Đứng trước bối cảnh thị trường kinh doanh ngày càng cạnh tranh gay gắt, trademark là một trong những công cụ quan trọng trong quá trình xây dựng và bảo vệ thương hiệu doanh nghiệp. Vậy trademark là gì? Vì sao doanh nghiệp cần đăng ký trademark? Quy trình đăng ký trademark ra sao? Tất cả sẽ được giải đáp trong bài viết dưới đây của Nghề Nghiệp Việc Làm 24h!
Trademark là gì?
Theo Tổ chức sở hữu trí tuệ thế giới (WIPO): Trademark (nhãn hiệu) là các dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hoá, dịch vụ cùng loại hoặc tương tự của các cơ sở sản xuất, kinh doanh khác nhau.
Cùng với đó, theo khoản 16 Điều 4 Luật sở hữu trí tuệ Việt Nam định nghĩa: Nhãn hiệu là dấu hiệu dùng để phân biệt hàng hóa, dịch vụ của các tổ chức, cá nhân khác nhau.
Trademark là nhãn hiệu được bảo hộ bởi pháp luật, là những thứ có tính chất hữu hình tên thương hiệu, logo, slogan, giấy chứng nhận, giấy đăng ký,… hoặc bất kỳ yếu tố nào khác được sử dụng để phân biệt các sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp này với doanh nghiệp khác.
Vì sao nhiều doanh nghiệp đăng ký trademark?
Việc sở hữu thương hiệu được bảo hộ là ưu tiên hàng đầu của các doanh nghiệp. Hiện nay, thủ tục đăng ký trademark không bắt buộc theo pháp luật Việt Nam, tuy nhiên, có nhiều lý do mà doanh nghiệp nên đăng ký trademark:
Thứ nhất: Đăng ký trademark giúp doanh nghiệp bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ đối với tên thương hiệu, biểu tượng, logo, slogan,… Thông qua đó, doanh nghiệp có thể sử dụng độc quyền nhãn hiệu và ngăn chặn các hành động sao chép, sử dụng trái phép hoặc cố ý gây nhầm lẫn nhằm trục lợi. Đồng thời, khách hàng cũng có thể xác định thương hiệu đáng tin cậy và bài trừ tệ nạn hàng nhái, hàng giả hay hàng kém chất lượng.
Thứ hai: Những nhãn hiệu đã đăng ký độc quyền đều là những thương hiệu có tên tuổi, đảm bảo chất lượng sản phẩm/dịch vụ cung cấp. Thông qua đó, doanh nghiệp có thể xây dựng và duy trì sự chuyên nghiệp, mức độ uy tín trên thị trường.
Thứ ba: Trademark cung cấp cơ sở pháp lý để doanh nghiệp có cơ hội ngăn chặn và giải quyết các tranh chấp hoặc hành vi vi phạm liên quan đến thương hiệu.
Thứ tư: Nhãn hiệu đã được đăng ký chính thức trở thành tài sản giúp doanh nghiệp tăng giá trị và mở ra cơ hội kinh doanh. Doanh nghiệp có thể giao dịch, chuyển nhượng hoặc sử dụng nhãn hiệu được đăng ký như một tài sản thế chấp trong các giao dịch tài chính.
Thứ năm: Đăng ký trademark không chỉ giúp doanh nghiệp mở rộng quyền sở hữu trí tuệ mà còn tạo cơ hội mở rộng thị trường quốc tế.
Điểm khác biệt giữa Brand và Trademark là gì?
Nhiều người thường bị nhầm lẫn giữa Brand (thương hiệu) và Trademark (nhãn hiệu). Brand và Trademark là 2 khái niệm có liên quan đến nhau được phục vụ cho các mục đích khác nhau trong kinh doanh cũng như bảo vệ quyền sở hữu trí tuệ. Cụ thể như sau:
Brand (thương hiệu) | Trademark (nhãn hiệu) |
---|---|
– Brand là những gì mà khách -hàng cảm nhận về sản phẩm/dịch vụ. – Brand được xây dựng, công nhận dựa trên quan điểm của khách hàng. – Brand được sử dụng dưới góc độ quản trị doanh nghiệp. – Brand là sự kỳ vọng của khách hàng đối với sản phẩm/dịch vụ của doanh nghiệp. – Tài sản vô hình: Liên quan đến tình cảm, lòng trung thành của khách hàng. – Brand có thể tồn tại lâu dài trong tâm trí khách hàng. |
– Trademark bao gồm từ ngữ, hình ảnh, dấu hiệu, chữ ký, chữ số,… được sử dụng để phân biệt sản phẩm/dịch vụ của các doanh nghiệp khác nhau. – Được pháp luật công nhận và bảo hộ thông qua giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu. – Trademark được sử dụng dưới góc độ pháp lý. – Tài sản hữu hình: Liên quan đến giấy chứng nhận, giấy đăng ký và các tài liệu tương tự. – Trademark có thể thay đổi liên tục theo từng năm. |
Một doanh nghiệp thường đặc trưng bởi một thương hiệu, tuy nhiên, doanh nghiệp đó có thể có nhiều nhãn hiệu cho các sản phẩm hoặc dịch vụ khác nhau.
Biểu tượng Copyright, Service Mark, Registered Trademark là gì?
Registered ®: Registered trademark là nhãn hiệu đã được đăng ký và được USPTO cấp giấy chứng nhận đăng ký, được thể hiện dưới dạng ký hiệu chữ R trong vòng tròn ®. Sở hữu một nhãn hiệu được đăng ký cho phép doanh nghiệp có toàn quyền truy cập và sử dụng độc quyền nhãn hiệu và hưởng lợi từ giá trị nhãn hiệu tăng lên trên thị trường.
Trademark ™: Được dùng để tuyên bố quyền sở hữu đối với một thương hiệu chưa được đăng ký hoặc đang trong giai đoạn lấy giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chính thức. Sử dụng ký hiệu này bên cạnh tên thương hiệu giúp doanh nghiệp khẳng định quyền sở hữu trí tuệ và ngăn chặn hành vi sao chép, sử dụng trái phép.
Service Mark ℠: Được dùng để tuyên bố quyền sở hữu đối với dịch vụ chưa đăng ký nhãn hiệu. Tuy có tính chất tương tự như ký hiệu ™ nhưng dựa vào ℠, khách hàng có thể biết rằng doanh nghiệp đang cung cấp dịch vụ mà không phải nhãn hiệu hàng hoá.
Copyright ©: Được dùng để bảo vệ các sản phẩm, dịch vụ, tài liệu hoặc nội dung sáng tạo của thương hiệu.
Các loại hình trademark được sử dụng phổ biến trên thị trường
Có nhiều hình thức đăng ký trademark mà doanh nghiệp có thể lựa chọn cho sản phẩm, dịch vụ như sau:
Hình thức bảo hộ nhãn hiệu | Mô tả | |
Nhãn hiệu truyền thống | Nhãn hiệu chữ (Word Mark) | Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho chữ hoặc ký tự. |
Nhãn hiệu hình (Figurative Mark) | Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hình ảnh hoặc đồ hoạ. | |
Nhãn hiệu tổng hợp (Composite Mark) | Đăng ký bảo hộ nhãn hiệu cho hình thức kết hợp giữa chữ và hình. | |
Nhãn hiệu tập thể và chứng nhận | Nhãn hiệu tập thể(Collective Marks) | Đăng ký bảo hộ để phân biệt sản phẩm/dịch vụ của các thành viên của tổ chức, là chủ sở hữu nhãn hiệu đối với sản phẩm/dịch vụ của các cá nhân không thuộc tổ chức đó. |
Nhãn hiệu chứng nhận(Certifications Marks) | Đăng ký bảo hộ nhằm chứng thực sản phẩm/dịch vụ đáp ứng tiêu chuẩn chất lượng nào đó. | |
Nhãn hiệu phi truyền thống | Nhãn hiệu hình 3D(3D shape) | Đăng ký bảo hộ cho bao bì thể hiện yếu tố 3 chiều của sản phẩm. |
Nhãn hiệu màu sắc(Colour) | Đăng ký bảo hộ cho màu sắc đi kèm hình ảnh và chữ. | |
Nhãn hiệu chuyển động, âm thanh, hologram(Movement, Sound and Hologram) | Đăng ký bảo hộ cho biểu diễn đồ hoạ bằng chữ, minh hoạ ký hiệu hoặc hình ảnh của sản phẩm/dịch vụ. | |
Nhãn hiệu đóng gói bao bì(Aspect of packaging) | Đăng ký bảo hộ cho bao bì sản phẩm. |
Quy trình đăng ký trademark là gì?
Dưới đây là quy trình 4 bước đăng ký trademark tại Việt Nam:
Bước 1: Nộp hồ sơ đăng ký trademark tại Cục Sở hữu trí tuệ
Đầu tiên, doanh nghiệp cần chuẩn bị hồ sơ đăng ký nhãn hiệu bao gồm:
- 2 tờ khai yêu cầu cấp giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu mẫu số 04-NH theo Thông tư 01/2007/TTBKHCN
- 5 mẫu nhãn hiệu kích thước 80mm x 80mm
- 1 bản sao Giấy phép kinh doanh có công chứng
- Bản đồ khu vực địa lý
- 1 Giấy ủy quyền
- Chứng từ nộp lệ phí
Người nộp đơn có thể nộp đơn trực tiếp hoặc gửi qua bưu điện đến Cục Sở hữu Trí Tuệ theo một trong các địa chỉ sau:
- Trụ sở Cục Sở hữu trí tuệ. Địa chỉ: 386 Nguyễn Trãi, Thanh Xuân, Hà Nội.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ Đà Nẵng. Địa chỉ: Tầng 3, số 135 Minh Mạng, phường Khuê Mỹ, quận Ngũ Hành Sơn, Đà Nẵng.
- Văn phòng đại diện Cục Sở hữu trí tuệ TP. Hồ Chí Minh. Địa chỉ: Lầu 7, tòa nhà Hà Phan, 17/19 Tôn Thất Tùng, phường Phạm Ngũ Lão, quận 1, TPHCM.
Bước 2: Thẩm định hình thức đơn đăng ký
Đơn đăng ký sẽ được thẩm định trong vòng 1 tháng kể từ ngày nộp đơn.
Các yêu cầu về hình thức đơn đăng ký bao gồm:
- Mỗi yêu cầu cấp văn bằng bảo hộ nhãn hiệu chỉ áp dụng cho 01 văn bằng cụ thể và văn bằng đó phải liên quan đến nhãn hiệu được nêu trong yêu cầu.
- Tất cả các tài liệu phải được viết bằng tiếng Việt. Theo quy định tại điểm 7.3 và 7.4 Thông tư 01/2007/TTBKHCN, tài liệu bằng ngôn ngữ khác phải được dịch sang tiếng Việt.
- Các tài liệu phải được trình bày theo chiều dọc trên khổ giấy A4 (210x297mm), lề 20mm ở 4 phía, sử dụng phông chữ Times New Roman và cỡ chữ không nhỏ hơn 13.
- Nếu có mẫu cho tài liệu, người nộp đơn phải sử dụng chính xác mẫu đó và điền thông tin đầy đủ vào các phần được yêu cầu.
- Nếu tài liệu có nhiều trang, người nộp đơn phải đánh số thứ tự bằng chữ số Ả-rập vào mỗi trang.
- Tài liệu phải được in hoặc đánh máy bằng mực không phai, sạch sẽ, rõ ràng, không được sửa chữa hoặc tẩy xóa. Nếu có lỗi chính tả không quan trọng, có thể sửa chữa nhưng phải có chữ ký xác nhận của người nộp đơn ở chỗ đã chỉnh sửa.
- Thuật ngữ sử dụng trong đơn đăng ký phải đồng nhất và là ngôn ngữ thông thường. Các phông chữ, quy tắc chính tả, ký hiệu, đơn vị đo lường phải tuân theo tiêu chuẩn của Việt Nam.
- Đơn đăng ký có thể đính kèm các tài liệu điện tử chứa một phần hoặc toàn bộ thông tin của đơn.
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo chấp nhận hồ sơ nếu hồ sơ hợp lệ. Trường hợp hồ sơ không hợp lệ, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ thông báo lý do không chấp thuận đơn và yêu cầu người nộp đơn phải sửa chữa hoặc giải trình trong thời hạn 2 tháng. Nếu người nộp đơn sửa chữa không đạt yêu cầu hoặc không có ý kiến phản đối/phản đối không xác đáng, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ từ chối chấp nhận hồ sơ.
Bước 3: Thẩm định nội dung
Thời gian thẩm định nội dung hồ sơ không quá 9 tháng kể từ ngày có quyết định chấp nhận hồ sơ. Đây là bước đánh giá khả năng được bảo hộ của đối tượng được nêu trong hồ sơ đăng ký và xác định phạm vi bảo hộ.
Bước 4: Thông báo cấp văn bằng bảo hộ
Cục Sở hữu trí tuệ sẽ quyết định cấp hoặc từ chối cấp văn bằng bảo hộ. Nếu hồ sơ đăng ký đáp ứng đủ điều kiện và người nộp đơn hoàn tất nộp lệ phí, Cục Sở hữu trí tuệ sẽ tiến hành cấp văn bằng bảo hộ và công bố trên Công báo Sở hữu công nghiệp tại website của Cục Sở hữu trí tuệ. Doanh nghiệp sẽ nhận được Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu 2-3 tháng kể từ ngày nộp lệ phí cấp văn bằng.
Những lưu ý quan trọng khi đăng ký trademark là gì?
- Việc đăng ký bảo hộ nhãn hiệu chỉ cho phép doanh nghiệp sử dụng từ hoặc cụm từ đăng ký đối với sản phẩm/dịch vụ cụ thể. Do đó, doanh nghiệp không có toàn quyền sở hữu hợp pháp 1 từ hoặc 1 cụm từ cụ thể và ngăn chặn người khác sử dụng nó.
- Trademark nên được mô tả chi tiết, rõ ràng và sử dụng từ ngữ sáng tạo, độc đáo để dễ dàng phân biệt với đối thủ.
- Sau khi xác nhận quyền bảo hộ, doanh nghiệp nên gắn biểu tượng đã đăng ký trademark lên logo để tăng độ nhận diện công chúng.
- Giấy chứng nhận đăng ký nhãn hiệu chỉ có hiệu lực trong vòng 10 năm, vì thế, các doanh nghiệp cần thực hiện thủ tục gia hạn khi hết hạn trong tương lai.
Kết luận
Khi tình hình kinh doanh ngày càng phát triển, đăng ký trademark là thủ tục quan trọng giúp doanh nghiệp đảm bảo quyền sở hữu độc quyền đối với sản phẩm/dịch vụ của thương hiệu. Hy vọng bài viết trên của Vieclam24h.vn đã giúp bạn đọc hiểu rõ trademark là gì và quy trình đăng ký trademark đúng chuẩn.
Bên cạnh đó, Vieclam24h.vn cung cấp công cụ tạo CV online với hàng trăm mẫu CV hoàn toàn miễn phí. Ngoài nội dung đúng chuẩn dựa theo vị trí công việc và lĩnh vực ứng tuyển, các bạn có thể thỏa sức sáng tạo CV cá nhân với chức năng tùy chỉnh màu sắc, nội dung, bố cục,… để tìm việc nhanh chóng tại môi trường làm việc mơ ước.
Xem thêm: Top các khóa học thiết kế đồ họa chất lượng uy tín cho người mới bắt đầu