Sunk Cost và ngụy biện chi phí chìm ảnh hưởng như thế nào đến quyết định?

“Sunk Cost” hay chi phí chìm là một thuật ngữ trong ngành kinh tế. Tuy nhiên dường như tất cả chúng ta đều bị tác động bởi khái niệm này trong cả công việc, cuộc sống, học tập, mối quan hệ. Chi phí chìm là gì, cách chúng ảnh hưởng đến mỗi cá nhân như thế nào? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h tìm hiểu ở bài viết sau.

Sunk Cost là gì?

Trong kinh tế học, Sunk Cost hay chi phí chìm là loại chi phí đã sử dụng và không thể thu hồi. Ví dụ, một công ty sản xuất sẽ có chi phí chìm như chi phí máy móc, thiết bị. Cá nhân cũng có thể phải chịu ảnh hưởng của chi phí này. Hãy xem đây là chi phí bạn đã bỏ ra trong quá khứ mà không thể lấy lại được, chẳng hạn như thời gian, tiền bạc, công sức. Ví dụ như bạn không nỡ buông bỏ một mối quan hệ vì đã quen nhau 3 năm, không thể nghỉ công ty đã gắn bó 5 năm hay đơn giản là tiếc một chiếc áo đã cố công săn sale dù mặc không ưng ý lắm.

sunk cost
Sunk Cost là gì? Chi phí chìm là chi phí đã phát sinh trong quá khứ và không thể thay đổi được.

Sunk Cost Fallacy là gì?

Sunk Cost Fallacy hay ngụy biện chi phí chìm là thành kiến nhận thức khiến bạn cảm thấy nên tiếp tục đổ công sức, tiền bạc hoặc thời gian vào điều gì đó vì đã “chìm” quá nhiều vào chúng. Chi phí chìm ở đây chính là nguyên nhân khiến bạn khó thoát khỏi tình huống này vì không muốn thấy nguồn lực của mình bị lãng phí. Hai nhà tâm lý học Amos Tversky và Daniel Kahneman lần đầu tiên đưa ra ý tưởng về thành kiến này vào năm 1972, đặt nền móng cho những nghiên cứu sâu hơn về ngụy biện chi phí chìm. 

Sunk Cost Fallacy mô tả những điều nhỏ nhặt như tiếp tục đọc một cuốn sách nhàm chán vì đã lỡ mua, cho đến những vấn đề nghiêm trọng hơn như từ chối nghỉ việc vì đã làm 10 năm ở công ty. Khuynh hướng nhận thức này xuất hiện trong mọi khía cạnh sự nghiệp, học vấn, mối quan hệ, đầu tư tài chính… Một số ví dụ có thể kể đến như:

– Đặt cược cờ bạc nhiều tiền hơn để cố gắng bù đắp cho những lần thua trước.

– Tiếp tục theo đuổi ngành học đã chọn mặc dù biết con đường này không phù hợp với mình.

– Duy trì một mối quan hệ yêu đương mà dường như mọi thứ đều đi vào ngõ cụt vì đã ở bên nhau quá lâu rồi.

– Tiếp tục đầu tư vào một dự án với hy vọng thu được lợi nhuận tốt khi đã bỏ công sức, thời gian, vốn liếng dù mọi thứ không có khả năng cải thiện.

Điều gì gây ra ngụy biện chi phí chìm?

Các nhà nghiên cứu về kinh tế học hành vi đã xác định được ít nhất năm yếu tố tâm lý gây ra khuynh hướng nhận thức này:

Tâm lý sợ hãi mất mát

Đây là xu hướng tránh mất mát vì tâm lý mất đi một thứ gì đó có tác động mạnh hơn so với đạt được điều tương tự. Ví dụ thắng được 500 ngàn thì cảm giác thật tuyệt nhưng thua 500 ngàn sẽ kinh khủng hơn. Kết quả là chúng ta sẽ cố gắng tránh mất 500 ngàn ngay cả khi điều đó đồng nghĩa với việc từ bỏ cơ hội chiến thắng. Với Sunk Cost Fallacy, ác cảm mất mát khiến chúng ta gắn bó với những khoản đầu tư kém hay mối quan hệ lâu năm.

Frame Effect

Hiệu ứng đóng khung xảy ra khi mọi người chọn các phương án dựa trên việc chúng được đóng khung theo hướng tích cực hay tiêu cực. Kết hợp với nỗi sợ mất mát, bạn tin rằng việc từ bỏ một dự án đồng nghĩa với thua lỗ (khung tiêu cực), mặc dù việc ngừng lãng phí nguồn lực vào thứ gì đó không hiệu quả là hoàn toàn hợp lý.

sunk cost
Ngụy biện về chi phí chìm là xu hướng tiếp tục với những gì chúng ta đã đầu tư ngay cả khi chi phí hiện tại lớn hơn lợi ích.

Sự lạc quan không thực tế

Sự lạc quan không thực tế xảy ra khi mọi người tin rằng họ ít gặp phải sự kiện tiêu cực hơn những người khác. Với Sunk Cost Fallacy, điều này có nghĩa là bạn có xu hướng đánh giá quá cao cơ hội chiến thắng và đánh giá thấp rủi ro thua cuộc, đặc biệt khi đã đầu tư tiền vào dự án nào đó. Chẳng hạn như nếu bạn đầu tư 100 triệu vào khởi nghiệp, bạn tin rằng nó sẽ thành công bất kể bằng chứng thực tế là gì.

Ý thức trách nhiệm cá nhân

Khi cảm thấy phải chịu trách nhiệm về những nguồn lực đã đầu tư trước đó, bạn có nhiều khả năng rơi vào tình trạng nhận thức sai lầm về Sunk Cost Fallacy. Nói cách khác, việc dừng mọi tình huống mà bạn đã quyết định đầu tư sẽ rất khó. 

Mong muốn không lãng phí

Những người ra quyết định có thể tiếp tục theo đuổi đến cùng vì họ cảm thấy tồi tệ khi lãng phí. Ví dụ bạn mua một vé xem phim nhưng sau 30 phút, bạn cảm thấy thật nhàm chán nhưng vẫn quyết định ở lại xem vì hai lý do: không muốn những người khác trong rạp nghĩ rằng bạn đang lãng phí tiền và cá nhân bạn cảm thấy tệ khi đã bỏ phí tiền vé.

Ảnh hưởng của ngụy biện sunk cost là gì?

Khi để cho khuynh hướng nhận thức này ảnh hưởng đến quyết định của mình, bạn thường đưa ra những lựa chọn sai lầm khiến bản thân bị tổn thương. Thay vì sử dụng logic, bạn dễ rơi vào một vòng luẩn quẩn bởi việc gia tăng những cam kết của mình. Đó là tiếp tục đầu tư thời gian, tiền bạc và sức lực vào điều gì đó, ngay cả khi không mang lại lợi ích tốt nhất. Càng đầu tư nhiều, bạn càng cam kết nhiều hơn và càng đổ nhiều nguồn lực hơn vào quyết định tồi tệ ban đầu. Theo Viện Y tế Quốc gia (NIH), Sunk Cost Fallacy dẫn đến việc đưa ra quyết định phi lý, dựa trên cảm xúc , khiến bạn phải tốn thêm nguồn lực vào ngõ cụt thay vì thoát khỏi con tàu đang chìm dần.

Đừng ở lại trên một con tàu đang chìm

Khi hiểu được cách hoạt động của Sunk Cost Fallacy và các yếu tố tâm lý tác động, bạn có thể nhận diện được hình thức ngụy biện này mỗi khi đưa ra quyết định. Để làm điều này, hãy tự hỏi mình những vấn đề sau:

– Tôi sợ mất mát điều gì? Nỗi sợ hãi này đang níu kéo tôi như thế nào?

– Tôi đã xác định sự thất bại và thành công như thế nào trong tình huống này? Những định nghĩa này có ý nghĩa không?

– Khả năng thành công thực tế của tôi trong trường hợp này như thế nào?

– Tôi có sợ mình đang lãng phí không, nỗi sợ này có hợp lý không?

Tiếp đến là làm sao để biết khi nào nên từ bỏ con đường đang đi. Ranh giới giữa việc tiếp tục hành trình và từ bỏ là vô cùng mong manh. Chẳng hạn như bạn có thể trải qua giai đoạn khó khăn trong một mối quan hệ tuy nhiên điều này không nhất thiết là lý do để bạn rời đi ngay lập tức. Hoặc bạn có thể thử một sở thích mà không thực sự hứng thú 100% nhưng cuối cùng lại có thể yêu thích nó khi vượt qua được rào cản suy nghĩ “mình không giỏi việc này lắm.”

Trong những thời điểm này, điều quan trọng là cần bình tĩnh. Đồng thời nhớ rằng dự đoán tốt nhất về tương lai chính là quá khứ. Nếu cho đến thời điểm này các mối quan hệ, sở thích, công việc… không mang lại lợi ích tích cực nào thì khả năng cao điều đó cũng sẽ không xảy ra ở tương lai. Đồng thời nên cân nhắc đến những điều sau:

Kết quả không như ý

Nếu bạn liên tục gặp phải kết quả không như ý dù đã nỗ lực hết sức, hãy dành thời gian để đánh giá lại.

Chi phí cơ hội

Công sức, thời gian, tiền bạc của bạn sẽ mang lại giá trị cao nhất ở đâu, bạn có thể nhận được nhiều “lợi nhuận” hơn từ nguồn lực bằng cách mạo hiểm chọn con đường khác hoặc tiếp tục theo đuổi lộ trình cũ không?

Sức khỏe tinh thần

Nếu tình huống ảnh hưởng tiêu cực đến sức khỏe tinh thần của bạn và tương lai hứa hẹn không mấy tươi sáng, tốt nhất hãy đóng cánh cửa này lại.

Xem thêm: Bí kíp xây dựng sức khỏe tinh thần lành mạnh trong môi trường làm việc

Thiếu tự tin

Nếu bạn càng ngày càng cảm thấy không chắc chắn về con đường đang đi thì rất có thể là dấu hiệu để bạn xem xét lại quyết định của mình.

sunk cost
Nên biết dừng lại đúng lúc để có tương lai tốt đẹp hơn thay vì chìm sâu vào quá khứ.

Khi mọi thứ dường như đi vào ngõ cụt, hãy can đảm bỏ qua quá khứ và đưa ra quyết định dựa trên những gì tốt nhất cho chính mình. Ngụy biện chi phí chìm sẽ khiến bạn trở thành kẻ thù tồi tệ của bản thân, do đó hãy tỉnh táo để biết dừng lại đúng lúc và đừng tạo một cái hố sâu hơn để chôn mình. 

Với bài viết trên, hy vọng đã mang đến cho bạn đọc những thông tin bổ ích về chi phí chìm. Đừng quên theo dõi blog của Vieclam24h.vn để đón đọc những chủ đề thú vị khác nhé!

Việc làm gợi ý

ㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤㅤXem thêm >ㅤㅤㅤ

Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.

Xem thêm: Overhead Cost là gì? Phương pháp quản lý tối ưu chi phí chung cho doanh nghiệp

Top công việc mới nhất

Cùng chuyên mục