thân nhưng thực tế chỉ có 10 – 15% làm được. Bạn có thể nâng cao khả năng tự nhận thức bằng cách tự đánh giá hiệu suất của bản thân và so sánh với phản hồi từ cấp dưới. Quá trình này sẽ thể hiện những khác biệt trong cách người khác nhìn nhận về bạn và cách bạn tự nhìn nhận về mình. Đồng thời còn xác định được những khía cạnh tiềm năng để phát huy hơn.
2. Thường xuyên kiểm tra hiệu quả của cách bạn quản lý
Bạn có thể áp dụng cả 2 chiến lược quản lý ở trên cho nhóm và kiểm tra theo định kỳ. Trong quá trình này, bạn hãy đánh giá các thành viên cần ít hay nhiều sự chỉ đạo và hỗ trợ ở những vấn đề nào. Ngoài ra, cũng nên tìm hiểu về nhân viên, nhu cầu của họ như thế nào để có những giải pháp tốt hơn.
3. Điều chỉnh cách tiếp cận
Không phải tất cả mọi người đều được thúc đẩy bởi cùng một động lực. Khát khao của bạn không hẳn là động lực của cấp dưới. Đồng thời mỗi nhân viên cũng cần sự hỗ trợ khác nhau tùy theo vị trí của họ. Do vậy, hãy biết cách điều chỉnh phong cách lãnh đạo dựa trên điểm mạnh, điểm yếu và động lực của mỗi người là cách tốt nhất để khai thác hết tiềm năng từ họ. Điều này cũng sẽ giúp bạn nuôi dưỡng các mối quan hệ bền chặt hơn và mang đến hiệu suất chung tốt nhất.
4. Đánh giá trung thực khả năng của nhóm
Một trong những bí quyết để lãnh đạo hiệu quả là cần hiểu rõ tiềm năng thực sự của mỗi thành viên trong nhóm. Đánh giá kỹ năng, kinh nghiệm và nguồn lực sẵn có để xác định xem họ có đủ khả năng hoàn thành nhiệm vụ hay không.
Làm lãnh đạo không khó, nhưng trở thành nhà lãnh đạo thông thái lại là một con đường không dễ đi. Với những thông tin từ bài viết này, hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những hiểu biết cần thiết về phong cách lãnh đạo để quản lý và phát triển đội ngũ nhân viên tốt hơn. Nếu muốn tìm việc quản lý đừng quên truy cập Việc Làm 24h ngay nhé!
Xem thêm: 6 tuyệt chiêu cho công tác quản lý nhân sự hiệu quả dành cho doanh nghiệp