Slackening – “Triệu chứng” mất tập trung trong giờ làm việc ngày càng phổ biến. Có một triệu lý do làm bạn xao nhãng khi làm việc và gây trở ngại đối với hiệu suất công việc, nhưng điều đó không có nghĩa là bạn bị động và chấp nhận nó. Trong bài viết này, hãy cùng Vieclam24h.vn tìm hiểu Slackening là gì và những cách bạn có thể làm để ngăn chặn điều này.
Slackening là gì?
Slackening là trạng thái xao nhãng, hời hợt, lười biếng, làm việc kém hiệu quả và không hoàn tất công việc được giao. Slackening có nhiều biển biện khác nhau, nhưng nhìn chung ám chỉ những nhân viên không nỗ lực hoàn thành nhiệm vụ hoặc thường xuyên nghỉ giải lao trong giờ làm việc.
Vì sao tình trạng Slackening ngày càng phổ biến?
Hiện nay, Slackening trở thành bài toán quản lý hiệu suất công việc khó cân bằng mà nhiều doanh nghiệp phải đau đầu. Nhân viên có thể rơi vào tình trạng kiệt sức nếu làm việc liên tục và không nghỉ ngơi hợp lý. Mặt khác, nhân viên cũng có thể kém năng suất nếu làm việc lơ là, chểnh mảng, không có trách nhiệm và lịch trình làm việc cụ thể. Có một số lý do khiến nhân viên chểnh mảng trong công việc, nhưng dưới đây là một số lý do phổ biến nhất:
- Các công việc đơn điệu, lặp đi lặp lại, không đổi mới, thiếu thử thách có thể khiến nhân viên cảm thấy nhàm chán.
- Theo kết quả nghiên cứu của Gallup, chỉ có 13% nhân viên trên toàn thế giới cảm thấy gắn kết mạnh mẽ với công việc. Điều này có nghĩa là có tới 87% nhân viên thiếu gắn kết, khiến họ không mấy quan tâm đến công việc cũng như mục tiêu của tập thể.
- Nhiều công ty vẫn chưa thực sự xác định rõ ràng sứ mệnh và tầm nhìn, khiến nhân viên thiếu nhận thức trách nhiệm của bản thân đối với hành trình phát triển của công ty.
- Theo kết quả của American Institute of Stress, có đến 80% nhân viên cảm thấy căng thẳng trong công việc và 40% trong số đó chia sẻ rằng công việc của họ cực kỳ căng thẳng. Không có gì ngạc nhiên khi những nhân viên này dễ bị “cuốn” vào Slackening.
- Một môi trường làm việc thiếu cơ chế công nhận và đánh giá năng lực công bằng, minh bạch có thể khiến nhân viên không cảm thấy bản thân được coi trọng. Điều này khiến họ bắt đầu làm việc hời hợt và năng suất công việc giảm sút.
- Đồng nghiệp xa cách, cô lập, “ma cũ bắt nạt ma mới” và nhân viên trở nên cô đơn trong môi trường làm việc đòi hỏi sự hợp tác.
- Thể trạng cơ thể và sức khỏe tinh thần cũng là nguyên nhân khiến nhiều nhân viên trì hoãn trong công việc.
Bên cạnh đó, tình trạng Slackening ở nhân viên có thể xuất phát từ năng lực quản lý của bậc lãnh đạo.
- Nhiều nhà quản lý chỉ đang đưa ra mệnh lệnh chứ không thúc đẩy sự tham gia của đội ngũ nhân viên. Họ yêu cầu nhân viên phải làm thế này thế kia mà không tạo cơ hội để họ được tham gia, đóng góp ý kiến. Hậu quả là, nhân viên cảm thấy chán nản và thiếu động lực làm việc.
- Nhiều nhân viên không được hướng dẫn, đào tạo cụ thể để thực hiện công việc đúng cách. Họ cảm thấy căng thẳng, quá tải, mắc nhiều sai lầm và mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ.
- Nhân viên cần biết những kỳ vọng trách nhiệm rõ ràng để phấn đấu làm việc đáp ứng những kỳ vọng đó. Nếu nhà quản lý thiếu định hướng rõ ràng, nhân viên có thể nghi ngờ công việc và năng lực bản thân.
5 chỉ số đánh giá nhân viên Slackening
Thiếu động lực: Nhân viên Slackening thường làm việc chậm chạp, hay mất tập trung, thiếu nhiệt tình, cố gắng trong công việc.
Xem thêm: Làm thế nào để tạo động lực, truyền cảm hứng làm việc cho nhân viên?
Không đáp ứng được kỳ vọng về hiệu suất: Nhân viên không đáp ứng các mục tiêu hiệu suất mà doanh nghiệp đặt ra, thiếu cởi mở khi đưa ra ý kiến trong các cuộc thảo luận nhóm,…
Tần suất sai sót trong công việc tăng: Nếu nhân viên không chú ý đến chi tiết và mắc nhiều lỗi hơn bình thường, họ có thể đang vội vã làm “cho xong” mà thôi.
Chất lượng giảm sút: Chất lượng sản phẩm không đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng được đưa ra hoặc bị khách hàng, đối tác, đồng nghiệp phàn nàn, đánh giá tiêu cực,…
Đi làm trễ hoặc thường xuyên vắng mặt: Nhân viên có đang tuân thủ quy định về thời gian làm việc không? Hãy đánh giá lý do, tần suất đi làm trễ hoặc vắng mặt của nhân viên và đo lường mức độ ảnh hưởng của việc này đối với công việc nhóm.
“Chữa bệnh” Slackening bằng cách nào?
Trên cương vị nhà quản lý, bạn nên có cách xử lý tình trạng Slackening triệt để nếu không muốn tình trạng chểnh mảng, hời hợt này ảnh hưởng đến hiệu suất tổng thể của doanh nghiệp. Dưới đây là một số phương pháp giúp bạn “chữa bệnh” Slackening của nhân viên hiệu quả:
1. Phân công công việc đúng người
Sở hữu nguồn nhân lực sẵn sàng hoàn thành tốt các nhiệm vụ được phân công là kỳ vọng của nhà quản lý. Để làm được điều đó, bạn phải biết cách phân công công việc cho đội ngũ. Hãy phân tích, sắp xếp và bố trí các nhiệm vụ cũng như quyền hạn phù hợp với từng cá nhân. Các nhiệm vụ được giao càng minh bạch và phù hợp với năng lực người thực hiện càng giúp nhân viên hiểu rõ trách nhiệm của mình.
Một công việc ý nghĩa, thú vị, thử thách và có mục đích rõ ràng sẽ là động lực mạnh mẽ giúp nhân viên nhìn thấy giá trị của bản thân. Điều này khiến họ trở nên gắn kết và tôn trọng doanh nghiệp, đặt tâm trí vào việc nâng cao năng suất làm việc của bản thân cũng như toàn doanh nghiệp.
Xem thêm: Cầm quyền và trao quyền: Đâu mới là nước đi đúng đắn trong ván cờ quản lý nhân sự?
2. Xây dựng cơ chế kiểm tra tiến độ đúng công việc
Theo dõi tiến độ công việc giúp doanh nghiệp nắm bắt quá trình hoàn thành công việc của đội ngũ. Không nhân viên nào thích bị “kìm kẹp” bởi sự giám sát quá chi tiết hoặc quản lý khuôn mẫu cực đoan. Tuy nhiên, thiếu cơ chế quản lý tiến độ công việc lại tạo điều kiện khiến nhân viên chểnh mảng, thiếu trách nhiệm trong công việc.
Để công việc diễn ra suôn sẻ, hãy xây dựng quy trình quản lý rõ ràng để nhân viên có cơ hội đưa ra các câu hỏi, bày tỏ những khó khăn và đề xuất những ý kiến cần thiết. Bên cạnh đó, với quy trình theo dõi tiến độ công việc rõ ràng, người quản lý có thể kịp thời đưa ra phản hồi, hỗ trợ và điều chỉnh phù hợp để nhân viên có thể đáp ứng yêu cầu công việc.
3. Đặt kỳ vọng rõ ràng
Theo kết quả nghiên cứu của Gallup, chỉ khoảng một nửa nhân viên đồng ý rằng họ nhận thức được nghĩa vụ của mình tại nơi làm việc. Những nhân viên biết những gì được cấp trên, công ty mong đợi thường cố gắng phấn đấu làm việc để đáp ứng hoặc vượt quá những mong đợi đó. Ngược lại, những nhân viên không rõ ràng về nhiệm vụ và trách nhiệm bản thân thường dễ lơ là khi làm việc hơn. Bên cạnh đó, những mục tiêu, kỳ vọng được thiết lập mơ hồ, xa tầm với chỉ khiến nhân viên dễ chán nản và “chưa đánh đã đầu hàng”.
4. Hỗ trợ nhân viên đúng thời điểm
Một số nhân viên thường “ngại” sếp và khó mở lời nhờ hướng dẫn thực hiện công việc đúng cách, họ cảm thấy choáng ngợp và dễ mắc sai lầm hoặc mất nhiều thời gian hơn để hoàn thành nhiệm vụ. Hơn nữa, nhân viên thường dễ nản lòng nếu công việc trở nên đơn điệu và thiếu đi cơ hội phát triển. Là một nhà lãnh đạo, bạn cần biết cách hỗ trợ nhân viên phát triển chuyên môn bằng những chương trình đào tạo phù hợp và cung cấp các công cụ hỗ trợ công việc cần thiết. Càng học hỏi nhiều, nhân viên càng có khả năng phát triển, hòa nhập và duy trì tính cạnh tranh.
Bên cạnh đó, nếu muốn cải thiện hiệu suất làm việc của nhân viên, hãy làm cho họ có động lực và cảm thấy hạnh phúc trong công việc đang làm. Văn hoá công nhận và khen thưởng hoặc những lời động viên, cảm ơn, an ủi, thông cảm đều được hầu hết nhân viên yêu thích.
5. Quan tâm sức khỏe tinh thần của nhân viên
Cùng với nhịp sống hối hả hiện nay, nhiều người thường xuất hiện những dấu hiệu tâm lý đáng quan ngại làm đảo lộn nhiều khía cạnh trong công việc và cuộc sống. Môi trường làm việc căng thẳng có thể khiến nhân viên kiệt quệ, chán nản và cản trở năng suất làm việc. Dù nhân viên có tài giỏi đến đâu cũng mất hứng và “không thở nổi” trong môi trường làm việc với cường độ áp lực kéo dài.
Đứng ở cương vị lãnh đạo, hãy xây dựng hệ thống quản lý nhân tài phù hợp, đặt trọng tâm nâng cao tinh thần và mức độ gắn bó. Không quên theo dõi các vấn đề tâm lý như stress, căng thẳng, lo âu,… và hỗ trợ về mặt tinh thần cho đội ngũ. Hãy cung cấp các tiện nghi phù hợp nơi làm việc, tạo cơ hội để đội ngũ được gắn bó và thân thiết hơn.
Xem thêm: Mental health là gì? 4 cách chăm sóc sức khỏe tinh thần hiệu quả cho nhân viên
Kết luận
Slackening ngày càng trở thành một vấn đề đáng lưu tâm nơi công sở. Hy vọng những chia sẻ của Vieclam24h.vn đã giúp bạn có góc nhìn toàn diện về Slackening cũng như cách đối phó với những nhân viên Slackening.
Bên cạnh đó, Nghề Nghiệp Việc Làm 24h cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Top các bài test trầm cảm uy tín, nếu cảm thấy chán nản bạn nên làm ngay!