Đã có bao giờ bạn cảm thấy mọi ánh mắt đang đổ dồn vào mình trong những tình huống giao tiếp xã hội thông thường không? Đặc biệt là khi đó bạn có vẻ ngoài không hoàn hảo hoặc mắc một lỗi nhỏ nào đấy. Tâm lý này được gọi là “Spotlight Effect”. Vậy Spotlight Effect là gì, có ảnh hưởng như thế nào đến người mắc phải hiệu ứng này? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h khám phá về chủ đề này ở bài viết dưới đây.
Spotlight Effect là gì?
Spotlight Effect hay còn gọi là hiệu ứng ánh đèn sân khấu đề cập đến hiện tượng tâm lý khiến bạn cảm thấy như mọi người đang chú ý đến mình theo chiều hướng tích cực hoặc tiêu cực. Trong nhiều trường hợp, bạn có xu hướng nhận thức mình là tâm điểm hay đánh giá quá cao sự chú ý của người khác đến vẻ ngoài, hành động, lời nói của mình. Gọi đây là hiệu ứng đèn sân khấu là vì tâm lý mọi lỗi lầm, khuyết điểm đều bị chiếu rọi và phơi ra ngoài ánh sáng khiến mọi người chú ý.
Trong một loạt nghiên cứu từ năm 2000, các nhà nghiên cứu đã tìm thấy bằng chứng cho rằng mọi người thường đánh quá cao mức độ chú ý của người khác dành cho mình. Chẳng hạn như một nhóm người tham gia khảo sát được yêu cầu mặc chiếc áo phông Barry Manilow, họ dự đoán rằng khoảng 50% người nhìn thấy họ sẽ ấn tượng với chiếc áo này. Tuy nhiên trên thực tế chỉ có khoảng 25%.
Ví dụ về hiệu ứng ánh đèn sân khấu
Lo lắng về ngoại hình: Ví dụ bạn mặc một trang phục mới không giống với phong cách ngày thường đến nơi làm việc. Điều này làm bạn lo lắng rằng người khác sẽ để ý và đánh giá bạn. Nhưng thật ra hầu hết mọi người không chú ý nhiều đến trang phục bạn mặc, hoặc nếu có, họ sẽ cảm thấy trông bạn khá ổn.
Khuếch đại những khuyết điểm cá nhân: Nếu lo lắng về thói quen xấu hoặc điều gì đó mà bạn tự cho là khuyết điểm, bạn sẽ cảm thấy điều đó là hiển nhiên và những người khác cũng sẽ ngay lập tức nhận ra. Bạn luôn trong trạng thái căng thẳng, lo lắng vì như thể người khác luôn chú ý đến khuyết điểm này và phán xét bạn.
Lo sợ mắc sai lầm: Bạn cảm giác như mọi người đang theo dõi hiệu quả công việc và chú ý đến từng lỗi nhỏ của bạn. Tâm lý này khiến bạn cảm thấy bị soi mói, tự ti đồng thời ảnh hưởng đến động lực, năng suất làm việc.
Xem thêm: Body Shaming là gì? Đừng để lời nói trở thành vũ khí sát thương nơi công sở
Nguyên nhân gây ra hiệu ứng ánh đèn sân khấu là gì?
Spotlight Effect là một thành kiến về nhận thức và là sai lầm trong suy nghĩ làm ảnh hưởng đến những đánh giá của bạn về bản thân và thế giới. Thế giới quan, những lựa chọn và trải nghiệm của bạn thường xoay quanh bạn. Khi trải qua một ngày, bạn tập trung vào các nhu cầu, trách nhiệm và những khía cạnh khác quan trọng nhất đối với bạn. Điều này sẽ tạo ra điểm mù, tự cho rằng người khác cũng sẽ suy nghĩ, hành động theo cách tương tự. Và xu hướng tập trung vào bản thân này sẽ sinh ra tâm lý “thiên vị”.
Xem thêm: Thiên vị là gì? Cách đối phó khi trở thành nạn nhân của thiên vị công sở?
Hầu hết mọi người sẽ không nhận ra nhận thức của bản thân đang có sự “thiên vị” về phía chính mình. Tuy nhiên, hãy xem xét điều này: nếu hiện tại của bạn được định hình bởi trải nghiệm cá nhân của bạn, chẳng phải điều này cũng xảy ra với người khác sao? Trong thế giới của bạn, bạn là trung tâm và điều này xảy ra tương tự ở mọi người. Giống như bạn tập trung chủ yếu vào thông tin quan trọng đối với mình thì sự quan sát của người khác cũng sẽ ưu tiên cho những điều quan trọng nhất với họ.
Ngoài ra những người mắc chứng lo âu xã hội có nhiều khả năng gặp phải hiệu ứng ánh đèn sân khấu hơn. Với những người này, sự lo lắng không chỉ đơn thuần là lo lắng mà phản ánh sự khác biệt trong hoạt động của trí não và phản ứng với môi trường xung quanh. Họ biết rằng cảm xúc của mình là vô lý nhưng không thể thay đổi được cảm giác ấy.
Spotlight Effect gây ra những hệ lụy nào?
Dù nhận thức mọi người đang chú ý đến bản thân theo hướng tích cực hay tiêu cực, Spotlight Effect đều có những tác động nhất định như:
– Giảm sự đồng cảm: tập trung quá mức vào suy nghĩ, cảm xúc và hành vi của chính mình có thể làm giảm khả năng đồng cảm với người khác. Việc không thể chấp nhận quan điểm của họ có thể khiến bạn khó đồng cảm và cũng ảnh hưởng đến mối quan hệ với mọi người xung quanh.
– Không còn chính mình: khi bạn cảm thấy được chú ý, bạn sẽ có xu hướng cư xử theo cách mà bạn nghĩ người khác mong đợi ở bạn. Bạn trở nên thiếu chân thực, không thoải mái hoặc không thể là chính mình. Bạn có thể không còn kể những câu chuyện cười thú vị hoặc diện những trang phục theo ý thích vì sợ bị đánh giá.
– Phát sinh các vấn đề trong mối quan hệ: nếu bạn luôn che giấu con người thật của mình và tìm kiếm sự công nhận từ xung quanh, rất có thể sẽ làm ảnh hưởng đến mối quan hệ của bạn với người khác. Vì mọi người cảm thấy họ không biết gì về bạn hoặc cảm giác bạn luôn nghĩ về bản thân mình.
Xem thêm: Glossophobia là gì? Làm thế nào để vượt qua nỗi sợ phát biểu trước đám đông?
Làm thế nào để vượt qua Spotlight effect?
1. Hiểu rằng bạn không phải là trung tâm của sự chú ý
Việc chấp nhận bản thân không phải là trung tâm trong suy nghĩ của người khác sẽ rất hữu ích để làm giảm áp lực xã hội bên ngoài. Hãy nhớ rằng nếu bạn chủ yếu tập trung vào bản thân thì những người khác cũng vậy. Do đó họ sẽ không rảnh rỗi để tâm đến bạn. Nhận thức này sẽ giải phóng bạn khỏi những lo lắng và sợ hãi bị đánh giá.
Để thực hiện điều này thành công, việc nuôi dưỡng nhận thức lành mạnh về bản thân là rất quan trọng. Khi tự tin vào chính mình, bạn sẽ bớt tự ti về hành vi của bản thân và tập trung hơn vào các khía cạnh quan trọng khác của cuộc sống.
2. Chuyển hướng tập trung sang người khác
Khi ở trong các tình huống xã hội, bạn rất dễ bị cuốn vào những suy nghĩ và cảm xúc của chính mình. Nhưng nếu bạn chủ động lắng nghe mọi người, bạn sẽ nghĩ về họ và nhiều ý tưởng hay ho khác chứ không phải về khuyết điểm hay ngoại hình của mình. Bằng cách bớt tập trung vào bản thân, bạn có thể làm giảm bớt các triệu chứng lo lắng xã hội.
3. Học cách kiểm soát cảm xúc tránh tập trung cảm giác Spotlight effect
Những gì người khác nghĩ về bạn không quyết định giá trị của chính bạn. Lời khen của mọi người không làm bạn có giá trị hơn. Và ngược lại, sự chê bai của người khác không thể dìm bạn xuống. Do vậy, khi bắt đầu cảm thấy tự ti, hãy quay lại với giá trị nội tại của mình và tập trung phát triển khả năng tự nhận thức. Đây là cách để bạn đánh giá cảm xúc, hành vi và suy nghĩ của mình cũng như hiểu cách người khác nhìn nhận về bạn. Thực hành việc này sẽ giúp bạn kiểm soát cảm xúc, đồng thời tránh bị choáng ngợp bởi hiệu ứng ánh đèn sân khấu.
Xem thêm: Kiểm soát cảm xúc: Làm gì để không nổi điên nơi công sở?
4. Sử dụng phương pháp tự hỏi “vậy thì sao?”
Khi có suy nghĩ tiêu cực về lời nói hay hành vi của mình, bạn có thể tự hỏi “vậy thì sao?” để đưa mối quan tâm của bạn vào đúng trọng điểm. Ví dụ khi lo lắng về việc mắc lỗi trong lúc thuyết trình, hãy tự hỏi nếu điều đó xảy ra thì sao? Trong hầu hết các trường hợp, câu trả lời thường là sẽ không ảnh hưởng đáng kể đến sự nghiệp hay cuộc sống cá nhân của bạn.
Dù bạn có rất nhiều ưu điểm nhưng cũng có lúc Spotlight Effect sẽ khiến bạn nghi ngờ về bản thân. Tuy nhiên, giá trị của mỗi người không được quyết định bởi những gì người khác nghĩ. Do đó, hãy luôn rèn luyện khả năng tự nhận thức, tập trung vào những điều bạn cần làm trong cuộc sống hay phiên bản bạn muốn trở thành và khi đó Spotlight Effect sẽ chỉ còn là quá khứ. Bạn đã đánh bật hiệu ứng ánh đèn sân khấu ra khỏi cuộc đời bằng nhận thức lành mạnh về bản thân. Với những chia sẻ trên, Việc Làm 24h hy vọng rằng mỗi bạn đọc sẽ luôn tự tin và tỏa sáng theo cách riêng của mình.
Xem thêm: Top 13 app ghi chú công việc cực tiện ích dành cho người bận rộn