Dù đã xuất hiện từ lâu nhưng cụm từ tiêu chuẩn kép đột nhiên “sống” lại dạo gần đây trên mạng xã hội, thu hút sự chú ý của nhiều người, đặc biệt là giới trẻ. Xã hội càng hiện đại, tiêu chuẩn kép có thể ẩn sau những hành động diễn ra thường ngày mà có thể bạn không nhận ra. Vậy tiêu chuẩn kép là gì? Hãy cùng Nghề Nghiệp Việc Làm 24h bàn luận về chủ đề này qua bài viết dưới đây nhé!
Tiêu chuẩn kép là gì?
Tiêu chuẩn kép (Double standard) được dùng để diễn tả cùng một sự vật, sự việc nhưng có nhiều nhận định theo nhiều chiều hướng khác nhau. Tư duy này thường được sử dụng nhằm mục đích hợp lý hóa cho hành vi của bản thân và áp đặt cho bên còn lại.
Tiêu chuẩn kép là luôn bỏ sẵn trong túi 2 tiêu chuẩn khác nhau rồi tùy trường hợp mà lựa chọn, dùng cái nào có lợi cho mình. Thẳng thắn thừa nhận thì tiêu chuẩn kép là tính 2 mặt, mập mờ, bao biện; gây ảnh hưởng đến tính công bằng, bình đẳng trong quy tắc ứng xử.
Xem thêm: Nguyên tắc vàng giúp bạn đạt 10 điểm thanh lịch khi giao tiếp với đồng nghiệp
Một vài trường hợp tiêu chuẩn kép
1. Tiêu chuẩn kép môi trường làm việc
Tư duy đổ lỗi và không thừa nhận sai lầm của bản thân không hiếm thấy trong môi trường làm việc. Tiêu chuẩn kép có thể dẫn đến phân biệt đối xử và bất công tại nơi làm việc. Nếu cả 2 nhân viên cùng làm một công việc, nhân viên A được yêu mến nên được bỏ qua sai sót, còn nhân viên B có thể bị quy trách nhiệm nặng hơn. Bên cạnh đó, khi xét về phương diện cá nhân, bạn mong người khác phớt lờ hoặc tha thứ khi bản thân phạm lỗi, nhưng nếu lỗi xuất phát từ đồng nghiệp, bạn công kích và muốn công ty xử lý nghiêm.
Mọi người dần bảo vệ lợi ích cá nhân hơn là tập trung phát triển lợi ích chung của công ty. Nhân viên hành xử tiêu chuẩn kép sẽ không được đánh giá cao năng lực và mất cơ hội thăng tiến. Người làm sếp nếu có tư duy này dễ làm đội ngũ bất mãn, làm việc kém hiệu quả và nhân tài có nguy cơ “dứt áo ra đi”.
Ví dụ: Đồng nghiệp luôn áp đặt những tiêu chuẩn và kỳ vọng bạn duy trì sắc vóc, chăm tập thể dục nhưng họ lại không áp những tiêu chuẩn ấy lên bản thân họ, họ có thể lười vận động và không cần quá chú tâm vào ngoại hình của chính mình.
Xem thêm: Drama công sở: Đừng biến chốn văn phòng trở thành thâm cung nội chiến!
2. Tiêu chuẩn kép trong tình yêu là gì?
Tình yêu là một trong những phạm trù xuất hiện tiêu chuẩn kép ở cả hai giới, khi người này kỳ vọng về nửa kia nhưng lại không muốn những kỳ vọng đó áp dụng lên bản thân. Điều này vừa không công bằng cho đối phương vừa gây hại cho mối quan hệ.
Khi một người luôn cho mình đúng, mọi hành động của họ đều có thể thông cảm nhưng nếu lỗi lầm xuất phát từ đối phương thì lại là chuyện khó có thể tha thứ. Cô gái có thể cho rằng người bạn trai hết yêu mình, chỉ yêu mỗi game khi không trả lời tin nhắn. Tuy nhiên, cô ấy có thể tức giận và bảo bạn trai để yên cho mình xem phim khi bị “làm phiền” bởi loạt inbox “em ăn gì chưa?”, “em đang làm gì đấy?”, “sao không trả lời anh?”. Trong một mối quan hệ, người có tiêu chuẩn kép sẽ luôn coi bản thân là trung tâm và người kia phải tuân theo mọi luật lệ mà họ đưa ra.
Ví dụ: Một người luôn đòi hỏi sự yêu thương, tôn trọng từ đối phương và đòi hỏi người yêu phải luôn báo cáo về hoạt động của bản thân, nhưng lại không bao giờ lắng nghe đối phương mong cầu điều gì từ mình trong mối quan hệ.
Hoặc có thể là người luôn muốn nắm quyền kiểm soát về mọi hoạt động, vật dụng và cuộc sống của người yêu, nhưng lại cảm thấy khó chịu và mong muốn sự riêng tư khi đối phương muốn tìm hiểu về cuộc sống của họ.
Xem thêm: Ngôn ngữ tình yêu là gì? Giải mã 5 ngôn ngữ tình yêu của các cặp đôi
3. Tiêu chuẩn kép trong gia đình
Trong phạm vi gia đình, tiêu chuẩn kép thể hiện qua các cách ứng xử khác nhau giữa mỗi thành viên. Rõ nét nhất là khi bậc cha mẹ không tuân theo các quy tắc đặt ra cho bản thân, nhưng lại bắt con cái phải nhất nhất làm theo. Hoặc họ có thể cho phép một đứa trẻ làm điều này nhưng lại không cho đứa trẻ khác làm điều tương tự.
Con cái có thể ngờ vực, oán giận cha mẹ và ngược lại, hình thành những bức tường vô hình trong giao tiếp. Không những thế, tiêu chuẩn kép còn hình thành môi trường đạo đức giả trong gia đình, khi mà các thành viên buộc phải che giấu suy nghĩ và cảm xúc thật để tránh các xung đột do bất đồng ý kiến.
Điều này có thể gây ra những hậu quả tiêu cực đối với kết nối tình cảm giữa các thành viên trong gia đình. Khi mà sự chân thành và trung thực bị xói mòn, lòng tin của các thành viên dành cho nhau cũng biến mất. Không những thế, tiêu chuẩn kép trong gia đình có thể khiến các thành viên bị ảnh hưởng bởi các giá trị tiêu cực, thiếu lành mạnh.
Một số ví dụ cụ thể nhất về tiêu chuẩn kép trong gia đình:
- Khi bậc cha mẹ dạy con không được nói dối, nhưng chính họ lại nói dối.
- Khi bậc cha mẹ đưa ra ngoại lệ cho đứa trẻ này nhưng không cho phép đứa trẻ khác làm theo.
4. Tiêu chuẩn kép trong xã hội
Tiêu chuẩn kép còn hiện diện trong nhiều phương diện khác nhau như pháp luật, chính trị, giữa các chủng tộc, vùng miền hoặc giữa người giàu và người nghèo, giới tính,… khi xuất hiện một nhóm người chiếm ưu thế hơn nhóm còn lại.
Ví dụ như: Nhiều bậc phụ huynh có tâm lý coi nhẹ mức độ ảnh hưởng của các vụ xâm hại tình dục lên các bé trai, nên lựa chọn bỏ qua kiện tụng, truy cứu trách nhiệm. Hoặc trong khi nhiều người đồng cảm thì một bộ phận lại xoay qua chỉ trích nữ nạn nhân trong các cuộc xâm hại tình dục là “phải làm gì thì mới bị như vậy”.
Hoặc định kiến nam giới có thể không cần biết việc nội trợ, nấu nướng. Trong khi đó, nếu phụ nữ không giỏi việc bếp núc có thể bị chỉ trích nặng nề.
Tiêu chuẩn kép khiến nhiều người trở nên đạo đức giả, càng nhiều người đạo đức giả thì niềm tin trong xã hội càng sụt giảm. Lòng tin giảm đến một mức nào đó thì xã hội sẽ sụp đổ vì các mối liên kết không còn tồn tại.
Vì sao tiêu chuẩn kép trở nên phổ biến?
Năm 1775, cụm từ “double standard” được nhà hoạt động xã hội Thomas Paine sử dụng trong một bài viết được đăng trên tạp chí Pennsylvania, ám chỉ sự bất bình đẳng trong cách đối xử với phụ nữ. “Women are constrained in the disposal of their goods, robbed of their freedom of will by the laws and victimised by a pernicious system of double standards”
Tạm dịch như sau: Phụ nữ bị hạn chế trong việc định đoạt tài sản của mình, bị luật pháp cướp đi quyền tự do ý chí và trở thành nạn nhân của một hệ thống tiêu chuẩn kép tàn độc.
Cho đến những năm 1930, tiêu chuẩn kép trở nên thịnh hành khi sự bất bình đẳng giữa nam và nữ tăng lên. Trong khi một người đàn ông trăng hoa, có nhiều bạn tình được người đời tán dương là “hào hoa” thì người phụ nữ lại bị gièm pha và chịu chỉ trích “lăng loàn”.
Gần đây, cộng đồng mạng Việt Nam được dịp xôn xao trước video của một nữ TikToker phản đối việc các dì trong nhà bắt bạn phải nấu cơm rửa chén, còn đàn ông con trai thì ngồi chơi uống rượu. Mô tuýp nhà có cỗ, đàn ông thoải mái ngồi chơi xơi nước, trong khi phụ nữ phải nấu cơm rửa chén này đã làm xuất hiện 2 luồng ý kiến, thể hiện tư duy tiêu chuẩn kép trong đời sống thường ngày.
Tính hai mặt của tiêu chuẩn kép
Khi con người thiếu nền tảng quy chiếu chuẩn mực và khả năng tư duy logic, tiêu chuẩn kép sẽ xuất hiện. Tính hai mặt của tiêu chuẩn kép rõ nét nhất ở hình thức thể hiện. Một số việc có thể được xem là tuyệt vời, hoàn hảo nếu do một nhóm người làm; tuy nhiên, chính việc đó cũng có thể bị coi là cấm kỵ và không thể chấp nhận đối với một nhóm người khác. Điều này đã vi phạm các nguyên tắc về sự công bằng về mức độ trách nhiệm giữa những người khác nhau khi làm cùng một việc.
Tiêu chuẩn kép vi phạm châm ngôn bình đẳng khi cố gắng đặt một tiêu chuẩn thiên vị cho một sự vật, sự việc. Tư duy này có thể xuất hiện theo tầng lớp, địa vị xã hội, tôn giáo, chính trị, giới tính, tuổi tác,… khiến phát sinh xung đột và gây chia rẽ trong cuộc sống. Một người áp dụng tiêu chuẩn kép có thể đi ngược lại các nguyên tắc của bản thân và khiến những người xung quanh nghi ngờ mức độ chân thành.
Cách hiệu quả để tránh tiêu chuẩn kép
Chúng ta thường sử dụng tiêu chuẩn kép mỗi ngày vì chúng ta thường chọn điều dễ thay vì điều đúng. Điều đúng thường khó và đòi hỏi sự chính trực, trong khi điều sai dễ dàng và có lợi trước mắt lớn hơn. Tránh tiêu chuẩn kép không dễ dàng, cần có một “hệ miễn dịch” mạnh, đó chính là rèn luyện tính chính trực và lòng yêu thương. Cụ thể như sau:
Đầu tiên: Hãy thành thật với chính mình. Bạn cần tự hỏi liệu bản thân có thực sự tin vào những điều mình nói và liệu hành động của bạn có thực sự phù hợp với giá trị và nguyên tắc đặt ra hay không.
Thứ hai: Hãy nhất quán trong suy nghĩ, lời nói, hành động dựa theo các giá trị và nguyên tắc đúng đắn trong mọi tình huống.
Thứ ba: Hãy đồng cảm và thấu hiểu quan điểm của người khác. Bạn nên đặt mình vào vị trí của đối phương để hiểu những điều họ cảm thấy. Nhờ đó, bạn có thể kết nối với những người xung quanh ở mức độ sâu sắc hơn.
Thực hành những điều trên có thể giúp bạn cảnh giác khi áp dụng tiêu chuẩn kép lên người khác cũng như chính bản thân mình. Khi cảm thấy bản thân đang suy nghĩ hoặc hành động theo tiêu chuẩn kép, hãy đánh giá liệu bạn có đang khắt khe với người khác không và cố gắng thay đổi góc nhìn của bản thân.
Vậy làm thế nào để tránh bị áp đặt tiêu chuẩn kép lên bản thân? Hãy kiểm chứng chắc chắn những tiêu chuẩn mà đối phương áp đặt lên bạn là phiến diện. Bạn có thể yêu cầu người ấy cho biết lý do, dựa vào đó bạn có thể giải thích cho họ biết điều họ đang áp đặt có thực sự hợp lý.
Kết luận
Hy vọng những những ví dụ về tiêu chuẩn kép mà Vieclam24h.vn chia sẻ qua bài viết trên đã giúp bạn hiểu tiêu chuẩn kép là gì. Trong bất kỳ hoàn cảnh nào đi nữa thì tiêu chuẩn kép đều có thể dẫn đến sự bất bình đẳng trong cách đánh giá và đối xử giữa con người với nhau. Bạn hoàn toàn có thể thực hành tính chính trực và lòng yêu thương để tránh tư duy thiếu lành mạnh này trong quy tắc ứng xử hàng ngày.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Nhuận bút là gì? Gợi ý các công việc trả nhuận bút cao uy tín