Mô hình SWOT được ứng dụng rộng rãi không chỉ trong lĩnh vực kinh tế, mà còn là hầu hết các ngành nghề khác trong đời sống. Đây là phương pháp hữu ích giúp doanh nghiệp phân tích 4 khía cạnh Điểm mạnh – Điểm yếu – Cơ hội – Thách thức và thiết lập chiến lược thành công cho tương lai. Vậy SWOT là gì? Tại sao doanh nghiệp nên áp dụng mô hình SWOT? Làm cách nào để ứng dụng mô hình SWOT trong công việc để mang lại hiệu quả? Để trả lời những câu hỏi này, mời các bạn cùng Việc Làm 24h tìm hiểu qua bài viết dưới đây nhé!
SWOT là gì?
SWOT là mô hình phân tích tình hình kinh doanh được sử dụng rất phổ biến trong các doanh nghiệp. Mô hình SWOT gồm 4 yếu tố viết tắt bởi 4 từ tiếng Anh bao gồm Strengths (Điểm mạnh), Weaknesses (Điểm yếu), Opportunities (Cơ hội) và Threats (Thách thức).
Mô hình phân tích SWOT là gì
Trong 4 yếu tố của mô hình SWOT thì các yếu tố S (Điểm mạnh) và W (Điểm yếu) sẽ xuất hiện từ tiềm lực bên trong, còn các yếu tố O (Cơ hội) và T (Thách thức) là các yếu tố bên ngoài.
Mô hình phân tích SWOT giúp doanh nghiệp phát hiện ra những giải pháp hiệu quả để xây dựng chiến lược; lập kế hoạch kinh doanh; đánh giá các đối thủ cạnh tranh hoặc thực hiện chiến dịch tiếp thị – quảng cáo các sản phẩm và dịch vụ,.. Do đó, phương pháp phân tích SWOT sẽ mang lại cho các nhà quản trị cái nhìn tổng thể để quản lý mục tiêu và định hướng các kế hoạch trong tương lai nhằm đảm bảo sự phát triển bền vững của doanh nghiệp.
Nguồn gốc hình thành SWOT là gì
Nhiều người cho rằng mô hình SWOT được ra mắt vào những năm 60-70 của thế kỷ 20 và được phát triển bởi Albert Humphrey. Tuy nhiên, mô hình phân tích này lại là kết quả của dự án nghiên cứu đến từ đại học Stanford, Mỹ thực hiện. Kết quả này được hình thành từ cuộc khảo sát với hơn 500 doanh nghiệp tham gia có mức doanh thu cao nhất lúc bấy giờ.
Ban đầu, mô hình này có tên là SOFT, được viết tắt bởi 4 từ tiếng Anh là Satisfactory (Thỏa mãn), Opportunity (Cơ hội), Fault (Lỗi), Threat (Thách thức). Cho đến năm 1964, Albert cùng các cộng sự khác đã đổi yếu tố F (Fault) thành W (Weakness) và từ đó SWOT chính thức ra đời.
Khoảng năm 2004, SWOT ngày càng hoàn thiện và được sử dụng rộng rãi tại các doanh nghiệp khác nhau để mang lại những hiệu quả tích cực mà không phụ thuộc nhiều vào bất kỳ sự tư vấn hay các nguồn lực tốn kém khác.
Mô hình SWOT được áp dụng trong trường hợp nào?
Mô hình SWOT đặc biệt hữu ích giúp mọi người có cái nhìn tổng quan và sâu sắc trong từng dự án của doanh nghiệp. Với mô hình này, nhà quản trị có thể áp dụng để hoạch định chiến lược và đưa ra quyết định thiết lập kế hoạch chính xác và hiệu quả nhất dựa vào tình hình phát triển.
Mô hình SWOT thường được áp dụng trong các trường hợp sau:
- Các buổi họp Brainstorm ý tưởng.
- Giải quyết các vấn đề như cơ cấu tổ chức, văn hoá doanh nghiệp, nguồn lực, năng suất lao động,..
- Phát triển các chiến lược sản phẩm, dịch vụ, cạnh tranh,…
- Lập kế hoạch.
- Ra quyết định.
- Đánh giá chất lượng sản phẩm.
- Đánh giá đối thủ cạnh tranh.
- Loại bỏ hoặc khắc phục những điểm yếu.
- Phân tích SWOT cho bản thân.
Những lợi ích khi doanh nghiệp áp dụng phân tích SWOT là gì
Khi áp dụng phân tích SWOT, các doanh nghiệp có thể nắm bắt những yếu tố quan trọng tác động từ bên trong (điểm mạnh, điểm yếu) và bên ngoài (cơ hội, thách thức) để đưa ra chiến lược kinh doanh phù hợp. Cụ thể, doanh nghiệp sẽ xác định những điểm mạnh về nguồn lực mà mình đang có, những điểm yếu cần phải triệt tiêu, những cơ hội cần phải nắm bắt kịp thời và tìm biện pháp loại bỏ những thách sẽ phải đối mặt trong tương lai.
Dựa trên cơ sở vững chắc này, mô hình SWOT có thể áp dụng cho mọi doanh nghiệp thuộc bất kỳ lĩnh vực nào để thiết lập kế hoạch hiệu quả và tránh được những rủi ro. Nhờ đó doanh nghiệp có thể đột phá những ý tưởng và giải pháp kinh doanh độc đáo, mới lạ. Đồng thời, doanh nghiệp sẽ không mất bất kỳ chi phí nào thuê các chuyên gia, thu thập thông tin để phân tích hiệu quả.
Bên cạnh đó, mô hình SWOT cho phép mọi người kể cả CEO cấp cao, nhà quản lý, nhân viên hoặc thậm chí khách hàng cũng có thể tham gia vào quá trình phân tích này. Điều này góp phần giúp doanh nghiệp huy động sức mạnh đội nhóm và tạo sự gắn kết tinh thần cho các thành viên trong công ty. Qua đó, khuyến khích nhân viên đưa ra những đóng góp, ý kiến để tham gia xây dựng các chiến lược chung của doanh nghiệp.
Phân tích SWOT
Phân tích SWOT là gì?
Đối với lĩnh vực kinh doanh, phân tích SWOT là quá trình đưa ra được điểm mạnh, điểm yếu, cơ hội và thách thức trong hoạt động kinh doanh của một doanh nghiệp thông qua một dự án, kế hoạch cụ thể trước khi doanh nghiệp thiết lập chiến lược sản xuất kinh doanh.
Những yếu tố cốt lõi trong mô hình SWOT là gì
S: Strengths – Điểm mạnh
Điểm mạnh là những yếu tố nổi trội đến từ nguồn lực bên trong mà doanh nghiệp có thể chú trọng phát triển để trở thành lợi thế cạnh tranh trước các đối thủ khác trên thị trường.
- Nguồn lực về tài chính – đầu tư, nhân viên, sản phẩm, dịch vụ,….
- Thương hiệu mạnh đến từ tuổi đời và kinh nghiệm của doanh nghiệp trên thị trường kinh doanh.
- Hoạt động truyền thông nội bộ và bên ngoài tích cực.
- Giá cả và chất lượng sản phẩm.
- Được chứng nhận về chất lượng sản phẩm và dịch vụ.
- Quy trình hoạt động và cơ sở vật chất kỹ thuật tiên tiến
- Văn hóa doanh nghiệp.
Để tìm ra điểm mạnh, doanh nghiệp phải trả lời các câu hỏi sau:
- Điều gì khiến doanh nghiệp để lại ấn tượng với khách hàng?
- Doanh nghiệp đang làm tốt hơn các đối thủ cạnh tranh ở mảng nào?
- Thương hiệu mà doanh nghiệp xây dựng độc đáo như thế nào trên thị trường?
- Doanh nghiệp có những tài nguyên gì về danh tiếng, kỹ năng, con người,…. mà đối thủ không có hoặc chưa có ?
W: Weaknesses – Điểm yếu
Điểm yếu cũng thuộc nguồn lực bên trong nhưng mang tính tiêu cực và cản trở sự phát triển của doanh nghiệp. Do đó, doanh nghiệp cần những yếu tố cản trở này để có giải pháp cải thiện kịp thời. Để xác định được điểm yếu, doanh nghiệp cần tôn trọng đối thủ cạnh tranh, giữ thái độ khách quan và dám đối diện với sự thật.
- Thương hiệu yếu, chưa nhận diện tốt trên thị trường.
- Thiếu kinh nghiệm trong quy trình quản lý.
- Quy trình đào tạo nhân viên chưa chuyên nghiệp.
- Hạn chế về các mối quan hệ với đối tác kinh doanh.
- Cơ sở vật chất và trang thiết bị chưa được đầu tư đầy đủ.
- Chưa có định hướng hay mục tiêu rõ ràng.
- Kỹ năng nghề nghiệp còn yếu kém.
Để tìm ra điểm yếu, doanh nghiệp phải trả lời các câu hỏi sau:
- Doanh nghiệp phát triển chậm do yếu tố nào?
- Tại sao khách hàng lại lựa chọn đối thủ chứ không phải bạn?
- Khía cạnh nào mà đối thủ cạnh tranh đang thực hiện tốt hơn bạn?
- Doanh nghiệp đang đối mặt với những khó khăn nào?
O: Opportunities – Cơ hội
Cơ hội đề cập đến những nhân tố bên ngoài tác động tích cực và doanh nghiệp có thể nắm bắt để tạo lợi thế cạnh tranh. Những nhân tố khách quan này doanh nghiệp không thể thay đổi hoặc kiểm soát được, nhưng doanh nghiệp vẫn có thể tận dụng để tạo ra cơ hội cho ra mắt sản phẩm, dịch vụ mới mà trước giờ trên thị trường chưa từng có.
- Xu hướng phát triển và đổi mới của công nghệ và thị trường.
- Nhà nước ban hành các chính sách có lợi đến lĩnh vực kinh doanh của doanh nghiệp.
- Những thay đổi về xã hội, dân số, lối sống,…
- Xu hướng tiêu dùng.
- Thời tiết và các mùa trong năm.
- Hợp đồng, đối tác hoặc các chủ đầu tư.
- Đối thủ đang phát triển theo chiều hướng xấu.
Để tìm ra cơ hội, doanh nghiệp phải trả lời các câu hỏi sau:
- Thị trường hiện nay đang có những xu hướng phát triển nào?
- Các yếu tố thị trường như chính sách, xu thế, môi trường xã hội, nhu cầu khách hàng,… mà doanh nghiệp có thể tận dụng?
- Doanh nghiệp nên làm gì để cải thiện quy trình tiếp cận khách hàng tiềm năng?
- Những phương thức truyền thông nào sẽ giúp doanh nghiệp thực hiện chuyển đổi nhanh chóng?
- Doanh nghiệp có thể khai thác những kênh quảng cáo nào tiềm năng?
T: Threats – Thách thức
Thách thức là những yếu tố rủi ro và nguy cơ gây hại đến từ bên ngoài ảnh hưởng đến sự phát triển của doanh nghiệp. Yếu tố này mang tính khách quan và doanh nghiệp không thể kiểm soát được, tuy nhiên vẫn có thể lường trước để đưa ra các giải pháp dự phòng.
- Đổi mới cơ cấu và tổ chức lĩnh vực doanh nghiệp đang kinh doanh.
- Thị trường gặp biến động.
- Công nghệ doanh nghiệp đang sử dụng đã lỗi thời so với đối thủ.
- Sự phát triển của công nghệ khiến bạn bị lạc hậu.
- Thiên tai, dịch bệnh.
- Những đối thủ cạnh tranh mới xuất hiện.
Để xác định thách thức, doanh nghiệp phải trả lời các câu hỏi sau:
- Đối thủ cạnh tranh đang vượt trội hơn bạn ở điểm gì?
- Thị trường biến động đã ảnh hưởng đến doanh nghiệp ra sao?
- Doanh nghiệp gặp khó khăn nào về mặt tài chính?
- Hành vi của người tiêu dùng thay đổi tác động thế nào đến doanh nghiệp?
Ma trận SWOT
Sau khi liệt kê các yếu tố điểm mạnh – điểm yếu – cơ hội – thách thức, doanh nghiệp thực hiện kết hợp những yếu tố này lại với nhau để tạo thành những chiến lược căn bản. Nhờ đó phát huy hết giá trị của nó và đưa ra chiến lược tổng thể phù hợp với doanh nghiệp.
Trong đó, có 4 chiến lược SWOT căn bản nhất như sau:
- Chiến lược S-O: Tận dụng những cơ hội bên ngoài bằng cách khai thác những điểm mạnh đến từ nguồn lực doanh nghiệp. Đây là chiến lược ngắn hạn được các doanh nghiệp ưu tiên hàng đầu.
- Chiến lược W-O: Là chiến lược trung hạn, tận dụng những cơ hội bên ngoài bằng cách cải thiện những điểm yếu, những điều mà doanh nghiệp chưa làm được.
- Chiến lược S-T: Tận dụng những điểm mạnh để ngăn ngừa và đối phó những rủi ro, thách thức hay những điều gì gây bất lợi cho doanh nghiệp đến từ bên ngoài. Khả năng thực thi của chiến lược này sẽ phụ thuộc vào từng trường hợp cụ thể. Đây là chiến lược ngắn hạn.
- Chiến lược W-T: Là chiến lược phòng thủ bằng cách cải thiện những điểm yếu để thiết lập “rào chắn” phòng tránh rủi ro, thử thách thức lớn từ bên ngoài. Những rủi ro này đến từ điểm yếu của doanh nghiệp nên cần được phát hiện và khắc phục từ sớm.
Ví dụ thực tế từ mô hình SWOT của Công ty sữa Vinamilk
Điểm mạnh
- Có chỗ đứng vững chắc trong lòng người tiêu dùng bởi lịch sử hình thành thương hiệu sữa lâu đời nhất Việt Nam.
- Nhiều năm kinh nghiệm trong lĩnh vực sữa.
- Nhận nhiều giải thưởng cao quý như “Top 10 hàng Việt Nam chất lượng cao”, “Top 100 thương hiệu mạnh”,… tạo sự tin cậy cho người tiêu dùng
- Danh mục sản phẩm đa dạng như sữa tiệt trùng, sữa chua, sữa đặc, kem, nước ép, bột ăn dặm,… phù hợp với các đối tượng thành viên trong gia đình.
- Sản phẩm đạt chuẩn chất lượng và giá cả tầm trung, ổn định.
- Thị trường phân phối lớn mạnh trong nước và ngoài nước.
- Ứng dụng công nghệ sản xuất tiên tiến và đầu tư trang thiết bị đạt chuẩn quốc tế.
- Đội ngũ lãnh đạo chất lượng.
- Tiềm lực tài chính mạnh mẽ.
- Hệ thống quản lý minh bạch, rõ ràng.
Điểm yếu
- Chưa tự chủ nguồn nguyên liệu, còn phụ thuộc vào nhập khẩu từ nước ngoài.
- Khả năng thâm nhập vào thị trường nước ngoài chưa cao.
- Doanh thu chịu ảnh hưởng bởi nhiều yếu tố.
- Nhiều sản phẩm vẫn trong giai đoạn thử nghiệm.
Cơ hội
- Tận dụng các chính sách hỗ trợ của Chính phủ.
- Nhu cầu thị trường sữa cao, không bao giờ sụt giảm.
- Hành vi của người tiêu dùng thay đổi khi sử dụng các sản phẩm tốt cho sức khỏe.
- Mạng lưới phân phối sữa rộng khắp Việt Nam.
- Các sản phẩm sữa nhập khẩu với giá thành cao, trong khi Vinamilk đưa ra mức giá tầm trung và ổn định.
Thách thức
- Xuất hiện nhiều đối thủ cạnh tranh sữa nội địa, đặc biệt là TH True Milk
- Cạnh tranh với các thương hiệu sữa quốc tế Nestle, Dutch Lady, Anlene,…
- Sức ép lớn đến từ nguồn nguyên liệu đầu vào không ổn định
- Rủi ro từ thị trường xuất khẩu.
- Thói quen của người tiêu dùng.
Một số câu hỏi về mô hình SWOT
1. Có phải mô hình SWOT chỉ áp dụng trong lĩnh vực kinh doanh?
Tuy SWOT được áp dụng chủ yếu trong kinh doanh nhưng mọi người vẫn có thể ứng dụng mô hình này ở bất kỳ đâu và với bất kỳ đối tượng nào.
Ví dụ: Các bạn học sinh cuối cấp có thể phân tích SWOT để định hướng trường đại học lý tưởng bằng cách phân tích:
- Những môn học giỏi?
- Những môn học yếu?
- Cơ hội vào được trường nào?
- Những thách thức phải đối mặt ra sao?
Nhờ đó, bạn sẽ có sự chuẩn bị phù hợp nhất.
2. Hạn chế của SWOT là gì?
Dù mang lại nhiều lợi ích nhưng mô hình SWOT vẫn tồn tại những hạn chế như:
- Kết quả khai thác chưa chuyên sâu và chưa thể hiện đầy đủ các khía cạnh. Do đó, doanh nghiệp cần kết hợp với các số liệu chính xác để dự án đi đến thành công.
- Phân tích chủ quan dựa vào người lập mô hình.
- Không đưa ra phương hướng hành động cụ thể mà phương hướng thường chung chung.
- Cần thực hiện nghiên cứu bổ sung và phân tích chuyên sâu để đảm bảo kế hoạch được hiệu quả như nghiên cứu hành vi, nhu cầu khách hàng,…
- Dữ liệu đầu vào dễ thay đổi nên phải thường xuyên phân tích lại.
3. Có phải chỉ người lãnh đạo mới được tham gia phân tích SWOT?
Tuy người lãnh đạo sẽ là người đề xuất phân tích SWOT nhưng bất kỳ ai cũng có thể tham gia vào quá trình này. Đó có thể là những người quản lý cấp thấp hơn, nhân viên các bộ phận hoặc những nhân viên chăm sóc khách hàng và thậm chí là cả khách hàng.
Xem thêm: Những sai lầm của người lãnh đạo dễ gây căng thẳng cho nhân viên
4. Doanh nghiệp mới thành lập chưa có điểm mạnh cụ thể nên phân tích SWOT thế nào?
Chủ doanh nghiệp hay người sáng lập nên doanh nghiệp đó phải hiểu rõ sản phẩm, dịch vụ của mình có điểm gì vượt trội hơn so với các đối thủ cạnh tranh. Bởi lẽ, doanh nghiệp đó được thành lập và vẫn đang tồn tại đã là một điểm mạnh rồi.
Kết luận
Hy vọng qua bài viết này, SWOT là gì không còn là nỗi băn khoăn của mọi người nữa. Những thông tin tổng quát về SWOT mà Nghề Nghiệp Việc Làm 24h chia sẻ trên sẽ giúp bạn hiểu hơn về công cụ hữu ích này và áp dụng thành công phù hợp với mục đích của bản thân nhé!
Xem thêm: Hybrid working là gì? 4 mô hình Hybrid working tăng năng suất cho doanh nghiệp