“Tích cực lên”, “Đừng buồn nữa, hãy vui lên” hay “Không sao đâu, hãy nhìn vào mặt tích cực của vấn đề”. Đã bao lần bạn nghe được những lời động viên này? Mặc dù những lời khuyên này khuyến khích chúng ta gạt đi những cảm xúc tiêu cực và duy trì thái độ tích cực. Nhưng đôi khi chúng sẽ đẩy chúng ta vào tình trạng “tích cực độc hại”.
Tích cực độc hại là gì?
Trong cuộc sống, bên cạnh những vui vẻ và tích cực, chúng ta ắt cũng phải trải qua những cảm xúc đau buồn, khó chịu và không thể kìm nén. Đây là những cảm xúc chân thực của một con người. Chúng ta có thể lựa chọn đối mặt và giải quyết vấn đề hoặc ngược lại chọn “tích cực độc hại”.
Tích cực độc hại (Toxic Positivity) là trạng thái cảm xúc mà chúng ta phớt lờ và cố gắng né tránh những trải nghiệm không mong muốn, hay những chuyện khó khăn, tiêu cực trong cuộc sống. Theo đó, chúng ta không nhận thức được những gì bản thân và người khác đang thực sự trải qua, và vì vậy nghĩ rằng mình sẽ hạnh phúc hơn.
Tích cực độc hại có hại như thế nào?
Khi chúng ta giữ cho mình một tâm thế lạc quan và luôn nhìn vào mặt tích cực của vấn đề, cuộc sống có vẻ sẽ dễ dàng hơn. Nhưng “tích cực quá hóa độc hại”, khi mà thay vì bộc lộ những cảm xúc chân thật và nhận lại sự giúp đỡ, chúng ta lại cảm thấy cảm xúc của mình bị chối bỏ. Và theo thời gian sẽ gây ra những cảm giác và suy nghĩ cực đoan.
Đầu tiên, tích cực độc hại khiến bạn che giấu cảm giác đau buồn bạn trải qua với người thân và bạn bè. Bạn không muốn nỗi buồn của mình ảnh hưởng đến mọi người xung quanh. Kìm nén cảm xúc và cố gắng không biểu lộ nó có thể dẫn đến gia tăng căng thẳng và stress. Đồng thời nó cũng làm hao mòn khả năng chịu đựng những xúc cảm khiến chúng ta vững vàng và nhìn nhận rõ hơn về bản thân.
Xem thêm: Gợi ý 5 cách xả stress cho dân văn phòng khi làm việc căng thẳng
Bên cạnh đó, khi bạn nói với ai đó là “hãy tích cực lên”, có thể khiến họ cảm thấy càng lúc càng tệ hơn. Họ không thể giải tỏa những cảm xúc mà họ đang chịu đựng. Đặc biệt là với những người đang trải qua sang chấn về tâm lý hay những tình huống quá đỗi đau buồn. Thấu cảm thực sự là điều họ cần, chứ không phải những lời lẽ sáo rỗng khuyến khích họ phải luôn lạc quan và phấn chấn.
Những dấu hiệu của sự tích cực độc hại
Sẽ có một số dấu hiệu phổ biến giúp bạn nhận biết sự tích cực độc hại, đó là:
- Né tránh vấn đề thay vì đối mặt và giải quyết chúng;
- Cảm thấy tức giận và tội lỗi khi bản thân đau buồn hay thất vọng;
- Luôn tỏ ra tích cực, và che giấu cảm xúc thật;
- Lãng tránh cảm xúc của người khác…
Cách để hạn chế sự tích cực độc hại
Sau khi nhận ra bạn đang ảnh hưởng bởi sự tích cực độc hại, hãy thực hiện những cách sau để hỗ trợ bạn và người khác thực hiện lối sống lành mạnh.
Thành thật với cảm xúc của mình
Thay vì chối bỏ những cảm xúc tiêu cực, hay cảm giác lo âu, sợ hãi, hãy thành thật đối diện với chúng. Sự thành thật này giúp bạn nhìn nhận những gì đang xảy ra và có những cách để giải quyết chúng hiệu quả. Hãy tập trung chăm sóc và phát triển bản thân để tự tin đối mặt với nỗi sợ của mình.
Nhưng cũng đừng cảm thấy bất an nếu bạn trải qua nhiều hơn một cảm xúc tiêu cực. Bởi cảm xúc của con người không đơn giản, bạn không thể lúc nào cũng kiểm soát nó.
Chân thành lắng nghe người khác
Khi ai đó chia sẻ với bạn về tình huống họ đang gặp phải, thay vì dùng những lời lẽ sáo rỗng thông thường, hãy cho họ cảm giác an lòng và cho họ biết rằng bạn sẵn sàng lắng nghe họ giãi bày, và sẵn sàng hỗ trợ họ khi cần thiết. Hãy để họ chấp nhận cảm xúc thật của mình và giúp họ tìm thấy hướng giải quyết, thay vì luôn bảo họ phải cố gắng phấn chấn và vui vẻ hơn.
Xem thêm: 8 nguyên tắc giúp dân văn phòng rèn luyện kỹ năng lắng nghe để “luôn luôn thấu hiểu”
Hãy để bản thân cảm nhận những xúc cảm tiêu cực, dành thời gian cảm nhận và xem xét những việc mình đang trải qua. Khi bạn đã có cái nhìn bao quát, bạn sẽ tìm ra cách giải quyết vấn đề phù hợp. Từ đó, có những hành động để thay đổi cuộc sống của mình.
Ngoài ra, hãy thoải mái và cởi mở hơn với suy nghĩ của mình. Sẵn sàng nói ra hết những suy nghĩ trong lòng nếu đang cảm thấy tiêu cực. Bạn có thể giải phóng năng lượng tiêu cực bằng việc viết vào nhật ký hoặc chia sẻ với một ai đó gần gũi với bạn. Nhờ vậy, bạn có thể trút đi được phần nào gánh nặng “tiêu cực” và cả cảm xúc “tích cực độc hại”.
Xem thêm: Tư duy tích cực là gì? Bật mí bí quyết giúp bạn tích cực trong mọi hoàn cảnh
Đừng quên khi cần tìm kiếm công việc mới, truy cập ngay Việc Làm 24h nhé.